Bài Viết (701)


Cái Thấy Triết học về những Hiện hữu Hiện tượng

276

Longchen Rabjam giải thích những tri kiến triết học của Đại Thừa chung cũng như của Đại Toàn Thiện và làm thế nào để thể nghiệm chúng trong chương mười của Shingta Chenpo. Cái thấy về bản tánh tối hậu của tất cả hiện hữu hiện tượng là không sanh và không hiện hữu trong thật tánh từ vô thủy và trí huệ bổn nguyên vốn sẵn là bản tánh nền tảng của tất cả.

BẢN TÁNH CỦA TẤT CẢ HIỆN TƯỢNG LÀ KHÔNG SANH

Mọi phương diện (của sự tu hành), bắt đầu từ sự bước vào (con đường tu hành) cho đến sự trọn vẹn của nó, đều có mục đích học về bản tánh. Bản tánh thì không sanh và siêu việt khỏi bốn cực đoan.

Bám luyến vào những đối vật bên ngoài sẽ được buông bỏ do chứng ngộ chúng là (những phóng chiếu của) tâm mình, và v.v…., hay là những hóa thần và lâu đài của các vị. (Bấy giờ) do chứng ngộ rằng cái thấy (về những hiện tượng là những phóng chiếu của tự tâm) là không sanh, thì chính cái đối trị (trở thành) không hiện hữu. Như thế bản tánh của hiện tượng là không sanh.

CÁI THẤY CỦA SỰ CHỨNG NGỘ BẢN TÁNH

Bản Tánh (gNas-Lugs)

(Bản tánh của) tất cả hiện tượng là tánh Không và vô ngã. Nhưng do không chứng ngộ điều này, bởi vì nắm bắt cái “tôi” và cái “của tôi”, chúng sanh bị mê lầm trong sanh tử mê lầm như mộng và họ kinh nghiệm vô số hạnh phúc và khổ đau. Thế nên người ta cần chứng ngộ bản tánh không hiện hữu của (những hiện tượng).

Bác Bỏ Sự Khẳng Định Rằng những Hình Tướng Xuất Hiện
(Hiện Tượng) là Tâm

Dù những sắc tướng xuất hiện với tâm, những hình tướng (khách quan) không phải là tâm…. Khi sự phản chiếu của khuôn mặt bạn xuất hiện trong một tấm gương, nó xuất hiện đúng như khuôn mặt, bởi vì mặt gương trong trong sáng có khả năng làm cho sự phản chiếu xuất hiện và khuôn mặt có tiềm năng xuất hiện hay phóng chiếu sự xuất hiện. Vào lúc đó, sự phản chiếu của khuôn mặt thì không phải là chính khuôn mặt, cũng không phải là một khuôn mặt nào khác với khuôn mặt in bóng vào đó. Tương tự, nhiều loại hiện tượng xuất hiện trong tâm mê lầm bởi vì sự duyên sanh của những nhân và duyên của mê lầm. Những hình tướng ‘khách quan’ khác nhau xuất hiện, như núi non, không phải là tâm. Lại nữa, không có cái gì trong tâm thực sự hiện hữu, mà (chỉ là) những hình tướng (tạo ra bởi) những tập khí mê lầm của tâm. Thế nên chúng là những sắc tướng của những xuất hiện hư vọng. Chúng là những hình tướng xuất hiện sai lầm, hư huyễn, như một người mắt có bệnh quáng sẽ thấy tóc ở trước mắt y….

Có một số (học giả) hỏi : “Những hình tướng đất, đá v.v…. là cái gì nếu chúng không phải là những đối tượng bên ngoài cũng không phải là những giác quan bên trong ?” Trả lời : Tôi nói – “Các người nào nghĩ rằng mọi (hiện tượng) hiện hữu trong nhị nguyên của người nắm bắt hoặc cái được nắm bắt đều là những con heo !” Dù gì đi nữa, có nói (trong kinh) rằng mọi hiện tượng của Sanh tử và Niết bàn đều không hiện hữu như là ở bên ngoài, ở bên trong hay ở giữa, từ thời gian tối sơ của sự xuất hiện của chúng, như (được minh họa bằng) tám ví dụ về huyễn….

Từ những hình tướng xuất hiện này (của những đối tượng trong tâm), chúng là không hiện hữu, khởi lên những mê lầm hư vọng về người nắm bắt và và cái được nắm bắt. Ở đây, cái được nắm bắt nghĩa là tư tưởng khởi lên ngay khoảnh khắc đầu tiên (gặp những hình tướng) qua những đối tượng được nắm bắt. Thế nên tự thân cái tâm khởi lên như là cái được nắm bắt. Người nắm bắt là tư tưởng phân biệt nó khởi lên theo (tư tưởng về cái được nắm bắt) và nó khởi lên từ tâm (Sems) Trong sPyan-Ras-gZigs brTul-Zhugs có nói :

Cái được nắm bắt khởi lên từ tâm, tâm này nắm bắt (những xuất hiện) như là những đối tượng,Người nắm bắt khởi lên từ tâm, tâm này phân biệt những đối tượng được nắm bắt….

Ở đây có người ngu si và kiêu mạn khoa trương : “Cái được nắm bắt là những hình tướng, như núi non, và người nắm bắt là những giác quan của mình.” Đồ chăn cừu ! Đủ rồi những tư tưởng điên đảo của các ông ! Nếu là vậy thì những đối tượng sự vật có xuất hiện với một bậc Giác Ngộ, vị đã từ bỏ toàn triệt người nắm bắt và cái được nắm bắt sao ? Nếu chúng xuất hiện, bấy giờ người nắm bắt và cái được nắm bắt sẽ xuất hiện, như các ông đã chấp nhận rằng đối tượng là cái được nắm bắt và những giác quan là người nắm bắt và rằng những đối tượng có xuất hiện với bậc Giác Ngộ. Nếu những đối tượng không xuất hiện với Ngài, thì bấy giờ có nhiều nguồn (trong kinh điển bác bỏ điều đó) nói rằng chẳng hạn như : “những sự xuất hiện đối với những vị Phật là giống như huyễn hóa”, “những ngọn núi được thấy bởi các A La Hán của hàng Thanh Văn” và “Xuất hiện như những đối tượng (chân lý tương đối) của sự hiểu biết của Phật toàn giác….”

Những đối tượng xuất hiện (những cái được (tri giác) hay tri giác hay sự vật xuất hiện) (sNang-Yul) không phải là tâm (Sems), bởi vì những đối tượng sự vật vẫn tồn tại, dù khi con người không có ở đó. Những sự vật không di chuyển khi con người di chuyển đến nơi khác ; và những sự vật có những màu sắc khác nhau v.v…. Nếu những đối tượng sự vật là bản thân cái tâm, bấy giờ chúng sẽ thay đổi khi tâm thay đổi. Chúng hiện diện khi tâm hiện diện và khi tâm không hiện diện, chúng không phải không hiện diện. Vì tâm không có màu sắc và hình dạng, thì các sự vật cũng phải không có màu sắc và hình dạng. Sự có mặt và vắng mặt của sự xuất hiện là những phóng chiếu của tâm. Thế nên chỉ những xuất hiện là có thể xem là tâm. Nhưng lớn lối rằng những đối tượng của sự xuất hiện là tâm thì rất ngu xuẩn.

Những Hiện Tượng Là Như Huyễn

Những phản chiếu xuất hiện trong một tấm gương không phải là khuôn mặt đi vào trong tấm gương, cũng không phải những phản chiếu xảy ra lìa ngoài khuôn mặt. Cũng thế, cần hiểu rằng từ khoảnh khắc tối sơ khi những hiện tượng xuất hiện trong tâm, chúng hiện hữu không phải như là tâm cũng không phải như là cái gì khác với tâm, như tám ví dụ về huyễn đã làm rõ.

Hiện Hữu Vô Tự Tánh của Tâm

Tất cả mọi hiện tượng có vẻ thật khi chúng không được phân tích. Nhưng nếu bạn truy tìm những hình tướng xuất hiện ở bên ngoài, giản lược chúng thành những nguyên tử (không có phần tử), chúng (sẽ được tìm thấy là) không hiện hữu trong bản tánh của chúng ; thế nên những đối tượng của sự bám chấp là không thể quan niệm được. (Nếu bạn phân tích) chủ thể, tức là tâm, thì không có trong bất cứ phương diện nào một khoảnh khắc của người nắm bắt bên trong, thế nên tinh túy của của tâm thì vượt khỏi việc nắm bắt, và tâm của người nắm bắt là không thể quan niệm được (Mi-dMigs). Chúng là bất nhị, thoát khỏi mọi tạo tác, và vượt khỏi chủ thể và đối tượng của diễn tả.

Những Minh Họa về Không Hiện Hữu trong Thực Tánh

Những hiện tượng xuất hiện trong khi chúng không hiện hữu…. Chúng là không sanh ngay từ khoảnh khắc tối sơ của sự sanh ra của chúng, như mặt trăng trong nước và nước trong một ảo ảnh.

Vô Minh phải được Tịnh Hóa

Chẳng hạn, khi một người bệnh có đờm có những cái thấy ra tóc trước mặt, nó cần chữa bệnh. Cũng thế, (những con mắt của) tất cả chúng sanh bị che phủ từ vô thủy bởi bệnh đục thủy tinh thể của vô minh và của những ý niệm “tôi” và “của tôi”. Từ đó, họ không chỉ không thấy Tâm sáng ngời, Phật tánh hiện diện trong chính họ, mà họ còn thấy ra những hình tướng xuất hiện của những đối tượng bên ngoài, như núi và đá, và những tư tưởng tham đắm bên trong phát sanh do những nhiễm ô phiền não như “cái thấy tóc.” Chúng thật ra không hiện hữu từ khoảnh khắc tối sơ của sự xuất hiện của chúng, nhưng chúng tác động như những trò dối gạt những đứa bé ngu dại….

Bởi vì những bậc Thánh thấy (những hiện tượng) là không hiện hữu trong (thực) tánh của chúng, các ngài chứng ngộ chúng hoàn toàn tương hợp với Phật tánh và sự không hiện hữu của thực tánh.

NHỮNG PHƯƠNG TIỆN TỊNH HÓA VÔ MINH

Học Trung Đạo, Tự Do khỏi Những Biên Kiến Cực Đoan

Để dẹp trừ bệnh đục thủy tinh thể của vô minh, trí huệ thanh tịnh là trí huệ tánh giác phân biện. Khi người ta quan sát bản tánh của những hiện tượng qua (trí huệ phân biện), người ta đạt được giải thoát nhờ tánh Không (tánh rỗng rang) khi thấy nghiệp, những nhiễm ô phiền não với những dấu vết của chúng, xuất hiện mà thật ra không hiện hữu theo cách thế những hình tướng xuất hiện v.v….

Không có sự tách lìa của chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, đó là chân lý bất nhị. Tánh Như của cái thấy trung đạo là thanh tịnh như bản tánh uyên nguyên của sự không hiện hữu của những sự vật từ vô thủy. Bằng cách học điều này, người ta đạt Niết bàn, nó thoát khỏi những phạm trù thường kiến và đoạn kiến, sanh tử và niết bàn. Cái ấy được gọi là ý nghĩa của Đại Toàn Thiện Tự Nhiên (Rang-bZhin rDzogs-Pa Ch’en-Po), nó siêu vượt khỏi những hành động và nỗ lực.

Cắt Đứt Gốc Rễ của Tâm (Nắm Bắt)

Bản thân những hình tướng không trói buộc (bạn vào những mê lầm của sanh tử) bởi vì nếu bạn không gắn bó bằng cách bám chấp vào những hình tướng, chúng sẽ không làm nhiễm ô bạn, vì không có sự nối kết dính dấp nào cả. Sự trói buộc, nô lệ là gắn bó, tham luyến, và quan trọng là từ bỏ cái gắn bó tham luyến này….

Dù nếu bạn từ chối sự bám luyến vào những hình tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc bằng cách nghiên tầm sự không hiện hữu và bất tịnh của chúng trong bản tánh (chân thực của chúng), thì cái tâm đã trở nên bám luyến tự nó không giải thoát được. Nếu một cục đá ném vào một con chó, con chó đuổi theo cục đá và không rượt bắt người liệng đá. Loại tu hành này sẽ không đem lại giải thoát khỏi những nhiễm ô phiền não. Nếu một cục đã ném vào một con sư tử, con sư tử sẽ giết chết người ném. Tương tự, gốc rễ của mọi nhiễm ô phiền não, như sân giận và bám luyến, là tâm. Thế nên người ta cần suy xét bên trong và làm an bình (tâm) bằng trí huệ chứng ngộ sự không hiện hữu trong (thực) tánh.

Tâm Được Phóng Chiếu vào (những Đối Tượng của)
Sáu Thức Thì Không Thật

Khi tâm bạn quan sát tâm bạn, thấu hiểu rằng tinh túy của tâm là không thể nhận biết ở bất kỳ nơi đâu, đó là sự chứng ngộ bản tánh của nó…. bản tánh này siêu vượt khỏi mọi ý niệm, tư tưởng và mọi tạo tác…. Bản tánh này không có căn cứ và gốc gác (của hiện hữu).

Tâm Không Được Tạo Ra

Tâm có vẻ như đang phóng chiếu (’Ch’ar-Ba), nhưng nó không phải là một thực thể bởi vì nó không tăng hay không giảm suốt cả ba thời quá khứ hiện tại vị lai. Ngay từ khoảnh khắc của sự sanh khởi của nó, quá khứ (của tâm) đã diệt và tương lai của nó chưa sanh. Trong hiện tại của nó, không có những phương diện sanh, trụ, diệt tách biệt nào, và nó không hiện hữu dù bạn có tìm kiếm nó đến tận những khoảnh khắc không còn có thể phân chia nữa. Thế nên tâm hiện hữu không phải với tư cách là người tri giác cũng không là cái được tri giác. Bởi thế, người ta cần để cho tự nhiên.

Tâm Là Khoảnh Khắc

Bất cứ loại tư tưởng gì khởi lên trong tâm, nếu bạn tìm kiếm nó, nó sẽ không được tìm thấy, bởi vì chính tâm là người tìm kiếm. Lý do khi nó được tìm kiếm bởi chính nó thì nó sẽ không thể được tìm thấy là người tìm kiếm và cái được tìm kiếm không phải là hai. Nếu tâm được truy cứu rốt ráo, thì không chỉ thấy ra rằng tâm tự nó không hiện hữu, mà tất cả mọi ý niệm đều tịch diệt.

Tâm Vốn Thanh Tịnh và Không Có sự Sanh Ra

Tâm (Sems-Nyid) được gọi là tánh Không vì nó tự nhiên vốn là thanh tịnh và không có căn cứ và gốc tích. (Trong tâm) cách kiểu khởi sanh của vô số (sự vật) là không ngừng, và nó được gọi là hình tướng xuất hiện. Dù cho người ta nghiên tầm tới đâu, tâm thì thoát ngoài những cực đoan thường kiến vì nó không có chất thể và tính cách, và nó thoát ngoài những cực đoan đoạn kiến vì phương diện tỉnh giác thì không hề ngừng. Không có phương diện thứ ba “cả hai” hay “không cả hai”. Thế nên nó vượt ngoài diễn tả và chỉ có thể được gọi là “tánh thanh tịnh tự nhiên”, bởi vì nó siêu vượt nhận biết như “đây là nó”. Nó là trí huệ không dấu vết nhiễm ô bởi những cực đoan có không, thường đoạn…. Nó có những phương diện như là vĩnh cửu, vì nó thoát khỏi biến đổi, nó thoát khỏi mạng lưới những ý niệm thuận nghịch và nó vốn giác ngộ.

(Trong Tâm) Không Có Gì Để Từ Bỏ

Khi tâm được khảo sát với nhiều loại truy cứu, nó được chứng nghiệm là không hiện hữu trong bản tánh (chân thật) của nó ; cũng thế nó không hiện hữu cả khi không được truy cứu. Thế nên tâm là không hiện hữu. (Trong kinh điển) có dạy rằng người ta cần ở trong trạng thái không-tương-tục của phân tích, nhận thức và những tư tưởng cũng như khi người và voi no nê với thức ăn, thì không có từ chối hay chấp nhận, không có những mong mỏi hay nghi ngờ.

TÂM KHÔNG THỂ CHỨNG BIẾT QUA LÝ THUYẾT

Nó sẽ không thể chứng biết bởi một người kiêu mạn

Người chỉ hiểu biết những lời nói của những lý thuyết sẽ không thấu hiểu ý nghĩa thuần khiết của tâm “như nó là”. Những người ấy nghiền ngẫm những ý niệm so đo tính toán, giống nhau, khác nhau v.v…., quạt nhiên liệu của nhiễm ô phiền não với ống gió của những tà kiến, thắp ngọn lửa lớn của khổ đau đủ loại, và đốt cháy tâm thức họ và những người khác. Sự kiêu mạn của họ bằng trái núi….

Những giáo lý về bản tánh không giống như những cái (gọi là) giáo lý này theo cách thức tạo tác những mạng lưới của tưởng tượng (Kun-bTags), chúng lại được nhân lên gấp ngàn lần bởi những người khác. Bản tánh của tâm và của những hiện tượng vốn là thanh tịnh. Bởi thế, không có gì để lập hay bỏ….

Tất cả mọi hiện tượng trong bản tánh của chúng là bất nhị và thanh tịnh. Nếu bạn chứng ngộ cái thấy thấu suốt về tinh túy tối hậu (Ngo-Bo-Nyid) nó là sự không hiện hữu trong thực tánh của nó, bấy giờ bạn chứng ngộ trạng thái tự nhiên hiện tiền. Nếu bạn chứng ngộ tâm, tự do với những đến và đi, bấy giờ không có chỗ nào cho những nhiễm ô phiền não khởi sanh và diệt mất. Nhờ đó bạn chứng ngộ rằng những cái đối trị và những nhiễm ô cần từ bỏ đều không hiện hữu như là hai, và chúng sẽ tự nhiên hoàn thiện trong nơi chốn tự nhiên của chính chúng….

Sự chứng đắc giải thoát bằng cách chứng ngộ điểm thiết cốt thì không nương dựa vào nhận thức về những đối tượng sự vật. Điều đó giống như khi bạn có một giấc mộng, nếu bạn nhận biết đối tượng và bản thân người tri giác (là một giấc mộng), bạn sẽ lập tức tự nhiên thức tỉnh (khỏi giấc mộng). Mặc dù những thừa khác khẳng định rằng giải thoát sẽ thành tựu bằng cách từ bỏ những đối tượng, (thì sự thật vẫn là) người ta vốn không bị trói buộc bởi những hình tướng của tâm và những đối tượng, mà chính là bị trói buộc nếu người ta luyến chấp vào chúng. Thế nên có dạy trong kinh điển rằng người ta cần từ bỏ sự nắm bắt và luyến chấp. Tilopa nói : “Những hình tướng không trói buộc con mà chính là những luyến chấp trói buộc con. Thế nên, Naropa, hãy cắt đứt những luyến chấp….”

Chỉ hình tướng thì không là gì để chối bỏ hay chấp nhận. Thế nên người ta phải không nắm bắt và luyến chấp (vào những đối tượng). Trừ khi chứng ngộ tâm là tinh túy vô sanh, lúc đó người ta không còn làm ra những truy cứu trí thức suốt mọi thời gian (về cái vốn là vô sanh). Bởi vì dù người ta có phân tích, không có cái gì nữa để thấu biết hơn là cái đã vốn có sẵn, và việc đó chỉ làm người ta phóng dật với sự ý niệm hóa.

Tâm Sẽ Không Được Chứng Biết Qua Những Phân Biệt Lý Thuyết

Thực nghĩa của bản tánh, cái Tâm, là tự do khỏi những ý niệm và diễn tả. Thế nên Tánh hay Tâm đó không thể được hiểu bởi những ý niệm và diễn tả. Nó không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu và nó không phải là những cực biên cũng không phải là ở giữa. Thế nên, trong nó không có cái gì để có thể chỉ ra như là những giáo điều. Nó là không phương diện, không chiều kích như bản tánh của không gian, và không rơi vào những khẳng định thiên chấp như là “đây là hệ thống của nó….”

Trong nó không có lời và chữ bởi vì thực nghĩa của những hiện tượng thì vượt khỏi những quan niệm và ý niệm, những cái này chỉ gây ra lầm lạc…. Thế nên phải biết rằng tất cả hiện tượng là bình an, tự nhiên, thanh tịnh và chúng siêu vượt khỏi mọi tính chất của sự ý niệm hóa.

Thí Dụ để Minh Họa Rằng cái Nền Tảng Thì Không Hiện Hữu và
Nó Không Được Chứng Biết Bằng Nghiên Cứu

Ý định tranh cãi về ý nghĩa của bản tánh vốn thoát khỏi (ý niệm về) trung tâm và các nhị biên là gì ? Đó cũng giống như tranh cãi về màu sắc của đóa hoa sen trên bầu trời là vàng hay không vàng.

Những Giáo Huấn về Thiền Định do Trí Thức Tạo Ra
Sẽ Làm Hư Bẩn (Tâm) Như Thế Nào

Qua tu tập thuộc về tạo tác những giai đoạn phát triển và thành tựu, bản tánh vốn tự nhiên hiện tiền từ vô thủy sẽ không được chứng ngộ mà sẽ bị làm lệch, và bản tánh vốn vượt khỏi những chối bỏ và chấp nhận sẽ không được thấy. Thế nên người ta cần đạt đến cái đại toàn thiện của bình đẳng hiện diện tự nhiên…. Trong bản tánh không có con đường nào trong đó để tu hành.

BỐN TOÀN THIỆN

Sự Toàn Thiện của Bản Tánh Nó Là (Bất Biến) Như Hư Không

Tâm (Sems-Nyid) vốn giác ngộ từ vô thủy và không có cái gì mới để tịnh hóa. Thế nên không cần bám chấp vào bỏ đi hay lấy vào…. bởi vì vốn không có cái được nắm bắt và người nắm bắt dù ở ngoài hay ở trong, bởi thế không có sự nắm bắt…. Khi không có một mặt nào có thể chỉ ra để nói, “cái này là nó”, thì sự luyến chấp được nhổ tận gốc !

Khi Người Ta Chứng Ngộ, Người Ta Hoàn Thiện (Mục Tiêu)  
Hoàn Toàn Nhờ Tự Mình Xác Tín

Khi người ta chứng ngộ (bản tánh), người ta sẽ đạt được xác tín tự tin và sẽ hoàn thiện sự chứng ngộ hoàn toàn trong bản tánh (bất biến) của hư không…. Trong trạng thái của tâm bất biến, vui hay buồn và sướng hay khổ nào khởi lên, ngay vào khoảnh khắc khởi lên, nếu người ta không nắm bắt nó, nó sẽ tự giải thoát bởi chính nó. Thế nên không cần những đối trị nào khác. Nó là sự giải thoát tức thời khoảnh khắc, bởi vì nó không có những phương diện sớm hơn hay chậm hơn.

Sự Hoàn Thiện (của Trạng Thái), Thoát Khỏi Người Quan Sát và Cái Được Quan Sát

Bằng cách canh chừng quan sát bất cứ cái gì khởi lên, người canh chừng quan sát mất (chính mình) trong vị trí của nó. Bằng cách tìm kiếm nó đã đi đâu, thì không những nó sẽ không được tìm thấy ở bất cứ nơi đâu hay trong bất cứ chiều hướng nào, mà chính người tìm kiếm sẽ tan biến vào vô niệm. Do đó, cả hai cái, những giác quan làm công việc tìm kiếm và những từ chối và những chấp nhận những đối tượng của công việc tìm kiếm biến mất không một dấu vết. Vắng mặt bất cứ vật gì để nhận biết, đó là Tâm của tôi (Longchen Rabjam), nó giống như hư không.

Sự Hoàn Thiện không có Chỗ Trụ bằng cách Đạt Đến Nền Tảng

Vào lúc đó, đã tự nhiên thành tựu cái thấy Tự Tâm, cái thấy này không chia tách khỏi hư không, người ta an toàn chắc chắn trong trạng thái của Thân Tối Hậu (Pháp thân), nó đang hiện diện trong chính mỗi người…. Bất cứ cái gì khởi lên, nếu người ta đã đạt được chứng ngộ của sự giải thoát vào trong nền tảng, như những đám mây tan trong bầu trời, bấy giờ Tâm được hợp nhất với cõi giới tối hậu (dByings) và trí huệ tự nhiên giải thoát hiện tiền đối với bất cứ cái gì khởi sanh. Bởi thế, trong trạng thái tự nhiên của nó, Tâm không có chỗ trụ dù đi ra hay trở về. Bởi vì nó là sự hoàn thiện của cái vô tướng của những hiện tượng, nó tự do khỏi những cảm thức lấy bỏ ngoại sanh và tự do khỏi lối đi chật hẹp của bám chấp (những sự vật) cho là thật và của những tính cách danh tướng. Bây giờ sự hoàn thiện của bản tánh tối hậu, tự do khỏi đến và đi, đã được thành tựu. Bấy giờ đi đâu ? Không chỗ nào cả. Thiền giả (yogi) đã đạt đến loại trạng thái này siêu vượt khỏi những đối tượng sự vật của mê lầm, và không có ai trở lại những thành phố sanh tử ảo mộng, bởi vì y đã đạt đến nền tảng như hư không. Bởi thế khi Tâm tôi (Long Chen Pa) đã đạt đến cõi giới (tối hậu), những tư tưởng nắm bắt được tịnh hóa vào trong nền tảng của trạng thái bổn nhiên và ba cửa (thân, khẩu, ý) của tôi được giải thoát không có cố gắng nào. Làm sao người khác có thể thấy tôi ở trong trạng thái (chứng ngộ) nào ? Dầu tôi có nói, những người kém phước đức ấy sẽ không thấy được nó “như nó vốn đang là”. Đây là cơ hội để có tự tin vào sự chứng đắc ý nghĩa tuyệt đối.

TỰ XÁC TÍN (TRONG BẢN TÁNH) QUA CHỨNG NGỘ (NÓ)

Đây là thời gian tôi không có ước ao nào đối với những giáo pháp khác, bởi vì tôi hoàn toàn xác tín bản tánh của tôi. Những thiền giả khác với những chứng ngộ của họ đã giải thoát như tôi giải thoát. Giờ đây tôi không có nghi ngờ nào nữa để làm sáng tỏ, cũng như không có người nào chỉ dạy hơn cái tôi đã chứng đắc…. Trong quá khứ có những người, qua những cấp độ và trình tự của cái thấy, thiền định và hoạt động, và dựa vào những giai đoạn cao và thấp và những con đường giống như những bước chân, đã đạt được những hiểu biết và kinh nghiệm của những giai đoạn phát triển của tu hành cao và thấp, nhưng bây giờ đã mất hết bởi vì họ đã bỏ quên nguồn gốc nền tảng của tâm. Bây giờ, với tôi, không có đối tượng, mục tiêu nào để nhắm đến. Dầu sự việc gì xuất hiện, tôi không có sự nắm bắt, như là một người say rượu. Dù những sự vật xuất hiện, tôi không đồng hóa, nhận dạng (Ngos-gZung) chúng như một đứa trẻ. Đối với tôi tất cả hoạt động khởi lên là bình đẳng, tự nhiên, rỗng rang và không mục đích, và chúng nhất như vì vượt ngoài nắm bắt, hiểu biết. Có nói trong Doha, “Sự chứng ngộ như viên ngọc như ý của những bậc thức tỉnh đã làm tan biến những mê lầm thì kỳ diệu….”

Thấy thấu suốt bất cứ cái gì sanh khởi là bản tánh tối hậu (Ch’os-Nyid), người ta giải thoát khỏi nghiệp và những hợp uẩn, bởi vì người ta đã rửa sạch những mê lầm vào trong nền tảng và đã hoàn thiện trong trạng thái không có đối tượng sự vật, như hư không…. Bất cứ điều gì người ta làm, bởi vì (bây giờ) hành động đã được giải thoát vì không có mục đích, tự nhiên vắng mặt sự bám nắm. Thế nên, không có giải thoát không có trói buộc…. Khi người ta đến một giai đoạn như vậy, đó là sự giải thoát do sự chuyển trao những ban phước từ sự chứng ngộ của Lama…. Khi (sự chứng ngộ đã hoàn hảo), người ta ca hát bài ca vốn sẵn tuyệt đối của Tâm trí huệ tự-khởi. Bạn nên biết rằng giáo pháp này là sự chứng ngộ điểm cốt yếu, đại giải thoát khỏi rơi vào thiên kiến nhị biên, và khỏi (sự đặt tên) bản tánh là cái này cái nọ, giáo pháp đó được soi sáng bởi hàng ngàn Tia Sáng Vô Nhiễm (Drimé Oser, một danh hiệu của Longchen Rabjam) cho những người cầu đạo trí huệ sắc bén và rằng nó (Longchen Rabjam) đã đi vào trạng thái Phổ Hiền đại lạc.

NHỮNG HÌNH TƯỚNG VÀ TÂM VỐN GIẢI THOÁT TỪ NGUỒN GỐC CỦA CHÚNG

Đạt đến Đại Toàn Thiện

(i) Những hình tướng xuất hiện là tánh Không. Những phản chiếu khởi lên trong một tấm gương đồng nhất với sự trong sáng của mặt gương. Thật vậy, không có hình sắc nào khác biệt với sự sáng tỏ của tấm gương. Cũng thế, tất cả hiện tượng không hiện hữu tách biệt ngoài tánh Không.

(ii) Tâm phân biệt (những hình tướng) là tánh Không. Khi người ta hưởng thụ những hình tướng chúng là không hiện hữu :

Hãy xem tâm nó phân biệt những hình tướng,
Tâm giống như bầu trời, tự do khỏi lấy bỏ.
Trong bầu trời, dù những đám mây có tụ có tán,
Bầu trời là bất nhị và thanh tịnh.
Cũng thế, bản tánh là Phật bổn nguyên, không ô nhiễm,
Là Tánh vô sanh và vốn tự nhiên thành tựu.

Tâm quan sát được giải thoát khi (sự sanh khởi của) những đối tượng và hình sắc của những hình tướng xuất hiện được tẩy sạch. Đó là sự hoàn thiện của ba thời vào trong bản tánh của hư không khi tâm được giải thoát ngay nơi (sự sanh khởi của) những đối tượng. Chẳng hạn, khi những đám mây trong bầu trời tan biến, chúng tự tan biến vào chính chúng và trở thành không thấy được mà không đi đâu cả ngoài bầu trời…. Luôn luôn mọi hiện tượng trước tiên khởi lên từ cảnh giới vô sanh, rồi trụ trong đó, và cuối cùng được giải thoát trong đó. Bất kỳ giác quan nào khởi lên, trước hết nó khởi sanh từ trạng thái của tánh Không, tức là Tâm, và hiện tại chúng ở trong đó, và cuối cùng diệt mất trong đó.

(iii) Những đối tượng và tâm là bất nhị và trống không. Đối tượng xuất hiện [cái được tri giác] và những giác quan nắm bắt để nhận hiểu [người tri giác] thực ra xuất hiện như một giấc mộng nhưng không hiện hữu làm hai cái. Thế nên chúng phải được hiểu là thoát khỏi bỏ và nắm hay từ chối và chấp nhận…. Bởi thế, do thấu hiểu bất kỳ cái gì xuất hiện là không chân thật, như nước trong một ảo ảnh, người ta cần tu hành tâm không mục đích, xem thấy mọi hiện tượng y như những phản chiếu.

(iv) Tính không xác định của những đối tượng và không mục đích của tâm. Vì những hình tướng biểu lộ trong nhiều hình thức khác nhau và không chắc chắn trong hình thức nào, tâm nắm bắt chúng cũng là không mục đích và vốn giải thoát trong tính bình đẳng duy nhất, Đại Toàn Thiện Tự Nhiên…. Người ta cần hiểu rằng mọi hiện tượng không có sự phân biệt tốt hay xấu để chấp nhận hay từ chối, bởi vì chúng ở trong sự bình đẳng có năm phần. (i) Mọi hiện tượng đều bình đẳng, vì quá khứ của chúng đã diệt không trở lại. (ii) Mọi hiện tượng đều bình đẳng, vì tương lai của chúng chưa sanh, thế nên chúng không hiện có. (iii) Đối với hiện tại chúng bình đẳng trong sự xuất hiện cho một tâm không chịu khảo sát, và nếu chúng được khảo sát, rốt ráo chúng sẽ không được tìm thấy…. (iv) Thời gian là bình đẳng và là tánh Không, bởi vì ba thời không hiện hữu như những thời gian, vì chúng hoàn toàn không liên hệ với nhau. (v) Chúng là bình đẳng và là vô sanh và không hiện hữu bất kỳ nơi đâu bởi vì chúng sanh từ, trụ trong và diệt mất trong trạng thái vô sanh.

(v) Tâm là không biến đổi. Bất cứ cái gì xuất hiện là những dấu vết ảo huyễn, như sự khởi lên của những phản chiếu trong một tấm gương…. Mọi hiện tượng, cái chứa đựng vô thường (thế giới) và những cái được-chứa-đựng vô thường (chúng sanh), xuất hiện như một giấc mộng, do những kinh nghiệm của người ta về những dấu vết của tâm mê lầm, và chúng không được thiết lập từ ngay khoảnh khắc chúng xuất hiện. Từ đó người ta phải xác nhận rằng những hình tướng xuất hiện là những mê vọng của tâm, và cái tâm bám nắm những hình tướng là tánh trống không, như không gian…. Không gian là không biến đổi…. Ý nghĩa của sự không biến đổi này là an bình và niết bàn (tịch diệt) từ vô thủy, và nó là bản tánh của Phổ Hiền.

Sự Thành Tựu của Tất Cả trong Đại Kỳ Diệu (Bản Tánh)

(i) Những hình tướng và tánh Không là đồng nhất từ vô thủy. Mọi hiện tượng vốn tự thành tựu trong Đại Toàn Thiện bổn nguyên, vô biên, kỳ diệu…. Mọi hiện tượng siêu vượt khỏi những tạo tác ý niệm là một hay nhiều, đồng hay khác, và chúng là tính bất nhị của tánh Không và những hình tướng. Thế nên không có việc rơi vào thiên chấp, vì nghĩa của chúng là như bản tánh của hư không…. Hư không là đồng nhất trong nghĩa của nó, cũng như thế những hình tướng (của tất cả những hiện tượng là) đồng nhất giống như một phản chiếu trong tấm gương. Những hình tướng là đồng nhất giống như những phản chiếu, chúng không có một hình thể thực. Chúng là như nhau trong việc chỉ có khả năng tác động đối với tâm mê lầm, cũng như một hình sắc và những phản chiếu của nó có khả năng tạo cho nhãn thức cái cảm giác nắm bắt những hình sắc. Chúng là như nhau trong sự giả ảo của chúng, vì trong bản tánh của cái không, những hình tướng huyễn ảo xuất hiện, như những thị kiến do ăn phải chất say gây ra. Chúng như nhau trong sự có mặt của chúng giống như sự xuất hiện của một con bò. Chúng là như nhau trong sự không có mặt của chúng như là nước trong một ảo ảnh. Chúng là như nhau trong việc siêu vượt khỏi những cực đoan vì (có bản tánh) giống như cõi bao la của không gian. Chúng là như nhau từ vô thủy, trong cõi giới của bản tánh tối hậu, siêu vượt khỏi bác bỏ và phân chia và khỏi những thí dụ. Nó là tánh Không từ vô thủy.

(ii) Mọi khẳng định của trí thức là không có thực thể. Những lý thuyết về cái uẩn và các đại…. là những khẳng định của trí thức, và cũng như những (sự vật) được trí thức khẳng định, chúng không hiện hữu như những sự vật ; chúng không có thực thể. Mọi sự quy gán tên đều không hiện hữu trong tương quan với những sự vật ấy dù ở trong hay ở ngoài. Thế nên chúng là ngoại sanh và không hiện hữu. Những sự quy gán những tính cách đặc biệt cho sự vật cũng là những hình dung của tâm. Dù cho người ta xem đối tượng của sự quy gán giống như lửa (được đốt lên) từ nhiên liệu, nó là hình thức của sự xuất hiện huyễn ảo từ tập khí thói quen, như một ngọn lửa trong một giấc mộng, và nó không có tự tánh. Thế nên mọi hiện tượng xuất hiện cho tâm mê lầm đều là những hình tướng của thuần những sự gán tên. Những đối tượng hình tướng ngay khoảnh khắc xuất hiện của chúng chỉ là hư giả như nhau, nhưng (trong thực tánh của chúng) không có gì là nhị nguyên, không chân cũng không giả. Nếu phân tích những xuất hiện của những đối tượng và những giác quan nắm bắt chúng, bởi vì chúng không nhiễm ô nhau, nên thực sự không có liên hệ nào giữa chúng. Nếu phân tích những đối tượng và những chủ thể, chúng như hư không ; không có đối tượng được liên hệ với một chủ thể liên hệ, thế nên trong thực tế không có sự liên hệ. Không những không có sự liên hệ, mà những sự vật được chỉ định là tổng quát hay dị biệt bởi ý thức của chúng ta thì không hiện hữu với những tính cách đặc thù của chúng, bởi vì chúng bình đẳng trong sự việc không có tăng hay giảm được tạo ra do chỉ định chúng là tổng hay biệt. Sự phân tích này chứng tỏ rằng những ý nghĩa diễn tả của chủ thể là không liên hệ với cái gì cả và rằng không có cái gì để bám chấp vào nhị nguyên cái được bám chấp và người bám chấp. Thế nên tất cả những nắm hiểu bởi vô minh đều là hư vọng. (Chẳng hạn) trong thời thơ ấu (trong tâm người ta) không có những khẳng định của những lý thuyết và phân chia, nhưng về sau kinh nghiệm của những khẳng định phát triển, và nó là một che ám khởi lên do học những học thuyết sai lầm.

Kinh Trung Bát Nhã Ba La Mật nói : “Tu Bồ Đề ! Mọi hiện tượng chỉ là những chỉ định và khẳng định. Bất cứ cái gì chỉ là chỉ định và khẳng định, đó là ngoại sanh và không tự tánh.”

(iii) Tâm không từng chuyển di và những đối tượng chưa từng sanh ra. Trong một tấm gương, khi phản chiếu của một khuôn mặt xuất hiện, nó xuất hiện mà không có khuôn mặt ở đó và không phải sự phản chiếu của nó thành hai hay sự phản chiếu được chuyển di (’Phos-Pa) từ khuôn mặt đến đối tượng. Tương tự, những đối tượng khác nhau của những khả năng giác quan xuất hiện cho sáu thức cũng như vậy. Vào lúc (những đối tượng xuất hiện với tâm), tâm không chuyển di thành đối tượng bởi vì chính những hình thể của đối tượng xuất hiện với những khả năng giác quan. Ví dụ, sự xuất hiện của khuôn mặt trong tấm gương không phải là khuôn mặt được chuyển di đến tấm gương, mà là sự phản chiếu hay hình thể của nó xuất hiện trong tấm gương. Thế nên những chúng sanh bị mê lầm vào vòng sanh tử bởi vì nắm bắt những hình thể với những trí năng của họ khi chúng xuất hiện. Nếu phân tích sâu xa hơn, không xác định được rằng tâm không chuyển di đến (những đối tượng) mà rằng những hình thể đã khởi lên với nó ; bởi vì (trước hết) tâm, mà những hình thể khởi lên với nó, tự nó không hiện hữu ở ngoài, ở trong hay ở chặng giữa, và như thế người nắm hiểu hình thể không hiện hữu. (Thứ hai) nếu phân tích chính hình thể, thực thể của nó không hiện hữu, thế nên cái khởi lên thì không được xác lập. Bởi thế, sự việc đúng là những hình tướng xuất hiện được xác lập mà không có chủ thể không có đối tượng.

Trong Mula-madhyamakarika :

Bất cứ cái gì sanh khởi đều dựa vào những cái khác,
Là thoáng chốc, không phải tự nó
Cũng không phải cái khác với nó.
Bởi thế, nó không đoạn cũng không thường.

(iv) Tâm và những đối tượng vốn tự nhiên giải thoát bởi vì chúng không hiện diện một cách tự nhiên. Tất cả (những hiện tượng) xuất hiện trong nhiều hình thể khác nhau là như nhau trong việc không hiện hữu trong bản tánh (chân thật của chúng). Chúng giống như những giấc mộng khác nhau, chúng với trạng thái ngủ là như nhau. Những thức trong đó những hình tướng có vẻ khởi sanh là như nhau trong trạng thái hiện thể vô niệm. Chúng giống như những con sóng, những con sóng ấy và bản tánh của nước là như nhau. Tâm và những hình tướng không hiện hữu như hai thứ và chúng đồng nhất trong bản tánh tối hậu. Tương tự, những cái nhìn thấy bóng dáng và nhãn căn nắm bắt chúng là đồng nhất trong mê lầm. Không có cái gì để phân tích cái gì. Như khu vườn trên bầu trời, nó vượt khỏi mọi phân tích. Thế nên, (những đối tượng và những chủ thể) là như nhau trong bản tánh của hư không.

(v) Ai chứng ngộ sự giải thoát tự nhiên của bất cứ cái gì sanh khởi là người thông tỏ. Những dòng sông trong bốn phương là đồng nhất trong đại dương. Cũng thế, sanh tử và niết bàn là đồng nhất trong sự việc chúng là những trạng thái của tâm…. Mọi biến đổi của bốn đại không ở ngoài hư không. Cũng thế, bất kỳ kinh nghiệm nào của cái thấy, thiền định, hoạt động và những kết quả sanh ra, chúng là đồng nhất trong bản tánh…. Những sanh khởi của những tư tưởng lấy bỏ trong tâm là đồng nhất trong tánh Không bởi vì chúng không lìa khỏi trí huệ vốn sẵn đủ. Những sóng là đồng nhất trong (bản tánh) vô sanh. (Điều đó có nghĩa là) những tạo tác của tâm là đồng nhất trong trạng thái của Tâm, và Tâm là trạng thái vốn tự do với phóng chiếu và thu về…. Sự tan biến của những tư tưởng vào nền tảng thì giống như nước rót vào trong nước.

Kết luận

(i) Những giáo huấn về ý nghĩa của tự do đối với lấy và bỏ, trong đó không có sự nắm hiểu và người nắm hiểu. (Mọi hiện tượng) khởi lên như trò chơi của cái “như nó là” (tánh Như, chân lý tuyệt đối), nó thanh tịnh trong tinh túy của nó (Ngo-Bo). Thế nên, hãy thiền quán đại lạc bất nhị, siêu vượt những hoạt động, nỗ lực, gom tụ, và những tư tưởng.

(ii) Sự dứt bặt bám chấp là cái nắm hiểu vĩ đại tự nhiên. Khi thiền quán về nó, ….về bất cứ (đối tượng gì) người ta phủ định hay xác định, ngay lúc đó, tánh giác tự nhiên vốn thoát khỏi bám chấp có mặt và Đại Toàn Thiện sẽ tự nhiên thành tựu.

276

THIỀN SƯ NHẬT BẢN BẠT ĐỘI (1327-1387)

Một người hỏi: “Không có một vị thầy nào từ thời xưa cho đến bây giờ mà không nói rằng không có Phật ở ngoài tâm. Dù từ điều này, rõ ràng

1,165
Thân Trung Ấm là gì ?

Trung ấm cũng gọi là trung uẩn, hay trung hữu. Sách Phật gọi ấm hay uẩn là chỉ sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn). Năm uẩn hay năm ấm là năm

1,237
Thiền định Vipassana đòi hỏi một tinh thần kỷ luật khủng khiếp - Yuval Noah Harari

Tác giả Yuval Noah Harari - nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem, Đại học Tel Aviv...Hãy chỉ quan sátKhi còn ở tuổi thiếu niên,

746
LỜI DẠY CỦA MILAREPA CHO MỘT ĐẠO SĨ - Lama Kunga Rinpoche và Brian Cutillo. Cư Sĩ Nguyên Giác dịch

Milarepa, sinh năm 1052, là một trong những vị đạo sư nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Ngài là môn đệ của Marpa, một vị thầy Mật Tông nổi tiếng và cũng

16,246
Hành giả thiền định - Longchen Rabjam. Thanh Liên dịch

Là một người thực hành, Bạn phải có niềm tin, sự kiên trì, từ bỏ và tỉnh ngộ. Bạn phải buồn rầu và nhàm chán đối với sinh tử, và nỗ lực

13,934
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc