Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phẩm Hộ-Pháp
THỨ CHÍN

1.– Niên hiệu Thần-Long năm đầu, ngày Thượng-nguyên, vua Tắc-Thiên cùng vua Trung-Tôn xuống chiếu chỉ rằng : “Trẫm thỉnh hai vị An-sư và Tú-sư về trong cung-viện mà cúng dường, thừa khi công việc triều-chánh có rảnh, để nghiên-cứu về đạo Nhứt-thừa, mà hai sư đều thôi-nhượng rằng : Hiện nay ở Nam-phương có Huệ-Năng thiền-sư là người đã được Hoằng-Nhẫn đại-sư mật trao y-pháp và truyền phú tâm-ấn của Phật, nên thỉnh người đến mà hỏi. – Nay trẫm khiến quan Nội-thị là Tiết-Giản đệ tờ chiếu nầy nghinh thỉnh, xin đại-sư sẵn lòng từ-niệm, mau mau về tới kinh-đô.”

2.– Tổ liền dưng biểu từ bịnh mà tình nguyện trót đời ở nơi lâm lộc.

3.– Tiết-Giản bạch : “Các vị Thiền-đức ở tại kinh-thành đều nói rằng : ”Muốn đặng tỏ đạo, ắt phải ngồi thiền lập định, nếu chẳng do pháp thiền-định mà được giải thoát là lẽ lâu nay chưa có.” – Vậy chưa rõ chỗ thuyết-pháp của Đại-sư thế nào ?”

4.– Tổ nói : “Đạo do nơi tâm mà tỏ ngộ, đâu phải tại cái ngồi ! – Trong kinh nói : “Nếu nói Như-Lai hoặc ngồi, hoặc nằm, ấy là làm theo tà-đạo.” – Tại sao thế ? – Bởi vì không từ đâu tới, cũng không chỗ nào đi, không sanh, không diệt, ấy là Như-Lai thanh-tịnh-thiền ; các pháp vắng bặt, ấy là Như-Lai thanh-tịnh-tọa ; rốt ráo không có gì là đắc chứng, huống chi là ngồi !”

5.– Giản bạch : “Đệ-tử nầy về kinh, Chúa-thượng chắc hỏi, xin sư từ-bi chỉ bảo cho chỗ tâm-yếu, đặng tôi tâu lại với hai cung và tỏ cho những người học đạo ở kinh thành ; ví như ngọn đèn mà thắp ra trăm ngọn, ngàn ngọn, thì chỗ tối đều sáng, sáng sáng chẳng cùng.”

6.– Tổ nói : “Đạo không có sáng tối, sáng tối là nghĩa thay đổi ; còn sáng sáng chẳng cùng, cũng là có khi cùng, ấy là hai bên đối đãi nhau, mà đặt tên kêu gọi, cho nên kinh Tịnh-Danh nói : Pháp không có so sánh, vì không đối đãi nhau.”

7.– Tiết-Giản bạch : “Sáng ví với trí-huệ, tối ví với phiền-não ; mà người tu đạo, nếu chẳng lấy trí-huệ soi phá phiền-não, thì nghiệp sanh-tử từ vô thỉ nhẫn lại đây nương nơi đâu mà thoát khởi ?”

8.– Tổ nói : “Phiền-não tức là Bồ-đề, không hai không khác ; nếu lấy trí-huệ soi phá phiền-não, thì tức là chỗ kiến-giải của hàng Nhị-thừa và căn cơ thuộc về bực xe Dương Lộc ; đến như bực thượng-trí đại căn, thì tất chẳng như vậy.”

9.– Giản bạch : “Thế nào là chỗ kiến-giải của bực Đại-thừa ?”

10.– Tổ nói : “Sáng cùng không sáng, tự nơi kẻ phàm-phu thấy làm hai ; còn người trí-giả thì rõ suốt, tánh đâu có hai ; cái tánh không hai gọi là : thiệt-tánh. – Cái thiệt-tánh ấy, ở nơi kẻ phàm phu chẳng bớt ở nơi hiền-thánh không thêm, ở nơi phiền-não chẳng rối loạn, ở nơi thiền-định chẳng vắng lặng, chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng tới, chẳng lui, chẳng ở chính giữa và trong ngoài, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như-như, thường trụ chẳng dời, ấy gọi là : Đạo.”

11.– Giản bạch : “Sư nói : “chẳng sanh, chẳng diệt”, có khác gì ngoại đạo ?”

12.– Tổ nói : “Nghĩa “chẳng sanh, chẳng diệt” của ngoại đạo nói là đem cái diệt mà dứt cái sanh, lấy cái sanh mà hiển cái diệt, diệt như chẳng diệt, sanh nói chẳng sanh. – Còn nghĩa “chẳng sanh, chẳng diệt” của ta nói đây, là gốc vốn không sanh, nay cũng chẳng diệt, cho nên chẳng đồng với ngoại đạo. – Ngươi nếu muốn biết chỗ tâm yếu, thì hết thảy những sự thiện sự ác, đều chớ nghĩ lường, thì tự nhiên vào đặng cái tâm thể thanh tịnh, thường thường trong trẻo vắng lặng, mà diệu-dụng nhiều như số cát sông Hằng.”

13.– Giản nhờ ơn chỉ dạy mà cõi lòng rỗng rang tỏ ngộ, rồi lạy từ về kinh, dưng biểu tâu mấy lời của Tổ nói.

14.– Trong năm ấy, tháng chín, ngày mồng ba, vua có xuống chiếu khen tặng Tổ rằng : “Sư cố từ già bệnh, vì Trẫm mà tu hành, là ruộng phước của nước ; sư cũng như ngài Tịnh-Danh thuở trước thác tật ở nơi thành Tỳ-Da, mà bày Đại thừa, truyền lại tâm ấn của các Phật và nói pháp Bất-nhị. – Tiết-Giản vâng truyền mấy lời sư chỉ dạy về chỗ tri kiến của Như-Lai. – Trẫm nhờ phước dư tích thiện kiếp trước, sớm chưởng căn lành gặp được sư ra đời mà chóng tỏ các pháp Thượng-Thừa, thật cảm ơn sư, đầu đội chẳng xiết ! Xin dưng cái áo Ma-nạp cà sa và bát thủy tinh.”

15.– Sau vua lại sắc quan Thứ-sử Thiều-Châu sửa sang ngôi chùa lại và sắc tứ hiệu chùa cũ của Tổ làm là chùa Quốc-Ân.”

Xem mục lục