Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

II.B.3.a- Y sư (nương thầy)

Sớm hỏi minh sư, gần gũi cao đức.

 Minh sư: Thầy sáng suốt, người có thể khiến cho pháp nhãn của ta được minh chánh. Cao đức: Người có đức cao, hay khiến cho giới đức của ta được thanh cao. Sớm hỏi là chẳng nên chần chờ kéo dài thời gian. Gần gũi là nương theo thầy mà ở cho được lâu lâu.

 Ký: Đấng minh sư, hay khiến cái huệ quang của mình được phát minh, nên mới đặng pháp nhãn minh chánh. Bực cao đức hay khiến giới cấm của ta sạch sáng, nên đặng giới đức thanh cao.

 Bởi thế, nên các người học Phật xưa, chẳng nệ đường xa nghìn dặm, cũng phải đi tìm hỏi bực thiện tri thức, sau khi được gặp tai mắt của đấng tác gia (125) rồi, liền đem cái bồ đoàn (126) máng lên cao, bẻ dẹp cây gậy (127), như các Tổ: Nam Nhạc (128), Kính Sơn (129) …Nếu rủi mà không gặp được bực thiện tri thức giúp dạy cho, lại không may mà bị tà sư làm mê hoặc, đảo loạn thì, trong tâm dấy tà nhân ngoài thân hành tà nghiệp, đâu có thể quyết chọn điều phải (chánh thiện), bỏ những chông gai (tà vọng) được ru!?

 Vĩnh Gia thiền sư nói “May mà gặp đặng bực chân chánh đạo sưV, rất phải cần tâm thân cận, đời nay, ví dẫu tham thiền mà chưa triệt ngộ, học giáo mà chưa thành tài, chứ đã nghe lọt vào lỗ tai, vẫn làm hột giống đạo rồi, về sau mỗi đời không sa đọa xuống ba ác thú, mỗi kiếp chẳng mất cái nhân thân, đến cái thời đầy đủ nhân duyên, vừa ló đầu ra, nghe một mà giác ngộ đến cả ngàn, thực lợi ích phi nhỏ”.

II.B.3.b- Trạch pháp

Quyết chọn thân tâm, bỏ đồ kinh cức (130).

 Quyết lấy tại tâm, chọn lấy cái huệ. Hành giả! Phải dùng lấy cái huệ vô lậu, để chọn lựa lấy cái thân tâm thanh tịnh, bỏ điều bất thiện, chọn lấy điều thiện mà tu. Tỷ như con ngỗng chúa nó lựa sữa mà uống.

 Kinh cức là vô minh vọng tưởng, ngũ cái, thập tập, với các điều bất thiện.

 Ký: Nước hòa chung với sữa, con ngỗng chúa nó uống vào miệng, thì tự nhiên nước ra nước, sữa ra sữa, nó uống sữa mà bỏ nước đi.

 Kẻ phàm phu ai cũng vậy, đều bị hai điều thiện và ác nó tham họp lẫn nhau, chung chứa trong ruộng bát thức (131). Hành giả là kẻ tu hành, cần phải đủ con mắt huệ (132), để chọn điều thiện mà bỏ điều bất thiện, khiến cho thâm tâm được sáng sạch thì, với đạo cách nhau không xa, đấy là cái “trạch pháp giác (133)” trong thất giác ý vậy.

 Ngũ cái (134): 1. Tham dục, 2. Sân khuể, 3. Thùy miên, 4. Điều hối, 5. Nghi cái.

 Thập tập (135): 1.Dâm, 2.Tham, 3.Mạn, 4.Sân, 5. Trá, 6.Cuống, 7.Oán, 8.Kiến, tức tà kiến, 9.Uổng: ép đè kẻ lương thiện, 10.Tụng: tranh luận với nhau về điều đắc thất.

II.B.3.c- Liễu vọng (Rõ những điều quấy dối).

Đời nó nổi phều, các duyên đâu ép.

 Giữa cõi đời, tất cả các pháp hữu vi, dường như chiêm bao, hoán thuật và mây bay trên không. Pháp hữu vi kia đều do nơi vọng hoặc mà sanh hiện, toàn không có tánh chân thực.

 Các duyên: Tức thế gian chư pháp (vũ trụ vạn hữu); nó đã tự nổi phều (phập phều: vô căn) thì, đâu có thể làm ép bức. Song, các duyên sự pháp của đời, đều từ nơi chân tánh tùy duyên mà hiện thành. Tỷ như nước (chân tánh) tùy theo đồ đựng hoặc vuông hoặc tròn (nước chứa: hồ vuông, ao tròn, sông dài, bể rộng… sự pháp), gặp gió (duyên) thì sóng dợn (sự pháp) hiện sanh ra.

 Đứa phàm, bị gió vọng tưởng làm xao động nơi tánh bổn nguyên, mà sóng dợn vọt trào, đó rồi thành kiến theo sóng mà lửng quên nguồn nước, cho nên chấp lấy sự pháp mà bỏ quên chân nguyên, phải bị mỗi mỗi sự duyên làm áp bức. Chứ nếu như người mà chẳng bỏ quên chân tâm thì, tức nhiên chẳng bị chúng duyên sự pháp kia nó che tròng lừa khi đặng.

 Ký: Nước là tỷ dụ chân tánh. Các đồ sóng dợn là ví chúng duyên. Sự pháp tức là cảnh vật. Gió là dụ vọng tưởng.

 Người mà biết sự sự vật vật, tức toàn là chân, như biết sóng toàn là nước, tức liễu vọng quy chân, là nói “bất thụ kỳ man: chẳng bị nó giấu tình khi nhau”.

II.B.3d- Quy chân (Trở về chân tâm).

Xét tột pháp lý, lấy ngộ làm chừng.

 Nghiên cứu cốt sao cho đến vô nghi điền địa là, cái chỗ mà tâm không còn một sự ngờ gì nữa. Chưa được thế, thì mãi cần đi cho đến thủy cùng sơn tận là, đoạn hoặc đã cùng, chứng chân đã tận, tức đã đến bực vô học, vô tu, vô chứng, đến đó, mới thôi nghỉ việc cứu xét, vì đã cùng tận.

 Ký: Pháp tức là pháp sở hữu của tự tâm; chỗ rõ của pháp là lý. Xét tột như lau bụi trên mặt gương, hễ bụi bặm hết thì ánh sáng hiện, nên nói là “lấy ngộ làm chừng”.

 Song, Pháp là nghĩa quỹ trì – Quỹ nghĩa là mặc ý giữ (trì) tự tánh, để làm cách (quỹ) sanh hiểu cho người. Tỷ như sách đây nó tự giữ tánh cách giấy trắng mực đen, để làm cách kiểu cho người thấy mà hiểu là giấy trắng mực đen, chớ không thể hiểu bằng thứ gì khác.

 Mặc ý giữ tự tánh: Tất cả chúng sanh, đều có cái chân tánh bổn giác diệu minh, mặc dù lưu chuyển trong sáu ngả, thụ mỗi mỗi thân hình mà, cái giác tánh ấy chẳng hề mất diệt.

 Sanh hiểu: Chúng sanh được giác ngộ vào cái tri kiến của Phật, tuy là nhân nhờ thiện hữu tri thức dạy bảo khai thị cho, nhưng mà thực ra thì cái trí hiểu biết là từ nơi giác tánh phát minh ra. Tỷ như đất nước nó hay nhuần thấm cho ngũ cốc, cây cỏ để nảy nở ra mộng, chồi, rễ, đọt, nhưng mà thực ra thì, những mộng kia đều do nơi hột giống ấy phát sanh, chứ phi từ nơi đất nước sanh ra. Vì hột giống là chánh nhân, đất nước là trợ duyên. Cũng như trí giải là chánh nhân, thiện hữu là trợ duyên.

Xem mục lục