Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

LXI. PHẨM ĐỒNG HỌC

01

 

 

Khi ấy, trời Đế Thích bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, không thể suy nghĩ, vượt khỏi cảnh giới suy nghĩ, là chỗ chứng đắc của người có trí huệ sáng suốt, vi diệu, hoàn toàn xa lìa các tướng phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, thiện nam tử, thiện nữ… nào thường thích lắng nghe, thọ trì, đọc tụng thông suốt hoàn toàn, tư duy như lý, tu hành theo lời dạy, nói cho người khác nghe một cách chân chánh cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không có xen lẫn các tâm và tâm sở khác thì thiện nam tử, thiện nữ… đó không chỉ thành tựu chút ít thiện căn mà còn có thể thành tựu từng việc ở trong đó phải không?

Khi ấy, Phật bảo trời Đế Thích:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Này Kiều-thi-ca! Đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào thường thích lắng nghe, giữ gìn, đọc tụng, hoàn toàn thông suốt, tư duy đúng lý, tu hành theo giáo lý, nói cho người khác nghe một cách chính xác để hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không xen lẫn các tâm và tâm sở khác thì các thiện nam tử, thiện nữ… này chắc chắn thành tựu căn lành rộng lớn và có thể thành tựu từng việc ở trong đó.

Này Kiều-thi-ca! Giả sử có thiện nam tử, thiện nữ… có thể khuyến khích các loài hữu tình ở châu Nam Thiệm-bộ này cho đến ba ngàn đại thiên thế giới đều thực hành mười nghiệp lành, hoặc bốn tịnh lự, hoặc bốn vô lượng, hoặc bốn định vô sắc, hoặc năm thần thông thì được vô lượng công đức. Có thiện nam tử, thiện nữ… nào đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, thường thích lắng nghe, thọ trì, đọc tụng thông suốt hoàn toàn, tư duy đúng lý, tu hành theo giáo lý, nói cho người khác nghe một cách chính xác thì công đức mà thiện nam tử, thiện nữ… này đạt được hơn công đức nói ở trước trăm, ngàn, cho đến vô lượng, vô số.

Lúc đó, trong chúng có một Bí-sô hỏi trời Đế Thích:

- Này Kiều-thi-ca! Đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, thiện nam tử, thiện nữ… nào thường chú ý, không tán loạn, ưa thích lắng nghe, thọ trì, đọc tụng thông suốt hoàn toàn, tư duy đúng lý, tu hành theo giáo lý, nói cho người khác nghe một cách chính xác để hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không có xen lẫn tâm và tâm sở khác thì công đức mà thiện nam tử, thiện nữ… đó thu được hơn hẳn vô lượng công đức mà các loài hữu tình ở cõi châu Thiệm-bộ, cho đến ba ngàn đại thiên thế giới có được nhờ cùng nhau thực hành mười nghiệp lành, hoặc bốn tịnh lự, hoặc bốn vô lượng, hoặc bốn định vô sắc, hoặc năm thần thông không?

Thiên Đế Thích đáp:

- Những thiện nam tử, thiện nữ… đó mới vừa phát tâm niệm tương ưng trí nhất thiết trí đã thu được công đức lớn hơn công đức mà tất cả các loài hữu tình ở khắp châu Thiệm-bộ, cho đến ba ngàn đại thiên thế giới có được nhờ cùng nhau thực hành mười nghiệp lành, hoặc bốn tịnh lự, hoặc bốn vô lượng, hoặc bốn định vô sắc, hoặc năm thần thông… vô số công đức gấp trăm ngàn lần, huống gì lại có thể đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này giữ tâm không loạn, thường thích lắng nghe, thọ trì, đọc tụng hoàn toàn thông suốt, tư duy đúng lý, tu hành theo giáo pháp, nói cho người khác nghe một cách chính xác để hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không xen lẫn tâm và tâm sở khác thì công đức thu được không thể so lường.

Này Bí-sô! Ông nên biết công đức trí huệ của thiện nam tử, thiện nữ… này chẳng những hơn hẳn công đức mà các loài hữu tình ở châu Thiệm-bộ, cho đến ba ngàn đại thiên thế giới có được nhờ cùng nhau thực hành mười nghiệp lành, hoặc bốn tịnh lự… vô lượng công đức mà còn hơn cả công đức mà trời, người, A-tu-la có được. Vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ… này mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích vô lượng hữu tình.

Bí-sô nên biết! Công đức trí huệ của thiện nam tử, thiện nữ… này chẳng những hơn công đức mà trời, người, A-tu-la ở thế gian có được mà còn hơn công đức của tất cả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề. Vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ… này mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích vô lượng hữu tình.

Bí-sô nên biết! Công đức trí huệ của thiện nam tử, thiện nữ… này chẳng những hơn công của tất cả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề mà còn hơn cả công đức của tất cả Đại Bồ-tát xa lìa phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa, tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự Ba-la-mật-đa, an trụ vào pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không, an trụ vào chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, an trụ vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tu hành tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa, tu hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông, tu hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, tu hành phép quán thuận nghịch mười hai duyên khởi trang nghiêm cõi Phật, giáo hóa hữu tình, tu tập các hạnh của Đại Bồ-tát, và công đức tu quả vị giác Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ… này mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích vô lượng hữu tình.

Bí-sô nên biết! Công đức, trí huệ của thiện nam tử, thiện nữ… này cũng hơn hẳn công đức của tất cả Đại Bồ-tát xa lìa phương tiện thiện xảo khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ… này mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích vô lượng hữu tình.

Bí-sô nên biết! Thiện nam tử, thiện nữ… này chính là Đại Bồ-tát. Nhờ tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đúng như đã nói nên Đại Bồ-tát này không bị tất cả thế gian, trời, người, A-tu-la, Bồ-tát, Ðộc giác, Thanh văn hàng phục. Vì vậy có thể nối liền chủng tánh trí nhất thiết trí không cho đứt đoạn, thường không lìa chư Phật, Bồ-tát là những bạn lành thù thắng chơn thật. Không bao lâu nữa vị ấy sẽ ngồi trên tòa Bồ-đề vi diệu, hàng phục tất cả quyến thuộc ác ma, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cứu vớt các hữu tình ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử, làm cho được hoàn toàn an vui, tịch tĩnh.

Bí-sô nên biết! Nhờ tu hạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đúng như đã nói, Đại Bồ-tát này thường học pháp mà Đại Bồ-tát nên học, không học pháp mà Thanh văn, Ðộc giác học.

Bí-sô nên biết! Do Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, thường học các pháp mà Đại Bồ-tát cần học nên bốn Đại thiên vương hộ thế thống lĩnh Thiên chúng của mình đến chỗ vị ấy, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói: “Lành thay! Đại sĩ hãy mau tinh tấn học các pháp mà Đại Bồ-tát nên học, đừng học các pháp mà Thanh văn, Ðộc giác học. Nếu học như vậy ngài sẽ sớm an tọa trên tòa Bồ-đề vi diệu và chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Như trước đây Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thọ nhận bốn bát của bốn Đại thiên vương hộ thế đã dâng. Như xưa bốn đại Thiên Vương hộ thế đã dâng lên bốn bát, chúng tôi cũng sẽ dâng như vậy.”

Bí-sô nên biết! Do Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thường học pháp mà Đại Bồ-tát cần học nên Thiên đế chúng tôi thống lãnh Thiên chúng của mình đến chỗ vị ấy để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói: “Lành thay! Đại sĩ hãy mau tinh tấn tu học các pháp mà Đại Bồ-tát nên học, đừng học các pháp mà Thanh văn, Ðộc giác học. Nếu học như vậy ngài sẽ mau an tọa nơi tòa Bồ-đề vi diệu, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển vận bánh xe pháp diệu pháp cứu độ các hữu tình.”

Bí-sô nên biết! Nhờ Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy và thường học các pháp Đại Bồ-tát cần học nên Thiên tử Diệu Thời Phần thống lãnh thiên chúng đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói: “Lành thay! Đại sĩ hãy sớm tinh tấn học các pháp Đại Bồ-tát đã học, đừng học các pháp mà Thanh văn và Ðộc giác học. Nếu học như vậy sẽ mau được an tọa nơi tòa Bồ-đề vi diệu, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vận chuyển bánh xe diệu pháp cứu độ các hữu tình.”

Bí-sô nên biết! Do Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, và thường học các pháp mà Đại Bồ-tát cần học nên Thiên tử Diệu Hỷ Túc thống lãnh Thiên chúng Diệu hỷ túc đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói: “Lành thay! Đại sĩ hãy mau siêng năng học các pháp mà Đại Bồ-tát cần học, đừng học các pháp mà Thanh văn, Ðộc giác học. Ai học như vậy thì sẽ sớm an tọa nơi tòa Bồ-đề vi diệu, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển vận bánh xe diệu pháp cứu độ các hữu tình.

Bí-sô nên biết! Do Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, và thường học những pháp mà Đại Bồ-tát cần học nên Thiên tử Lạc Biến Hóa thống lãnh thiên chúng Lạc biến hóa đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói: “Lành thay! Đại sĩ hãy mau siêng năng học các pháp mà Đại Bồ-tát cần học, đừng học các pháp mà Thanh văn, Ðộc giác học. Ai học như vậy thì sẽ sớm an tọa nơi tòa Bồ-đề vi diệu, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển vận bánh xe diệu pháp cứu độ các hữu tình.

Bí-sô nên biết! Do tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, và thường học các pháp mà Đại Bồ-tát cần học nên Thiên tử Diệu Tự Tại thống lãnh thiên chúng Tha hóa tự tại đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói: “Lành thay! Đại sĩ hãy mau siêng năng học các pháp mà Đại Bồ-tát nên học, đừng học các pháp mà Thanh văn, Ðộc giác học. Ai học như vậy thì sẽ sớm an tọa nơi tòa Bồ-đề vi diệu, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển vận bánh xe diệu pháp cứu độ các hữu tình.

Bí-sô nên biết! Do tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, và thường học các pháp mà Đại Bồ-tát cần học nên đại Phạm thiên vương chủ thế giới Ta-bà dẫn Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Phạm hội thiên chúng đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói: “Lành thay! Đại sĩ hãy mau siêng năng học các pháp mà Đại Bồ-tát cần học, đừng học các pháp mà Thanh văn, Ðộc giác học. Ai học như vậy sẽ sớm an tọa nơi tòa Bồ-đề vi diệu, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Tôi sẽ đến dưới cội Bồ-đề, ân cần thỉnh ngài chuyển vận pháp luân vô thượng, làm lợi lạc vô số hữu tình.”

Bí-sô nên biết! Do Đại Bồ-tát ấy tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, và thường học những pháp mà Đại Bồ-tát cần học nên Cực quang tịnh thiên cùng với thiên chúng Quang thiên, Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen; trời Biến tịnh cùng với thiên chúng trời Tịnh thiên, Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen; Trời Quảng quả cùng với thiên chúng Quảng thiên, Thiểu quảng thiên, Vô lượng quảng thiên đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen; trời Sắc cứu cánh cùng với thiên chúng trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến đến chỗ vị ấy cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và đều nói: “Lành thay! Đại sĩ hãy mau siêng năng học các pháp mà Đại Bồ-tát cần học, đừng học các pháp Thanh văn, Ðộc giác học. Nếu học như vậy sẽ sớm được an tọa nơi tòa Bồ-đề vi diệu, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển vận bánh xe diệu pháp cứu độ các hữu tình.

Bí-sô nên biết! Nhờ Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đúng như đã nói nên được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, các vị Đại Bồ-tát, các vị trời, rồng, A-tu-la… thường theo hộ niệm, vì thế tất cả hiểm nạn, nguy ách ở thế gian và sự buồn khổ nơi thân tâm đều không thể làm hại được Đại Bồ-tát này.

Bí-sô nên biết! Do Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đúng như đã nói nên các thứ bệnh do bốn đại chống trái nhau tạo ra ở thế gian đều không thể làm não hại. Đó là những bệnh như bệnh mắt, bệnh tai, bệnh mũi, bệnh lưỡi, bệnh thân, bệnh xương cốt tất cả bốn trăm lẻ bốn loại bệnh như vậy đều không có ở trong thân, chỉ trừ khi có nghiệp nặng chuyển thành quả báo nhẹ.

Bí-sô nên biết! Nhờ tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đúng như đã nói nên Đại Bồ-tát ấy thu được vô lượng vô biên công đức trong đời hiện tại và vị lai, các đức Phật Thế Tôn có thể thấy, biết, giác ngộ việc ấy.

 

 

Xem mục lục