Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

E. LUẬN VỀ TỢ NĂNG LẬP (Tôn sai, nhân sai, dụ sai).


     Lập luận sai lầm gọi là tợ năng lập. Một lập luận gần như đúng, nhưng kỳ thật trong ấy có những lỗi lầm. Sự lỗi lầm ấy Tam đoạn luận gọi là “mậu ngộ”.
     Theo Nhân minh, lỗi lầm này gồm hai thứ, là lỗi về thiếu chi (khuyết chi) và lỗi về chi có sai lầm (chi quá). 

Một luận thức đúng là phải đầy đủ cả ba chi tôn, nhân, dụ, nhưng nếu thiếu nhân, hoặc thiếu dụ thì bị lỗi về thiếu chi. Hoặc tuy lập đủ ba chi tôn, nhân, dụ nhưng trong các chi ấy có chỗ sai lầm, thì gọi là lỗi về chi. Nhân minh chú ý nêu các lỗi về các chi này. Lỗi ở tôn chi có 9. Ở nhân chi có 14; và ở dụ chi có 10, cộng thành 33 lỗi. Luận thức nào mà bị phạm trong 33 lỗi đó thì luận thức ấy là sai lầm, là tợ năng lập, vì luận thức này chỉ có thể làm phát sinh trí hiểu biết sai lầm nơi đối phương mà thôi.
     E1. CHÍN LỖI VỀ TÔN LÀ
     Hiện lượng tương vi, tỷ lượng tương vi, tự giáo tương vi, thế gian tương vi, tự ngữ tương vi, năng biệt bất cực thành, sở biệt bất cực thành, câu bất cực thành, và tương phù cực thành. Trong 9 lỗi này, 5 lỗi đầu là tương vi, 4 lỗi sau là lỗi bất cực thành.
     E1.1. Năm lỗi tương vi của tôn:
     + Lỗi tương vi thứ nhất: Hiện lượng tương vi (trái với hiện lượng)
     Đây là lỗi lập tôn tương phản với sự thật hiện kiến. Hiện lượng tức là hiện kiến, là sự nhận biết ngay hiện tại không do dự, không điên đảo, không trùng duyên. Không do dự là sự vật hiện ra trước mắt như thế nào, trực tiếp nhận biết ngay nó, tức hiện kiến nó, không phân vân, do dự. Không điên đảo tức là không đảo lộn thực tại. Như vì mắt nhậm mà thấy mặt trăng thứ hai, trong đêm mờ thấy khúc cây trụi là hình người, thấy lầm dây là rắn, thuyền đi thầy bờ chạy, mây bay thấy trăng chạy … Thấy mặt trăng thứ hai, hình người, con rắn, bờ chạy, trăng chạy ở đây đều là hiện thấy không do dự, song lại không phù hợp với sự thật mà là đã đảo lộn sự thật, không phải hiện lượng đúng. Không trùng duyên là không phải nhận thức trùng lặp, như thấy A liền biết A, chứ không phải chờ nhớ tới B mà biết A. hoặc khi thấy thỏ, biết ngay thỏ không sừng, chứ không đợi so sánh với trâu có sừng mới biết thỏ không sừng. Đó là hiện lượng. Nếu đợi so sánh với trâu có sừng mới biết thỏ không sừng, đó là trùng duyên, không phải hiện lượng. Không trùng duyên mới là hiện lượng.
     Tôn trái với hiện lượng, như:
     –      Tôn: Rắn có chân.
     –      Nhân: Vì đi, chạy được.
     –      Dụ: Như người.
     Hoặc:
     –      Tôn: Loài thú có hai chân.
     –      Nhân: Vì đi, chạy được.
     –      Dụ: Như người.
     Không đợi phải có nhân, dụ mà cứ xem ngay tôn đã thấy sai. Rắn có chân, loài thú có hai chân là trái với sự hiện thấy rắn không chân, loài thú có 4 chân, nên gọi tôn này trái với hiện lượng.
     + Lỗi tương vi thứ hai: Tỷ lượng tương vi (trái với tỷ lượng).
     Tỷ lượng là sự nhận biết theo loại suy, so sánh giữa vật hiện thấy, hiện biết với vật chưa thấy, chưa biết. Hiện lượng tuy là hiện thấy, hiện nghe, hiện ngửi của giác quan, hình như có thể tin cậy được. Nhưng lắm lúc dễ sai lầm, như khi ngồi trên thuyền đi thấy bờ chạy, thấy sợi dây thành con rắn. Nếu sự hiểu biết của con người chỉ có ngang đó thì bờ cứ bị thấy chạy, sợi dây cứ bị nhận lầm là con rắn mãi, chứ không khi nào thấy được chân tướng của bờ cứ đứng yên; và chính sợi dây chứ không phải rắn. Vì vậy cần phải có tác dụng tri thức để so sánh suy tầm chân tướng của sự vật, đó tức là tỉ lượng. Tỷ là so sánh, loại suy; lượng là nhận biết. Khi nhận biết bằng cách suy tầm so sánh gọi là tỷ lượng. Hiện lượng tuy hiện kiến sự vật nhưng phạm vi nó rất hẹp, không thể thấy biết hết được phạm vi rộng lớn của các tướng và tính tương quan về mặt không gian, thời gian của sự vật, phải nhờ tỷ lượng mới biết hết phạm vi này.
     Tỷ lượng ở đây là trí của người đối luận và người làm chứng dựa vào lập ngôn của người lập luận mà biết đúng sự vật của người lập nêu lên. Nếu lập ngôn sai thì nó sẽ làm cho trí tỷ lượng của người đối luận và người làm chứng cũng bị sai. Đó gọi là tỷ lượng tương vi. Lập ngôn mà phạm phải lỗi tỷ lượng tương vi, tức là mâu thuẫn trên mặt luận lý. Như lập:
     –      Tôn: Ông A không phải chết.
     –      Nhân: Vì là sinh vật vậy.
Ở đây, ông A không phải chết, ông A đang còn sống; rõ ràng là không trái với hiện lượng. Nhưng vì ông A là một sinh vật, mà sinh vật nào cũng phải chết, thế thì làm sao riêng ông A không phải chết? Vậy ai nói ông A không phải chết là trái với tỷ lượng. Hoặc như lập:
     –      Tôn: Mặt trời thường đi vòng quả đất.
     –      Nhân: Vì hàng ngày mọc ở phương Đông, lặn về phương Tây.
     Mặt trời đi vòng quả đất, vì hàng ngày mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây, tuy không trái với hiện lượng vì ai cũng thấy như vậy, song nó trái với tỷ lượng, tức trái với sự so sánh chứng minh của khoa học. Khoa học chứng minh rằng: mặt trời là một định tinh luôn đứng yên một chỗ, còn quả đất là một khối hành tinh quay chung quanh mặt trời.
     + Lỗi tương vi thứ ba: Tự giáo tương vi (trái với giáo nghĩa của mình).
     Khi một người theo học phái hay tôn giáo nào, dĩ nhiên người ấy đã thừa nhận giáo nghĩa của học phái,  tôn giáo ấy đúng và là giáo nghĩa của mình. Nếu người ấy đem giáo nghĩa của mình ra tổ chức thành luận thức, mà trong lập luận đó có chỗ không hoàn toàn, không đúng hẳn, thậm chí còn trái ngược với giáo nghĩa của mình, thì đó là bị lỗi “trái với tự giáo”. Lập luận như vậy, bên địch luận cứ việc chỉ ngay vào chỗ trái đó mà công kích cũng đủ, không cần phải xét đến nhân, dụ của người lập đúng hay không đúng. Như giáo đồ nhà Phật lập luận:

     –      Tôn: Thượng đế không phải là toàn trí, toàn năng.
      Lập luận như thế đều bị tương phản với giáo nghĩa của mình, và bị lỗi “tự giáo tương vi”. Thế nên, không luận ở học phải hay tôn giáo nào, khi lập luận đều phải lấy sự “không trái với tự giáo” làm nguyên tắc.
     + Lỗi tương vi thứ tư. Thế gian tương vi (trái với thế gian).
     Do trình độ tin tưởng và hiểu biết khác nhau, nên thế gian có thể chia ra hai thành phần. Một thành phần ít học, lạc hậu và một thành phần có học, văn minh. Hoặc một thành phần phàm phu và một thành phần thánh giả. Tuy đối với cùng một vấn đề mà thành phần này tin hiểu như thế này, thành phần khác tin hiểu như thế khác. Nếu khi đưa ra một chủ trương mà trái với chỗ tin hiểu của thành phần thế gian đang đối luận với mình, thì chủ trương ấy phạm lỗi “thế gian tương vi”.
     Như đối với thành phần thế gian tin hiểu rằng: “Rồng làm ra mưa” mà đưa ra chủ trương: “Mưa do hơi nước đọng lại và trút xuống” là bị lỗi “thế gian tương vi”.
     Hoặc như đối với thành phần thế gian tin hiểu rằng: “Trong mỗi người có một bản ngã thường tại”, mà đưa ra chủ trương “không có một bản ngã thường tại trong mỗi người” thì cũng bị lỗi “thế gian tương vi”.


     Song như trước đã nói, một tôn thể có giá trị là phải “thuận ý mình, trái ý người”. nay trái với thế gian, như vậy thì càng làm cho tôn thêm giá trị, chứ sao lại bảo là bị lỗi tương vi?
     Vả lại, nếu luận thức tương phản với sự thật thì mắc lỗi trái với hiện lượng, tương phản với nghĩa lý thì mắc lỗi trái với tỷ lượng, vì hai lối luận thức này sẽ làm phát sinh trí hiểu biết không đúng với sự thật và nghĩa lý nơi hai người đối luận nên mắc lỗi là phải. Còn luận thức trái với thế gian thì lắm lúc lại làm cho thế gian thay đổi sự tin hiểu nông cạn và sai lầm của họ thành ra sự tin hiểu đúng đắn và sâu sắc, thì làm sao lại bị lỗi? Nếu cứ sợ trái với thế gian thì sẽ không bao giờ thay đổi được sự tin hiểu bất hợp lý của thế gian, để đưa thế gian tiến theo con đường Chân, Thiện, Mỹ?
     Để tránh khỏi những thắc mắc trên, nên hiểu rằng: “Thuận ý mình, trái ý người” là đối với địch luận mà nói. Còn “trái với thế gian” là đối với thành phần quần chúng đông đảo mà nói. Và “thuận ý mình, trái ý người” không phải nhất định là “trái với thế gian”. Hai điều coi như giống nhau mà kỳ thật khác nhau, vì khi tranh luận giữa đôi bên thì có người làm chứng, còn khi nói với thế gian thì không ai làm chứng cả. Tuy nhiên, vì để tôn trọng chỗ tin hiểu đã có sẵn trong thế gian, và không làm cho thế gian phải ngạc nhiên đến nỗi phản đối khi ta đưa ra một chủ trương đúng nhưng trái với họ, thì trước mệnh đề (chủ trương) ta thêm lời “giản biệt” với ý nghĩa cho họ biết rằng chủ trương này là có chỗ căn cứ vào kết quả của sự nghiên cứu chứ không phải ức đoán. Như đối với thế gian còn tin “trời làm động đất” mà muốn nói rõ đất tự chuyển động chứ không phải do trời làm, thì phải nói:
     –      Tôn: Cứ theo kết quả của sự nghiên cứu khoa học, thì quả đất tự nó chuyển động.
     Hoặc:
     –      Tôn: Cứ theo nghĩa rốt ráo, thì trong mỗi người không có bản ngã thường tại.
     Thêm những lời như trên ở trước mệnh đề (tôn) để giản biệt. Hoặc thêm nhóm từ: “Theo chỗ tôi hiểu” hoặc: “Cứ theo lời ông ấy”, “vị ấy” (ông ấy, vị ấy đây là người  có uy tín với thành phần thế gian đang nghe mình nói) ở trước mệnh đề thì tôn khỏi bị lỗi “trái với thế gian”.
      Hỏi: Thế gian tương vi và tỷ lượng tương vi khác nhau thế nào?
     Đáp: Thế gian tương vi là nhìn ngay tôn đã thấy rõ, còn tỷ lượng tương vi thì phải lấy nhân và dụ ra so sánh mới thấy rõ.
     + Lỗi tương vi thứ năm: Tự ngữ tương vi (lời sau trái lời trước).
     Tôn thể gồm phần tự tánh và sai biệt. Từ ngữ về tự tánh được trần bày ra trước gọi là tiền trần; từ ngữ về sai biệt được trần bày ra sau, gọi là hậu trần. Hậu trần sai biệt phải là thuộc tánh của tiền trần tự tánh, tuy khác nhau nhưng phải tương quan phụ thuộc vào nhau. Trong một tôn thể, hậu trần phải làm rõ tính cách của tiền trần mới đúng, nếu hậu trần đã không làm rõ được tính cách của tiền trần mà còn phủ nhận tiền trần, thì bị lỗi “tự ngữ tương vi”, tức mâu thuẫn ngay nơi tự ngữ của một tôn thể. Nhìn vào là địch nhân có thể chỉ trích ngay, không cần xét đến nhân dụ. Như lập:
     –      Tôn: Cha tôi rất Thánh thiện, không bao giờ dâm dục.
     Từ ngữ “không bao giờ dâm dục” nó trái ngược, phủ nhận từ ngữ “cha tôi rất thánh thiện”. Vì nếu không bao giờ dâm dục thì làm sao thành cha tôi? Đây quả là từ ngữ sau trái với từ ngữ trước của tự mình, phạm lỗi “tự ngữ tương vi” nên tôn này không thể thành lập được. Hoặc lập:
     –      Tôn: Loài động vật là không có tri giác.
     Không có tri giác thì làm sao thành động vật? Như vậy, từ ngữ “không có tri giác” nó phủ nhận từ ngữ “động vật”, nên gọi là lỗi “tự ngữ tương vi”.
     E1.2. Bốn lỗi bất cực thành của tôn
     + Lỗi bất cực thành thứ nhất: Năng biệt bất cực thành (danh từ sau không được công nhận). danh từ sau (hậu trần) có chức năng để biện biệt danh từ trước (tiền trần). Như nói: “Hoa đẹp”. Đẹp có chức năng để biện biệt hoa như thế nào. Khi lập tôn, nếu là Lập Lượng, thì ý nghĩa của tiền trần và hậu trần phải được cả hai bên công nhận, nếu là Phá Lượng thì ý nghĩa của tiền trần và hậu trần, nếu không được hai bên công nhận, thì ít nhất cũng phải được bên địch công nhận. Nếu ý nghĩa hậu trần năng biệt không được công nhận thì tôn ấy phạm lỗi “năng biệt bất cực thành” (cực thành có ý nghĩa được công nhận từ ngữ ấy nói gì).
     Như giáo đồ Gia tô lập luận với giáo đồ nhà Phật:
     –      Tôn: Vạn vật duy một Thần linh sáng tạo.
     “Vạn vật” là danh từ trước, không những giáo đồ nhà Phật, mà mọi người ai cũng hiểu và công nhận. Nhưng “Vị Thần sáng tạo” là danh từ sau (năng biệt) thì giáo đồ nhà Phật không công nhận. như vậy, cái tôn trên mắc vào lỗi “năng biệt bất cực thành”.
     Hoặc như giáo đồ nhà Phật lập luận với giáo đồ Gia tô rằng:
     –      Tôn: Vạn vật đề do nhân duyên tạo thành.
     Thì giáo đồ Gia tô cũng không công nhận nhân duyên tạo thành. Đối với giáo đồ Gia tô thì chỉ có độc nhất vị Thần tạo ra vạn vật, chứ làm sao có cái gì khác có thể tạo ra vạn vật? Nhân duyên là cái gì mà có thể tạo ra vạn vật? Như vậy, tôn trên cũng phạm lỗi “năng biệt bất cực thành”. Chỉ có hai trường hợp có thể lập được. Một là trường hợp lập tự tỷ lượng (xem rõ ở trước) thì phải thêm lời giản biệt ở trước tôn, như:
     –      Tôn: Theo chúng tôi, vạn vật đều do nhân duyên tạo thành.
     Hai, trường hợp muốn lập “Vạn vật đều do nhân duyên tạo thành”, thì trước tiên phải giải nghĩa cho đối phương hiểu và công nhận như thế nào gọi là nhân duyên? Và do nhân duyên tạo thành?
     + Lỗi bất cực thành thức hai: Sở biệt bất cực thành (danh từ trước không được công nhận). Trường hợp trên là danh từ sau trong tôn không được công nhận.
     Như giáo đồ Gia tô lập luận với giáo đồ Phật giáo:
     –      Tôn: Đấng tạo hóa sanh ra muôn loài.
     Giáo đồ Phật giáo không công nhận có đấng Tạo hóa ở riêng ra ngoài muôn loài, như vậy thì không còn lý do để tranh luận có tạo sinh hay không tạo sinh ra muôn loài, nên tôn này bị lỗi “sở biệt bất cực thành”.
     Hoặc như giáo đồ Phật giáo lập luận với người chưa biết đến lý Duy thức nhà Phật, rằng:
     –      Tôn: A-lại-da thức biến hiện ra tất cả tướng sự vật.
     Khi nghe, người kia sẽ ngơ ngác, không hiểu A-lại-da thức là gì, nên không công nhận là có A-lại-da thức. Chủ thể A-lại-da thức đã bị phủ nhận, thì có hay không có tác dụng biến hiện ra tất cả tướng sự vật, không thành vấn đề, tức cũng không cần phải tranh cãi.
     Như vậy, hai trường hợp lập tôn ở trên đều bị lỗi “sở biệt bất cực thành”.
     + Lỗi bất cực thành thứ ba: Câu bất cực thành (cả hai danh  từ trước và danh từ sau trong tôn đều không được công nhận).


     Hai danh từ trước và sau là hai tôn y để kết hợp lại với nhau thành tôn thể. Khi hai danh từ trước và sau là hai tôn y đã không được công nhận thì làm sao có thể kết hợp lại với nhau để thành tôn thể. Như nói: “Lông rùa có thể buộc sừng thỏ”. Cả lông rùa và sừng thỏ đều bị phủ nhận, thì kết hợp lại thành một mệnh  đề tôn thể: “Lông rùa có thể buộc sừng thỏ” sao được? Hoặc như:
     –      Tôn: A-lại-da thức là chỗ nhiếp chứa tất cả chủng tử thiện ác.
     Người chưa biết gì lý Duy thức của Phật giáo thì đâu có hiểu A-lại-da thức là gì, chủng tử là gì; đã không hiểu tất không công nhận. Như vậy, lập tôn như trên đối với những người này sẽ bị lỗi “câu bất cực thành”. Nghĩa là cả tiền trần và hậu trần đều không được địch nhân công nhận.
     + Lỗi cực thành thứ tư: Tương phù cực thành (phù hợp thành). Đây là lỗi ở tôn thể. Tôn thể, theo quy tắc là thuận ý mình, trái ý người, thì mới có chỗ tranh biện, nếu lập một tôn thể mà sự lý đều đã được cả hai bên công nhận, thì lập vô ích, nên bị lỗi “tương phù cực thành”. Như lập:
     –      Tôn: Người ta trông thấy được là nhờ có hai mắt.
     Hoặc Phật giáo đồ lập luận với nhau:
     –      Tôn: Đức Phật là đấng Đại từ bi.
     Đây đều là sự hiển nhiên, cả hai bên đều đã công nhận trước, cần gì phải lập tôn, nên hễ lập là bị lỗi “tương phù cực thành”.
     E2. MƯỜI BỐN LỖI VỀ NHÂN
     Gồm 4 lỗi bất thành, 6 lỗi bất định, 4 lỗi tương vi, cộng thành 14 lỗi.
     + Bốn lỗi bất thành của nhân là:
     1. Lưỡng câu bất thành.
     2. Tùy nhất bất thành.
     3. Do dự bất thành.
     4. Sở y bất thành.
     + Sáu lỗi bất định của nhân:
     5. Cọng bất định.
     6. Bất cọng bất định.
     7. Đồng phần, dị toàn bất định.
     8. Dị phần, đồng toàn bất định.
     9. Câu phần bất định.
     10. Tương vi quyết định.
     + Bốn lỗi tương vi của Nhân:
     11. Pháp tự tướng tương vi.
     12. Pháp sai biệt tương vi.
     13. Hữu pháp tự tướng tương vi.
     14. Hữu pháp sai biệt tương vi.
     E2.1 Bốn lỗi bất thành của nhân
     Nhân phải có tính cách hoàn toàn quan hệ với tiền trần của tôn, nói cách khác, nhân phải hoàn toàn là một thuộc tánh của tiền trần tôn. Nếu nhân thiếu tính quan hệ, hay không phải là một thuộc tính hoàn toàn của tiền trần tôn, thì nhân ấy mắc phải 1 trong 4 lỗi bất thành. Như lập:
     –      Tôn: A là B.
     –      Nhân: Vì là C vậy.
     Nếu nhân C không quan hệ với A là danh từ trước (tiền trần) của tôn, tức không phải là một thuộc tánh của tôn (A), hoặc chỉ quan hệ một phần, thì nhân (C) bị lỗi bất thành, vì nhân (C) ấy thiếu mất một điều kiện quan yếu thứ nhất là “biến thị tôn pháp tánh”, như đã nói trước kia.
     Ta có thể đem sự quan hệ giữa nhân và tôn tiền trần hữu pháp chia ra 5 trường hợp:
     1. Nhân C chỉ quan hệ với một phần tiền trần tôn A, như:
 
 
 
 
     2. Tiền trần tôn A chỉ là một bộ phận trong Nhân C, như:
 
 
     3. Nhân C và tiền trần tôn A quan hệ đồng nhau, như:
 
 
 
     4. Nhân C và tiền trần tôn A chỉ quan hệ một phần với nhau, như:
 
 
 
     5. Nhân C và tiền trần tôn A hoàn toàn không quan hệ nhau, như:
 
 
 
     Trong 5 trường hợp trên, chỉ có trường hợp thứ hai và thứ ba là đủ điều kiện làm nhân. Còn 3 trường hợp kia thì nhân thiếu tính cách quan hệ với tiền trần tôn, nên phạm lỗi “bất thành”.
     + Lỗi bất thành thứ nhất: Lưỡng câu bất thành (hai bên lập và địch đều không công nhận).
     Một cái nhân mà hoàn toàn không có quan hệ, không phải là một thuộc tánh của tôn tiền trần hữu pháp, khiến hai bên lập và địch vừa trông vào đã thấy sai, không công nhận. Cái nhân ấy bị lỗi “lưỡng câu bất thành”. Như nói:
     –      Tôn: Mây có thể bay đi.
     –      Nhân: Vì có hai cánh.
     Ai cũng hiểu, hễ có hai cánh là có thể bay đi, nhưng ai cũng biết mây không có hai cánh. Như vậy, “có hai cánh” không phải là một thuộc tính của mây, hoàn toàn không quan hệ với mây. Đã hoàn toàn không quan hệ với mây, mà lấy “hai cánh” để thành lập tôn “Mây có thể bay đi” sao được?
     + Lỗi bất thành thứ hai: Tùy nhất bất thành (một bên không công nhận).
     Một cái nhân mà một bên công nhận nó có tính cách quan hệ với tôn tiền trần hữu pháp, còn một bên không công nhận nó có tính cách quan hệ với tôn tiền trần hữu pháp. Như vậy gọi là tùy nhất bất thành. Nếu bên lập không công nhận thì gọi là “tự tùy nhất bất thành”, nếu bên địch không công nhận, thì gọi là “tha tùy nhất bất thành”.
     Như Phật giáo đồ lập luận với Gia tô giáo đồ:
     –      Tôn: Người ác sẽ bị khổ ở vị lai.
     –      Nhân: Vì bị Thần quở phạt vậy.
    Cái nhân “bị Thần quở phạt” là tính cách bên người đối biện là Gia tô giáo sẵn sàng công nhận, nhưng bên người lập là Phật giáo đồ thì không công nhận, thế mà nếu Phật giáo đồ dùng nó làm nhân cho cái tôn: “Người ác sẽ bị khổ ở vị lai”, thì bị lỗi “tự tùy nhất bất thành”. Đây là trường hợp ít xảy ra, chỉ trừ người Phật giáo kém hiểu biết hoặc ngớ ngẩn mới chạm phải lỗi này.
     Nếu Gia tô giáo đồ dùng tôn và nhân trên mà lập luận với Phật giáo đồ:
     –      Tôn: Người ác sẽ bị khổ ở vị lai.
     –      Nhân: Vì bị Thần quở phạt vậy.
     Cái nhân này phía người lập là Gia tô giáo đồ hẳn đã công nhận, nhưng ở phía người đối luận là Phật giáo đồ thì không công nhận. Cho nên, nhân này đối với Phật giáo đồ bị lỗi: “tha tùy nhất bất thành”.
     Trường hợp nếu ở trước cái nhân mà chỉ bên lập công nhận còn bên địch không công nhận, mà có thêm vào tiếng giản biệt như “tôi nhận”, “theo tôi hiểu” thì không lỗi. Nếu trước cái nhân chỉ bên địch công nhận chứ bên lập không công nhận, mà có thêm tiếng giản biệt như: “Ông bảo”, “theo như ông” thì cũng không lỗi. Tuy nhiên trường hợp trước chỉ có áp dụng cho luận thức tự thủ (tự tỷ lượng), còn trường hợp sau chỉ áp dụng cho luận thức tấn công (tha tỷ lượng) mà thôi.
     + Lỗi bất thành thứ ba: Do dự bất thành (do dự không rõ rệt). Nhiệm vụ của Nhân là để thành lập tôn. Nếu nhân còn mù mờ do dự không rõ ràng thì không thể thành lập được tôn rõ ràng chắc chắn. Nếu nhân do dự thì cũng chỉ đưa đến sự hiểu biết do dự về tôn mà thôi. Ví dụ như thấy ở xa xa có một đám gì đang bay lên, như là mây, như là khói, bụi, mù v.v… chưa rõ ràng mà đã vội lập luận:
     –      Tôn: Đằng kia có lửa.
     –      Nhân: Vì thấy như có khói bay.
     “Thấy như có khói bay” tức chưa biết chắc đó là mù hay là khói, mà nếu lấy nó làm nhân để nói đằng kia có lửa, thì cũng chưa hẳn là đằng kia có lửa thật. Nhân do dự nên tôn thành do dự.
     Hoặc như, đang đêm nghe ở xa có tiếng vang dội như là tiếng người cãi lộn, như là tiếng chó sủa, đã vội lập luận:
     –      Tôn: Đằng kia người ta đang cãi lộn.
     –      Nhân: Vì nghe như có tiếng gì la lối.
     Nhân này cũng phạm lỗi do dự bất thành.
     + Lỗi bất thành thứ tư: Sở y bất thành. Nhân là một thuộc tánh của tôn tiền trần hữu pháp. Như vậy tôn tiền trần hữu pháp là chỗ nương của nhân. Nếu tôn tiền trần hữu pháp (tức tôn sở lập) không được bên đối luận chấp nhận thì tôn ấy bị lỗi “sở biệt bất cực thành”. Tôn đã bị lỗi sở biệt bất cực thành tức là chỗ nương của nhân không được đứng vững mà cứ lập luận, thì nhân ấy bị lỗi “sở y bất thành”. Như ngoại đạo đối với Phật giáo đồ lập luận rằng:
     –      Tôn: Ngã thể biến khắp mọi nơi.
     --      Nhân: Vì sanh ra khổ, vui, tri giác
     Nhân trên bị lỗi sở y bất thành. Vì ngã thể đứng vào vị trí tôn tiền trần hữu pháp là chỗ nương của nhân, nhưng Phật giáo đồ không công nhận có ngã thể, thế là chỗ nương của nhân không thành, nên nhân ấy nương vào tôn ấy sẽ bị lỗi “sở y bất thành”. Hoặc như nói:
     –      Tôn: Người không có con nối dòng là người bất hiếu nhất (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại).
     –      Nhân: Vì đạo Khổng nói như vậy.
     Nhân này đối với người không theo đạo Khổng sẽ phạm lỗi ở y bất thành. Lấy lời đạo Khổng làm chỗ nương cho nhân, song người đối luận không công nhận lời đạo Không, thì nhân ấy bị mất chỗ nương, nên bị lỗi.
     E2.2. Sáu lỗi bất định của nhân
     Ở đoạn trên kia, “nhân” bị bốn lỗi bất thành, vì nhân thiếu tướng thứ nhất là:
“Biến thị tôn pháp tánh”. Ở đây “nhân” bị sáu lỗi bất định, vì nhân thiếu tướng thứ hai là: “đồng phẩm định hữu” và tướng thứ ba là: “dị phẩm biến vô”.
     Nhân là môi giới giữa tôn và dụ, nên nhân phải có quan hệ với đồng phẩm của tôn và tuyệt đối không quan hệ với tất cả dị phẩm của tôn mới được. Nếu nhân không quan hệ với đồng phẩm cũng không quan hệ với dị phẩm, hoặc quan hệ với các đồng phẩm dị phẩm, hoặc quan hệ với đồng phẩm một phần, dị phẩm toàn phần, hoặc quan hệ với đồng phẩm toàn phần dị phẩm một phần, hoặc quan hệ với đồng phẩm một phần dị phẩm một phần, thì đều bị lỗi “bất định”.
     + Lỗi bất định thứ nhất: Cọng bất định (nhân quan hệ với cả đồng phẩm dị phẩm). Đây là trường hợp mà phạm vi của nhân quá rộng, quan hệ luôn cả đồng phẩm và dị phẩm của tôn. Như lập:
     –      Tôn: Tiếng là vô thường.
     –      Nhân: Vì vô hình.
     –      Đồng dụ: Như tâm niệm buồn vui.
     –      Dị dụ: Như hư không.
    Cái nhân “vô hình” trên có tính cách quá rộng, liên hệ với cả đồng dụ như tâm niệm buồn vui vô thường, và dị dụ như hư không thường. Vì tâm niệm buồn vui và hư không đều là vô hình, nhưng một bên thì vô thường, một bên thì thường. Hoặc như lập:
     –      Tôn: Cá voi là loài có vú.
     –      Nhân: Vì là loài động vật vậy.
     –      Đồng dụ: Như chó, mèo.
     –      Dị dụ: Như gà, vịt.
     Cái nhân “là loại động vật” quá rộng, liên hệ chung cả đồng dụ như chó, mèo có vú, và dị dụ như gà, vịt không có vú, tuy cùng là loài động vật như nhau. Như đồ biểu: 
     Hai nhân nêu trên đều bị lỗi cọng bất định, vì nó thiếu cái tướng  “dị phẩm biến vô”, nên nó không thể chứng minh cho tôn một cách xác định tiếng vô thường hay thường, loài cá voi có vú hay không có vú? Hoặc như lập:
     –      Tôn:   Tiếng là vô thường.
     –      Nhân: Vì là cái ta nhận biết được vậy.
     –      Đồng dụ: Như bình, bàn v.v…
     –      Dị dụ:  Như hư không.
     Cái nhân “ta nhận biết được” cũng có tính cách thông cả đồng dụ như bình, bàn, vô thường, và thông với dị dụ như hư không thường, nên nhân này cũng bị lỗi “cọng bất định”, vì không thể dùng nó để chứng minh cho tôn một cách xác định được. Đây cũng giống như trường hợp thứ nhất trong 9 cú nhân của Cổ nhân minh “đồng phẩm có, dị phẩm có”.
     + Lỗi bất định thứ hai: Bất cọng bất định (nhân không có tính cách quan hệ với cả đồng phẩm, dị phẩm).
Ngược với trên, nhân này có phạm vi quá hẹp, không dính gì với đồng phẩm cũng không dính gì với dị phẩm. Đây cũng giống như trường hợp 5 trong 9 cú nhân của Cổ nhân minh “đồng phẩm không, dị phẩm không”.
Như lập:
    –      Tôn: Âm thành là thường còn.
    –      Nhân: Vì là cái nghe được.
    Cái có tính “nghe được” chỉ là âm thanh. Ngoài âm thanh, trong vũ trụ không một vật gì dù thường hay vô thường mà có tính cách nghe được, để lấy làm đồng dụ chứng minh cho tôn “âm thanh là thường còn”. Như vậy, nhân này đã thiếu mất tướng cần thiết thứ hai là “đồng phẩm định hữu” nên bị lỗi “bất cọng bất định”. Như đồ biểu:
 
 
 
     + Lỗi bất định thứ ba: Đồng phần, dị toàn bất định. Cũng gọi là đồng phẩm nhất phần chuyển, dị phẩm biến chuyển (nhân có tính cách quan hệ với đồng phẩm một phần, và với dị phẩm toàn phần). Nhân phải tuyệt đối không quan hệ với toàn phần dị phẩm, nhưng ở đây nói lại quan hệ với toàn phần dị phẩm, thế là nhân này thiếu mất tướng cần thiết thứ ba là “dị phẩm biến vô” nên phạm lỗi “đồng phần, dị toàn bất định”. Đây cũng giống như trường hợp thứ 7 trong 9 cú nhân của Cổ nhân minh: “Đồng phẩm có chẳng có, dị phẩm có”. Như lập:
     –      Tôn: Tiếng không phải do sự tác động mà có.
     –      Nhân: Vì là vô thường.
     –      Đồng dụ:  Như điển chớp, như hư không.
     –      Dị dụ: Như bình, bàn.
     Điển chớp không phải là do sự tác động của con người mà có, nhưng điển chớp vô thường, còn hư không, tuy cũng không do sự tác động của con người mà có, song lại là thường. Như vậy, cái nhân “vì vô thường” chỉ liên hệ với một phần tôn đồng phẩm là điển chớp, còn một phần tôn đồng phẩm khác như hư không thì lại không có cái nhân “vì vô thường”. Trong khi đó tất cả những gì dị phẩm với tôn như bình, bàn, thì đều có tính cách của nhân “vì vô thường”. Do đó, nhân này bị lỗi “đồng phần, dị toàn bất định”. Xem đồ biểu:
 
 
 
     + Lỗi bất định thứ tư: Dị phần, đồng toàn bất định. Cũng gọi dị phẩm nhất phần chuyển, đồng phẩm biến chuyển (nhân có đủ tính cách đồng phẩm, lại xen vào  một ít tính cách dị phẩm). Nhân phải có đủ tướng cần thiết thứ ba là “dị phẩm biến vô” tức là Nhân phải tuyệt đối không quan hệ với toàn bộ dị phẩm, thế mà ở đây lại có quan hệ với một bộ phận dị phẩm, nên bị lỗi bất định. Cũng giống như trường hợp thứ ba trong 9 cú nhân của Cổ nhân minh “đồng phẩm có, dị phẩm có chẳng có”. Như lập:
     –      Tôn:   Người ấy không phải là đàn bà.
     –      Nhân: Vì không sinh con.
     –      Đồng dụ: Như ông kia.
     –      Dị dụ: Như bà nọ.
    Tất cả người không phải đàn bà thì đều không sinh con, nhưng trong tất cả đàn bà có người sinh con, cũng có người không sinh con. Như vậy, cái nhân “không sinh con” tuy có mặt ở toàn bộ đồng phẩm của tôn, nhưng lại còn có mặt ở một bộ phận dị phẩm của tôn, nên bị lỗi bất định. Vì cái nhân “không sinh con” ấy nếu thành lập được  cái tôn “người ấy không phải là đàn bà” thì cũng có thể thành lập được cái tôn: “Người ấy là đàn bà”. Xem đồ biểu:
 
 
 
     + Lỗi bất định thứ năm: Câu phẩm bất định; cũng gọi là câu phẩm nhất phần chuyển (nhân liên hệ với một phần đồng phẩm và một phần dị phẩm). Nhân phải có tướng cần thiết thứ ba là “dị phẩm biến vô” tức là nhân phải tuyệt đối không liên hệ với toàn bộ dị phẩm, nhưng ở đây nó đã liên hệ một phần đồng phẩm, lại còn liên hệ một phần dị phẩm, nên bị lỗi bất định. Cũng giống như trường hợp thứ 9 trong 9 cú nhân của Cổ nhân minh “đồng phẩm có chẳng có, dị phẩm có chẳng có”. Như lập:
     –      Tôn:   Tiếng là thường.
     –      Nhân : Vì không chất ngại.
     –      Đồng dụ: Như hư không, như cực vi.
     –      Dị dụ: Như bình, bàn, như buồn vui.
     Cái nhân trên vì thiếu tướng cần thiết thứ ba là “dị phẩm biến vô”, nên bị lỗi bất định. Vì ở dị phẩm như bình, bàn và sự buồn vui thì bình bàn là vật có chất ngại còn sự buồn vui thì không có chất ngại. Như vậy, vì không chất ngại như hư không mà tiếng là thường hay vì không chất ngại như hư không mà tiếng là thường hay vì không chất ngại như sự buồn vui mà tiếng là vô thường? Không nhất định như thế. Hoặc như lập:
     –      Tôn: Khái Hưng là đàn ông.
     –      Nhân: Vì là văn sĩ.
     –      Đồng dụ: Như ông Tản Đà.
     –      Dị dụ: Như bà Hồ Xuân Hương.
     Văn sĩ là đàn ông hay đàn bà? Không nhất định. Như vậy, nếu lấy lý do “vì là văn sĩ” để chứng minh Khái Hưng là đàn ông thì không chắc chắn, vì đàn bà như Hồ Xuân Hương cũng là văn sĩ. Nên nhân này bị lỗi bất định. Vì cái nhân này ở đồng phẩm và dị phẩm đều có liên hệ một phần. Xem đồ biểu:
 
 
 
    + Lỗi bất định thứ sáu: Tương vi quyết định (hai cái nhân khác nhau mà đều quyết định thành lập được hai tôn pháp trái ngược nhau). Ở đây người lập luận chủ trương là A là B. Kẻ địch luận chủ trương A không phải là B. tôn nghĩa của hai bên trái nhau và cái “nhân” của hai bên đưa ra đều có đủ tính cách quyết định (nghĩa là nhân có đủ ba tướng) để thành lập được tôn trái ngược nhau, không thể đoán định là ai phải ai trái, bên nào cũng thành lập được, nên bên nào cũng không thành lập được, nên bị lỗi này.
   Như ở Cổ Ấn Độ, phái Thanh sanh luận chủ trương 

thuyết “âm thanh là vô thường”, còn phái Thanh hiển luận chủ trương “âm thanh là thường”. Phái Thanh sanh luận lập luận:
     –      Tôn: Âm thanh là vô thường.
     –      Nhân: Vì là do tác động mà có.
     –      Đồng dụ: Như cái bình.
     Lập luận trên rất vững chắc, vì cái “nhân” trong lập luận này có đủ ba tướng, nên quyết định có thể thành lập tôn. Song phái Thanh hiển luận vì chủ trương “âm thanh là thường còn”, không chấp nhận lập luận trên, nên bác lại rằng:
    –      Tôn: Âm thanh là thường còn.
    –      Nhân: Vì là cái bị nghe.
    –      Dụ: Như tính chất của âm thanh.
    Phái Thanh sanh luận tuy không nhận “âm thanh thường còn” song vẫn phải nhận “tính chất của âm thanh là cái bị nghe và có thể thường còn”, nên cái nhân trong lập luận này đối với cả hai bên là một cái nhân có đủ ba tướng, tức cái nhân có tính cách quyết định thành lập được tôn pháp, khiến phái Thanh sanh luận tuy không chấp nhận nhưng không thể bác lại được. Như vậy, hai bên không chấp nhận chủ trương của nhau nhưng không thể bác nhau được. Nên cái nhân này bị lỗi “tương vi quyết định”, tức là cái nhân do dự không quyết định tôn pháp kia một cách rõ ràng dứt khoát “âm thanh là thường hay vô thường”.
     Nhưng nếu hai bên giữ chặt lý lẽ của mình, không 

* Trang 107 *
device

ai chịu ai như thế, thì đành phải bế tắc sao? Không! Theo Phật giáo, khi lấy cái nhân “do tác động mà có” để thành lập cái tôn “âm thanh là vô thường” thì cái nhân này là một cái nhân đúng, không rơi vào do dự, vì Phật giáo không thừa nhận ngoài âm thanh vô thường lại có một thứ “tính chất của âm thanh thường còn” nào khác, cho nên đối với Phật giáo đồ, phái chủ trương “âm thanh thường còn”, không thể lấy “tính chất của âm thanh” để làm đồng dụ cho cái tôn “âm thanh là thường còn” của họ được.
     Nếu gặp trường hợp này, trước tiên phải phá “tính chất của âm thanh là thường còn của họ, rồi sau đó tiếp phá lập luận “âm thanh thường còn”. Như dưới đây:
     –      Tôn: Tính chất của âm thanh là vô thường.
     –      Nhân: Vì do tác động mà có (hoặc vì là cái bị nghe).
     –      Dụ: Như tiếng vang.
     Tiếp lập:
     –      Tôn: Âm thanh là vô thường.
     –      Nhân: Vì do tác động mà có (hoặc vì là cái bị nghe).
     –      Dụ: Như tính chất của âm thanh.
     Đây là phá chủ trương “Âm thanh thường còn” mà thành lập chủ trương “âm thanh vô thường”.
     So với Tam đoạn luận chỉ có A là A, thì đây là một đặc điểm khác của nhân minh: A là A mà A cũng là phi A … Suy luận theo Tam đoạn luận là một suy luận trong vòng luẩn quẩn; kết luận chỉ là nói lại những gì đã có sẵn trong đại tiền đề. Hễ đại tiền đề đúng thì kết luận đúng. Đại tiền đề sai thì kết luận sai. Ngược lại, Nhân minh khi đưa ra chủ trương, còn tùy ở nhân và dụ như thế nào thì mới biết rõ chủ trương ấy là đúng hay sai.
     E2.3. Bốn lỗi tương vi của nhân
     Bốn lỗi nhân tương vi là pháp tự tướng tương vi nhân, pháp sai biệt tương vi nhân, hữu pháp tự tướng tương vi nhân và hữu pháp sai biệt tương vi nhân.
     - Sao gọi là tương vi nhân? Đó là cái nhân năng lập trái ngược với tôn sở lập. Nhiệm vụ của nhân là phải thuận theo ý nghĩa của tôn để thành lập tôn, nếu  nhân mà trái ngược với tôn thì nhân ấy chỉ làm hại tôn, đối phương có thể dùng nhân ấy để thành lập một tôn ngược lại, nên gọi là tương vi. Như nói: A là B, vì là C. Đối phương có thể nói ngược lại: A không phải là B, vì là C. Đây là trường hợp lấy gậy ông đập lưng ông.
     - Sao gọi là pháp tự tướng, pháp sai biệt, hữu pháp tự tướng, hữu pháp sai biệt?
     Như trước đã nói, mệnh đề “tôn” gồm có hai phần là tiền trần và hậu trần. Tiền trần là danh từ trước, là hữu pháp, tức vật thể; hậu trần là danh từ sau, là pháp, tức thuộc tính, hay là nghĩa. Tiền trần hữu pháp nếu được phát biểu trực tiếp rõ ràng trên ngôn từ thì gọi là hữu pháp tự tướng, còn nếu muốn chủ trương một điều gì song không nói ra trực tiếp minh bạch mà chỉ gián tiếp ẩn ý trong ngôn từ, như kiểu dương đông kích tây, thì gọi là hữu pháp sai biệt. Như muốn chê bà A có tính ăn nói hồ đồ, lại không nói thẳng bà ấy ra mà chỉ nói mơ hồ bóng bẩy rằng: “đàn bà rộng miệng thì tan hoang cửa nhà”. Trên ngôn từ nói “đàn bà” mà ẩn ý chỉ bà A. Như thế gọi là hữu pháp sai biệt. Pháp tự tướng và pháp sai biệt cũng nghĩa tương tự như thế. Xem đồ biểu:
             Tiền trần hữu pháp             tự tướng (nói rõ)
                                                         sai biệt (nói ẩn)
TÔN
              Hậu trần pháp                    tự tướng (nói rõ)
                                                         sai biệt (nói ẩn)
     + Lỗi nhân tương vi thứ nhất: Pháp tự tướng tương vi nhân (nhân trái ngược với danh từ sau của tôn). Như lập:
     –      Tôn:   Âm thành là thường còn.
     –      Nhân: Vì là do tác động mà có.
     Cái gì thường còn thì không do tác động mà có. Cái do tác động mà có thì không thể thường còn, hai bên không tương quan nhau, và chỉ phủ nhận nhau. Vậy nếu lấy lý do “vì do tác động mà có ra” để chứng minh cho chủ trương tôn “âm thanh là thường còn” đã không thể chứng minh được, lại còn bị đối phương dùng nó để bác lại, như:
     –      Tôn:   Âm thành là vô thường.
     –      Nhân: Vì là do tác động mà có.
     –      Đồng dụ: Như bàn, bình.
     –      Dị dụ: Như hư không.


    Hoặc như lập:
     –      Tôn:   Ông A sẽ không phải chết.
     –      Nhân: Vì là một sinh vật.
     Đã là sinh vật thì chắc chắn phải chết, chứ sinh vật làm sao lại không phải chết? Vì thế, cái nhân này bị lỗi pháp tự tướng tương vi, như trên. Do vì nhân này đã thiếu hai tướng cần thiết là tướng thứ hai và thứ ba là “đồng phẩm định hữu và dị phẩm biến vô”. Cũng giống trường hợp thứ tư trong 9 cú nhân của Cổ nhân minh là “đồng phẩm chẳng có, dị phẩm có”.
     + Lỗi Nhân tương vi thứ hai: Pháp sai biệt tương vi (nhân trái ngược với hàm ý trong danh từ sau của tôn). Như trên đã nói, pháp sai biệt là ý nghĩa của hậu trần pháp không được trực tiếp nói ra rõ ràng mà chỉ ngầm ý nói gián tiếp, rồi đưa ra cái nhân để thành lập tôn theo ngầm ý đó. Nhân mà lập sai, thì không những không thể thành lập được tôn theo ngầm ý mà còn bị đối phương dùng nó để thành lập một tôn ngược lại với ngầm ý của mình. Như thế, gọi là nhân tương vi với tôn pháp sai biệt. Như lập:
     –      Tôn:   Nhãn căn quyết để cho cái khác sử dụng.
     –      Nhân: Vì nó có tính cách tích tụ bởi nhiều thứ mà thành.
     –      Dụ: Như bàn, ghế, ngọa cụ.
    Đây là lập luận của phái triết học Số luận Cổ Ấn Độ. Lập luận này đối với Phật giáo đồ thì bị phạm vào lỗi “pháp sai biệt tương vi nhân”.

     Phái Số luận do Kapila làm Tổ sáng lập khoảng 600 năm trước Tây lịch. Phái này chủ trương trong mọi người có một bản ngã thực tại, không có tính cách tích tụ bởi cái khác. Nhưng Phật giáo lại không chấp nhận bản ngã thực tại mà chỉ công nhận có giả ngã bất thực dựa trên 5 nhóm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Người của phái Số luận nếu đem chủ trương bản ngã thực tại của mình nói rõ ra với Phật giáo đồ, sợ bị Phật giáo đồ không công nhận, thì theo Nhân minh, lập luận của họ sẽ phạm lỗi “năng biệt bất cực thành” (tức hậu trần pháp không được đối phương công nhận) nên họ tránh dùng tiếng bản ngã mà dùng một tiếng có tính chung chung không rõ ràng là “cái khác”. Trên ngôn từ họ nói “cái khác” nhưng trong ngầm ý họ muốn chỉ cái khác ấy là bản ngã. Vậy bản ngã tức là một tính sai biệt của cái khác (hậu trần pháp), nên gọi là pháp sai biệt. Vì “cái khác” có nghĩa chung chung mơ hồ, nên có thể chỉ đó là bản ngã thực tại cũng được, mà chỉ đó là giả ngã cũng được. Và nhãn căn là cái có tính cách do tích tụ bởi thứ khác mà thành. Vậy thì nhãn căn để cho cái khác, mà cái khác, đó là “bản ngã thực tại” sử dụng, thì nó cũng có thể để cho cái khác, mà cái khác đó là “giả ngã” sử dụng, như sử dụng bàn ghế cũng được. Vậy, phái Số luận lấy cái nhân “vì có tính cách tích tụ bởi nhiều thứ mà thành”, để thành lập cái tôn “nhãn căn hẳn là bị cái khác (ngầm ý thần ngã) sử dụng, thì Phật giáo đồ cũng có thể dùng cái nhân này để thành lập chủ trương ngược lại rằng: “Nhãn căn không phải để thần ngã sử dụng mà là để giả ngã sử dụng” cũng được. Một cái nhân có tính ngược lại với ý nghĩa sai biệt ngầm của hậu trần pháp như vậy, nên bị lỗi “pháp sai biệt tương vi”. Phật giáo đồ lập luận bác lại như sau:
     –      Tôn:   Nhãn căn hẳn chỉ để cái khác có tính cách tích tụ sử dụng (ý chỉ cho giả ngã do năm uẩn hòa hợp tích tụ chứ quyết không để cho cái khác không có tính cách tích tụ sử dụng).
     –      Nhân: Vì nó có tính cách tích tụ bởi cái khác mà thành.
     –      Dụ: Như bàn, ghế, ngọa cụ.
     Đây là một lập luận có lý lẽ vững chắc hơn lập luận của phái Số luận. Vì trong thực tế, rõ ràng nhãn căn là thứ có tính cách tích tụ bởi nhiều thứ mà thành để cho thân thể người ta cũng là thứ có tính cách tích tụ bởi năm uẩn tạo thành sử dụng, chứ không phải để cho cái khác không có tính cách tích tụ như thần ngã sử dụng đâu. Thế nên, đối Phật giáo đồ, phái Số luận lập luận như trên phải bị lỗi. Hoặc dễ hiểu hơn như lập:
     –      Tôn:   Vạn vật phải là do cái gì khác tạo ra.
     –      Nhân: Vì tự mình không thể tạo ra mình được.
     –      Dụ: Như đồ vật.
     “Cái gì khác” ở đây, có tính chung chung không rõ ràng. Theo nguyên tắc Nhân minh thì đây không có gì sai trái trên mặt ngôn từ. Song nếu đằng sau một ngôn từ “cái gì khác” ấy có hàm ý chỉ cho “đấng tạo hóa”, thì cái nhân “tự mình không thể tạo ra mình” đã phạm phải lỗi “pháp sai biệt tương vi”. Vì sao? Vì nếu tự mình không thể tạo ra mình, thì “đấng tạo hóa” ấy ai tạo ra? Và đấng tạo hóa ấy ở trong vạn vật hay ở ngoài vạn vật? Nếu ở trong vạn vật, mà vạn vật không thể tự mình tạo ra mình, thì sao đấng tạo hóa lại tự mình tạo ra mình mà không phải do cái khác tạo ra? Còn nếu đấng tạo hóa ở ngoài vạn vật và tạo ra vạn vật, thì trên đời này ta không tìm thấy có cái gì ở ngoài vạn vật lại có thể tạo ra vạn vật được?
     + Lỗi nhân tương vi thứ ba: Hữu pháp tự tướng tương vi nhân (nhân trái ngược với danh từ trước của tôn. Danh từ trước của tôn còn gọi là hữu pháp). Nhiệm vụ của nhân là thuận theo tính cách tôn pháp và tôn hữu pháp để thành lập nó. Nếu nhân mà trái ngược với tôn pháp như trên kia thì nhân ấy bị lỗi “pháp tự tướng tương vi và pháp sai biệt tương vi”.
     Hữu pháp và vật thể, là danh từ trước của tôn được nói ra rõ ràng chứ không phải úp mở hàm ý gián tiếp, nên gọi là hữu pháp tự tướng. Nhiệm vụ của nhân là thuận theo với hữu pháp tự tướng để thành lập nó. Nếu nhân là một tính cách ngược lại với hữu pháp tự tướng thì nhân ấy bị lỗi “hữu pháp tự tướng tương vi”, vì đã không thành lập được hữu pháp tự tướng mà còn bị đối phương dùng chính cái nhân đó để bác lại hữu pháp tự tướng ấy. Như lập:
     –      Tôn: Tánh có, không phải là Thật, Đức, Nghiệp.
     –      Nhân: Vì có một Thật, vì có Đức, Nghiệp.
     –      Dụ: Như tánh đồng dị.
     Trên đây là lập luận của pháp Thắng luận. Phái Thắng luận (Vaisesika), là một học phái lớn trong giới triết học tự nhiên của cổ Ấn Độ, xuất hiện khoảng 300 năm trước Tây lịch, do Ulùka (Hưu-lưu, Hưu-lâu-ca) chủ xướng và được viết thành kinh Vaisesika Sutra (Vệ-thế-sử-ca, Thắng luận). Họ chủ trương sáu cú nghĩa (sáu phạm trù) để thuyết minh yếu tố thành lập tồn tại của tất cả sự vật. Sáu cú nghĩa là: Một là Thật, hai là Đức, ba là Nghiệp, bốn là Đại hữu tánh, năm là Đồng dị tánh, sáu là Hòa hợp tánh. (Sáu cú nghĩa ở đây ghi theo Nhân Minh Luận Sớ Minh Đăng Sao).
     Quan sát vạn hữu, trước tiên họ có được “khái niệm về thực thể”, do đó mà lập ra cú nghĩa thứ nhất “Thật”. Tiếp đến quán sát thấy vật thể ấy có những trạng thái phụ thuộc, họ có được “khái niệm về thực tính”, do đó mà lập ra cú nghĩa thứ hai: “Đức”. Tiếp quán sát thấy vật thể có sự tác dụng vận động, do đó mà lập cú nghĩa thứ ba: “Nghiệp”. Nhưng từ đâu mà có Thật, Đức, Nghiệp ấy? Tức phải có một cái gì thật có lớn hơn làm xuất phát điểm cho Thật, Đức Nghiệp? Do đó, mà lập ra cú nghĩa thứ tư: “Đại hữu tánh”. Nhưng các hiện tượng cụ thể không thể thiếu một tác dụng quan hệ hoặc đồng nhau hoặc khác nhau giữa ba cú nghĩa Thật, Đức, Nghiệp, do đó mà lập ra cú nghĩa thứ năm: “Đồng dị tánh”. Sự quan hệ “đồng” giữa vạn hữu tương tợ như khái niệm về “loại”, sự quan hệ “dị” tức là sự quan hệ sai biệt giữa vạn hữu, tương tự khái niệm về “chủng”. Động vật như con ngựa, động vật là loại, con ngựa là chủng. Nhưng các cú nghĩa trên không phải tách riêng nhau mà trái lại luôn luôn hòa hiệp nhau trong mỗi sự vật, do đó mà lập ra cú nghĩa thứ sáu: “Hòa hợp tánh”. Tất cả sự vật đều thật hữu, mọi hiện tượng đều chỉ có thể phân tích và thu vào sáu cú nghĩa đó (sáu phạm trù).
     Ông Hưu-lưu sáng lập tổ phái thắng luận đem sáu cú nghĩa trên giảng cho đệ tử tên Ngũ Đỉnh (cũng gọi là Nho Đồng). Khi giảng ba cú nghĩa Thật, Đức, Nghiệp thì ông Ngũ Đỉnh hiểu và chấp nhận dễ dàng, nhưng khi giảng đến cú nghĩa thứ tư là Đại hữu tánh (tánh thật có lớn) thì Ngũ Đỉnh hồ nghi, không chấp nhận, nghĩ rằng chính Thật, Đức, Nghiệp đã là thực có rồi, chứ sao lại ngoài Thật, Đức, Nghiệp còn có cái Tánh thật có” khác nữa? Ngũ Đỉnh không tin. Hưu-lưu bèn gác cú nghĩa Đại hữu tánh lại để giảng tiếp cú nghĩa thứ năm là Động dị tánh, cú nghĩa thứ sáu là Hòa hiệp tánh, Ngũ Đỉnh nghe qua chấp nhận liền. Khi ấy Hưu-lưu trở lại đem cú nghĩa Đại hữu tánh giảng cho Ngũ Đỉnh với cái lập luận nêu trên: “Tánh có không phải là Thật, Đức, Nghiệp…”
     Thâm ý của Ông Hưu-lưu là muốn lập Đại hữu tánh là một tánh thực hữu ngoài Thật, Đức, Nghiệp, chứ không phải muốn lập Đại hữu tánh là như thế nào thế nào. Song nếu nói thẳng Đại hữu tánh là “tánh thực hữu” thì Ngũ Đỉnh không chấp nhận mà lập luận của ông phải mắc cái lỗi “sở biệt bất cực thành” (tiền trần không được công nhận), nên ông mới lập:
     –      Tôn:   Tánh Có chẳng phải là Thật, Đức, Nghiệp…
     –      Nhân: Vì có một Thật, Đức, Nghiệp vậy…
     –      Dụ: Như Đồng dị tánh.
     Không ngờ ông muốn tránh mà tránh không được. Vì với “nhân” ông đưa ra đây chỉ có thể thành lập “tánh có không phải là Thật, Đức, Nghiệp”, chứ không thể thành lập “tánh có” là một thực hữu có khả năng làm duyên có ra Thật, Đức, Nghiệp như ý ông muốn, vả lại ông lấy ví dụ như “đồng dị tánh”, song “đồng dị tánh” tuy có trong nó cả Thật, Đức, Nghiệp, nhưng nó không phải là tánh có, như vậy tánh có đủ có một Thật v.v… cũng không phải là tánh có, nên cái nhân trên bị lỗi “hữu pháp tự tướng tương vi”. Đối phương sẽ lấy cái nhân ấy mà lập luận bác lại như sau:
     –      Tôn: Tánh Có, lẽ ra không phải tánh có.
     –      Nhân: Vì có một Thật, Đức, Nghiệp vậy.
     –      Dụ: Như đồng dị tánh.
     Hoặc lập:
     –      Tôn: Ông chấp Đại hữu tánh đã không phải Thật, Đức, Nghiệp, thì lẽ ra cũng không phải đại hữu tánh.
     –      Nhân: Vì có một Thật, Đức, Nghiệp vậy.
     –      Dụ: Như đồng dị tánh.
     Nay ta có thể dùng một ví dụ khác dễ hiểu hơn. Như lập:
     –      Tôn: Trời không phải là một vật.
     –      Nhân: Vì không thể sinh cảm giác nơi ngũ quan của ta.
     –      Dụ: Như tâm.
     Cái “nhân” trên bị lỗi “hữu pháp tự tướng tương vi”. Đối phương sẽ dùng ngay cái nhân ấy mà lập luận bác lại như sau:
     –      Tôn: Trời của ông không phải là một vật, nhưng cũng không phải là trời.
     –      Nhân: Vì không thể sinh cảm giác nơi ngũ quan của ta.
     –      Dụ: Như tâm.
     Hoặc lập:
     –      Tôn: Trời không phải là tâm.
     –      Nhân: Vì không thể do kinh nghiệm giáo dục làm cho phát đạt được.
     –      Dụ: Như vật.
     Cái “nhân” này cũng bị lỗi “hữu pháp tự tướng tương vi” vì đối phương sẽ dùng cái nhân ấy để lập luận bác lại như sau:
    –      Tôn: Trời của ông không phải là tâm, nhưng cũng không phải là trời.
    –      Nhân: Vì không thể do kinh nghiệm giáo dục mà làm cho phát đạt được.
    –      Dụ: Như vật.
    + Lỗi nhân tương vi thứ tư: Hữu pháp sai biệt tương vi (nhân trái ngược với hàm ý của tiền trần hữu pháp). Tiền trần của tôn gọi là hữu pháp. Một thuộc tính
của hữu pháp mà người lập muốn chủ trương nhưng không nói thẳng ra, chỉ ngầm ý nói lờ mờ, thì gọi là hữu pháp sai biệt. Nếu dùng cái “nhân” ngược lại với ngầm ý ấy, thì gọi là nhân tương vi với hữu pháp sai biệt. Như lập:
     –      Tôn:   Tánh Có không phải Thật, không phải Đức, không phải Nghiệp.
     –      Nhân: Vì có một Thật, Đức, Nghiệp vậy.
     –      Dụ: Như Đồng dị tánh.
     Ở đây, ông Hưu-lưu không phải muốn thành lập có một tánh thật có như trên, mà còn đi xa hơn, muốn lập cái tính thực hữu đó là tính cách làm duyên cho tâm, tâm sở duyên tới nó để biết Thật, Đức, Nghiệp… Nhưng ý muốn này ông không nói thẳng ra rõ ràng vì sợ phạm lỗi “sở biệt bất cực thành” nên ông chỉ ngầm ý khi đưa luận thức. Tuy ông muốn thế nhưng không được, vì cái nhân ông đưa ra đã phạm lỗi “hữu pháp sai biệt tương vi”. Vì đối phương sẽ dùng cái nhân ấy mà lập luận bác lại như sau:
     –      Tôn:   Ông chấp Tánh Có không phải Thật, Đức, Nghiệp; nhưng cũng không phải tánh có tính cách làm duyên cho tâm tâm sở duyên tới nó.
     –      Nhân: Vì có một, Thật, Đức, Nghiệp vậy.
     –      Dụ: Như Đồng dị tánh.
     Đồng dị tánh không phải Thật, Đức, Nghiệp nhưng nó có Thật, Đức, Nghiệp, và nó cũng không phải là Tánh 

     Có có tính cách làm duyên, như vậy “tánh có” của ông không phải Thật, Đức, Nghiệp, nhưng có Thật, Đức, Nghiệp thì cũng giống như thế, không phải là tính có có tính cách làm duyên. Thế là bên lập bị thua. Hoặc như lập:
     –      Tôn:   Có một đấng thường còn.
     –      Nhân: Vì không có hình tướng.
     –      Dụ: Như hư không.
     Ý muốn thành lập một tạo hóa tạo vật, nhưng không nói thẳng ra vì nếu nói thẳng ra đối với người không tin tạo hóa ắt phạm lỗi, nên chỉ nói là đấng thường còn chung chung. Tuy bên ngoài nói đấng thường còn nhưng ngầm ý là chủ trương đấng tạo hóa. Nếu gặp người không tin đấng tạo hóa, họ sẽ dùng ngay cái nhân này mà bác lại rằng:
     –      Tôn:   Đấng ấy của ông là thường còn nhưng không tạo ra được vật gì hết.
     –      Nhân: Vì không có hình tướng.
     –      Dụ: Như hư không.
     Hư không không có hình tướng, hư không không tạo ra được vật gì cả, vậy tạo hóa không có hình tướng, tạo hóa cũng không tạo ra được vật gì cả.
     E3. MƯỜI LỖI VỀ DỤ
     Những ví dụ sai lầm gọi là tợ dụ, tức là ví dụ phạm lỗi; có 10 thứ, chia làm hai loại: Năm lỗi quan hệ với đồng dụ, năm lỗi quan hệ với dị dụ.

     Mười lỗi của dụ không giống tính chất với mười bốn lỗi của nhân. Mười bốn lỗi của nhân đều do ba tướng không đầy đủ mà có ra. Nhân thiếu tướng thứ nhất thì thành ra bốn lỗi “bất thành”, thiếu tướng thứ hai hoặc tướng thứ ba thì thành ra sáu lỗi “bất định”, nếu thiếu cả hai tướng hai và ba thì thành ra bốn lỗi “tương vi”. Ở đây đồng dụ vì trái với nhân, và trái với tôn, hay vì trái với cả nhân và tôn, hoặc vì tuy đúng nhưng không có kết hợp, hay kết hợp lộn ngược, nên thành ra năm lỗi về đồng dụ. 1. Năng lập bất thành. 2. Sở lập bất thành. 3. Câu bất thành. 4. Vô hợp. 5. Đảo hợp.
     Dị dụ, vì không chỉ rõ mặt trái với tôn và nhân một cách rõ ràng, nên cũng bị năm lỗi: 1. Sở lập bất khiển. 2. Năng lập bất khiển. 3. Câu bất khiển. 4. Bất ly. 5. Đảo ly.
     E3.1. Năm lỗi của đồng dụ
     + Lỗi thứ nhất: Năng lập bất thành: (đồng dụ không có cùng tính cách với nhân năng lập). Nhân có khả năng thành lập tôn, nên gọi nhân là năng lập, tôn là sở lập. Đồng dụ là cốt hỗ trợ nhân để thành lập tôn. Như vậy, đồng dụ phải có cùng tính cách với nhân thì mới hỗ trợ nhân có hiệu quả. Nếu đồng dụ mà có tính cách trái ngược với nhân thì chỉ làm cho nhân kém mất khả năng thành lập tôn, nên bị lỗi. Như lập:
     –      Tôn: Người ta là phải chết.
     _        Nhân: Vì là động vật
     –      Đồng dụ: Như cây cỏ.
     Cỏ cây cũng phải chết như người ta, nhưng cỏ cây không phải là động vật. Như vậy, đồng dụ cỏ cây ở đây không có dùng tính cách với nhân là động vật, thì làm sao hỗ trợ cho cái nhân là động vật để thành lập tôn  được?
     + Lỗi thứ hai: Sở lập bất thành (đồng dụ không có cùng tính cách với tôn sở lập). Đồng dụ là hỗ trợ nhân để thành lập tôn, nó phải có cùng tính cách với tôn mới có hiệu quả. Nếu đồng dụ có tính cách ngược với tôn thì chỉ làm hại tôn mà thôi, cho nên bị lỗi. Như lập:
     –      Tôn:   Âm thành là thường còn.
     –      Nhân: Vì không chất ngại.
     –      Đồng dụ: Như sự hiểu biết.
     Sự hiểu biết là một hiện tượng tinh thần không phải vật chất, nên không có chất ngại như tính cách của nhân, song nó vốn là vô thường khác tính cách   thường của âm thanh, thì làm sao lấy sự hiểu biết vô thường làm đồng dụ cho tôn âm thanh thường còn? Nếu lấy làm đồng dụ thì bị lỗi.
     + Lỗi thứ ba: Câu bất thành (đồng dụ không có cùng tính cách với cả nhân năng lập và tôn sở lập).
     Câu bất thành có hai: Hữu câu bất thành và vô câu bất thành. Khi đồng dụ là một sự vật cụ thể được hai bên lập và địch công nhận, thì gọi là hữu thể. Nếu đồng dụ là sự vật trừu tượng hoặc sự vật chỉ bên lập công nhận, bên địch không công nhận thì gọi là vô thể. Như lập:
     –      Tôn: Âm thanh là thường còn.
    –      Nhân: Vì không chất ngại.
    –      Đồng dụ: Như cái bình.
    Cái bình là vô thường không có cùng tính cách thường còn với tôn âm thanh sở lập, đồng thời lại là vật có chất ngại, không có cùng tính cách không chất ngại với nhân năng lập, nên bị lỗi “câu bất thành”, nghĩa là đối với nhân năng lập và tôn sở lập đều bất thành. Nhưng bình là vật cụ thể được cả hai bên đều công nhận, nên gọi là “hữu câu bất thành”. Nếu không lấy bình làm đồng dụ mà lại lấy hư không làm đồng dụ, thì đối với phái Vô không luận tức là phái không công nhận thực có hư không. Hư không đã không thực có thì nó chẳng liên quan gì với nhân năng lập và tôn sở lập nói trên  cả, nên bị lỗi “cấu bất thành”. Và đối với phái Vô không luận không chấp nhận có hư không, nên gọi là “vô cấu bất thành”.
    + Lỗi thứ tư: Vô hợp (không có lời kết hợp). Khi nêu một vật gì làm đồng dụ, trước phải có lời kết hợp rõ ràng tính cách của nhân và tôn ở nơi đó lại với nhau.              Như lập:
     –      Tôn:   Âm thanh là vô thường.
     _    Nhân: Vì do sự tác động mà có.
     _    Đồng dụ:  Những gì do tác động mà có (hợp với tính cách nhân) ta thấy nó vô thường, (hợp với tính cách tôn) như cái bình. Nếu lập:
     _     Tôn: Âm thanh là vô thường
     –      Nhân: Vì do sự tác động mà có.
     –      Đồng dụ: Như cái bình, là do sự tác động mà có ra và có tính cách vô thường.
     Nói như trên, thì ở đồng dụ phạm lỗi vô hợp, vì không có lời kết hợp rõ ràng với tính cách “nhân” là do tác động mà có ra, với tính cách “tôn” là vô thường lại với nhau, mà chỉ nói rời rạc mơ hồ rằng “do tác động mà có” và “có tính cách vô thường” như trên, nên phạm lỗi. Bởi từ “và” ở đây không liên kết được hai tính cách “do tác động mà có ra” và “có tính cách vô thường” lại với nhau, nên cũng không hẳn hễ do tác động mà có ra thì chắc chắn có tính cách vô thường!
     + Lỗi thứ năm: Đảo hợp (kết hợp đảo ngược). Khi nêu vật gì làm đồng dụ, trước phải có lời kết hợp rõ ràng và trong lời kết hợp phải nêu tính cách “nhân” trước và tính cách của “tôn”sau. Như lập:
     –      Tôn: Âm thanh là vô thường.
     –      Nhân: Vì do sự tác động mà có.
     –      Đồng dụ: Những sự gì do sự tác động mà có (tính cách nhân) đều thấy nó vô thường (tính cách tôn), như bình.
     Nếu nêu tính cách tôn trước và nhân sau thì mắc lỗi đảo hợp. Đồng dụ có nhiệm vụ giúp nhân để thành lập tôn nên khi hợp phải hợp với nhân trước và hợp với tôn sau, nếu đồng dụ phạm lỗi đảo hợp thì mất hiệu lực giúp cho nhân để thành lập tôn. Như nói: “Những gì vô thường (tính cách tôn) đều do sự tác động mà có (tính cách của nhân), như bình”; thế là đảo hợp.
     Hai lỗi vô hợp và đảo hợp trên là đứng về dụ thể của đồng dụ mà nói.
     E.3.2. Năm lỗi của dị dụ
     Đồng dụ là chứng minh thuận; dị dụ là chứng minh nghịch. Chứng minh thuận thì phải thuận hợp với nhân và tôn, nên cũng gọi là “hợp tác pháp”; chứng minh nghịch thì phải trái ngược, xa lìa với tôn và nhân, nên cũng gọi là “ly tác pháp”. Nếu chứng minh nghịch mà lại có tính cách liên hệ với tôn và nhân thì bị lỗi.
     + Lỗi thứ nhất: Sở lập bất khiển (sở lập là chỉ cho tôn, dị dụ không trái với tôn, thì gọi là sở lập bất khiển). Nếu tôn “thường” thì dị dụ phải là cái “có tính vô thường”, nếu tôn “thường” mà dị dụ cũng “thường” thì không thành dị dụ nữa, nên phạm lỗi “sở lập bất khiển”, nghĩa là ở dị dụ không khiển trừ hết tính cách của tôn sở lập. Như lập:
     –      Tôn:   Âm thanh là thường.
     –      Nhân: Vì không chất ngại.
     –      Đồng dụ: Những gì không chất ngại đều là thường, như hư không.
     –      Dị dụ: Những gì vô thường đều có chất ngại, như cực vi.
     Cực vi là vật chất cực vi tế, nó có chất ngại nên nghịch lại với nhân “không chất ngại” trên, nhưng cực vi theo quan niệm phổ thông Ấn Độ đều cho là thường, mà thường thì lại là đồng phẩm tính “thường” với tôn nói trên. Thế là tính cách của tôn sở lập vẫn có mặt ở dị dụ cực vi, dị dụ cực vi không khiển trừ hết tính cách “thường” của tôn nơi nó, nên bị lỗi “sở lập bất khiển”.
Hoặc lập:
     –      Tôn: Anh Ba là người Việt Nam.
     –      Nhân: Vì là người Huế.
     –      Dị dụ: Những ai không phải người Việt Nam đều không phải là người Huế, ví như người Hà Nội.
     Theo trên, ai không phải là người Việt Nam thì không phải là người Huế, vậy là đúng. Nhưng dù không phải người Huế mà là người Hà Nội thì cũng vẫn là   người Việt Nam. Như thế tính cách tôn sở lập là người Việt Nam vẫn có mặt ở dị dụ như người Hà Nội. Thế là ở dị dụ không khiển trừ hết tính cách của tôn sở lập, nên dị dụ bị lỗi “sở lập bất khiển”.
     + Lỗi thứ hai: Năng lập bất khiển (ở dị dụ không khiển trừ hết tính cách của nhân năng lập). Tính cách của dị dụ là phải xa lìa, phải nghịch lại với nhân năng lập. Nếu ở dị dụ mà có tính cách của nhân năng lập thì bị lỗi “năng lập bất khiển”. Như lập:–      Tôn: Âm thanh là thường còn.
     –      Nhân: Vì không chất ngại.
     –      Dị dụ: Những gì vô thường thì đều là không chất ngại, như nghiệp lực.
     Nghiệp lực là vô thường là không chất ngại. Nghiệp lực vô thường tức là xa lìa tính cách thường của tôn sở lập, như vậy là đúng. Những nghiệp lực là không chất ngại, thì lại không xa lìa phẩm tính không chất ngại của nhân năng lập, như vậy là sai. Tính cách của nhân năng lập không bị khiển trừ, không xa lìa hết ở nơi dị dụ, nên bị lỗi “năng lập bất khiển”.
     + Lỗi thứ ba: Câu bất khiển (dị dụ không trái hẳn với cả tôn và nhân). Dị dụ là phải xa lìa, phải khiển trừ hết phẩm tính của tôn sở lập và nhân năng lập nơi nó. Nghĩa là phẩm tính của tôn và nhân không được có mặt ở dị dụ. Nếu ở dị dụ mà có đủ phẩm tính đồng với tôn sở lập và nhân năng lập,  thì bị lỗi “câu bất khiển”. Nghĩa là cả hai phẩm tính của tôn và nhân đều không bị khiển trừ hết khỏi dị dụ. Như lập:
     –      Tôn: Ông Ba là người Việt Nam.
     –      Nhân: Vì là người Hà Nội.
     –      Dị dụ: Như người ở Quận Ba Đình.
     Nếu dị dụ là người Pháp thì đúng, vì người Pháp không phải là người Hà Nội cũng không phải là người Việt Nam. Còn dị dụ như người Quận Ba Đình, thì người Quận Ba Đình vẫn mang trong nó tính cách người Hà Nội và người Việt Nam nên sai và bị lỗi.
     + Lỗi thứ tư: Bất ly (không có lời chỉ rõ sự xa lìa). Ở đồng dụ phải có lời kết hợp, ở dị dụ phải có lời chỉ rõ sự cách ly, thì lý lẽ mới rõ ràng chắc chắn làm cho người dễ hiểu. Như trên kia, đồng dụ nếu không có lời kết hợp thì bị lỗi vô hợp. Ở dị dụ này nếu không có lời chỉ rõ sự cách ly của dị dụ đối với tôn sở lập và nhân năng lập thì bị lỗi bất ly. Như lập:

     –      Tôn: Âm thanh là thường còn.
     –      Nhân: Vì không chất ngại.
     –      Đồng dụ: Những gì không chất ngại thì thấy nó thường còn, như hư không.
     –      Dị dụ: Những gì vô thường thì đều có chất ngại, như cái bình.
     Đây là cách nêu dị dụ có lời chỉ rõ sự cách ly, tức là có “ly tác pháp”, đúng. Nếu nêu dị dụ mà không có ly tác pháp như nói: “Như bình, thấy nó vô thường, có chất ngại” là bị lỗi “bất ly”.
     + Lỗi thứ năm: Đảo ly (ly một cách lộn ngược). Dị dụ trước phải cách ly phẩm tính của tôn, rồi sau cách ly phẩm tính của nhân mới đúng. Nếu trước cách ly phẩm tính của nhân rồi sau mới cách ly phẩm tính của tôn là sai, là đảo ly. Như lập:
     –      Tôn: Âm thanh là thường còn.
     –      Nhân: Vì không chất ngại.
     –      Dị dụ: Những gì vô thường đều có chất ngại, như bình. Dị dụ như thế là đúng.
     Nhưng nếu dị dụ là: “Những gì có chất ngại đều là vô thường, như bình “thì dị dụ này sai, và bị lỗi đảo ly.
     Tóm lại, trong 10 lỗi của dụ, 4 lỗi vô hợp, đảo hợp, bất ly, đảo ly là cách tránh lối nói không mạch lạc rõ ràng, lý lẽ mù mờ không chặt chẽ, làm mất hiệu lực của ví dụ, nên cần nêu ra cho đủ vậy thôi, chứ thông thường chỉ nói vắn tắt. Như nói: Ví như hư không, ví như cái bình v.v… cũng được.

Xem mục lục