Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

MỤC HAI :
AN LẬP CÁC THÁNH VỊ

I. CÀN TUỆ ĐỊA

Kinh : “Anan, người thiện nam ấy, Dục Ái cạn khô, Căn Cảnh chẳng phối hợp, cái Thân Tâm hiện tại không còn sanh tiếp nữa. Nắm lấy Tâm rỗng sáng, thuần là Trí Huệ. Tánh Huệ toàn sáng tỏ sáng mười phương thế giới. Mới có cái Huệ khô khan, gọi là Càn Huệ Địa.

Thông rằng : Dục Ái thấm nhuần thành nghiệp, Căn và Cảnh tạo nghiệp nên sanh tử nối tiếp, mê muội chẳng quay về. Nay lòng Dục khô cạn, Cảnh lui đi, nên cái Thân Tâm nhân thế chẳng còn sanh tiếp. Ngược dòng toàn nhất ắt giữ lấy cái Tâm rỗng sáng. Sáu Dụng chẳng hiện hành tức thuần là Trí Huệ. Chẳng dùng gì nơi Dục Ái thì Huệ chẳng lìa ngoài Tự Tánh, như ánh sáng viên ngọc không dùng soi chiếu vật mà chỉ tự chiếu cái Thể của nó.

Đây là cái sáng suốt cho đến chỗ không lập ra cái Sở, thì cái sáng toàn vẹn vậy. Mười phương cõi nước rỗng sáng thanh tịnh, ví như lưu ly ở trong treo trăng sáng, nên gọi là “Tỏ sáng”. Đây là Dục Ái cạn khô nên phát Huệ, mới gọi là Càn Huệ. Lại chỉ mới có cái Huệ khô khan, chưa đến chỗ Diệu Viên, nên là Sơ Địa. Trong Thập Địa của kinh Đại Phẩm thì Địa đầu tiên gọi là Càn Huệ. Trong Viên Giáo của Ngài Thiên Thai, trước Thập Tín lập ra Ngũ Phẩm Vị, gọi là nghĩa Thôi(02) cũng giống như Càn Huệ Địa của kinh Đại Phẩm. Kinh này chưa đến đây mà chỗ lập ra danh vị của Ngài Thiên Thai đã thầm hợp với Tâm Phật. Chẳng phải là bậc tự thân đến được hội Linh Sơn thì làm sao có được như thế !

Quan Đại Phu Lục Tuyên thưa với Tổ Nam Tuyền : “Đệ tử cũng hiểu sơ sơ Phật Pháp”.

Tổ Tuyền bèn hỏi : “Trong mười hai thời, ông làm gì ?”

Đáp : “Chẳng dính mảy lông”.

Tổ Tuyền nói : “Còn là kẻ dưới thềm”.

Lại nói : “Ông há chẳng nghe “Quân Vương có Đạo chẳng thu bầy tôi có Trí” ư ?”

Về sau, có nhà sư hỏi thiền sư Kim Phong Chí rằng : “Khi “Ngàn núi không mây, ngàn dặm tuyệt ráng” thì sao ?”

Tổ Chí nói : “Ngọn Phi Thiên Lãnh, phía nào mà chẳng mửa hết ra !”

Quả là cùng Tổ Nam Tuyền trước sau một vết bánh xe. Thế biết Càn Tuệ Địa cũng là chỗ tạm nghỉ. Bằng như cùng tận Diệu Giác thì cái ý rốt ráo phải tự riêng khác.

Xem mục lục