Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

 Lama Tông Khách Ba Lopsang Drakpa (1357 - 1419)

 Tiểu sử

Lời tiên tri

Lama Tông Khách Ba, thường được gọi là Je Rinpoche, sinh năm 1357 ở vùng Tsong Kha, tại Am đô (Amdo), miền đông Tây tạng. Vào thời đức Phật Thích ca, tiền thân của Lama Tông Khách Ba là chú tiểu đồng, cúng Phật chuỗi hạt pha lê, được Phật tặng lại một vỏ sò lớn [conch shell]. Khi ấy Phật nói với ngài A nan đà rằng chú bé này sẽ tái sinh ở Tây tạng, sẽ dựng nên ngôi chùa lớn giữa hai vùng Dri và Den, đội mũ miện cho tượng Phật ở Lhasa và sẽ góp phần hoằng dương Phật pháp tại Tây tạng.

Phật đặt tên cho chú bé, gọi là Stamati Kirti, tiếng Tây tạng gọi là Losang Drakpa.

Mọi sự sau đó xảy ra đúng như lời tiên đoán của đức Phật. Vỏ sò quí đức Phật tặng cho chú bé được đào thấy trong thời gian xây cất tu viện Ganden. Cho đến năm 1959, vỏ sò này vẫn còn được thờ ở tu viện Drepung, là tu viện lớn nhất Tây tạng. Mũ miện trên đỉnh Phật vẫn còn cho đến ngày nay tại Lhasa.

Một ngàn năm sau khi Phật Thích ca nhập diệt, đạo sư Liên hoa sanh [Padma Sambhava sanh ra từ hoa sen] có nhiều lời tiên tri khác về Lama Tông Khách Ba. Rằng sẽ có một vị tỷ kheo tên Losang Drakpa xuất thế ở vùng đất miền Đông gần Trung hoa. 

Ngài Liên hoa sanh còn nói vị tỷ kheo này là hóa thân của một vị bồ tát cao trọng, sẽ thành tựu Thân Hỉ Lạc Viên Mãn của Phật đà. 

Tuổi ấu thời và thiếu niên

Năm lên ba, Lama Tông Khách Ba nhận ngũ giới từ đức Karmapa đời thứ tư, tên Rolpay Dorje, được cho pháp danh Kunpa Nyingpo. Sau đó Choje Dondrub Rinchen đến tìm cha mẹ của Lama Tông Khách Ba, xin được đưa chú bé đi. Người cha vui mừng thấy con mình về sau sẽ trở thành một vị đại đạo sư, nên cho phép chú bé theo chân các thầy.

Trước khi nhận giới xuất gia, Lama Tông Khách Ba đã nhận rất nhiều mật pháp, trong đó có cả pháp quán đảnh Heruka, và mật danh của ngài là Donyo Dorje. Khi lên bảy, ngài được sư phụ truyền giới xuất gia, đúng như ngài vẫn hằng ao ước. Tên thọ giới của ngài là Losang Drakpa. Tông Khách Ba xem giới hạnh như tánh mạng. Ngài bước vào mạn đà la của Heruka, Hevajra, Yamantaka và nhiều vị Pháp chủ khác trước khi thọ giới tỷ kheo. Ngay khi mới lên bảy ngài đã có khả năng nhập định hiện khởi thân Phật Heruka.

Sư phụ chăm sóc cho ngài cho đến năm 16 tuổi, ngài rời sư phụ du hành đến vùng trung thổ Tây tạng. Đi cùng với Denma Rinchen Pel, Lama Tông Khách Ba đến Drikung, gặp vị thầy trụ trì tu viện Drikung Kagyu là thầy Chennga Chokyi Gyalpo. Vị thầy cao trọng này trở thành sư phụ của Lama Tông Khách Ba, dạy cho ngài rất nhiều giáo pháp, trong đó có tâm bồ đề và năm đoạn Đại Thủ Ấn. Trong giai đoạn ở lại tu viện này Lama Tông Khách Ba cũng gặp vị bác sĩ Konchog Kyab, dạy cho ngài nhiều kinh điển về y dược. Đến năm mười bảy tuổi ngài có khả năng chẩn bịnh, thành một danh y. Vì vậy dù tu học chưa bao lâu nhưng danh tiếng của ngài đã vang xa.

Tuổi thành niên

Từ Drikung, Lama Tông Khách Ba đi đến tu viện Chodra Chenpo Dewachen ở Nyetang. Ở đó ngài tu học với Tashi Sengi và Densapa Gekong. Ngoài ra, Yonten Gyatso dạy ngài về các bộ luận giải quan trọng, và giúp ngài rất nhiều với bộ Đại Thừa Trang Nghiêm Luận [Ornament for Clear Realisations]. Trong vòng 18 ngày, ngài đã thuộc lòng chính văn và luận giải của bộ luận này. Chẳng mất bao nhiêu thời gian ngài đã nắm vững trọn vẹn các bộ luận của ngài Di lạc. Ngài hiểu kinh Bát nhã rất mau chóng dễ dàng.

Sư phụ cùng đồng môn không ai thắng nổi ngài trong các buổi tranh luận, tất cả đều kinh ngạc trước trí tuệ uyên thâm của ngài. Sau hai năm tu học kinh Bát nhã, ngài được công nhận là một đại học giả mặc dù chỉ mới mười chín tuổi. 

Năm ấy, Lama Tông Khách Ba, còn gọi là Je Rinpoche, thắng hai cuộc tranh luận với hai vị thầy cao trọng là Chodra Chenpo Dewachen và Samye tại hai tu viện lớn nhất thời bấy giờ. Danh tiếng ngài lan rộng khắp vùng U-Tsang, trung thổ Tây tạng. Ngài cũng viếng thăm và tham dự nhiều cuộc tranh luận ở nhiều tu viện.

Hội ngộ với thầy Rendawa

Ngài Tông Khách Ba đến vùng Tzechen, tìm gặp Nyapon Kunga Pel để xin học thêm về Bát Nhã. Vị thầy này vì khi ấy sức khỏe quá kém nên gửi gắm Lama Tông Khách Ba lại cho một vị đệ tử là thầy Rendawa. Je Rinpoche thấy phương pháp giảng dạy A tì đạt ma [Treasury of Knowledge] của ngài Rendawa, lòng tràn đầy kính ngưỡng. Vị thầy này có vô lượng tánh đức, về sau Lama Tông Khách Ba xem thầy này là vị thầy chính của mình. Cả hai bên thầy trò cùng sinh lòng kính trọng ngưỡng mộ nhau, nên tình nghĩa thầy trò nảy sinh một cách tự nhiên. Ngài Tông Khách Ba thọ nhận pháp Trung quán từ vị thầy này.

Để tán dương ngài Rendawa, Lama Tông Khách Ba có viết một bài thơ, thường xuyên đọc tụng. Tuy vậy ngài Rendawa nói rằng lời tán dương này ứng vào Tông Khách Ba thì đúng hơn, vì vậy đã sửa mấy câu thơ lại. Bài thơ này ngày nay trở thành minh chú của Lama Tông Khách Ba:

Ngài là Quan Thế Âm,

Kho tàng đại bi tâm

Ngài là đức Văn Thù

Là đấng đại đạo sư

Với trí tuệ vô cấu

Ngài là Kim Cang Thủ

Phá tan tành tất cả

Đội quân của ma vương

Lama Tông Khách Ba

Là ngọc quí trên đỉnh

Bậc thánh hiền xứ tuyết

Thầy Losang Drakpa

Con xin về đảnh lễ

Dưới chân sen của thầy

Kính xin thầy từ bi hộ niệm.

Tầm đạo và thuyết pháp

Hai mùa thu đông năm ấy, Lama Tông Khách Ba kiên trì tu học bộ luận Nhập Trung Quán Đạo của đại sư Nguyệt xứng [Chandrakirti]. Sau đó ngài trở lại Nyetang, tu học với một vị thầy nổi tiếng nắm vững Luật tạng, là vị trụ trì Kazhiwa Losal. 

Dưới sự hướng dẫn của vị thầy này, ngài học chính văn Luật tạng và A tì đạt ma. Khi rời chùa, hiểu biết của ngài sâu rộng còn hơn cả sư phụ. Mỗi ngày ngài học thuộc lòng một bộ luận giải về Luật tạng dài mười bảy chương Tây tạng, nghĩa là ba mươi bốn trang. 

Khi tụng kinh với các thầy khác, ngài không cần dụng công mà vẫn có thể nhập định quán tánh Không. Tuy vậy ngài vẫn chưa cảm thấy đủ, vẫn tìm thầy, tìm pháp. Mùa đông năm ấy ngài khởi chứng đau lưng, muốn trở về bên cạnh thầy Rendawa, nhưng vì thời tiết quá lạnh, ngài phải trú lại ở Naying. Ở đây ngài thuyết  pháp lần đầu tiên. Các vị học giả đến thỉnh ngài thuyết về A tì đạt ma (Abhidharma), đặc biệt là bộ "Đại thừa A tì đạt ma tập luận" [Compendium of Knowledge] của đại sư Vô Trước. Vì đã nắm vững nhiều kiến giải cao hơn, nên dù mới đọc bộ luận này lần đầu, ngài vẫn có thể giảng giải lưu loát chính xác.

Sau đó ngài trở về bên cạnh thầy Rendawa, lúc ấy đang ở Sakya. Trong suốt mười một tháng tiếp theo đó, ngài giảng về Đại thừa A tì đạt ma tạp luận [Compendium of Knowledge]. Cũng vào thời gian này, ngài thọ nhận nhiều giáo pháp về bộ Tập Lượng Luận [Compendium of Valid Cognition] của đại sư Pháp xứng (Dharmakirti), cùng nhiều bộ luận giải khác như Nhập Trung Quán Luận [của ngài Long thọ]. Ngài cũng đồng thời thọ nhận truyền thừa bộ Luật tạng hiển tông. Trong thời gian lưu lại Sakya, ngài thọ nhận luận giải về chính văn mật pháp Hevajra từ ngài Dorje Rinchen. Vị thầy này có dạy cho ngài phương pháp chữa chứng bịnh đau lưng. Đến mùa xuân năm sau, ngài cùng thầy Rendawa đi đến miền bắc Tây tạng, ở lại tu viện Ngamring Choday cho đến hết mùa hạ. 

Trích Cuộc Đời và Giáo Pháp của Lama Tông Khách Ba,

giáo sư R. Thurman xuất bản.

 

Xem mục lục