Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

9. Viên mãn thành tựu

 Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:

a. Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.

b. A Nan thưa hỏi.

c. Thế Tôn chánh đáp.

 Chánh kinh: Phật bảo A Nan:

- Pháp Tạng tỳ kheo tu Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức vô lượng vô biên, được tự tại trong hết thảy pháp, chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt để biết được nổi.

 Giải: Thế Tôn tổng kết phần kinh văn đã nói ở phần trước, nồng nhiệt khen ngợi Pháp Tạng tỳ kheo tu đại hạnh của Phổ Hiền đại sĩ, tích lũy vô lượng vô biên công đức.

‘Ðược tự tại trong hết thảy pháp’: Ðức Thế Tôn tự xưng ‘ta là pháp vương, tự tại nơi pháp’, nay ngài dùng ngay câu này để khen ngợi Pháp Tạng trong lúc tu nhân thì thật là một lời khen ngợi tột bực.

‘Hết thảy tự tại’ là hết thảy vô ngại, cũng có nghĩa là hết thảy thành tựu trọn vẹn. Thành tựu viên mãn dung thông vô ngại mới gọi là ‘tự tại’. Ngoài ra, thánh hiệu Quán Tự Tại Bồ Tát cũng ngầm nêu huyền chỉ sâu kín sau: ‘Tự’ là tự tánh, tự tâm. Quán Tự Tại là thấy rành rẽ cái tánh, thấy rành rẽ cái tâm, đấy chính là ‘thậm thâm Bát Nhã’ nên có thể chiếu phá ngũ uẩn, thoát khỏi hết thảy khổ ách. Ðây cũng chính là ‘được tự tại nơi hết thảy pháp’. Ðó là vì lấy tự tại làm nhân, lại lấy tự tại làm quả: nhân quả đồng thời chẳng thể nghĩ bàn!

Sách Hội Sớ lại giải thích như sau: ‘Nay bảo “được tự tại nơi hết thảy pháp” thì chính là thành tựu Phật quả của đức Thế Tự Tại Vương. “Hết thảy pháp” chính là pháp bốn mươi tám nguyện, tức là: pháp trang nghiêm Tịnh Ðộ, pháp nhiếp thủ chúng sanh, pháp trang nghiêm Pháp Thân v.v…’ Ý nói: Bốn mươi tám nguyện của ngài Pháp Tạng thảy đều viên mãn; hết thảy các pháp được thâu tóm trong các nguyện ấy đều đã viên dung vô ngại, thành tựu được quả giác của Thế Gian Tự Tại Vương Phật nên bảo là ‘hết thảy tự tại’.

Ðối với kinh này, cư sĩ Bành Tế Thanh đời Thanh có những kiến giải thật sâu sắc, tôi xin dẫn giản lược như sau: ‘Pháp Tạng dùng vô lượng tâm phát vô lượng nguyện, khởi vô lượng hạnh, không hạnh nào chẳng tương xứng Chơn Như pháp giới. Chúng sanh vô lượng, cõi nước vô lượng, Bồ Tát tùy thuận chúng sanh trải bất khả thuyết bất khả thuyết na do tha kiếp nhập bất khả thuyết bất khả thuyết hằng sa cõi Phật, đều dùng vô lượng hạnh hải để nghiêm tịnh những cõi ấy.

Vì sao vậy? Vì pháp giới vốn vô lượng vậy. Nghiêm tịnh vô lượng cõi Phật, độ thoát vô lượng chúng sanh như vậy, nhưng thật chẳng có cõi Phật để nghiêm tịnh, cũng chẳng có chúng sanh để độ. Vì sao thế? Vì pháp giới chính là phi pháp giới nên bi trí cùng dung hội, lý sự vô ngại. Do vậy có thể ‘tự tại trong hết thảy các pháp’.

Hai thuyết vừa dẫn trên thật khéo bổ sung lẫn nhau.

‘Chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt để biết được nổi’: Một câu này quả thật là kim cang vương bảo kiếm, chặt phăng hết sạch những suy lường, kiến giải của chúng sanh. Câu này và câu ‘pháp này chẳng thể do suy lường, phân biệt mà hiểu được nổi’ trong kinh Pháp Hoa thật chỉ là một, một vị một âm, giống hệt nhau chẳng khác. Ðây chẳng phải là điều trùng hợp ngẫu nhiên mà thật chính là do thể tánh của hai câu tương đồng. Vì vậy, tiếp theo đây, tôi sẽ dẫn kinh Pháp Hoa để soi sáng ý nghĩa kinh này. Kinh Pháp Hoa nói:

‘Chư Phật theo cơ nghi thuyết pháp, ý nghĩa khó hiểu nổi. Vì cớ sao vậy? Ta dùng vô số phương tiện, các thứ nhân duyên, thí dụ, lời lẽ để diễn thuyết các pháp. Pháp ấy chẳng thể dùng suy lường, phân biệt để hiểu được nổi, chỉ có chư Phật mới biết được thôi. Vì cớ sao thế? Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong đời.

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong đời? Chư Phật Thế Tôn muốn cho chúng sanh khai Phật tri kiến, khiến họ được thanh tịnh nên xuất hiện trong đời; muốn chỉ bày tri kiến của Phật cho chúng sanh nên xuất hiện trong đời; muốn cho chúng sanh ngộ được tri kiến của Phật nên xuất hiện trong đời; muốn cho chúng sanh chứng nhập được tri kiến của Phật nên xuất hiện trong đời.

Này Xá Lợi Phất! Ðấy là chư Phật Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong đời’.

Ðoạn kinh trên nói rõ chư Phật chỉ vì một đại sự nhân duyên là khai, thị, ngộ, nhập tri kiến của Phật mà xuất hiện trong đời. Ðiều Phật khai thị chính là tri kiến của Phật nên chỉ có Phật với Phật mới có thể thật sự hiểu rõ. Chúng sanh vướng trong tình chấp, kiến giải, khởi tâm động niệm đều là vọng tưởng phân biệt nên Phật tuy dùng đủ các thí dụ, lời lẽ để giải thích, nhưng chúng sanh đối với tri kiến của Phật vẫn như điếc, như đui chẳng thể thật sự thấu hiểu.

Kinh Viên Giác nói: ‘Chưa thoát được luân hồi mà bàn đến Viên Giác thì cái tánh Viên Giác đó cũng chỉ là lưu chuyển’. Câu kinh này chỉ rõ: chẳng thể dùng phân biệt, so lường để hiểu nổi Viên Giác. Ngài Nam Tuyền bảo: ‘Thuyết tác như như, tảo biến liễu dã’ (hễ nói ra cái Như Như thì ý nghĩa chơn thật của nó đã sớm bị biến mất rồi!). Vì vậy, ‘chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt để biết được nổi’. Rõ ràng, với một đại sự này ngôn ngữ bặt dứt, tâm hành lặng bặt.

Quả giác của ngài Pháp Tạng thật chẳng thể dùng lời lẽ nào để diễn tả nổi, chẳng thể dùng cái tâm sanh diệt của chúng sanh để suy xét, phân biệt mà thấu hiểu được nổi. Còn trong phàm phu thì dẫu nói năng cũng chẳng biết được, không nói năng cũng chẳng biết được, phân biệt cũng không biết được, không phân biệt lại càng không biết được! Diệu quả Pháp Thân cứu cánh của ngài Pháp Tạng chỉ có Như Như với Như Như trí mới lãnh hội được nên phàm tình làm sao suy thấu được!

 Chánh kinh: Thành tựu viên mãn thệ nguyện đã phát, như thật an trụ đầy đủ trang nghiêm, oai đức rộng lớn thanh tịnh cõi Phật.

 Giải: ‘Viên mãn’ là đầy đủ những điều tốt đẹp, kỳ diệu một cách trọn vẹn. Trong sách Pháp Hoa Luận Sớ, ngài Gia Tường giảng chữ ‘thành tựu’ như sau: ‘Ðầy đủ không sót gì, chẳng thể phá hoại nên bảo là thành tựu’. Sách Vãng Sanh Luận Chú cũng bảo: ‘Nương vào bốn mươi tám bổn nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát nên nay Phật A Di Ðà thần lực tự tại, nguyện phát sanh lực, lực đáp ứng nguyện, nguyện chẳng luống uổng, lực chẳng dối bày, lực và nguyện hỗ trợ nhau rốt ráo chẳng sai chạy nên bảo là thành tựu’. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát cũng có nói: ‘Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu bốn pháp thì sau khi đức Như Lai diệt độ sẽ được kinh Pháp Hoa này: Một là được chư Phật hộ niệm, hai là trồng các cội đức, ba là nhập chánh định tụ, bốn là đều thành tựu hết thảy thệ nguyện một cách viên mãn’.

Kinh Pháp Hoa nói thành tựu bốn pháp sẽ được nghe hiểu kinh Pháp Hoa, còn trong kinh này, hết thảy thệ nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ đều đã viên mãn thành tựu nên ngài được ‘như thật an trụ, đầy đủ trang nghiêm, oai đức rộng lớn, cõi Phật thanh tịnh’.

‘Thật’ là chơn thật, cũng chính là Thật Tướng, Chơn Như hay Pháp Thân. ‘Như thật an trụ’ là an trụ một cách chơn thật nơi Chơn Thật Tế. Nói giản dị là an trụ trong Thật Tướng của các pháp. Thật Tướng chính là cái thể của bản kinh này. Thật Tướng cũng chính là Chơn Như nên Chơn Như chính là Như Như. Nói như kinh Kim Cang thì ‘như thật an trụ’ chính là ‘như như bất động’.

Thật Tướng lại chính là Pháp Thân như Vãng Sanh Luận Chú bảo: ‘Nếu bàn đến việc quán sát sự thành tựu công đức trang nghiêm cõi Phật, sự thành tựu công đức trang nghiêm của Phật, sự thành tựu công đức trang nghiêm của Bồ Tát thì nên biết rằng ba thứ thành tựu nguyện tâm trang nghiêm ấy có thể nói gọn là nằm trọn trong một pháp cú. Một pháp cú là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú chính là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân’.

Câu ‘như thật an trụ’ trong kinh đây ý nói an trụ nơi chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân, nên ‘như thật an trụ’ gói gọn trong một thanh tịnh cú. Sự thanh tịnh ấy gồm đến hai thứ thanh tịnh: một là khí thế gian thanh tịnh, hai là chúng sanh thế gian thanh tịnh. Một pháp cú gồm trọn cả hai thứ thanh tịnh và ba thứ trang nghiêm nên bảo là ‘đầy đủ trang nghiêm’. Vãng Sanh Luận Chú bảo: ‘Sự trang nghiêm ấy dẫu cho Tỳ Thủ Yết Ma - kẻ được khen là khéo tay tột bực - dốc lòng nghiền ngẫm cũng chẳng phác họa nổi (Tỳ Thủ Yết Ma là tên của một vị Thiên Ðế. Ông này rất khéo tay, khéo biến hóa, giỏi kiến trúc). Năng sanh (cái làm chủ thể phát sanh ra, ở đây là nguyện tâm vi diệu của Phật Di Ðà) đã tịnh thì sở sanh (cái được phát sanh ra, tức là cõi Cực Lạc....) sao lại chẳng tịnh? Vì vậy, kinh bảo: ‘Hễ tâm tịnh thì cõi Phật tịnh’.

‘Oai đức’: đáng kiêng nể là Oai, đáng tôn trọng, yêu mến là Ðức. Sách Sớ Giải kinh Pháp Hoa của ngài Gia Tường ghi: ‘Dè nể là Oai, yêu mến là Ðức. Lại nữa, chiết phục là Oai, nhiếp thọ là Ðức’.

Sách Thám Huyền Ký giảng chữ ‘rộng lớn’ (quảng đại) như sau: ‘Ðại nghĩa là bao dung, quảng là thể đến tột bực (bổn thể viên mãn đến cùng cực), diệu dụng trùm khắp’.

Ngoài ra, ‘Quảng Ðại Hội’ chính là một danh hiệu khác của Phật A Di Ðà. Do hội tụ tất cả những thứ quảng đại nên ngài có danh hiệu này. Mười phương chúng sanh sanh về Cực Lạc, pháp hội lớn lao, thánh chúng vô lượng, toàn là do cái đức vời vợi của Phật Di Ðà cảm nên. Ở đây, kinh nói ‘quảng đại’ chính là để diễn tả cái đức ấy.

‘Cõi Phật thanh tịnh’: Phẩm mười một trong kinh Vô Lượng Thọ đây có nói thế giới Cực Lạc ‘thanh tịnh trang nghiêm vượt trội mười phương’, bản Hán dịch còn bảo A Di Dà Phật là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, hoặc là Vô Lượng Thanh Tịnh Giác. Cực Lạc là từ chơn tâm đức Như Lai hiện ra, do tự tánh thanh tịnh cảm thành nên Cực Lạc phải thanh tịnh vô lượng.

Hơn nữa, Cực Lạc thế giới chính là tên gọi khác của Mật Nghiêm thế giới và Hoa Tạng thế giới. Kinh Ðại Thừa Mật Nghiêm bảo: Ðại Nhật Như Lai ‘từ nan tư định hiện ra các thứ sắc nhiệm mầu, sắc tướng chẳng có hạn lượng, chưa từng thấy cõi nước nào khác được như vậy. Cõi Cực Lạc trang nghiêm, Phật hiệu Vô Lượng Thọ’. Kinh dạy rõ Ðại Nhật Như Lai trụ trong nan tư diệu định, từ trong định hiện ra cõi Cực Lạc và Phật Vô Lượng Thọ. Như vậy, Ðại Nhật chính là Di Ðà, Mật Nghiêm chính là Cực Lạc.

Kinh còn nói: ‘Cõi Tịnh Ðộ Mật Nghiêm vượt hơn các cõi Phật như tánh của vô vi, chẳng do vi trần hợp thành’. Sách Mật Nghiêm Pháp Tạng Sớ cũng ghi: ‘Mật Nghiêm chính là cõi thọ dụng của chư Phật’ và: ‘Cõi Mật Nghiêm đây chỉ là do Như Lai tạng tâm thanh tịnh biến hiện’. Sách Vãng Sanh Luận lại bảo: ‘Lấy chuyên tâm niệm Phật phát nguyện sanh cõi ấy thì chứng nhập được Hoa Tạng thế giới’. Kinh Kim Cang Ðảnh cũng dạy: ‘Chỉ có cõi Phật này hoàn toàn do kim cang tự tánh thanh tịnh hóa thành, [đó là cõi] Mật Nghiêm Hoa Tạng’. Như vậy, Cực Lạc chính là Mật Nghiêm hay Hoa Tạng, đều từ Như Lai tạng tâm thanh tịnh biến hiện, do kim cang tự tánh thanh tịnh tạo thành. Do vậy, cõi ấy ‘thanh tịnh trang nghiêm vượt trội mười phương’ nên mới bảo là ‘oai đức rộng lớn, cõi Phật thanh tịnh’.

 Chánh kinh: A Nan nghe lời Phật dạy, bạch Thế Tôn rằng:

- Pháp Tạng Bồ Tát thành Bồ Ðề thì thành Phật trong quá khứ hay là Phật trong vị lai, hay là hiện đang ở thế giới phương khác?

Thế Tôn bảo rằng:

- Ðức Như Lai ấy không từ đâu đến, chẳng đi về đâu, vô sanh, vô diệt, chẳng phải là quá khứ, hiện tại, vị lai, chỉ vì đáp tạ cái nguyện độ sanh nên hiện ở Tây phương. Cách Diêm Phù Ðề trăm ngàn câu chi na do tha cõi Phật có một thế giới tên là Cực Lạc, Pháp Tạng thành Phật hiệu là A Di Ðà. Từ khi ngài thành Phật đến nay đã là mười kiếp, nay hiện tại thuyết pháp, có vô lượng vô số Bồ Tát, Thanh Văn chúng cung kính vây quanh.

 Giải: A Nan dựa trên mặt Sự mà hỏi, đức Thế Tôn lại dùng Lý để đáp. Lý sự vô ngại khéo hiển thị Trung Ðạo (sáu câu đầu trong đoạn này trích từ bản Tống dịch).

Thế Tôn bảo A Nan rằng: ‘Ðức Phật Như Lai ấy không từ đâu đến, chẳng đi về đâu’, câu này cùng một ý nghĩa với câu kinh Kim Cang: ‘Như Lai là chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu nên gọi là Như Lai’. Trong sách Kim Cang Phá Không Luận, Linh Phong đại sư giải thích như sau:

‘Do Chơn Như chẳng phải ở chỗ nào khác nên từ đấy mà đến, sanh tử không phải là chốn nào khác nên từ đây mà đi. Do vậy, có duyên thì hiện như nước trong thì trăng hiện, mặt trăng thật chẳng vào trong nước. Duyên hết liền ẩn ví như nước đục trăng biến mất, trăng thật chẳng bỏ đi’.

Ta cũng có thể dùng ngay lời giảng trên để giải thích ý đoạn kinh này: Pháp Thân của Như Lai hiện diện khắp nơi nên chẳng thể bảo là Pháp Thân đến từ chỗ nào hay Pháp Thân đi về đâu! Vì hết thảy mọi chốn đều là tự tánh Pháp Thân vậy. Chỉ là gặp duyên thì hiện có đến đi nên kinh mới nói: ‘Chỉ vì đáp tạ cái nguyện độ sanh nên hiện ở Tây phương’. Phật bảo ‘chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu’ là để đáp lời hỏi về quốc giới, đấy là nói về mặt không gian, ngụ ý: mười phương hư không nào rời khỏi ngay nơi chốn đang nói.

Kế đến, ngài trả lời về thời gian như sau: ‘Vô sanh, vô diệt, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai’. Kinh Niết Bàn nói: ‘Các hành vô thường là pháp sanh diệt. Sanh diệt đã diệt hết rồi, do vô sanh nên ắt vô diệt’. Chương Quán Âm Viên Thông trong kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng ghi: ‘Diệt hết sanh diệt thì tịch diệt hiện tiền’: Do đã chứng nhập vô sanh nên đã vô sanh thì ắt sẽ vô diệt.

‘Chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai’ nghĩa là: thời gian có quá khứ, hiện tại, vị lai, vọng niệm tiếp nối. Niệm trước đã diệt là quá khứ, niệm sau nảy sanh là vị lai. Hễ vọng niệm chẳng sanh thì cũng chẳng diệt nên thời gian nào có quá khứ, vị lai? Hiện tại niệm niệm chẳng trụ nên chẳng có hiện tại. Hơn nữa, chẳng có quá khứ, vị lai, làm sao có hiện tại? Vì vậy, kinh Kim Cang nói: ‘Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được’. Thêm nữa, câu cuối cùng của sách Tín Tâm Minh là ‘Không quá khứ, vị lai, hiện tại’. Rõ ràng, tam thế cổ kim chẳng ngoài cái niệm ngay hiện tại.

Trên đây là nói về lý thể của Pháp Thân, về Chơn Thật Tế; tiếp đó phải nói đến phương tiện phổ độ, cái lợi chơn thật. Lý chẳng ngại sự, tịch mà thường chiếu, bi tâm vô tận, ứng hóa độ sanh. Do vậy, kinh chép: ‘Chỉ vì đáp tạ cái nguyện độ sanh nên hiện ở phương Tây’. Nói nôm na, ‘đáp tạ’ nghĩa là thực hiện bổn nguyện. ‘Nguyện’ chỉ cho bốn mươi tám nguyện đã phát khi tu nhân. Nay đã thành Phật thì với ba thứ trang nghiêm như vô lượng quang, vô lượng thọ v.v... không điều nào chẳng thực hiện. Mỗi một nguyện trong bốn mươi tám nguyện đều vì Pháp Thân nên nay thành tựu ba thân: pháp, báo, ứng. Hơn nữa, mỗi một nguyện đều để độ sanh nên tất nhiên phải ‘đáp tạ cái nguyện”.

 “Hiện” là hiện tại, cũng có nghĩa là thị hiện. Phật thân hiện diện khắp mọi nơi. Thân và cõi chẳng hai nên cõi Phật cũng hiện khắp mọi nơi. Nói là ở Tây phương thì đó cũng chỉ là thị hiện như phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa đã bảo: ‘Nếu có chúng sanh đến chỗ ta, ta dùng Phật nhãn quán sát các căn: tín v.v... của kẻ ấy là lợi hay độn. Tùy theo [căn tánh] nên dùng pháp nào để hóa độ mà nơi nơi ta tự nói danh hiệu sai khác, niên kỷ nhiều ít, lại còn hiện nói sẽ nhập Niết Bàn. Lại dùng các thứ phương tiện thuyết pháp vi diệu khiến chúng sanh sanh lòng hoan hỷ’.

Kinh đây nói ‘hiện ở phương Tây’ chính là ‘tùy theo [căn tánh] nên dùng pháp nào để hóa độ... phương tiện thuyết pháp vi diệu’ vậy. Ðây chính là phương tiện thù thắng: ‘Chỉ phương lập tướng, ngay nơi sự chính là chơn’. Thiện Ðạo đại sư đã phân tích tại sao phải lập phương tiện ấy như sau: Chúng sanh cõi Sa Bà vọng tâm bạo động. Chỉ phương lập tướng còn chưa chuyên chú nổi, huống là không có phương, chẳng có tướng? Sách Thượng Ðô Nghi cũng nói: ‘Ðể quy mạng Tam Bảo cần phải chỉ phương, lập tướng. Trụ tâm giữ cảnh hòng kềm giữ tâm phàm còn chẳng xong, huống là ly tướng?’

‘Cách Diêm Phù Ðề trăm ngàn câu chi na do tha cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc’: Câu này trích từ bản Tống dịch, bản Ngụy dịch ghi là mười vạn ức cõi, bản Ðường dịch ghi mười vạn ức cõi Phật. Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ cũng ghi giống như bản Tống dịch. Kinh A Di Ðà ghi giống hai bản Ðường và Ngụy dịch. Các bản dịch ghi sai khác là vì hai nguyên nhân:

a. Một là như kinh Pháp Hoa dạy: thuận theo căn khí của chúng sanh nên nói danh hiệu sai khác, tuổi tác nhiều ít. Vì vậy, khoảng cách giữa hai cõi cũng sai khác. Thật sự, cả Cực Lạc lẫn Sa Bà đều khắp mọi nơi, chứa đựng lẫn nhau, vốn chẳng cách nào nói nổi khoảng cách.

b. Hai là những con số: ức, na do tha, câu chi cũng lớn nhỏ bất nhất. Có bốn cách hiểu chữ Ức: mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn, vạn vạn. Câu chi được dịch là ức nên câu chi có thể là mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn hoặc vạn vạn, nhưng chỉ có ba loại trước là thường được dùng. Na do tha cũng có thể hiểu là mười vạn, hoặc ngàn vạn hoặc cũng có thể hiểu là mười vạn, quá nhiều cách hiểu nên khó lòng so sánh nổi.

Nếu bây giờ ta hiểu ức là một vạn vạn thì ‘mười vạn ức’ là mười vạn vạn vạn. (10 x 10.000 x 10.000 x 10.000 = 1013). Với con số trăm ngàn câu chi na do tha, nếu hiểu câu chi và na do tha đều chỉ con số nhỏ nhất trong bốn thuyết vừa nói trên thì trăm ngàn câu chi na do tha là một ngàn vạn vạn vạn. Như vậy, con số trăm ngàn câu chi na do tha lớn gấp trăm lần con số mười ức vạn nên ta chẳng thể hạn cuộc trong số lượng được. Ðối chiếu các kinh, ta có thể suy luận rằng: Cực Lạc thế giới tối thiểu cũng ngoài mười vạn vạn ức tam thiên đại thiên thế giới (một tam thiên đại thiên thế giới là một cõi Phật).

Phàm phu nghe vậy thường nghĩ cõi Cực Lạc xa quá sợ mình không đến nổi, đấy thật là do bởi tâm lượng mê muội. Theo kinh Lăng Nghiêm, mười phương hư không sanh trong tâm ta như một phiến mây giữa tầng trời xanh bao la, nào có xa xôi chi! Vì vậy, Quán kinh bảo: ‘A Di Ðà Phật cách đây chẳng xa’ bởi vì cõi Cực Lạc vốn ở trong tâm mỗi chúng sanh. Sách A Di Ðà Sớ Sao cũng nói: ‘Phân minh ngay trước mắt nào xa xôi gì!’ Lời đại sư Liên Trì thật thấu triệt bổn nguyên vậy.

‘Có thế giới tên là Cực Lạc’: Chữ ‘thế’ chỉ thời gian: quá khứ, vị lai, hiện tại là tam thế; ‘giới’ là cương giới, chỉ không gian, tức là bốn phương, bốn góc, trên, dưới gọi chung là thập phương. Tính gộp cả thời gian lẫn không gian nên gọi là “thế giới”.

‘Cực Lạc’ tiếng Phạn là Tu Ma Ðề, có nhiều cách dịch: An Lạc, An Dưỡng, Thanh Thái v.v... Sách A Di Ðà Yếu Giải giảng chữ Cực Lạc nghĩa là ‘vĩnh viễn thoát khỏi các khổ, an ổn bậc nhất’; sách Di Ðà Sớ Sao giảng: ‘Ý nói sự vui đến tột bậc, hết thảy cái vui trong cõi nhân thiên chẳng sánh được nổi’ nên gọi là ‘Cực Lạc’.

Các cõi Phật tùy theo căn cơ cảm thành mà có bốn thứ. Sách Di Ðà Sớ Sao nói:

‘Bốn cõi là:

a. Một là Thường Tịch Quang độ. Kinh nói: ‘Tỳ Lô Giá Na khắp hết thảy chỗ, chốn đức Phật ngự tên Thường Tịch Quang’. Ðấy là chỗ hạng người quả vị cao nhất ở.

b. Hai là Thật Báo Trang Nghiêm độ, hành pháp chơn thật, cảm báo thù thắng, bảy báu trang nghiêm, có đủ ngũ trần tịnh diệu nên còn gọi là Vô Chướng Ngại độ do sắc và tâm chẳng hai, sợi lông và cõi nước chứa lẫn nhau. Bậc Pháp Thân Ðại Sĩ ngự cõi này.

c. Ba là Phương Tiện Hữu Dư độ: đoạn được bốn trụ hoặc, thuộc về phương tiện đạo, vô minh chưa hết nên bảo là Hữu Dư, là chỗ cư ngụ của thánh nhân trong tam thừa.

d. Bốn là Phàm Thánh Ðồng Cư độ là chỗ tứ thánh, lục phàm chung ở’.

Phàm là phàm phu, thánh là thánh nhân. Thánh nhân ứng tích trong thế gian, ở chung một chỗ với phàm phu nên bảo là Phàm Thánh Ðồng Cư.

Thế giới Sa Bà cũng là cõi Phàm Thánh Ðồng Cư, nhưng cõi này trược nặng, ác lắm, bất tịnh ngập ngụa, gai, góc, ngói sạn, gò nổng, hầm hố nên là cõi Ðồng Cư uế độ.

Cõi đồng cư Cực Lạc: ao suối có nước tám công đức, cây giát đầy bảy báu, sen báu tỏa quang minh hiện Phật đầy ắp khắp cõi nước; nước, chim, cây cối đều diễn thuyết diệu pháp; các bậc thượng thiện nhân nhập chánh định tụ, vĩnh viễn thoát khỏi các khổ, chỉ hưởng pháp lạc Ðại Thừa. Ðó là đồng cư Tịnh Ðộ.

Hơn nữa, Cực Lạc Ðồng Cư Tịnh Ðộ viên minh vô ngại, lại thông với cả ba cõi trên: Thường Tịch Quang.... Sách Di Ðà Sớ Sao bảo: ‘Do căn cơ sai khác, thấy biết cũng khác. Có người ở trong cõi Ðồng Cư mà thấy là cõi Thường Tịch Quang; có người ở trong Ðồng Cư mà thấy là cõi Thật Báo; có người trong cõi Ðồng Cư mà thấy là cõi Phương Tiện; có người trong cõi Ðồng Cư chỉ thấy đó là cõi Ðồng Cư như kinh Tượng Pháp Quyết Nghi dạy: “Vô ương số chúng đang hiện diện đây hoặc thấy chốn này có núi rừng, đất đai, cát sỏi; hoặc thấy thất bảo, hoặc thấy là hành xứ của chư Phật, hoặc thấy chính là cảnh giới bất tư nghị của chư Phật” đều là do căn cơ nên thấy sai khác’.

Vì vậy, sách Di Ðà Yếu Giải bảo: ‘Nay bảo Cực Lạc thế giới chính là cõi Ðồng Cư Tịnh Ðộ, nhưng nó cũng gồm cả ba cõi Tịnh Ðộ trên’ và: ‘Nay xét theo ba điều: tín, nguyện, hạnh thì danh hiệu Di Ðà chẳng thể nghĩ bàn nên có thể khiến cho phàm phu cảm được cõi Cực Lạc thanh tịnh tột bậc, mười phương cõi Phật không đâu có được như vậy, riêng mình cõi Cực Lạc Ðồng Cư độc chiếm. Ðấy mới là tông chỉ của Cực Lạc Tịnh Ðộ’.

Do Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, vạn đức trang nghiêm, một câu thanh tịnh, dùng một câu danh hiệu Di Ðà tột bực thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn làm chánh nhân nên tự nhiên cảm được cõi nước Cực Lạc Ðồng Cư thanh tịnh tột bậc chẳng thể nghĩ bàn. Cõi Ðồng Cư Tịnh Ðộ của thế giới Cực Lạc trỗi vượt thập phương nên chư tổ thường bảo: ‘Ðiều nhiệm mầu hàng đầu của Cực Lạc là cõi Ðồng Cư’.

‘Pháp Tạng thành Phật, hiệu A Di Ðà’: Phần trên đã nói về cõi nước, đó là y báo. Cõi nước là chỗ để thân nương vào nên gọi là y báo. Phật là năng y nên gọi là chánh báo. Phật có ba thân:

a. Pháp tánh thân, gọi tắt là Pháp Thân, ngự trong Thường Tịch Quang độ.

b. Báo thân ngự trong Thật Báo Trang Nghiêm độ.

c. Ứng hóa thân thường hiện trong các cõi Phương Tiện Hữu Dư, Phàm Thánh Ðồng Cư...

Ba thân này của đức Phật thật chẳng phải một, chẳng phải ba, lại là ba, cũng là một, như ba chấm trong chữ Y (\\), chẳng ngang, chẳng dọc, chẳng cùng, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn.

Thân ứng hóa lại có hai thứ: một là ‘thị sanh hóa thân’ tức là thân thị hiện tám tướng thành đạo; hai là ‘ứng hiện hóa thân’ tức là ứng theo căn cơ chúng sanh mà thị hiện thân thắng ứng hoặc thân liệt ứng. Hóa thân còn có thể phân chia như sau:

a. Phật giới hóa thân: thân hiện trong Phật giới.

b. Tùy loại hóa thân: theo từng loại trong cửu giới mà hiện thân.

Sách Di Ðà Yếu Giải nói: ‘A Di Ðà Phật nói ở đây chính là chỉ thân Phật trong cõi Ðồng Cư, là thị sanh hóa thân, nhưng cũng chính là Pháp Thân, báo thân vậy’. Ý nói: đức Phật hiện đang thuyết pháp đây chính là thân hiện trong cõi Ðồng Cư, đó là thị sanh hóa thân Phật. Ðồng thời, thân ấy cũng chính là báo thân và Pháp Thân Phật. Thuyết này thật tinh diệu.

Sách Viên Trung Sao bảo: ‘Tùy theo cõi nước nên cảm được cái thấy có ba thân sai khác. Do căn cơ nên cảm thấy được bốn cõi bất đồng’. Vì vậy, nếu ở trong cõi Ðồng Cư mà chỉ thấy được đó là cõi Ðồng Cư thì vị Phật thuyết pháp cho mình chỉ là thị sanh hóa Phật. Nếu thấy đó là Thật Báo thì đó là báo thân Phật. Nếu thấy là cõi Thường Tịch Quang thì ngài là Pháp Thân Phật.

Ba thân của Phật ví như ba thứ sau đây của ma ni bảo châu: bản thân viên châu, ánh sáng do châu tỏa ra, ánh sáng châu chiếu rọi lại chính bản thân viên châu; ba thứ này chẳng hề rời nhau. Ba thân pháp, báo, ứng cũng giống như vậy. Cõi Ðồng Cư thông cả ba cõi trên cũng như vậy: ba cõi trên ở ngay trong cõi Ðồng Cư. Vì vậy, vãng sanh Ðồng Cư công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.

Hơn nữa, A Di Ðà Phật chính là Tỳ Lô Giá Na Như Lai như A Di Ðà Kinh Sớ Sao viết: ‘Bậc trí giác bảo: trong Tổng Trì giáo (Mật giáo) nói ba mươi bảy vị Phật đều từ một đức Phật Tỳ Lô Giá Na hiện ra, nghĩa là đức Giá Na từ trong nội tâm chứng tự thọ dụng thành ngũ trí, tự đặt pháp giới thanh tịnh trí ở trung ương, rồi từ bốn trí kia lưu xuất ra các vị Như Lai ở bốn phương:Diệu Quán Sát Trí lưu xuất Vô Lượng Thọ Như Lai ở Tây phương Cực Lạc thế giới’; tức là ‘một đức Phật kiêm cả hai cõi’. Do Phật Di Ðà chính là Phật Tỳ Lô nên bảo ‘một đức Phật’. Chữ ‘cõi’ chỉ cõi Phật. ‘Hai cõi’ tức là Hoa Tạng và Cực Lạc. ‘Kiêm’ nghĩa là kiêm lãnh, tức là một đức Phật cai quản cả hai cõi Tịnh Ðộ.

Hơn nữa, Ðông Mật (Mật tông Nhật Bản) cũng bảo A Di Ðà Như Lai chính là Ðại Nhật Như Lai. Hưng Giáo đại sư ở Nhật viết trong cuốn A Di Ðà Bí Thích như sau:

‘Một là Vô Lượng Thọ: Pháp Thân Như Lai ngự trong pháp giới cung, chẳng sanh chẳng diệt. Vì vậy Ðại Nhật Như Lai còn có tên là Vô Lượng Thọ Phật.

Hai là Vô Lượng Quang: trí quang từ Diệu Quán Sát Trí của Pháp Thân Như Lai chiếu khắp vô lượng chúng sanh, vô lượng thế giới, luôn luôn ban cho lợi ích. Vì vậy, Ðại Nhật Như Lai còn gọi là Vô Lượng Quang Phật....’ (Ðại Nhật chính là Phật Tỳ Lô).

Chữ A Di Ðà có vô lượng nghĩa: một là Vô Lượng Thọ, hai là Vô Lượng Quang, ba là Cam Lộ Vương.... Mật giáo dùng ba danh hiệu trên để lần lượt biểu trưng ba thân: pháp, báo, hóa.

A Di Ðà còn có thể dịch là Vô Lượng Trang Nghiêm, Vô Lượng Thanh Tịnh v.v... Ngoài ra, mười hai danh hiệu quang minh cũng đều là danh hiệu của Phật cả.

Trong ba chữ A Di Ðà, mỗi chữ lại đủ cả vô lượng nghĩa. A nghĩa là vốn bất sanh bất diệt nên là Không Ðế, Di nghĩa là ngô ngã (tôi, ta) nên Di là tùy duyên Giả Ðế, Ðà nghĩa là Như nên là Trung Ðế. Sách A Di Ðà Bí Thích cũng giảng:

‘Chữ A nghĩa là nhất tâm bình đẳng bổn sơ bất sanh. Chữ Di là nhất tâm bình chẳng có ngã lẫn đại ngã. Chữ Ðà là nhất tâm bình đẳng, chư pháp như như tịch tĩnh.

Hơn nữa, chữ A là Phật bộ thể hiện lý trí bất nhị, thể tướng của pháp giới. Chữ Di là Liên Hoa bộ, là Diệu Quán Sát Trí, chúng sanh và pháp hai thứ đều không, Thật Tướng vốn chẳng nhiễm lục trần giống như hoa sen. Chữ Ðà là Kim Cang bộ, là Như Lai diệu trí, tự tánh kiên cố, có thể phá tan hết thảy oán địch vọng tưởng.

Chữ A lại có nghĩa là Không: pháp thể của nhất tâm pháp vốn chẳng có tướng hư vọng. Di nghĩa là Giả: nhất tâm bình đẳng, chư pháp như huyễn giả có. Chữ Ðà nghĩa là Trung Ðạo: nhất tâm bình đẳng các pháp lìa nhị biên, chẳng có tướng nhất định nào cả.

Chữ A còn có nghĩa là Hữu: thể tướng của nhất tâm vốn chẳng sanh vì chẳng diệt tận. Chữ Di nghĩa là Không: các pháp trong nhất tâm chẳng có pháp nào có tự tánh. Chữ Ðà nghĩa là Bất Không: các pháp trong tự tâm vốn là công đức của Pháp Thân vì chẳng đoạn tuyệt.

Chữ A lại có nghĩa là Nhân: Phật giới và chúng sanh do nhất tâm mà giác, cũng do nhất tâm mà mê. Chữ Di nghĩa là Hạnh: đoạn nhân, pháp, nhị ngã, chứng được sanh, pháp bất không, đạt đến quả Phật. Chữ Ðà nghĩa là Quả: thể hiện bất nhị nhất tâm, như như lý trí thì chính là Phật quả vậy.

Các pháp môn sai biệt như vậy là tướng trạng của danh tự, nhưng các tướng danh tự như vậy lại chẳng có tướng nhất định. Chúng giống như những hạt châu nơi lưới Thiên Ðế chẳng thể lấy, bỏ được, nhất tâm bình đẳng nên bất khả đắc’.

Sách còn viết: ‘Vì vậy xướng lên ba chữ A Di Ðà diệt được trọng tội từ vô thỉ. Niệm một vị Phật A Di Ðà thành tựu phước trí không cùng tận. Như một hạt châu nơi lưới Thiên Ðế hiện ngay vô tận bảo châu, một đức Phật A Di Ðà mau chóng viên mãn vô biên tánh đức’. Thuyết này của sách Bí Thích quả đã mở toang kho tàng bí mật của chư Phật, hiển thị thẳng thừng một pháp môn Trì Danh bao trọn công đức của hết thảy các pháp. Chuyên niệm Di Ðà ắt mau chóng viên mãn được vô biên diệu đức sẵn có nơi tự tánh. Chơn lý vi diệu trên đây đã chỉ bày thẳng ngay tri kiến của Phật, chỉ rõ pháp này chính là ‘pháp hy hữu, hết thảy thế gian khó tin được nổi’.

Sách A Tự Quán lại viết: ‘Từ chữ A phát sanh hết thảy đà ra ni, từ hết thảy đà ra ni sanh ra hết thảy Phật’. Một chữ A trong danh hiệu Phật đã có công đức như thế nên công đức của toàn danh hiệu Phật thật chẳng thể nghĩ bàn. Ðiều này quả thật quá hiển nhiên!

Câu ‘thành Phật đến nay đã mười kiếp’ ngụ ý: thành tựu viên mãn bốn mươi tám nguyện, thành Ðẳng Chánh Giác hiệu là A Di Ðà Phật, từ lúc Pháp Tạng thành Phật cho đến khi đức Thích Ca giảng kinh này đã trải qua mười kiếp. Cần chú ý rằng mười kiếp được nói ở đây chính là thời gian Phật vì đáp ứng cái nguyện độ sanh nên thị hiện sự tướng. Ðây chỉ là nói một cách phương tiện để ứng theo căn cơ, chứ thật ra A Di Ðà Phật thành Phật rất lâu, A Di Ðà chính là Ðại Nhật Như Lai. Phần trên tôi đã từng dẫn kinh Ðại Thừa Mật Nghiêm, ở đây tôi lại dẫn chứng ba điều như sau:

a. Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ có chép: ‘Trong đời quá khứ vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn a tăng kỳ kiếp, lúc bấy giờ có vị Phật hiệu Ðại Thông Trí Thắng Như Lai’‘lúc Phật chưa xuất gia có mười sáu người con’, ‘khi ấy, mười sáu vương tử đều xuất gia từ nhỏ làm sa di’, ‘ta nay bảo các ngươi: “Mười sáu vị sa di đệ tử của đức Phật ấy nay đều chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp trong các cõi nước mười phương.... Phương Tây có hai vị Phật, một tên là A Di Ðà (là người con thứ chín)… người thứ mười sáu là ta Thích Ca Mâu Ni Phật thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác trong cõi nước Sa Bà”. Ðoạn kinh này chỉ rõ A Di Ðà Phật là vị vương tử thứ chín, Thích Ca Phật là vương tử thứ mười sáu.

Ðức Thích Ca thành Phật đến nay đã là vô lượng kiếp như phẩm Thọ Lượng kinh Pháp Hoa nói: ‘Lúc bấy giờ, Phật bảo các vị đại Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nay ta sẽ giảng rành mạch cho các ông: Các thế giới ấy hoặc có đặt vi trần hoặc chẳng đặt, đem hết cả số vi trần trong các thế giới ấy coi mỗi vi trần là một kiếp thì ta thành Phật đến nay còn hơn số ấy trăm ngàn vạn ức na do tha a tăng kỳ kiếp’‘Như Lai thấy các chúng sanh ưa pháp nhỏ, đức mỏng, cấu nặng, nên vì những kẻ như vậy nói: ta xuất gia không lâu liền đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, nhưng thật ra từ khi ta thành Phật đến nay còn lâu xa hơn số đấy nữa. Chỉ vì phương tiện giáo hóa chúng sanh cho nó nhập Phật đạo nên mới nói như vậy’.

Ðức Thích Ca từ khi thành Phật ở Ấn Ðộ đến nay đã hơn hai ngàn năm, thật là phương tiện quyền xảo thị hiện nên Phật Di Ðà thành Phật ở cõi Cực Lạc ‘đến nay đã mười kiếp’ cũng giống vậy: ngài thật sự đã thành Phật từ rất lâu rồi.

b. Ngài Linh Chi viết trong sách Di Ðà Kinh Sớ như sau: ‘Chương Thế Chí kinh Lăng Nghiêm có nói: “Con nhớ trong hằng sa kiếp xưa kia, có Phật xuất thế tên là Vô Lượng Quang. Mười hai vị Như Lai nối tiếp xuất hiện trong một kiếp”. Nếu dựa theo kinh Ðại Bổn (chỉ kinh Vô Lượng Thọ) thì đấy chính là A Di Ðà. Nay kinh này (chỉ kinh A Di Ðà) và Ðại Bổn cùng nói là mười kiếp, đó chỉ là lời nói nhằm thích ứng căn cơ trong một lúc mà thôi, chẳng nên nệ vào đó mà nghi ngờ’.

Như vậy, Linh Chi đại sư dùng ngay câu hằng sa kiếp trong quá khứ Phật có Phật tên Vô Lượng Quang để chứng minh A Di Ðà Phật thành Phật đã từ rất lâu xưa, mười kiếp chỉ là quyền biến mà nói.

c. Sách Tiên Chú bảo: ‘Theo giáo nghĩa của Chơn Tông (chỉ Mật Tông) thì đức A Di Ðà ở phương Tây trong Thai Tạng Giới, ngài chủ chứng Bồ Ðề đức; trong Kim Cang Giới, ngài chủ chứng Ðại Trí Huệ môn, ngài từ Diệu Quán Sát Trí hóa hiện thành. Nhưng niên kiếp đức Ðại Nhật Như Lai thành đạo đã chẳng thể nói nổi, chẳng thể nghĩ bàn thì A Di Ðà Phật thành đạo cũng chẳng thể nói nổi, chẳng thể nghĩ bàn’. Ấy là vì Ðại Nhật chính là Di Ðà vậy.

‘Nay hiện đang thuyết pháp’:  Nói ‘nay hiện đang’ là ngụ ý chẳng phải quá khứ hay vị lai mà ngay chính lúc này đây nên bảo là ‘nay hiện đang’ để chỉ rõ A Di Ðà Phật là vị Phật hiện tại, ngay lúc này đây ngài đang vì chúng sanh thuyết pháp. Vì vậy, phải nên phát nguyện vãng sanh, siêng năng lễ bái, nghe pháp, đúng pháp tu hành để mau thành Phật.

Cư sĩ Bành Tế Thanh lại bảo: ‘Chẳng phải ngay lúc ấy (lúc đức Thích Ca thuyết pháp) mới gọi là hiện tại, mà mãi đến nay và vô tận đời sau vẫn luôn gọi là hiện tại vì Phật thọ vô lượng vậy’. Như vậy, ‘hiện tại’ ở đây không phải là cái hiện tại do tam thế lưu chuyển, mà là vô tận về sau này vẫn luôn thường trụ nên vĩnh viễn được gọi là ‘hiện tại’. Dẫu bao nhiêu thời kiếp lâu xa về sau này, hễ khi ai đọc đến câu ‘nay hiện đang thuyết pháp’ thì chính ngay thời khắc đó Phật Di Ðà đang thuyết pháp vì đức Phật ấy thuyết pháp không gián đoạn vậy.

Thân nào đang thuyết pháp? Theo Di Ðà Sớ Sao thì chính là ứng thân, kể cả báo thân. Theo như Quán kinh nói: ‘Thân mười sáu vạn ức na do tha hằng sa do tuần’ thì chính là báo thân thuyết pháp. Sách Sớ Sao lại bảo: ‘Có thuyết bảo thân thuyết pháp là ứng thân, báo thân; có thuyết bảo cả ba thân cùng thuyết pháp; đấy đều là thuận theo cơ nghi’. ‘Ba thân cùng thuyết’ nghĩa là: tuy báo thân, ứng thân thuyết pháp nhưng kiêm cả Pháp Thân.

‘Có vô lượng vô số Bồ Tát, Thanh Văn chúng cung kính vây quanh’: do cõi Phật ấy thánh chúng vô lượng, lại có thánh chúng từ thập phương đến lễ bái, quán sát, nghe pháp, số ấy cũng vô lượng. Họ đều vây quanh dưới tòa của Phật, nhất tâm cung kính nghe Phật thuyết pháp.

Xem mục lục