Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
CHƯƠNG 17
GIẢI THÍCH: ĐÀN BA-LA-MẬT
            KINH: Phật bảo: “Xá-lợi-phất! Bồ-tát Ma-ha-tát do không trú pháp mà trú trong Bát-nhã Ba-la-mật, vì không có gì xả mà được đầy đủ Đàn Ba-la-mật. Vì người cho, người nhận và tài vật đều bất khả đắc vậy.”
            LUẬN: Hỏi: Bát-nhã Ba-la-mật là những pháp gì?
            Đáp: Có người nói: “Tuệ căn vô lậu là tướng Bát-nhã Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì tuệ căn vô lậu là bậc nhất trong các tuệ, nên gọi Bát-nhã Ba-la-mật? Vì tuệ căn vô lậu là bật nhất, nên tuệ căn vô lậu gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.”
            Hỏi: Nếu Bồ-tát chưa dứt hết kiết sử, làm sao được thực hành tuệ vô lậu?
            Đáp: Bồ-tát tuy chưa dứt kiết sử, thực hành vô lậu Bát-nhã Ba-la-mật tương tự, cho nên được gọi là thực hành vô lậu Bát-nhã Ba-la-mật. Thí như người Thanh-văn thực hành noãn pháp, đảnh pháp, nhẫn pháp, thế đệ nhất pháp, trước tiên thực hành pháp vô lậu tương tự, sau mới dễ được sanh ra khổ pháp trí nhẫn-duḥkhe dharmajñānakṣānti.[1]
            Có người nói: “Bồ-tát có hai hạng: Có hạng dứt kiết sử được thanh tịnh; có hạng chưa dứt kiết sử, không được thanh
 

[1] Tham khảo T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận (abhidharmakośa-śāstra-阿 毘 達 磨 俱 舍 論), quyển 23, tr. 121b23-c9; Abhidharmakośa, quyển 7, tr. 393.
 

* Trang 433 *
device

tịnh. Bồ-tát dứt kiết sử được thanh tịnh, thì có thể thực hành vô lậu Bát-nhã Ba-la-mật.
            Hỏi: Nếu Bồ-tát đã dứt kiết sử, được thanh tịnh, sao còn phải thực hành Bát-nhã Ba-la-mật?
            Đáp: Tuy dứt kiết sử, mà mười địa chưa viên mãn, chưa trang nghiêm Phật độ, chưa giáo hóa chúng sanh, thế cho nên thực hành Bát-nhã Ba-la-mật.
            Lại nữa, dứt kiết sử có hai: Một là dứt tâm ba độc, không đắm trước ngũ dục của cõi Người cõi Trời, hai là tuy không đắm trước ngũ dục của cõi Người cõi Trời, nhưng đối với ngũ dục công đức quả báo của Bồ-tát, chưa thể xả ly. Bồ-tát như vậy, nên phải thực hành Bát-nhã Ba-la-mật.
            Thí như Trưởng lão A-nê-lô-đậu,[1] lúc tọa thiền ở trong rừng, Thiên nữ Tịnh Ái v.v... đem thân sạch đẹp đến thử A-nê-lô-đậu. A-nê-lô-đậu nói: “Các chị làm thành sắc xanh đi đến, không dùng tạp sắc, nên muốn quán bất tịnh, không thể quán được. Sắc vàng, đỏ, trắng cũng như vậy.”
            Khi ấy A-nê-lô-đậu nhắm mắt không nhìn mà nói rằng: “Các chị đi cho xa.” Các thiên nữ liền biến mất không hiện.
            Thân hình phước báo của Trời còn như vậy, huống là vô lượng công đức quả báo ngũ dục của Bồ-tát?
            Lại như vua Chân-đà-ra (Indra) cùng với tám vạn bốn ngàn Chân-đa-ra đi đến chỗ Phật, gảy đờn ca tụng để cúng dường Phật. Bấy giờ núi chúa Tu-di và cây cối các núi, nhân dân, cầm thú, hết thảy đều múa. Đại chúng ở bên Phật, cho đến Đại Ca-diếp đều không thể ngồi yên trên tòa.[2] Lúc ấy Bồ-
 

[1]  Tham khảo, T. 12: Bệ bà sa luận (鞞婆沙論), quyển 12, tr. 504b-c.
[2] T. 15: Phật thuyết thuần chân đà la sở vấn Như-lai tam muội kinh (佛說伅真陀羅所問如來三昧經), quyển 1, tr. 351c23-28; T. 15: Đại thọ khẩn na la vương sở vấn kinh (大樹緊那羅王所問經), quyển 1, tr. 371a10-24; xem Đại trí độ luận, quyển 17.
 

* Trang 434 *
device

tát Thiên Tu hỏi: “Trưởng lão Đại Ca-diếp bậc kỳ túc cao niên, bậc nhất về hạnh tu mười hai pháp đầu đà, tại sao không thể ngồi yên trên tòa?” Đại Ca-diếp nói: “Ngũ dục của ba cõi không thể làm lay động tôi, nhưng đây là vì các công đức thần thông quả báo của Bồ-tát khiến tôi như vậy, chứ chẳng phải tôi có tâm động, không thể tự an. Thí như núi Tu-di, gió thổi bốn bề không thể làm lay động, nhưng đến khi đại kiếp tận diệt, có gió Tỳ-lam nổi lên thì như thổi cỏ mục.”
            Do các việc như vậy, nên biết trong hai thứ kiết sử, có một thứ chưa dứt hết. Những Bồ-tát như vậy, nên phải thực hành Bát-nhã Ba-la-mật, ấy là trong A-tỳ-đàm nói.
            Lại có người nói: “Bát-nhã Ba-la-mật là hữu lậu tuệ, vì cớ sao? Vì Bồ-tát khi đến dưới cội Bồ đề mới dứt hết kiết sử. Trước đó tuy có đại trí tuệ, có vô lượng công đức mà các phiền não chưa dứt hết. Thế cho nên nói Bát-nhã Ba-la-mật của Bồ-tát là trí tuệ hữu lậu.”
            Lại có người nói: “Từ sơ phát tâm cho đến khi ngồi dưới cội Đạo thọ, những trí tuệ có được ở khoảng trung gian đó, gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Đến khi thành Phật, thì Bát-nhã Ba-la-mật ấy đổi lại gọi là Tát-bà-nhã.”
            Lại có người nói: “Trí tuệ hữu lậu vô lậu của Bồ-tát dều gọi là Bát-nhã Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì Bồ-tát quán Niết-bàn, hành Phật đạo. Do việc như vậy, nên trí tuệ của Bồ-tát phải là vô lậu. Lại nữa vì chưa dứt hết kiết sử, việc phải làm chưa làm xong, nên gọi là hữu lậu.”
            Lại  có  người  nói: “Bát-nhã Ba-la-mật của Bồ-tát là vô

* Trang 435 *
device

lậu vô vi, không thể thấy, không đối ngại.”
            Lại có người nói: “Bát-nhã Ba-la-mật ấy, là không có tướng gì có thể nắm bắt, hoặc có hoặc không, hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc không, hoặc thật. Bát-nhã Ba-la-mật ấy không nhiếp thuộc ấm, giới, nhập, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, không thủ, không xả, không sanh, không diệt, ra ngoài bốn câu có, không, chính là không dính mắc, thí như ngọn lửa, bốn phía không thể đụng đến, vì làm cháy tay. Tướng Bát-nhã Ba-la-mật cũng như vậy, không thể đụng đến vì tà kiến bị đốt cháy vậy.”
            Hỏi: Các người trên nói về Bát-nhã Ba-la-mật như vậy, người nào nói đúng?
            Đáp: Có người nói: “Mỗi người đều có lý, đều là đúng.” Như kinh nói năm trăm Tỳ-kheo mỗi người đều nói về nhị biên và trung đạo nghĩa. Phật nói họ đều có đạo lý.[1]
            Có người nói: “Người trả lời sau cùng là đúng, vì cớ sao? Vì không thể phá, không thể hoại. Nếu có pháp bằng như ly hào, là đều có sai lầm, có thể phá. Nếu nói không pháp, cũng có thể phá. Trong Bát-nhã này, có cũng không, không cũng không, chẳng phải có chẳng phải không cũng không. Lời nói như vậy cũng không, ấy gọi là pháp tịch diệt vô lượng, không hý luận. Cho nên không thể phá, không thể hoại, ấy gọi là chơn thật Bát-nhã Ba-la-mật, hơn cả, không gì vượt qua được. Cũng như Chuyển luân Thánh vương, hàng phục các kẻ địch mà không tự cao. Bát-nhã Ba-la-mật cũng
 

[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 43, kinh số 1164, tr. 310b20-311a3.
 

* Trang 436 *
device

như thế, có thể phá hết thảy ngữ ngôn hý luận, mà chẳng có gì phá. Lại nữa, từ đây về sau, trong các phẩm, có nhiều lối cắt nghĩa thuyết về Bát-nhã Ba-la-mật, đều là thật tướng. Như vậy, không trú pháp là trụ trong Bát-nhã Ba-la-mật, có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật.
            Hỏi: Thế nào không trú pháp mà trụ trong Bát-nhã Ba-la-mật, có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật?
            Đáp: Bồ-tát như vậy quán hết thảy chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải khổ, chẳng phải vui, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải sanh diệt, chẳng phải không sanh diệt. Như vậy trú trong thậm thâm Bát-nhã Ba-la-mật, mà đối với tướng Bát-nhã Ba-la-mật cũng chẳng chấp thủ, ấy gọi là không trú pháp mà trú. Nếu chấp thủ tướng Bát-nhã Ba-la-mật, ấy là trú pháp mà trú.
            Hỏi: Nếu không chấp thủ tướng Bát-nhã Ba-la-mật, thì tâm không dính mắc. Như Phật đã nói: “Trong hết thảy các pháp, dục là gốc nó.”[1] Nếu không chấp thủ, thì làm sao đầy đủ được sáu Ba-la-mật?
            Đáp: Bồ-tát vì thương xót chúng sanh nên trước tiên lập thệ nguyện: “Ta quyết sẽ độ thóat hết thảy chúng sanh.” Do sức tinh tấn Ba-la-mật, nên tuy biết các pháp bất sanh bất diệt như tướng Niết-bàn, mà lại tu hành các công đức, đầy đủ sáu Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì không trú pháp là trú Bát-nhã Ba-la-mật.                             
__________
 
 

[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgam-中阿含經), quyển 28, lâm phẩm chư pháp bản kinh (林品諸法本經), kinh số 113, tr. 602c2-4.
 

* Trang 437 *
device

Xem mục lục