Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Câu hỏi: Cái trí tầng ý thức bên ngoài là dốt nát và sợ hãi cái trí tầng ý thức bên trong. Ông đang diễn giảng chủ yếu về cái trí tầng ý thức bên ngoài và từng đó đủ chưa? Phương pháp của ông sẽ mang lại sự giải phóng của tầng ý thức bên trong? Làm ơn giải thích cặn kẽ làm thế nào người ta có thể giải quyết được cái trí tầng ý thức bên trong một cách trọn vẹn.

Krishnamurti: Chúng ta biết rằng có cái trí tầng ý thức bên ngoài và tầng ý thức bên trong nhưng hầu hết chúng ta vận hành chỉ ở mức độ bên ngoài, trong tầng ý thức bên ngoài của cái trí, và theo thực tế toàn sống của chúng ta bị giới hạn vào đó. Chúng ta sống trong tầng tạm gọi là ý thức bên ngoài của cái trí, và chúng ta không bao giờ chú ý đến cái trí tầng ý thức bên trong sâu thẳm hơn mà từ đó thỉnh thoảng có một hàm ý, một ám chỉ ra phía bên ngoài; hàm ý đó bị lơ là, bị biến dạng hay bị giải thích theo những đòi hỏi của ý thức bên ngoài đặc biệt của chúng ta ngay lúc đó. Bây giờ người hỏi nêu ra, ‘Ông đang giảng giải chủ yếu về cái trí tầng ý thức bên ngoài và từng đó đủ chưa?’ Chúng ta xem thử liệu chúng ta có ý gì qua từ ngữ cái trí tầng ý thức bên ngoài. Cái trí tầng ý thức bên ngoài có khác biệt cái trí tầng ý thức bên trong? Chúng ta đã phân chia tầng ý thức bên ngoài khỏi tầng ý thức bên trong; điều này có đúng đắn không? Điều này có thực sự không? Có một phân chia như thế giữa tầng ý thức bên ngoài và tầng ý thức bên trong hay sao? Có một rào chắn rõ rệt, một đường ranh nơi tầng ý thức bên ngoài chấm dứt và tầng ý thức bên trong bắt đầu hay sao? Chúng ta biết rằng tầng bên ngoài, cái trí tầng ý thức bên ngoài, là năng động nhưng liệu đó là dụng cụ duy nhất mà năng động suốt ngày hay sao? Nếu tôi chỉ đang giải thích tầng bên ngoài của cái trí, vậy thì chắc chắn điều gì tôi đang nói sẽ không có giá trị, không có ý nghĩa. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đều bám vào điều gì cái trí tầng ý thức bên ngoài đã chấp nhận, bởi vì cái trí tầng bên ngoài thấy rằng thuận tiện khi điều chỉnh đến những sự kiện hiển nhiên nào đó; nhưng tầng ý thức bên trong có lẽ phản kháng, và thường phản kháng, và thế là có sự xung đột giữa cái tạm gọi là tầng ý thức bên ngoài và tầng ý thức bên trong. 

Vì vậy, vấn đề của chúng ta là điều này, đúng chứ? Thật ra chỉ có một trạng thái, không phải hai trạng thái như ý thức bên ngoài và bên trong; chỉ có một trạng thái tồn tại, mà là ý thức, mặc dù có lẽ bạn phân chia nó như cái bên ngoài và cái bên trong. Nhưng ý thức đó luôn luôn thuộc quá khứ, không bao giờ thuộc hiện tại; bạn chỉ nhận biết được những sự việc đã qua rồi. Bạn ý thức được điều gì tôi cố gắng chuyển tải sau đó một giây, bạn hiểu rõ nó một tích tắc sau đó, đúng chứ? Bạn không bao giờ ý thức được hay tỉnh thức được cái ngay lúc này. Hãy nhìn ngắm tâm hồn và cái trí riêng của bạn, và bạn sẽ thấy rằng ý thức đang vận hành giữa quá khứ và tương lai, và rằng hiện tại chỉ là một đoạn đường của quá khứ dẫn đến tương lai. Vì vậy ý thức là một chuyển động của quá khứ đến tương lai. 

Nếu bạn quan sát cái trí riêng của bạn đang vận hành, bạn sẽ thấy rằng chuyển động đến quá khứ và đến tương lai là một qui trình trong đó hiện tại không hiện diện. Hoặc quá khứ là một phương tiện tẩu thoát khỏi hiện tại, mà có lẽ khó chịu, hoặc tương lai là một hy vọng tẩu thoát khỏi hiện tại. Vì vậy cái trí bị bận rộn bởi quá khứ hay bởi tương lai và loại bỏ hiện tại. Đó là, cái trí bị quy định bởi quá khứ, bị quy định như một người Ấn độ, một người Ba la môn giáo hay một người không-Ba la môn giáo, một người Thiên chúa giáo, một người Phật giáo và vân vân, và cái trí bị quy định đó tự-chiếu rọi chính nó vào tương lai; vì vậy nó không bao giờ có thể quan sát một cách trực tiếp và không-thiên lệch vào bất kỳ sự kiện nào. Nó hoặc chỉ trích và phủ nhận sự kiện, hoặc chấp nhận và đồng hóa chính nó cùng sự kiện. Chắc chắn, một cái trí như thế không thể thấy bất kỳ sự kiện nào như một sự kiện. Đó là trạng thái ý thức của chúng ta mà bị quy định bởi quá khứ, và suy nghĩ của chúng ta là sự phản ứng bị quy định đến sự thách thức của một sự kiện; bạn càng phản ứng tùy theo tình trạng bị quy định của niềm tin, của quá khứ nhiều bao nhiêu, càng có sự củng cố của quá khứ nhiều bấy nhiêu. Rõ ràng, sự củng cố của quá khứ đó là sự tiếp tục của chính nó, mà nó gọi là tương lai. Vì vậy, đó là trạng thái cái trí của chúng ta, của ý thức chúng ta – một quả lắc dao động tới lui giữa quá khứ và tương lai. Đó là ý thức của chúng ta, mà được tạo thành từ không chỉ những tầng bên ngoài nhưng còn cả những tầng sâu thẳm bên trong của cái trí. Chắc chắn, ý thức như thế không thể vận hành tại một mức độ khác hẳn, bởi vì nó chỉ biết hai chuyển động tới và lui đó.

Nếu bạn quan sát rất cẩn thận, bạn sẽ thấy rằng nó không là một chuyển động liên tục nhưng có một khoảng ngừng giữa hai suy nghĩ; mặc dù có lẽ chỉ là một phần tích tắc của một giây, có một khoảng ngừng mà có ý nghĩa trong sự dao động tới và lui của quả lắc. Chúng ta thấy sự kiện rằng suy nghĩ của chúng ta bị quy định bởi quá khứ mà được chiếu rọi vào tương lai; khoảnh khắc bạn chấp nhận quá khứ, bạn cũng phải chấp nhận tương lai, bởi vì không có hai trạng thái như quá khứ và tương lai nhưng một trạng thái mà bao gồm cả ý thức bên ngoài và ý thức bên trong, cả quá khứ tập thể và quá khứ cá thể. Quá khứ tập thể và quá khứ cá thể, phản ứng đến hiện tại, cho những phản ứng nào đó mà tạo ra ý thức cá thể; vì vậy ý thức là thuộc quá khứ và đó là toàn nền tảng của sự tồn tại của chúng ta. Khoảnh khắc bạn có quá khứ, rõ ràng bạn có tương lai, bởi vì tương lai chỉ là sự tiếp tục của quá khứ được bổ sung nhưng nó vẫn còn là quá khứ, vì vậy vấn đề của chúng ta là làm thế nào tạo ra một thay đổi trong qui trình này của quá khứ mà không tạo tác một tình trạng bị quy định khác, một quá khứ khác.

Nói cách khác, vấn đề là như thế này: hầu hết chúng ta đều phủ nhận một hình thức đặc biệt của bị quy định và tìm kiếm một hình thức khác, một bị quy định dễ chịu hơn, quan trọng hơn, rộng rãi hơn. Bạn từ bỏ một tôn giáo và thâu nhận một tôn giáo khác, phủ nhận một hình thức của niềm tin và chấp nhận một hình thức khác. Rõ ràng, sự thay thế như thế không là hiểu rõ sống, sống là liên hệ. Vấn đề của chúng ta là làm thế nào được tự do khỏi tất cả tình trạng bị quy định. Hoặc bạn nói không thể được, vì không cái trí con người nào đã từng có thể được tự do khỏi tình trạng bị quy định, hoặc bạn bắt đầu thử nghiệm, tìm hiểu, khám phá. Nếu bạn khẳng định rằng điều đó không thể được, rõ ràng bạn không còn theo đuổi. Sự khẳng định của bạn có lẽ được đặt nền tảng vào trải nghiệm rộng rãi hay giới hạn, hoặc vào sự chấp nhận duy nhất của một niềm tin; nhưng sự khẳng định như thế là sự phủ nhận của sự thật, của tìm hiểu, của thâm nhập, của khám phá. Muốn tìm ra liệu cái trí có thể hoàn toàn được tự do khỏi tất cả tình trạng bị quy định, bạn phải được tự do để tìm hiểu và khám phá.

Bây giờ tôi nói dứt khoát cái trí có thể được tự do khỏi tất cả tình trạng bị quy định – không phải rằng bạn nên chấp nhận uy quyền của tôi. Nếu bạn chấp nhận nó do bởi uy quyền, bạn sẽ không bao giờ khám phá, nó sẽ là một thay thế khác và việc đó không có ý nghĩa. Khi tôi nói có thể được, tôi nói nó bởi vì đối với tôi, nó là một sự thật và tôi có thể giải thích nó cho bạn bằng từ ngữ, nhưng nếu bạn muốn tìm ra sự thật về nó cho chính bạn, bạn phải thử nghiệm nó và theo sát nó thật mau lẹ.

Hiểu rõ toàn qui trình của tình trạng bị quy định không đến với bạn qua sự phân tích hay sự tìm hiểu nội tâm; bởi vì khoảnh khắc bạn có người phân tích, chính người phân tích, chính anh ấy là bộ phận của nền tảng quá khứ và thế là sự phân tích của anh ấy không có ý nghĩa. Đó là một sự kiện và bạn phải gạt bỏ nó đi. Người phân tích mà tìm hiểu, mà phân tích sự việc anh ấy đang quan sát, chính anh ấy là bộ phận của tình trạng bị quy định và thế là bất kỳ giải thích nào của anh ấy, bất kỳ hiểu rõ nào của anh ấy, bất kỳ phân tích nào của anh ấy có lẽ như thế nào, nó vẫn còn là bộ phận của nền tảng quá khứ. Vì vậy bằng cách đó không có sự giải thoát, và phá vỡ nền tảng quá khứ là tối thiết, bởi vì muốn gặp gỡ sự thách thức của mới mẻ, cái trí phải mới mẻ; muốn khám phá Thượng đế, sự thật, hay bất kỳ điều gì bạn muốn, cái trí phải trong sáng, không bị vấy bẩn bởi quá khứ. Phân tích quá khứ, đến được một kết luận qua một chuỗi của những thử nghiệm, tạo ra những khẳng định và những phủ nhận và mọi việc như thế, hàm ý, trong chính bản thể của nó, sự tiếp tục của nền tảng quá khứ trong những hình thức khác nhau; khi bạn thấy sự thật của sự kiện đó bạn sẽ phát giác rằng người phân tích không còn. Vậy thì không có thực thể tách rời khỏi nền tảng quá khứ: chỉ có tư tưởng như nền tảng quá khứ, tư tưởng là phản ứng của ký ức, cả ý thức bên ngoài lẫn ý thức bên trong, cả cá thể lẫn tập thể.

Cái trí là kết quả của quá khứ, mà là qui trình của tình trạng bị quy định. Làm thế nào cái trí có thể được tự do? Muốn được tự do, cái trí phải không chỉ thấy và hiểu rõ sự dao động như quả lắc của nó giữa quá khứ và tương lai mà còn tỉnh thức được khoảng ngừng giữa những suy nghĩ. Khoảng ngừng đó là tự phát, nó không được tạo ra qua bất kỳ thúc đẩy, qua bất kỳ ao ước, qua bất kỳ ép buộc.

Nếu bạn quan sát rất cẩn thận, bạn sẽ thấy rằng mặc dầu phản ứng, chuyển động của suy nghĩ, có vẻ thật mau lẹ, luôn luôn có khoảng trống, khoảng ngừng giữa những suy nghĩ. Giữa hai suy nghĩ có một khoảng yên lặng mà không liên quan đến qui trình của suy nghĩ. Nếu bạn quan sát bạn sẽ thấy rằng khoảng yên lặng đó, khoảng ngừng đó, không thuộc thời gian và sự khám phá khoảng ngừng đó, trải nghiệm trọn vẹn khoảng ngừng đó, giải thoát bạn khỏi tình trạng bị quy định – hay nói khác đi nó không giải thoát ‘bạn’ nhưng có sự giải thoát khỏi tình trạng bị quy định. Vì vậy hiểu rõ qui trình của suy nghĩ là thiền định. Lúc này chúng ta không chỉ đang bàn luận cấu trúc và qui trình của suy nghĩ, mà là nền tảng của ký ức, của trải nghiệm, của hiểu biết, nhưng chúng ta cũng đang cố gắng tìm ra liệu cái trí có thể tự-giải thoát chính nó khỏi nền tảng quá khứ. Chỉ khi nào cái trí không đang trao sự tiếp tục cho suy nghĩ, khi nó vẫn còn ở cùng sự yên lặng mà không bị thúc giục, mà không có bất kỳ nguyên nhân nào – chỉ lúc đó có thể có tự do khỏi nền tảng quá khứ.

Xem mục lục