Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

15. Giữ Thái Độ Cảm Ân Vô Hạn

Chúng ta nắm vững được ý niệm, cũng như nắm vững cán dao vậy. Chỉ cần nắm cán dao cho vững thì khi dùng dao sẽ không sợ hãi.

Qua ví dụ con dao, cán dao và mũi dao, chúng ta sẽ có nhiều cách nhìn mới đối với nhân sinh, đối với Trí tuệ. Mỗi người hằng ngày đều có cơ hội cầm dao. Cái dao bản thân không phải tốt hay xấu, cũng như Bồ đề và phiền não, cũng không phải tốt hay xấu, vấn đề là ở chỗ, người nắm cán dao dùng dao như thế nào? Không nắm vững cán dao mà học Phật thì trở lại gây thương tích cho bản thân mình.

Hằng ngày cầm dao mà có cách nhìn như vậy, Trí tuệ như vậy, thì sẽ có ngày được khai ngộ, giống như Hòa thượng Thạch Thất vậy. Đến ngày đó sẽ thấy, giữa trời đất này, cây cỏ nào cũng dùng làm thuốc được, bất cứ gì cũng có thể dùng mở mang Trí tuệ được. Phải biết sống ở đây, sống trong hiện tại biết nhìn dưới chân mình.

Ngày nào, thức dậy cũng giữ một thái độ rất tốt để tu hành. Khi ăn sáng, hãy biết ăn với tâm rất hoan hỷ. Ăn trưa, ăn tối và ngủ cũng với tâm trạng như vậy. Đó là tâm trạng cảm ơn, chân thành cũng như khi lễ Phật, tụng kinh, vái Phật ở Phật đường vậy.

Người học Phật, mỗi bữa ăn, đều có thái độ cảm ơn như vậy. Tức là cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng, cúng dường tất cả chúng sanh, rồi sau đó mới cúng dường bản thân mình. Tâm trạng thuần thành đó, thái độ trang nghiêm không khác gì lúc cúng dường Phật tại Phật đường vậy. Chỉ có làm đến trình độ như thế, thì mới thật sự kết hợp tu hành với cuộc sống, mỗi ngày 24 giờ đều có tu hành.

Tôi nghĩ rằng, khi chư Phật thấy chúng ta ăn sáng một cách ngon lành, các Ngài sẽ tán thán chúng ta: Hãy xem người này với thái độ cảm ân thuần thành biết dường nào, đang ăn thức ăn cúng dường của chúng sanh.

16. Tâm Hoan Hỷ Vô Lượng

Đức Phật Thích Ca, trước khi giảng kinh, thường mặc áo, cầm bát, đi vào làng hóa duyên. Sau khi về, ăn xong. Ngài mới bắt đầu giảng kinh. Mỗi lần đọc kinh “Kim Cang”, đọc phần mở đầu như vậy, tôi đều hết sức cảm động. Điều cảm động là, Phật cũng ăn no rồi mới có thể giảng kinh. Phật cũng như chúng ta, cũng ăn cơm, cũng sống giữa nhân gian.

Khi học Phật, phải quyết tâm không tách rời cuộc sống. Nếu tách rời cuộc sống mà học Phật, thì học Phật sẽ trở thành vọng niệm, trở thành hư vọng, không thực tế, không nắm vững được. Nếu gắn liền chặt chẽ cuộc sống với học Phật thì sẽ phát hiện, mỗi bước đi của chúng ta đều đặt chân trên thực địa, cuộc sống sẽ đầy hỷ lạc, đầy chuyện tốt lành.

Trong Phật giáo căn bổn cũng như trong Phật giáo Đại thừa, Phật Thích Ca đều dạy chúng ta tu tập bốn vô lượng tâm: Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm, Xả vô lượng tâm.
Trong bốn Vô lượng tâm nói trên, thường bị bỏ quên là Hỷ vô lượng tâm. Hãy thấy cái tâm vui vẻ tràn đầy đó chính là tâm Bồ tát. Đây là lời giáo hóa rất quan trọng trong Phật pháp cơ bản.

Nếu anh tự cảm thấy quá nghiêm túc quá đăm chiêu thì hãy thư giãn một tí, hãy thả lỏng thắt lưng và cởi bỏ bộ âu phục ra. Làm như vậy, không có can hệ gì, cũng không ảnh hưởng gì tới tu hành.

Hãy thư giãn một chút ít! Chúng ta hãy điều chỉnh lại bước đi, với một thái độ tốt đẹp, bình thản, chúng ta bước tới!

Nên thường xuyên ghi nhớ: Lòng hoan hỷ phải là vô lượng, vô biên. Cũng như lòng Từ bi, cũng như hạnh bố thí vô biên. Tu hành được như thế thì sẽ không phát sanh vấn đề, và trong quá trình tu hành, cũng sẽ thực sự thể nghiệm được pháp lạc, thể nghiệm học Phật pháp là vui.

Pháp lạc là gì? Cũng gọi là niềm vui của Thiền, niềm vui của Pháp. “No bụng bằng niềm vui của Pháp.” Đó là kinh nghiệm rất trọng yếu của sự tu hành.

Tâm hỷ vô lượng! Trước hết hãy chiếu cố đầy đủ người trong nhà anh, đảm bảo họ ăn uống đầy đủ, và mình cũng ăn uống đầy đủ. Sau đó mới có tâm tình và sức mạnh để giảng kinh cho họ nghe. Đức Phật cũng làm như vậy.

Xem mục lục