Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói về nhân duyên hòa hợp rằng, tất cả các thứ biến hóa trong thế gian đều nhân bốn đại hòa hợp mà phát hiện ra. Thế sao Như Lai đều bài bác cả hai nghĩa nhân duyên và tự nhiên? Nay con không biết nghĩa ấy như thế nào, cúi mong Phật thương xót khai thị cho chúng sanh nghĩa trung đạo rốt ráo, không còn các điều hý luận.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo ông A Nan: Trước kia ông đã chán lìa các pháp Tiểu thừa Thanh Văn, Duyên Giác mà phát tâm cần cầu Giác ngộ vô thượng, nên nay ta vì ông chỉ bày đệ nhất nghĩa đế. Sao ông lại còn đem những vọng tưởng nhân duyên hý luận thế gian mà tự ràng buộc?

Ông tuy nghe nhiều mà như người nói tên thuốc, đến khi thuốc thật đang ở trước mắt lại chẳng phân biệt được. Như Lai bảo thế thật là đáng thương xót! Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông phân biệt khai thị và cũng khiến cho những người tu Đại thừa mai sau thông đạt thật tướng.
A Nan im lặng, chờ nghe lời Phật chỉ dạy.

……………………………………….

Ngài A Nan còn thắc mắc rằng Đức Phật thường nói về nhân duyên từ đầu, lần thuyết pháp thứ nhất cho đến lần thứ hai, thứ ba, mà nay Phật lại bác bỏ nhân duyên.

Thật ra Đức Phật không bác bỏ nhân duyên, mà đưa nhân duyên vào thật nghĩa, vào Đệ nhất nghĩa đế, cũng tức là thật tướng của tất cả các pháp.

Cái thấy hay quan kiến của Tiểu thừa là nhân duyên thì sanh diệt.

Đó là điều mà người nào cũng đều công nhận, vì có cái nhân duyên nào tránh khỏi vô thường. Với cái thấy nhân duyên sanh diệt, thực tại bèn chia thành hai thế giới. Một thế giới do nhân duyên sanh diệt tạo thành, đó là thế giới sanh tử; và một thế giới không do nhân duyên sanh diệt, đó là thế giới Niết bàn. Sanh tử là do nhân duyên, do đó là sanh diệt. Niết bàn không do nhân duyên, do đó là không sanh diệt.

Cái thấy hay quan kiến Đại thừa cao hơn, rốt ráo hơn nên gọi là đệ nhất nghĩa đế hay thật tướng của tất cả các pháp. Cái thấy này thấy nhân duyên hay tất cả các pháp thì không sanh không diệt, xưa chưa từng sanh nay không từng diệt. Đây là cái thấy bất nhị, không hai, giữa sanh diệt và không sanh diệt.

Nhân duyên không sanh không diệt, hay nói theo Kinh Lăng Nghiêm là “chẳng phải nhân duyên”, nên không có sanh tử có sanh diệt và Niết bàn không sanh diệt. Nói cách khác, sanh tử tức Niết bàn,
đều không sanh không diệt.

Nói theo Kinh Bát Nhã, chẳng phải rằng sanh tử là sắc, một bên, và Niết bàn là Không, một bên. Mà sanh tử sắc tức là Niết bàn Không, Niết bàn Không tức là sanh tử sắc.

………………………………….

 A Nan, như chỗ ông nói, bốn đại hòa hợp phát hiện ra các thứ biến hóa trong thế gian.

A Nan, nếu tánh các đại ấy thể chẳng hòa hợp thì không thể trộn lẫn với các đại khác, cũng như hư không không thể hòa hợp với các sắc tướng.

Nếu tánh của các đại là hòa hợp thì đồng như các thứ biến hóa, trước sau hóa thành lẫn nhau, sanh diệt nối nhau, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, sanh sanh diệt diệt như vòng lửa quay tròn, chưa hề dừng nghỉ. A Nan, như nước thành băng, băng trở lại thành nước. 

…………………………………

Các đại chẳng hòa hợp nghĩa là các đại mỗi cái có riêng bản chất, nghĩa là có sanh ra, mà có sanh thì có diệt. Còn các đại là hòa hợp thì sanh diệt nối nhau, không ngừng nghĩ, đồng như các thứ biến hóa.
Các đại là sanh diệt thì bao giờ có sự giải thoát khi còn có các đại, còn có thế giới?

Ở mức độ quán chiếu cao hơn thì: Các đại không phải hòa hợp nghĩa là các đại vốn không sanh, vì có sanh mới có hòa hợp. Các đại không phải chẳng hòa hợp nghĩa là các đại vốn không diệt, vì có diệt mới có chẳng hòa hợp, có bản chất riêng, đứng riêng một mình.

Tất cả hành động thân ngữ tâm của một Bồ tát là không sanh không diệt, đó là sống trong pháp tánh Như Lai tạng, trong Niết bàn vô trụ xứ.

………………………………….

1. Thu địa đại.

 Ông hãy xét tánh của địa đại, lớn là đất liền, nhỏ là vi trần, cho đến lân hư trần, do chia chẻ các sắc cực vi nhỏ nhất ra bảy phần mà thành. Nếu chẻ lân hư trần nữa thì thật là tánh hư không.
A Nan, nếu lân hư trần này chẻ ra thì thành hư không, vậy thì biết hư không cũng sanh ra được sắc tướng. Nay ông hỏi do hòa hợp sanh ra các tướng biến hóa trong thế gian vậy ông hãy xét một lân hư trần dùng bao nhiêu hư không hòa hợp lại thành hư trần? Lại, lân hư trần chẻ được thành hư không, thì dùng bao nhiêu sắc tướng để hợp thành hư không? Nếu sắc hợp lại thì hợp sắc không thể thành hư không. Nếu hư không hợp lại thì hợp hư không làm sao thành được sắc. Sắc có thể chia chẻ, chứ hư không làm sao mà hợp được?

Ông vốn chẳng biết trong Như Lai tạng, tánh sắc là Chân Không, tánh Không là chân sắc, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh ứng với lượng hay biết, chỉ theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Đó đều là thức tâm phân biệt, so lường, chỉ có trên lời nói, toàn không có thật nghĩa. 

…………………………………………

Thế gian thì thấy địa đại cho đến lân hư trần là cái gì cứng đặc, có hình tướng, màu sắc, đặc tính phân biệt. Còn hư không thì rỗng không, không có gì. Sắc là sắc mà không là không, “sắc hợp lại không thể thành hư không, hư không hợp lại làm sao thành sắc được” . Với cái thấy của thức tâm phân biệt đo lường theo vọng tưởng này, thì hòa hợp hay không hòa hợp chỉ là vọng tưởng hý luận.

Vượt lên cái thấy hư vọng của tâm thức là cái thấy của trí huệ.

Sắc và không đều đồng một tánh Như Lai tạng, thanh tịnh bản nhiên, khắp cả pháp giới, tùy theo tâm nghiệp ứng với lượng hay biết mà hiện bày.

Để đi vào Như Lai tạng diệu chân như tánh này hãy tham thiền “tánh sắc là chân không, tánh không là chân sẳc, thanh tịnh bản nhiên, khắp cả pháp giới”. Sắc là chân không, rỗng rang, thấu suốt. Tất cả các pháp vốn là thanh tịnh xưa nay. Thanh tịnh xưa nay nghĩa là xưa chưa từng sanh, nay chưa từng diệt. Khắp cả pháp giới thì chỗ nào mà không thấy nó?

Hãy đứng trước tấm gương Như Lai tạng này. Tất cả các bóng đều là gương, tánh sắc là Chân Không. Gương là tất cả các bóng, tánh Không là chân sắc. Gương và bóng không hai, tất cả đều thanh tịnh
bổn nhiên, đồng khắp pháp giới, đây tức là tâm Phật.

Thấy như vậy, sống bằng thân ngữ tâm như vậy, đây là tu thật tướng Đệ nhất nghĩa đế.

……………………………………….

2. Thu hỏa đại.

    A Nan, tánh lửa vô ngã, nhờ ở các duyên. Ông hãy xem trong thành, những nhà chưa ăn cơm, khi muốn nhóm lửa thì tay cầm kính dương toại đưa trước mặt trời mà lấy lửa.
A Nan, phàm gọi là hòa hợp, thì như ta cùng ông và một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ kheo hiện nay hợp thành một chúng.
Chúng tuy là một, nhưng gạn xét về căn bản, thì mỗi người đều có thân thể, danh tánh họ hàng. Như Xá Lợi Phất thuộc dòng Bà la môn, Ưu Lâu Tần Loa thuộc dòng Ca Diếp Ba, cho đến A Nan thuộc dòng Cù Đàm.

A Nan, nếu tánh lửa nhân hòa hợp mà có, thì khi người kia cầm kính lấy lửa nơi ánh sáng mặt trời, lửa ấy từ trong kính ra, do từ bùi nhùi mà có hay từ mặt trời đến?
A Nan, nếu từ mặt trời đến, thì lửa ấy đốt được bùi nhùi trong tay ông vậy những rừng cây mặt trời đi qua lẽ ra đều bị đốt cả. Nếu từ trong kính ra, thì lửa ấy đã có thể từ kính ra đốt cháy bùi nhùi, vậy tại sao kính không bị chảy. Cho đến cả tay cầm kính không thấy nóng, thì làm sao kính chảy ra đuợc. Nếu do bùi nhùi sanh ra thì cần gì ánh sáng mặt trời và kính tiếp xúc với nhau rồi lửa mới sanh. Ông hãy xét kỹ, kính thì do tay cầm, ánh sáng mặt trời thì trên trời xuống, bùi nhùi do từ đất sanh, lửa từ phương nào đi đến đây? Mặt trời và kính xa nhau, chẳng phải hòa, chẳng phải hợp, chẳng lẽ lửa sáng không từ đâu mà tự có?

Ông vốn chẳng biết trong Như Lai tạng, tánh lửa là Chân Không, tánh Không là chân lửa, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh ứng với lượng hay biết.
A Nan, ông nên biết, người đời nếu có một chỗ cầm kính thì một chỗ có lửa sanh ra, khắp pháp giới cầm kính thì khắp cả thế gian đều có lửa sanh ra. Lửa sanh ra khắp thế gian đâu có phương chốn, chỉ theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Đó đều là thức tâm phân biệt so lường, chỉ có trên lời nói, toàn không có thật nghĩa.
    

………………………………..

Lửa, trên hiện tượng, thì thấy ít nhất là ba nhân duyên, mặt trời, kính, bùi nhùi. Mỗi cái lại có nhiều nhân duyên khác. Nhưng đi đến tận cùng, các nhân duyên chẳng phải hòa, chẳng phải hợp, chẳng phải có, chẳng phải không.

Cho nên lửa chẳng từ đâu mà có, chẳng phải do những nhân duyên hiện tượng hòa hợp mà có, lửa chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên. Tánh lửa là Chân Không, tánh Không là chân lửa, thanh tịnh bản nhiên, cùng khắp pháp giới.

Lửa không cần một nhân duyên nào cả ngoài Như Lai tạng. Như Lai tạng có ở khắp cả nên lửa cũng có ở khắp cả, chỗ nào cầm kính thì chỗ đó có lửa xuất hiện. Thế nên, lửa không có ở đâu cả mà ở đâu
cũng có lửa. Nó là sự biểu lộ trực tiếp của Như Lai tạng diệu chân như tánh. Cho nên thấy lửa là thấy ngay bản tánh của nó, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới. Như thế thấy trực tiếp lửa, không qua nhân duyên, không cho rằng tự nhiên, không qua thức tâm phân biệt, bèn tức thời giải thoát.

Lửa khồng ở đâu cả mà ở đâu cũng có lửa. Đây là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

…………………………………

3. Thu thủy đại.

 A Nan, tánh nước bất định, khi chảy khi dừng không chừng. Như trong thành Thất La Phiệt, các nhà đại huyễn thuật Ca Tỳ La, Chước Ca La và Bát Đầu Ma, Ha Tát Đa….muốn cầu nước từ mặt trăng để hòa với thuốc huyễn thuật. Các ông ấy trong lúc mặt trăng tròn sáng, tay cầm hạt châu Phương chư, hứng lấy nước trong ánh sáng trăng. Vậy nước ấy từ trong hạt châu ra, do hư không tự có, hay từ mặt trăng đến ?
A Nan, nếu từ mặt trăng đến tức là từ phương xa có thể làm hạt châu ra nước, thì những rừng cây mặt trăng đi qua lẽ ra đều phải chảy nước. Có chảy nước thì cần gì đợi có hạt châu Phương chư? Còn nếu không chảy nước thì rõ ràng nước không từ mặt trăng xuống.

Nếu từ hạt châu mà ra, thì trong hạt châu thường phải chảy nước, đợi gì trăng sáng lúc nửa đêm? Nếu do hư không mà sanh, thì hư không vô bờ bến, nước cũng không có giới hạn, cõi người đến cõi trời đều chìm ngập, làm sao còn có các loài? Ông hãy xét kỹ, mặt trăng từ trời chiếu xuống, hạt châu do tay cầm, mâm hứng nước do người xếp đặt, vậy nước kia từ phương nào chảy đến đây ? Mặt trăng và hạt châu thì cách xa nhau, chẳng phải hòa, chẳng phải hợp, chẳng lẽ nước kia không từ đâu mà tự có?
Ông vốn chẳng biết trong Như Lai tạng, tánh nước là Chân Không, tánh Không là chân nước, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh ứng với lượng hay biết.

Một chốn cầm châu thì một chốn có nước chảy ra. Khắp pháp giới cầm châu thì khắp pháp giới có nước sanh ra. Nước có khắp thế gian mà nào có nơi chốn, chỉ theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Đó đều là thức tâm phân biệt, so lường, chỉ có trên lời nói, toàn không có thật nghĩa. 

……………………………

Nước thì vô tự tánh nên chỗ nào cũng có thể có nước, vô tự tánh nên toàn khắp. “Một chỗ cầm châu thì một chỗ có nước, khắp pháp giới cầm châu thì khắp pháp giới có nước”, chỗ nào cũng có nước nghĩa là chỗ nào cũng có “tánh nước là Chân Không, tánh Không là chân nước”.

“Nước có khắp thế gian”, như thế chúng chẳng phải tánh nhân duyên. Trong tánh tất cả là tánh, đâu cần nhân duyên gì nữa. “Mà nào có nơi chốn”, như thế chẳng phải tánh tự nhiên, vì tự nhiên là có sẵn ở một nơi nào đó. Tánh thì chẳng có nơi chốn, cho nên xem nó là tự nhiên ở một nơi nào đó, là mê lầm.

Đây là “nghĩa trung đạo rốt ráo, không còn các điều hý luận”.

Nghĩa ấy phải thật thấy, phải chứng ngộ. Nước là Như Lai tạng không là gì cả mà là tất cả. Cho nên thấu hiểu được nước là thấu hiểu Như Lai tạng.

…………………………………….

4. Thu phong đại.

A Nan, tánh gió không có tự thể, khi động khi tĩnh, bất thường, ông thường sửa y, khi ở trong đại chúng, góc y Tăng già lê động đến người bên cạnh thì có chút gió phất đến mặt người kia. Gió ấy là từ góc cà sa ra, từ hư không mà phất, hay do từ mặt người kia sanh?
A Nan, nếu gió ấy phất ra do góc áo cà sa thì ông đã đắp gió, cái y phải bay rời khỏi thân ông. Nay ta thuyết pháp ở trong hội này rũ cái y xuống, ông xem cái y của ta gió ở chỗ nào? Chẳng lẽ trong y lại có chỗ chứa gió?
Nếu gió ấy do hư không sanh ra thì khi y ông không động, sao gió chẳng phất. Tánh hư không thì thường còn, gió phải thường sanh. Nếu không có gió lẽ ra hư không phải diệt mất. Gió diệt mất có thể thấy, hư không diệt thì có tướng dạng gì. Nếu có sanh diệt thì đâu gọi là hư không, còn gọi là hư không thì làm sao có gió sanh ra được?
Nếu gió ấy sanh ra từ mặt người bị góc y phất, thì gió từ mặt người ấy sanh ra lẽ ra phải phất vào ông, sao lại tự sửa y mà gió phất ngược vào người kia, hư không lặng yên chẳng hề lay động, thì gió từ phương nào phát động đến đây? Tánh gió và tánh hư không cách biệt, chẳng phải hòa, chẳng phải hợp, chẳng lẽ tánh gió không do đâu mà tự có.

Ông vốn chẳng biết trong Nhu’ Lai tạng, tánh gió là Chân Không, tánh Không là chân gió, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh, ứng với lượng hay biết.
A Nan, như một mình ông hơi phất cái y thì có chút gió bay ra, khắp cả pháp giới đều phất thì khắp cõi nước đều có gió sanh ra. Phong đại khắp cả thế gian mà không có phương chốn, chỉ theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Đó là thức tâm phân biệt so lường, chỉ có trên lời nói, toàn không có thật nghĩa.

……………………………

Gió ở khắp cả mà không ở đâu cả, chỉ tùy theo nghiệp mà phát hiện.

Gió vô tự tánh nên gió ở khắp cả, vì ở khắp tất cả nên đó là Như Lai tạng diệu chân như tánh thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp Pháp giới. Hiện quán (thấy trực tiếp, thấy thẳng) như vậy bèn thấy tánh.

Tất cả các tướng, tất cả các đại đều là tánh, có gì là tánh nhân duyên hay tánh tự nhiên?

……………………………….

5. Thu không đại.

A Nan, hư không không có hình tướng, nhân sắc mà hiển ra. Như trong thành Thất La Phiệt ở xa sông, những người dòng Sát Đế Lợi, dòng Bà la môn, dòng Tỳ Xá, dòng Thủ Đà hay dòng Phả La Đọa, dòng Chiên Đà La….khi dựng nhà mới thì đào giếng để lấy nước. Đào lên một thước đất thì trong ấy có một thước hư không, như vậy đào lên được một trượng, thì trong đó lại được một trượng hư không. Hư không cạn hay sâu tùy theo đào lên ít hay nhiều. Hư không ấy nhân đất mà ra, nhân đào mà có hay không nhân gì mà tự sanh?

A Nan, hư không đó không do gì mà tự sanh thì trước khi chưa đào đất, sao chỗ ấy không trống rỗng mà chỉ thấy đất đai, chẳng có thông suốt? Nếu nhân đất mà ra, thì khi đất được moi ra phải thấy có hư không vào. Nếu đất đã ra trước mà không thấy hư không vào, sao nói hư không nhân đất mà có. Còn nếu không ra không vào thì hư không và đất vốn không khác nhân duyên. Không khác tức là đồng, thì khi đất ra sao lại chẳng thấy hư không ra. Nếu nhân đào mà ra, thì đào phải có ra hư không chớ chẳng phải ra đất. Nếu chẳng phải nhân đào mà có ra, thì đào tự ra đất, sao lại thấy hư không?

Ông hãy xét xem, xét kỹ xem kỹ, đào là do tay người, tùy nơi vận chuyển, đất nhân nơi mặt đất mà dời đi, như thế hư không nhân đâu mà ra? Đào và hư không, một cái thật, một cái hư, không tác dụng gì với nhau, chẳng phải hòa, chẳng phải hợp, chẳng lẽ hư không không từ đâu mà tự có?
Nếu hư không ấy tánh nó tròn đầy toàn khắp, vốn không động lay thì phải biết rằng hiện giờ ngay trước mắt đây, hư không và đất, nước, lửa, gió đều gọi là năm đại, tánh chân thật viên dung, đều là
Như Lai tạng, vốn không sanh diệt.
A Nan, tâm ông mê mờ, chẳng ngộ bốn đại nguyên là Như Lai tạng. Ông hãy nhìn kỹ ngay hư không là ra, là vào hay chẳng ra chẳng vào.

Ông hoàn toàn không biết trong Như Lai tạng, tánh giác là Chân Không, tánh Không là chân giác, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh ứng với lượng hay biết.
A Nan, như một cái giếng trống không thì hư không có trong một cái giếng, hư không mười phương lại cũng như vậy. Không đại tròn đầy khắp mười phương, đâu có phương chốn, chỉ theo nghiệp mà phát hiện.Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Đỏ đều là thức tâm phân biệt so lường, chỉ có trên lời nói, toàn không có thật nghĩa.

………………………………….

Hư không không sanh từ đâu, nó là không chỗ trụ, như chính Như Lai tạng diệu chân như tánh không chỗ trụ.Vì không chỗ trụ nên không chỗ nào có hư không mà không chỗ nào không có hư không.

Điều khác biệt ở đây là không nói, ‘tánh không đại là Chân Không, tánh Không là chân không đại’ mà nói ‘tánh giác là Chân Không, tánh Không là chân giác’, vì không đại hay hư không không phải là không có gì cả, không là gì cả, một thể rỗng không chết khô, mà hư không là tánh giác, ở đâu có hư không thì ở đó có tánh giác.

Năm đại bản tánh tròn đầy toàn khắp, vốn không động lay, chân thật, viên dung đều là Như Lai tạng vốn không sanh không diệt. Đất, nước, lửa, gió, hư không đều là sự biểu lộ của diệu chân như -tánh.
Đây là điều Mật giáo gọi là Ngũ Trí Như Lai, mỗi đại đều có bản tánh là một vị Phật.

Hóa ra sanh tử cho do thức tâm phân biệt so lường, chỉ là ngôn ngữ danh tự mà vọng thấy ra. Xưa chân như, nay chân như, mai sau chân chư, thì vọng thấy sanh tử ở chỗ nào?

………………………………………

6. Thu kiến đại.

A Nan, cái biết của kiến đại thì không phân biệt giống như không biết, nhân sắc không mà có. Như hiện nay ông ở trong rừng Kỳ Đà, sớm mai thì sáng đêm thì tối. Đến lúc nửa đêm có trăng thì sáng, không trăng thì tối. Những tướng sáng tối ấy nhân cái thấy phân tích ra. Cái thấy ấy với tướng sáng tối và hư không là đồng một thể hay chẳng đồng một thể? Hoặc đồng vừa chẳng đồng, hoặc khác cũng chẳng khác?

A Nan, nếu cái thấy ấy đồng với sáng tối và hư không nguyên là một thể, thì sáng và tối tiêu diệt lẫn nhau, khi tối thì không sáng, khi sáng thì không tối. Nếu cái thấy cùng một thể với cái tối, thì khi sáng cái thấy phải tiêu mất. Nếu cái thấy cùng một thể với cái sáng, đến khi tối nó phải diệt. Như vậy làm sao còn thấy được sáng, thấy được tối? Còn nếu sáng và tối khác nhau, mà cái thấy thì không sanh diệt, làm sao thành một thể được?
Nếu cái thấy này không đồng một thể với cái sáng và cái tối thì lìa ngoài cái sáng, cái tối và hư không, ông hãy phân tích cội nguồn của cái thấy có hình tướng gì? Lìa ngoài sáng, tối và hư không, cái cội nguồn của cái thấy ấy cũng đồng là lông rùa, sừng thỏ. Nếu ba thứ sáng, tối và hư không hoàn toàn khác nhau thì do đâu lập thành cái thấy?

Sáng và tối trái ngược nhau làm sao hoặc đồng được. Lìa ngoài ba thứ sáng tối và hư không, cái thấy vốn không có gì, thì làm sao hoặc khác được? Phần hư không, phần cái thấy vốn không bờ mé, sao chẳng phải đồng? Thấy tối thấy sáng, tánh nó không thay đổi, sao chẳng phải khác?
Ông hãy xét kỹ, quan sát tinh vi, xem cho kỹ, thấy cho cùng, sáng do mặt trời, tối từ đêm không trăng, thông thuộc hư không, bít thuộc đất đai, thì cái thấy như thế do đâu mà có? Cái thấy thì có biết, hư không thì vô tri, chẳng phải hòa chẳng phải hợp, chẳng lẽ cái thấy không do đâu mà tự phát ra?

Như sự thấy nghe hay biết, tánh viên mãn toàn khắp, vốn chẳng động lay thì phải biết hư không vô biên bất động cùng với bốn đại đất, nước, lửa, gió lay động, đều gọi là sáu đại, bản tánh chân thật viên dung, đều là Như Lai tạng, vốn không có sanh diệt. 
A Nan, tâm ông trôi chìm, không ngộ những sự thấy, nghe, hay, biết của ông vốn là Như Lai tạng. Ông hãy nhìn thấy cái thấy, nghe, hay, biết này là sanh hay là diệt, là đồng hay là khác, là chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, hay chẳng phải đồng chẳng phải khác?

Ông chưa từng biết, trong Như Lai tạng cái thấy là tánh giác minh, tánh giác minh là cái thấy, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh ứng với lượng hay biết. Như một căn mắt thấy khắp pháp giới, thì cái biết nghe, biết ngửi, biết nếm, biết xúc chạm, biết các pháp đều là cái diệu đức sáng rỡ toàn khắp pháp giới, tròn đầy cả mười phương hư không, đâu có phương chốn, chỉ theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Đó đều là thức tâm phân biệt so lường, chỉ có trên lời nói, toàn không có thật nghĩa.

……………………………….

Bốn đại đất nước lửa gió dễ dàng thấy ở bên ngoài, cho nên chỉ nói “ông hãy xét kỹ”. Còn từ hư không cho đến kiến đại, thức đại thì càng ngày càng vi tế, càng đi vào trong, cho nên nói thêm “ông hãy xem xét, xét kỹ, xem kỹ, thấy cho cùng”. Bốn đại đầu thì dễ thấy vì cụ thể, nhưng lại khó thấy sự toàn khắp pháp giới của chúng. Ba đại sau khó thấy vì không cụ thể, nhưng lại dễ thấy sự toàn khắp của chúng.

Chỉ cần Chỉ Quán, tham thiền về một đại cho thấu triệt, người ta sẽ thấy biết thực sự Như Lai tạng.

Kiến đại vốn thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới nhưng vì bị nhiễm ô bởi những kiến chấp ngã, pháp mà thành vọng thấy.

Để trở lại với “kiến giác vô tri”_vô tri, vì không có một chủ thể biết và một đối tượng được biết hãy nhìn bằng một cái thấy không có trung tâm và chu vi. Không có trung tâm, đó là thanh tịnh bản nhiên.

Không có chu vi, tức là toàn khắp pháp giới. Đây là tánh thấy, xưa nay chưa từng lìa cách hở mỗi người bằng cọng lông sợi tóc.

Thấy mà không có tướng nào đề thấy, không bám chấp, đó là “kiến giác vô tri”, cũng tức là tánh thấy. Còn tánh thấy mà có tướng để thấy rồi bám chấp bèn lọt vào cái thấy “trôi chìm”, sanh tử.

Kinh điển thường nói xa lìa, viễn ly. Xa lìa là xa lìa cái thấy có tướng, chấp tướng. Xa lìa được đến đâu thì tánh thấy hiện ra đến đó.

Khi đã xoay các tướng về nguồn tánh, xoay các đại về nguồn tánh của chúng thì “những sự thấy nghe hay biết và bốn đại viên mãn toàn khắp, vốn chằng động lay, bản tánh chân thật viên dung, đều là Như Lai tạng, vốn không sanh diệt”.

Khi ấy cái biết của các giác quan là cái “diệu đức sáng rỡ toàn khắp pháp giới, tròn đầy cả mười phương hư không”, bấy giờ “những sự thấy nghe hay biết của ông vốn là Như Lai tạng”, thấy, nghe, hay, biết cái gì thì cái đó là Như Lai tạng. Khi ngộ được “cái thấy là tánh giác minh, tánh giác minh là cái thấy”, lúc ấy nhìn cái gì thì cái đó cũng là giác, là minh.

Ngập mắt, ngập tai.. .là Như Lai tạng, còn gì hơn được nữa?

Toàn cả ba cõi sanh tử là cái diệu đức sáng rỡ toàn khắp pháp giới của Chính Mình.

……………………………….

7. Thu thức đại.

A Nan, tánh thức không có nguồn gốc, nhân nơi sáu thứ căn và trần mà hư vọng hiện ra. Nay ông hãy xem khắp thánh chúng trong hội này, dùng con mắt lướt qua. Mắt ông nhìn khắp tất cả, chỉ như bóng trong gương, không phân tích riêng biệt. Cái thức của ông ở trong đó, lần lượt nêu chỉ ra, đây là Văn Thù, đây là Phú Lâu Na, đây là Mục Kiền Liên, đây là Tu Bồ Đề, đây là Xá Lợi Phất. Cái thức nhận biết này là sanh từ cái thấy, là sanh từ các tướng, sanh từ hư không, hay là không nhân gì, đột nhiên xuất hiện?

A Nan, nếu thức của ông sanh từ trong cái thấy, nếu không có các tướng sáng tối và sắc không, bốn thứ đã không có thì cái thấy của ông cũng vốn không. Tánh thấy đã không, do đâu có ra cái thức? Nếu thức của ông sanh ra từ các tướng, chứ không từ cái thấy, thì đã không thấy sáng cũng không thấy tối. Sáng tối đã không thấy thì cũng không có sắc không. Các tướng kia còn không có, thức do đâu phát sanh?

Nếu thức sanh nơi hư không, chẳng từ tướng chẳng từ cái thấy, thì ngoài cái thấy thức không thể phân biệt, tự chẳng biết sáng tối sắc không. Ngoài các tướng thì không còn duyên, thì sự thấy, nghe, hay, biết không có chỗ để an lập. Ngoài hai thứ căn trần, nếu là không thì đồng với không có gì hết, còn nếu là có thì chẳng đồng như các vật, dầu cho có phát ra cái thức của ông thì đâu phân biệt được gì? Nếu thức không nhân gì mà bỗng nhiên phát ra, thì tại sao giữa trưa lại không biết phân biệt để thấy mặt trăng sáng?

Ông hãy suy xét kỹ càng, tường tận vi tế, cái thấy gá vào con mắt của ông, các tướng trả về cho trần cảnh, cái gì có tướng trạng thì thành có, cái gì không có tướng thì thành không, vậy cái thức duyên vào đâu mà có ra? Cái thức thì động, cái thấy thì tĩnh, chẳng phải lìa chẳng phải hợp, cái nghe, cái ngửi, cái hay, biết cũng lại như vậy, chẳng lẽ cái thức không duyên vào đâu mà tự có ra?
Nếu cái thức này không do đâu, thì phải rõ biết, cái thức đại và cái kiến đại thấy nghe hay biết vốn tròn đầy trong lặng, bản tánh không từ đâu mà có, cùng với hư không, đất nước lửa gió, gọi chung là bảy đại, tánh chân thật viên dung, đều là Như Lai tạng, vốn không sanh diệt.

A Nan, tâm ông thô sơ trôi nổi, không ngộ cái thức rõ biết các sự thấy nghe vốn là Như Lai tạng. Ông hãy nhìn xem sáu cái thức này là đồng hay khác,  là không hay có, là chẳng phải đồng, chẳng phải khác, là chẳng phải không, chắng phải có?
Ông vốn không biết trong Như Lai tạng tánh thức là rõ biết, tánh biết sáng tỏ là chân thức, cái biết mầu diệu, trong lặng, toàn khắp pháp giới, hàm chứa và xuất ra mười phương hư không, nào có phương chốn, chỉ theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Đó đều là thức tâm phân biệt so lường, chỉ có trên lời nói, toàn không có thật nghĩa.

…………………………………

Thức không do đâu, vô tự tánh, nên thức toàn khắp pháp giới. Toàn khắp pháp giới nên cùng với các đại kia tánh chân thật viên dung, đều là Như Lai tạng, vốn không sanh diệt.

Thấy Bồ tát Văn Thù, các A La Hán Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất… cho đến các chúng sanh bằng cái thấy của tấm gương, “mắt ông nhìn khắp tất cả, chỉ như bóng trong gương, không phân tích riêng biệt”, bèn “ngộ cái thức rõ biết các sự thấy nghe vốn là Như Lai tạng Đại viên cảnh tri”. Đây gọi là chuyển thức thành trí, toàn thức là trí.

“Tánh thức là rõ biết (minh tri), tánh giác sáng tỏ (giác minh) là chân thức”. Tánh thức hay chân thức là sáng tỏ (minh) và biết (tri), đó chính là tánh giác, hàm chứa và xuất ra mười phương hư không. Trong Như Lai tạng, tất cả thức là trí, sáng tỏ, rõ biết, mắt tai nhìn nghe cái gì cũng tức là nhìn nghe Như Lai tạng.

Bảy đại là Như Lai tạng. Lấy thí dụ tấm gương tâm ở trên, thì :
_ Bốn đại đất nước lửa gió là các bóng trong gương
_ Đại hư không là sự trống rỗng bao la của tấm gương
_ Kiến đại là tánh sáng tỏ (minh) của gương
_ Thức đại là tánh biết (giác) của gương

Bảy đại là một, là “diệu đức sáng rõ, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, viên mãn cả mười phương hư không, đâu có phương chốn, chỉ theo nghiệp mà phát hiện”.

Bảy đại chỉ là một tấm gương : các bóng trong gương là tấm gương, sự trống rỗng bao la là của tấm gương, tánh sáng tỏ là của tấm gương, tánh biết là của tấm gương. Một tấm gương duy nhất, đó là Nhất Chân Pháp Giới hay Đại viên cảnh trí.

Chuyển tất cả các đại thành một tấm gương, đó là như trước đã nói, “chuyển vật tức đồng Như Lai”.

Xem mục lục