Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

BÁT NHÃ VÔ TRI

VẤN NẠN RẰNG :

  • Chân tâm của bậc thánh tự sáng tỏ nên được chiếu soi vạn vật, ứng cơ giáo hóa khắp nơi, sự hành động đều thích ứng với căn cơ. Chiếu soi vạn vật nên sự hiểu biết chẳng có chỗ thiếu sót; hành động thích ứng với căn cơ nên sự thích ứng chẳng sai với căn cơ. Sự thích ứng chẳng sai với căn cơ nên phải có căn cơ để cho thích ứng; sự hiểu biết chẳng có thiếu sót nên phải có chỗ hiểu biết để cho biết. Có chỗ hiểu biết để cho biết nên sự hiểu biết của bậc thánh chẳng phải vô tri; có căn cơ để cho thích ứng nên sự ứng cơ của bậc thánh chẳng phải trống rỗng. Đã có tri có ứng mà tại sao lại nói vô tri vô ứng ? Nếu nói quên tri quên ứng thì đó chỉ là vì bậc thánh không ngã chấp, có tri có ứng mà không cho là tri là ứng của mình mà thôi! Ấy chỉ có thể nói : "Chẳng tự cho là có cái tri", chớ có phải là vô tri đâu?

ĐÁP RẰNG :

Công đức của bậc thánh cao hơn trời đất mà bất nhơn (1), sáng hơn nhật nguyệt mà lại càng lu mờ (chẳng cần tác ý mà hiểu biết, nên nói là càng lu mờ), chứ đâu phải vô tri như gỗ đá! Kỳ thật, khác với phàm phu bởi do trí huệ sáng tỏ thần diệu nên chẳng thể theo sự tướng để tìm cầu vậy.

Ý vấn nạn cho rằng "bậc thánh chẳng tự khoe cái tri mà bậc thánh chưa từng chẳng có tri" ấy là trái với chân tâm của bậc thánh, mất hết ý chỉ của lời văn.

Tại sao? Trong kinh nói : "Chân Bát Nhã thanh tịnh như hư không, vô tri vô kiến, vô tác vô duyên", ấy thì sự tri tự nhiên vô tri vậy, đâu phải đợi tiêu diệt cái tâm linh minh rồi mới là vô tri! Nếu nói "Hữu tri tánh không" mà gọi là thanh tịnh thì chẳng phân biệt được với cái tri mê hoặc của phàm phu. Bởi vì phiền não cũng là tánh không, cũng đều thanh tịnh thì đâu cần phải độc tôn nơi Bát Nhã? Nếu lấy sở tri để tán thán Bát Nhã thì sở tri chẳng phải Bát Nhã, vì Bát Nhã chẳng có năng sở. Nếu nói tự tánh của sở tri luôn luôn thanh tịnh, thì Bát Nhã chưa từng thanh tịnh. Hễ có thanh tịnh thì phải có ô uế, tức còn đối đãi; thành ra cũng không thể lấy sự thanh tịnh tán thán Bát Nhã. Nhưng kinh nói : "Bát Nhã thanh tịnh" là vì thể tánh của Bát Nhã chân tịnh, vốn chẳng lấy cái tri mê lầm.

Vốn chẳng có cái tri mê lầm nên chẳng thể gán cho cái tên là "Tri" vậy, đâu phải vô tri mới gọi là vô tri, sự chân tri tự là vô tri đó! Cho nên bậc thánh lấy vô tri của Bát Nhã chiếu soi cái vô tướng của chân đế, chân đế chẳng có dấu vết nào thiếu sót, sự chiếu soi của Bát Nhã không chỗ nào chẳng cùng tột. Do đó, ứng cơ mà chẳng sai, gặp việc nào cũng đúng lý mà chẳng có chỗ để thấy đúng, nên trống rỗng vô tri mà chẳng có chỗ bất tri là vậy.

GHI CHÚ :

  1. Đại nhơn bất nhơn: nhơn là thương mến, sự thương mến của bậc thánh bình đẳng, cùng khắp mọi chúng sanh, vậy thì đâu còn thấy một chúng sinh nào được thương mến nữa, cho nên nói "Đại nhơn bất nhơn" là vậy.

VẤN NẠN RẰNG :

Sự vật vốn chẳng tự thông đạt được, nên phải lập danh để sự vật được thông đạt. Sự vật dù chẳng phải danh mà quả thật có sự vật xứng với danh này để lập danh; cho nên theo danh mà tìm sự vật, sự vật chẳng thể ẩn dấu, mà luận nói: "Chân tâm của bậc thánh vô tri", lại còn nói "chẳng có chỗ bất tri", ý nói "vô tri chưa từng tri, tri chưa từng vô tri", ấy là sự thông đạt của ngôn giáo, và cũng là bản ý của lập ngôn rồi! Nhưng Luận nói "chân tâm của bậc thánh là một mà ý chỉ của lời văn thì nhiều khác biệt".

Vậy theo lời văn để tìm sự thật thì chưa thấy có chỗ đúng. Tại sao? Nếu "Tri" là hợp với chân tâm của bậc thánh thì khỏi cần nói là vô tri; nếu "Vô tri" hợp với chân tâm của bậc thánh thì cũng chắng cần nói tri, nếu cả hai đều chẳng hợp thì còn gì đâu để luận bàn nữa?

ĐÁP RẰNG :

Trong kinh nói : "Ý nghĩa của Bát Nhã vô danh vô thuyết, phi hữu phi vô, phi thực phi hư; hư chẳng lìa chiếu, chiếu chẳng lìa hư". Vậy thì giáo pháp vô danh, cho nên lời nói chẳng thể nói được. Dù lời nói chẳng thể nói, nhưng không có lời nói thì chẳng thể truyền giáo pháp được, cho nên bậc thánh suốt ngày nói mà chưa từng nói là vậy! Nay vì ông mà tôi cả gan nói thử : chân tâm của bậc thánh vi diệu vô tướng nên chẳng thể cho là "có"; luôn luôn chiếu dụng nên chẳng thể cho là "không".

Chẳng thể cho là "không" nên diệu trí của bậc thánh thường còn, chẳng thể cho là "có" nên ngôn ngữ của giáo lý dứt bặt, cho nên nói "Tri" chẳng nói là tri, mà chỉ muốn thông đạt sự chiếu soi; "Bất tri" chẳng nói là bất tri, mà chỉ muốn tỏ cái tướng mê lầm. Tỏ tướng mê lầm, chẳng phải là "không", thông đạt chiếu soi, chẳng phải là "có"; "phi hữu" nên tri mà vô tri, "phi vô" nên vô tri mà tri. Cho nên, tri tức là vô tri, vô tri tức là tri, chớ nên vì lời nói khác biệt mà làm cho chân tâm của bậc thánh cũng khác biệt theo.

VẤN NẠN RẰNG :

Chân đế thâm sâu nhiệm mầu, kẻ vô trí chẳng thể suy lường được, cái năng lực của thánh trí do đây mà hiển bày. Nên kinh nói : "Chẳng được Bát Nhã thì chẳng thấy chân đế, chân đế là duyên của Bát Nhã". Lấy duyên để tìm trí thì trí là tri rồi, tại sao nói vô tri?

ĐÁP RẰNG :

Lấy duyên tìm trí, trí chẳng phải tri. Tại sao? Kinh Phóng Quang nói : "Chẳng duyên sắc mà sanh thức nên gọi là chẳng thấy sắc". Lại còn nói "Vì ngũ ấm thanh tịnh nên Bát Nhã thanh tịnh". Bát Nhã tức là năng tri, ngũ ấm tức là sở tri. Sở tri tức là duyên, năng tri với sở tri đối đãi nhau mà "có", đối đãi nhau mà "không".

Đối đãi nhau mà "không" nên tâm và cảnh "chẳng có"; đối đãi nhau mà "có" nên tâm và cảnh "chẳng không". "Tâm và cảnh chẳng không" là chưa quên được tâm cảnh, nên mới có nhân duyên sanh khởi; "tâm và cảnh chẳng có" là tâm cảnh đều quên, nên nhân duyên chẳng thể sanh khởi. Duyên chẳng thể sanh khởi vì chân trí lìa duyên, nên chiếu duyên mà chẳng phải tri; vì nhân duyên sanh khởi nên biết nhân duyên đối đãi mà sanh; cho nên, tri với vô tri sanh nơi sở tri.

Tại sao? Trí vì tri sở tri, chấp tướng nên gọi là tri; chân đế vốn vô tướng, chân trí làm sao tri? Như thế sở tri chẳng phải sở tri, vì sở tri sanh nơi tri. Sở tri đã sanh tri, tri cũng sanh sở tri, năng sở đã tương sanh với nhau tức là nhân duyên; nhân duyên nên chẳng thật, chẳng thật nên chẳng phải chân đế vậy!

Trung Quán Luận nói : "Vật do nhân duyên sanh nên chẳng thật, chẳng do nhân duyên sanh nên tức là chân". Nay chân đế nói chân, chân thì chẳng phải nhân duyên.

Chân chẳng phải nhân duyên vì không có vật nào do phi duyên mà sanh được, nên Kinh nói "chẳng thấy có pháp nào không duyên mà sanh".

Vì thế, chân trí quán chân đế chưa từng lấy sở tri. Trí chẳng lấy sở tri, trí nầy do đâu tri. Nhưng trí chẳng phải vô tri, vì chân đế chẳng phải sở tri nên chân trí cũng chẳng phải tri, mà ông muốn lấy duyên để tìm trí, nên cho trí là tri, duyên vốn chẳng phải duyên, ở đâu mà tìm tri?

VẤN NẠN RẰNG :

Luận nói : "chẳng chấp lấy", là khi vô tri chẳng chấp lấy hay là tri rồi chẳng chấp lấy? Nếu vô tri nên chẳng chấp lấy thì bậc thánh tối mò như đi chơi đêm, chẳng phân biệt được trắng đen có khác; nếu tri rồi mới chẳng chấp lấy thì cái tri đã khác với chẳng chấp lấy rồi?

ĐÁP RẰNG :

Chẳng phải vô tri mà chẳng chấp lấy cũng chẳng phải tri rồi mới chẳng chấp lấy, ngay chỗ tri tức là chẳng chấp lấy, nên được chẳng chấp lấy mà tri.

VẤN NẠN RẰNG :

Luận nói chẳng chấp lấy, kỳ thật vì chân tâm của bậc thánh chẳng chấp lấy vật nơi vật, nên không có sự chấp lấy mê lầm. Chẳng chấp lấy thì chẳng có tâm nhận vật, chẳng có tâm nhận vật thì chẳng có cơ để ứng, vậy thì còn có cơ nào để ứng với chân tâm của bậc thánh? Thành ra đoạn diệt rồi, mà sao lại nói chân tâm của bậc thánh chẳng có chỗ bất tri.

ĐÁP RẰNG :

Phải vậy! Chẳng có tâm nhận vật thì chẳng có cơ để ứng; chẳng có cơ để ứng thì không cơ nào chẳng được ứng. Ứng là tâm, cơ là cảnh, nếu có một cảnh ứng với tâm thì chân tâm bị kẹt mà chẳng thông (có sở trụ), nếu chẳng có cảnh ứng với tâm thì cảnh tịch tâm không, chân tâm được chánh biến tri (chẳng có chỗ bất tri) nên không có cơ nào chẳng được ứng.

Không có tâm nhận vật thì tâm không, tâm không thì cảnh tịch; tâm không cảnh tịch thì mỗi pháp đều chân, nên chẳng có vật nào mà không nhận ra được. Chẳng có vật nào không nhận ra được, nên nhận mà chẳng thấy nhận, chẳng có cơ nào không được ứng, nên ứng mà chẳng thấy ứng. Vì thế Kinh nói: "Thấy tất cả các pháp mà chẳng có sở thấy" là vậy.

VẤN NẠN RẰNG :

Chân tâm của bậc thánh chẳng phải không thể nhận vật, thật là không có tâm nhận vật mà nhận được vật. Dù không có tâm nhận vật mà nhận được vật, nên phải nhận vật nơi không có tâm nhận (lầm tưởng lọt vào "không"). Cho nên Kinh nói : "Chân đế vô tướng nên Bát Nhã vô tri", thật là Bát Nhã chẳng có cái tri hữu tướng. Nếu lấy vô tướng làm vô tướng thì đâu có tổn hại cái nghĩa của chân đế? (1)

GHI CHÚ :

(1) Người vấn nạn chẳng thông đạt được chân tri độc chiếu của Bát Nhã, nên cho sự tuyệt vô là Bát Nhã. 

ĐÁP RẰNG :

Bậc thánh chẳng có sự vô tướng (không có tướng để vô). Tại sao? Nếu lấy vô tướng làm vô tướng thì vô tướng tức là tướng, (chấp vô tướng thì vô tướng cũng là tướng). Bỏ "có" mà vào "không", cũng như tránh chết đuối mà nhảy vào lửa, đều chẳng khỏi tai họa.

Chân tâm của bậc thánh vô trụ, đâu có giống như thế! Cho nên chí nhân ở nơi hữu mà "chẳng có", ở nơi vô mà "chẳng không"; dù chẳng chấp "có, không", nhưng cũng chẳng lìa "có, không" cho nên "hòa quang đồng trần" (thánh trí ẩn trong trần lao), không có chúng sanh để độ mà độ chúng sanh trong lục đạo;

Tịch nhiên mà đi, chẳng động bản thể mà ứng hiện tất cả; trống rỗng mà đến, muôn triệu biến hóa mà tâm vô sở trụ. Bậc thánh lấy vô trụ làm tâm, nên vô vi mà vô sở bất vi là vậy.

VẤN NẠN RẰNG :

Chân tâm của bậc thánh dầu vô tri, nhưng cái đạo ứng cơ hóa độ chẳng sai, cho nên cái cơ có thể ứng thì ứng, cái cơ chẳng thể ứng thì để lại. Thế thì chân tâm của bậc thánh có khi sanh, có khi diệt, há có thể được ư?

ĐÁP RẰNG :

Nói "sanh diệt" là sanh diệt của phàm phu, bậc thánh vô tâm thì sanh diệt làm sao sanh khởi được? Nhưng chẳng phải vô tâm như gỗ đá, chỉ là vô cái tâm sanh diệt mà thôi! Lại cũng chẳng phải không có ứng cơ, chỉ là tùy duyên mà ứng, vốn chẳng có tác ý muốn ứng cơ vậy.

Cho nên cái đạo ứng cơ của bậc thánh, cũng như tiếng dội trong hang, tùy theo thật chất của tứ thời mà ứng cơ chẳng sai, vì lấy trống rỗng làm thể nên chẳng thể sanh, cũng chẳng thể diệt vậy.

VẤN NẠN RẰNG :

Sự vô của thật trí và sự vô của quyền trí đều chẳng sanh diệt thì đâu có chỗ nào khác biệt?

ĐÁP RẰNG :

Sự "vô" của thật trí là "vô tri", còn sự "vô" của quyền trí là "tri vô". Nói "vô" dù là đồng, nhưng cái ý chỉ của vô thì khác. Tại sao? Vì chân tâm của bậc thánh hư tịnh, chẳng có tri để vô, nên gọi là "vô tri", chẳng thể nói "tri vô"; quyền trí có tri, là có tri để vô, nên gọi là "tri vô", chẳng được nói "vô tri" vậy! Vô tri tức là cái vô của Bát Nhã, tri vô tức là cái vô của Chân Đế. Cho nên, Bát Nhã với Chân Đế nói về dụng thì đồng mà khác; nói về tịch thì khác mà đồng. Vì "đồng" nên vô tâm (vô tác ý) nơi tâm và cảnh, vì "khác" nên chẳng mất cái công dụng chiếu soi. Cho nên nói "đồng" là đồng chỗ chẳng đồng; nói "khác" là khác chỗ chẳng khác; thế thì "khác" chẳng thể cho là khác, "đồng" cũng chẳng thể cho là đồng vậy.

Tại sao? Bên trong có cái sáng của tự chiếu soi, bên ngoài có sự chân thật của vạn pháp. Vạn pháp dầu thật mà không chiếu soi thì chẳng được cái thật, trong và ngoài cùng nhau mới thành cái công dụng chiếu soi, thế thì sự dụng của bậc thánh chẳng thể đồng là vậy. Bên trong dầu chiếu soi mà vô tri, bên ngoài dầu chân thật mà vô tướng. Trong và ngoài tịch nhiên, cả hai đều không, thế thì cái tịch của bậc thánh chẳng thể khác là vậy. Cho nên Kinh nói : "Các pháp không có sai biệt", đâu phải dời chỗ gò cao, lấp bằng trũng thấp rồi mới cho là chẳng khác? Kỳ thật vì chẳng khác ở nơi khác nên dù khác mà chẳng khác vậy. (1) Chớ nên thấy cảnh khác mà cho là tâm cũng khác. Nên kinh nói : "Lạ thay, Thế Tôn! Ở trong pháp không khác mà nói các pháp có khác". Lại còn nói : "Bát Nhã nơi các pháp chẳng phải một tướng, cũng chẳng phải khác tướng" là đáng tin vậy.

GHI CHÚ :

(1) Tự tánh bất nhị. Nếu có "đồng" là nhị; có "khác" cũng là nhị.
 

VẤN NẠN RẰNG :

Luận nói : "Nói về dụng thì khác, nói về tịch thì đồng", chưa rõ ở trong Bát Nhã có sự dụng và tịch khác nhau chăng?

ĐÁP RẰNG :

Dụng tức là tịch, tịch tức là dụng; dụng và tịch thể tánh là một, cùng xuất phát từ một tâm, nhưng tên gọi thì khác nhau; thật ra thì chẳng có cái tịch của vô dụng để làm thành sự dụng. Cho nên thật trí càng lu mờ thì sự chiếu soi càng sáng tỏ; quyền trí càng vắng lặng thì sự ứng cơ càng linh động, đâu phải vì lời nói sáng tối và động tịnh mà sanh ra sự khác biệt? Nên Kinh Thành Cụ nói : "Chẳng làm mà siêu việt sự làm".

Kinh Bảo Tích nói : "Vô tâm vô thức, nên chẳng có chỗ nào chẳng được tri". Ấy là quyền trí ứng cơ đến cùng tột, thật trí chiếu lý đến cứu cánh. Quả thật là lời nói diễn tả thấu suốt ra ngoài hiện tượng vậy. Dựa theo lời văn sáng tỏ của các kinh thì có thể rõ được chân tâm của bậc thánh rồi.

Xem mục lục