Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

 

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ


Buddhadàsa Bhikkhu (Tì Khưu Phật Sứ) xuất gia năm 1926, lúc bấy giờ 20 tuổi. Sau mấy năm đọc sách tại Bangkok, ngài phát nguyện sống trong cảnh giới thiên nhiên để tìm hiểu Phật Pháp. Năm 1932, ngài thành lập Trang Lâm Giải Thoát, tiền thân của Trung Tâm Phập Pháp Sum Lâm, là một trong vài trung tâm dạy thiền quán ở miền nam Thái Lan. Ngoài những bài thuyết giảng và các tác phẩm, Tì Khưu Phật Sứ còn nổi tiếng qua việc thành lập các “Trang Lâm” mà trong những năm gần đây đã được lưu truyền rộng rãi, và được coi là “một sự kiện có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Thái Lan.” Dưới đây xin giới thiệu những việc đáng kể mà ngài đã cống hiến cho Phật giáo.

Tì Khưu Phật Sứ hết lòng kiến lập và giải thích rõ yếu nghĩa thuần chánh của Phật giáo nguyên thủy. Ngài dầy công nghiên cứu Tam Tạng Kinh điển qua bản Pa-Li ngữ (nhất là Tạng Kinh), rồi căn cứ vào giáo lý đó để thực nghiệm và tu hành; nhờ vậy ngài đã thực chứng được phương pháp diệt khổ và muốn truyền giảng cho chúng sanh. Mục tiêu của ngài là nghiên cứu và tu hành để viết thành một hệ thống tham khảo đầy đủ. Phương pháp của ngài luôn luôn hợp với khoa học, dễ hiểu, thật xứng đáng cho người ta thực hành.

Tuy ngài chỉ trải qua bảy năm giáo dục chính thức và học Pa-Li văn sơ cấp, vậy mà ngài đã có vinh dự được các trường đại học Thái Lan tặng năm bằng tiến sĩ danh dự. Tác phẩm và những bản ghi chép lời diễn giảng của ngài xếp đầy cả một gian phòng của thư viện quốc lập Thái Lan, tạo nhiều ảnh hưởng để các Phật tử Thái dốc lòng tu hành.

Giới tiến bộ trong xã hội Thái Lan, nhất là những người trẻ tuổi đã thấm nhuần được giáo pháp thâm sâu của ngài. Từ thập niên 1960 đến nay, những người thuộc các ngành giáo dục, phước lợi xã hội, các nhà tư tưởng, các giới phát triển nông thôn, đều tiếp thụ giáo pháp và khải thị của ngài.

Từ khi thành lập “Trang Lâm” đến nay, ngài nghiên cứu tất cả các pháp môn Phật giáo, và tìm tòi truyền thống tôn giáo chủ yếu. Công trình này nặng nề về thực vụ, chứ không phải về học thuật. Ngài có ý kết hợp tất cả những người sẳn có nhiệt tình tôn giáo cùng nhau phấn đấu đánh đuổi lòng tự kỷ, mong cứu vãn toàn thể nhân loại. Tấm lòng rộng rãi này giúp ngài thu hút nhiều bằng hữu và học sinh từ các nơi trên thế giới, bao gồm những người theo Cơ Đốc Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáọ và Do Thái Giáo.

Ngài đã dốc toàn lực để đẩy mạnh một kế hoạch sau cùng trước khi từ trần: Kiến lập Trung Tâm Tu Tập Phật Giáo Quốc Tế, với những mục tiêu như:

* Mở những khóa học để giúp những người ngoại quốc và Thái Lan nhận thức chân lý đã giải thích trong Phật Pháp, và hướng dẫn họ tu hành.

* Triệu tập hội nghị gồm đại biểu của các tôn giáo khác nhau ở Thái Lan (trong tương lai sẽ mở rộng đến các tôn giáo toàn thế giới), để xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau vận động cho hòa bình thế giới.

* Mời Phật tử khắp nơi trên thế giới tới dự những cuộc hội thảo để thảo luận và hoạch định những chương trình của Trung Tâm Phật Giáo Quốc Tế này.

Xem mục lục