Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

XXXIV. PHẨM TRỜI ĐẾN

01

 

Bấy giờ, cụ thọ Khánh Hỷ thưa Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác chẳng rộng ngợi khen năm pháp Ba-la-mật-đa: bố thí…, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, mà chỉ rộng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa thứ sáu?

Phật bảo:

- Này Khánh Hỷ! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa thứ sáu có khả năng đứng đầu, có khả năng dẫn đường cho năm pháp Ba-la-mật-đa trước cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, nên Ta chỉ rộng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Khánh Hỷ! Ý ông nghĩ sao? Nếu chẳng hồi hướng trí nhất thiết tướng mà tu bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, thì có thể gọi là chơn tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chăng?

Khánh Hỷ thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn ! Chẳng chơn. Bạch đức Thiện Thệ! Chẳng chơn.

Phật nói:

- Này Khánh Hỷ! Phải do hồi hướng trí nhất thiết tướng, tu bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng thì mới có thể gọi là chơn tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Cho nên, Bát-nhã Ba-la-mật-đa có khả năng đứng đầu, có khả năng dẫn đường cho năm Ba-la-mật-đa trước cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Do đó, Ta rộng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Khánh Hỷ lại thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Vì sao hồi hướng trí nhất thiết tướng, tu bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng thì mới được gọi là chơn tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng?

Phật nói:

- Này Khánh Hỷ! Vì lấy vô nhị làm phương tiện, vô sanh làm phương tiện, vô sở đắc làm phương tiện, hồi hướng trí nhất thiết tướng mà tu bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Hồi hướng trí nhất thiết tướng, tu bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng như thế, mới được gọi là chơn tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.

Cụ thọ Khánh Hỷ lại thưa:

- Lấy vô nhị nào làm phương tiện, vô sanh nào làm phương tiện, vô sở đắc nào làm phương tiện, hồi hướng trí nhất thiết tướng, tu bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, mới được gọi là chơn tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng?

Phật nói:

- Này Khánh Hỷ! Lấy vô nhị của sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề làm phương tiện, vô sanh làm phương tiện, vô sở đắc làm phương tiện, hồi hướng trí nhất thiết tướng, tu bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, mới được gọi là chơn tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.

Cụ thọ Khánh Hỷ thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Vì sao lấy vô nhị của sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề làm phương tiện, vô sanh làm phương tiện, vô sở đắc làm phương tiện, để hồi hướng trí nhất thiết tướng mà tu bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, mới được gọi là chơn tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng?

Phật nói:

- Này Khánh Hỷ! Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tánh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không; cho đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề và tánh của Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề là không. Vì cớ sao? Vì tánh không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến tánh không của Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề cùng với bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều không hai, không hai chỗ.

Khánh Hỷ nên biết: Do Bát-nhã Ba-la-mật-đa có khả năng hồi hướng trí nhất thiết tướng, do hồi hướng trí nhất thiết tướng nên có khả năng khiến cho bố thí Ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng được đến rốt ráo. Cho nên, Bát-nhã Ba-la-mật-đa là pháp đứng đầu, là pháp dẫn đường cho năm pháp Ba-la-mật-đa trước cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Vì vậy, Ta chỉ rộng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Khánh Hỷ nên biết: Ví như đem hạt giống rải lên đại địa, các duyên hòa hợp thời được sanh trưởng. Nên biết đại địa là chỗ nương tựa, có khả năng kiến lập, làm cho các hạt giống sanh trưởng. Cũng vậy, Bát-nhã Ba-la-mật-đa và hồi hướng trí nhất thiết tướng là chỗ nương tựa, có khả năng kiến lập, làm cho năm pháp Ba-la-mật-đa trước cho đến mười tám pháp Phật bất cộng được sanh trưởng. Cho nên Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây là pháp đứng đầu, là pháp dẫn đường cho năm pháp Ba-la-mật-đa trước cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Do đó, Ta chỉ rộng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chứ chẳng phải bố thí…

Bấy giờ, trời Ðế Thích thưa với Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Ngày nay, đối với tất cả công đức của Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nói không thể cùng tận. Vì sao vậy? Vì từ đức Thế Tôn, con nhận được công đức của Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu rộng vô lượng vô biên. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, thì công đức đạt được cũng vô lượng vô biên. Hoặc biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, trang nghiêm bằng đủ loại, lại đem vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, trân châu vi diệu quý hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng… mà cúng dường, thì công đức đạt được cũng vô biên vô lượng.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân… đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì nhờ nhân duyên này nên thế gian mới có mười thiện nghiệp đạo, hoặc bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định; hoặc bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; hoặc nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hoặc bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán; hoặc Ðộc giác Bồ-đề; hoặc các hạnh Đại Bồ-tát; hoặc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; hoặc các việc thù thắng của thế gian không việc nào chẳng xuất hiện.

Bấy giờ, Phật bảo trời Ðế Thích:

- Này Kiều-thi-ca! Ta chẳng nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây chỉ có công đức đã nói như trước. Vì cớ sao?

Này Kiều-thi-ca! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đầy đủ vô biên công đức thù thắng vậy.

Này Kiều-thi-ca! Ta cũng chẳng nói đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, thiện nam tử thiện nữ nhân nào chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, giỏi khéo biên chép, trang nghiêm bằng đủ loại, lại đem vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, trân châu vi diệu quí hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng… mà cúng dường, thì các thiện nam tử thiện nữ nhân… này chỉ có công đức đã nói như trước đó đâu. Vì cớ sao?

Này Kiều-thi-ca! Vì nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân… chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối  với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, giỏi khéo biên chép, trang nghiêm bằng đủ loại, lại đem vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa cho đến đèn sáng mà cúng dường thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này thành tựu vô lượng nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ, nhóm giải thoát, nhóm giải thoát kiến thù thắng.

Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này sẽ biết như Phật. Vì cớ sao? Vì họ thọ trì đạo Vô thượng của tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại; vì quyết định hướng tới Phật Bồ-đề; vì làm lợi ích, an vui cho tất cả hữu tình không cùng tận; vì vượt khỏi bậc Thanh văn, Ðộc giác.

Này Kiều-thi-ca! Nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ, nhóm giải thoát, nhóm giải thoát trí kiến của Thanh văn, Ðộc giác so với nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ, nhóm giải thoát, nhóm giải thoát trí kiến của các thiện nam tử, thiện nữ nhân đây thì trăm phần chẳng bằng một, ngàn phần chẳng bằng một, cho đến cực số phần cũng chẳng bằng một. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này vượt khỏi tâm tưởng thấp hèn của tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Ðối với các pháp của Thanh văn, Ðộc giác thừa, họ suốt đời chẳng ngợi khen; đối với tất cả pháp, không có điều nào mà không biết, nghĩa là biết rõ pháp không có sở hữu.

Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, hoặc biên chép, nghiêm sức bằng đủ loại, lại đem vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa cho đến đèn sáng mà cúng dường thì Ta nói người này hiện tại và vị lai thu được vô lượng, vô biên công đức thắng lợi.

Khi ấy, trời Ðế Thích liền thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Chư thiên chúng con thường theo hộ vệ các thiện nam tử, thiện nữ nhân này, chẳng cho tất cả nhơn phi nhơn…. các thứ ác duyên làm não hại.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đem tâm ứng hợp với trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây thọ trì đọc tụng thì khi ấy có vô lượng trăm ngàn thiên tử vì nghe pháp nên đều đến nhóm hội, vui mừng phấn khởi, kính thọ Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế.

Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đem tâm ưng hợp với trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, khi nói pháp tương ưng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế thì có vô lượng các thiên tử đều đến nhóm hội, dùng uy lực của chư thiên khiến cho pháp sư đó thuyết pháp tăng thêm biện tài, diễn nói vô tận.

Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đem tâm ứng hợp với trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, khi tuyên nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế thì có vô lượng các thiên tử, vì kính trọng pháp nên đều đến nhóm hội, dùng uy lực của chư thiên khiến cho pháp sư đó thuyết pháp biện tài lưu loát, nếu có chướng nạn cũng chẳng bị ngăn dứt.

Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đem tâm ứng hợp với trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, hoặc khéo biên chép, nghiêm sức bằng đủ các báu, lại đem nhiều phẩm vật thượng diệu như tràng hoa cho đến đèn sáng mà cúng dường thì trong đời hiện tại được vô biên công đức thắng lợi, ma và quân ma chẳng thể làm rối loạn, não hại được.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối trước bốn chúng mà tuyên nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế thì tâm không khiếp sợ, chẳng bị tất cả luận nạn bẻ gẫy. Vì cớ sao?

Này Kiều-thi-ca! Vì người đó nhờ lực gia trì của Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như vậy. Lại trong tạng bí mật của Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, phân biệt đầy đủ trọn vẹn tất cả các pháp. Ðó là pháp thiện, pháp bất thiện, pháp hữu ký, pháp vô ký, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp Thanh văn, pháp Ðộc giác, pháp Bồ-tát, pháp Như Lai. Vô lượng trăm ngàn các pháp môn sai khác như thế đều được thu nhiếp trong đây.

Lại do các thiện nam tử, thiện nữ nhân này khéo trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không, nên đều chẳng thấy có kẻ hay luận nạn, cũng chẳng thấy có người bị luận nạn, cũng chẳng thấy có nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Vì vậy, này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đây nhờ đại oai thần lực của Bát-nhã Ba-la-mật-đa này hộ trì, cho nên chẳng bị tất cả dị học luận nạn và các kẻ oán địch làm khuất phục.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này tâm thường không kinh khiếp, không sợ hãi, không lo ngại, chẳng bị chìm đắm, cũng chẳng ưu buồn. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này đều chẳng thấy có việc đáng kinh, đáng sợ, đáng hãi, chìm đắm, ưu buồn vậy.

Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn được vô biên công đức thắng lợi trong hiện tại và tương lai đây thì nên đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, không được tạm quên.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đem tâm ứng hợp với trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này hằng được cha mẹ, Sư trưởng, bạn thân, quốc vương, đại thần và các Sa môn, Bà-la-môn… đều ái kính; cũng được mười phương vô biên thế giới tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, Đại Bồ-tát, Ðộc giác, A-la-hán, Bất hoàn, Nhất lai, Dự lưu quả… đều thương nhớ; lại được các trời, ma, phạm và nhơn phi nhơn, A-tố-lạc… khắp thế gian đều ái mộ, giúp đỡ. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này thành tựu biện tài tối thắng không gián đoạn; trong tất cả thời, tu hành bố thí cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa, an trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không; tu hành bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tu hành tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật; tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, thường không biếng nhác phế bỏ. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này chẳng bị tất cả ngoại đạo dị luận và các oán địch hàng phục, ngược lại có khả năng hàng phục ngoại đạo dị luận và các oán địch.

Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn trong hiện tại và vị lai được công đức thắng lợi như thế vô tận, không gián đoạn thì nên đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, đem tâm ứng hợp với trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, để chỗ thanh tịnh, trang nghiêm bằng đủ loại báu, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen thì khi ấy, trong Tam thiên đại thiên thế giới đây và mười phương vô biên thế giới khác, các vị trời Tứ đại vương cho đến trời Quảng quả, những vị đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề thường đến chỗ ấy đãnh lễ, đọc tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, rồi cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, đi nhiễu lễ bái, chấp tay lui về. Ngoài ra còn có các vị trời Tịnh cư như là trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh cũng thường đến đây đãnh lễ, đọc tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, rồi cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, đi nhiễu lễ bái, xong chấp tay lui về.

Khi ấy cũng có các rồng, Dược-xoa, Kiện-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn có đại oai đức… khắp Tam thiên Ðại thiên thế giới và mười phương vô biên thế giới khác, cũng thường đến đây đãnh lễ, đọc tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, rồi cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, đi nhiễu lễ bái, xong chấp tay lui về.

Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này sẽ nghĩ rằng: Nay khắp Tam thiên đại thiên thế giới đây và mười phương vô biên thế giới khác, các vị trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh, cùng với vô lượng các rồng, Dược-xoa, Kiện-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn có đại oai đức… thường đi đến đây đãnh lễ, đọc tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa do ta biên chép, rồi cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, đi nhiễu lễ bái, xong chấp tay lui về. Như vậy là ta đã thiết lập pháp thí. Khởi nghĩ như vậy rồi, họ vô cùng vui mừng phấn khởi, khiến cho phước báu tăng trưởng bội phần.

Này Kiều-thi-ca! Do các vị trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh, cùng với vô lượng các rồng, Dược-xoa, Kiện-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn… có đại oai đức khắp Tam thiên đại thiên thế giới đây và mười phương vô biên thế giới khác thường đi đến đây, theo dõi ủng hộ, nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân này chẳng bị tất cả nhơn phi nhơn… làm não hại, chỉ trừ nhân ác nghiệp đời trước đã chín mùi hiện tại phải chịu, hoặc chuyển trọng nghiệp hiện đời thọ nhẹ.

Này Kiều-thi-ca! Nhờ đại lực oai thần của kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân này được các thứ công đức thắng lợi như thế trong đời hiện tại…, nghĩa là những vị đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề như chư thiên…, hoặc người nương vào Phật pháp đã được việc thù thắng an vui, vì kính trọng pháp nên thường đi đến đây, theo dõi ủng hộ làm cho thiện nam tử, thiện nữ nhân kia tăng thế lực. Vì cớ sao?

Này Kiều-thi-ca! Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này đã phát tâm Vô thượng Chánh Ðẳng Giác, thường cứu vớt các hữu tình, thành thục các hữu tình, chẳng bỏ các hữu tình, làm lợi ích an vui cho các hữu tình. Các chư thiên… kia cũng lại như vậy. Do nhân duyên đây nên chư thiên… thường đến ủng hộ các thiện nam tử, thiện nữ nhân này, khiến cho không bị não hại.


Xem mục lục