Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

A. TÁM MÔN CỦA NHÂN MINH


     Nhân minh là pháp tắc biện luận giữa bên lập và bên địch. Khi biện luận là muốn trao sự hiểu biết của mình đến cho người khác. Nhưng nếu không biết cách thức biện luận thì chẳng những đã không thể trao sự hiểu biết đúng đắn cho người, trái lại còn làm cho lòng người rối loạn, mù mờ. Nhưng làm thế nào để mình có sự hiểu biết đúng đắn hầu trao đến cho người ? Đây lại là một nhu cầu tiên quyết của người muốn biện luận. Nói cách khác, người muốn biện luận, trước hết phải hiểu rõ vấn đề mà mình định đem ra biện luận, tức là phải rõ trí tự ngộ, và hai là phải biết cách thức lập luận thì việc biện luận mới có hiệu quả là cho người chưa hiểu được hiểu, và người hiểu sai trở lại thành hiểu đúng, đấy là ngộ tha. Nhằm hai mục đích, hai phương diện đó, mở đầu Nhân minh nhập chánh lý luận đã phân biệt ra tám môn dưới đây :

     –      Về phương diện ngộ tha có 4 môn :
              1.  Chơn năng lập (lập luận đúng).
              2.  Tợ năng lập (lập luận sai).
              3.  Chơn năng phá (phá luận đúng).
              4.  Tợ năng phá (phá luận sai).
     –      Về phương diện tự ngộ có 4 môn :
             1. Chơn hiện lượng (hiểu bằng trực giác một cách đúng).
             2.  Tợ hiện lượng (hiểu bằng trực giác một cách sai).
             3.  Chơn tỷ lượng (hiểu bằng suy luận một cách đúng).
             4.  Tợ tỷ lượng (hiểu bằng suy luận một cách sai). 



     Tám môn này thu tóm tắt hết yếu nghĩa của các luận Nhân minh và luận khác về phương diện luận lý, cũng như về phương diện tự ngộ và ngộ tha. Như văn luận Nhân minh ghi : “Năng lập dữ năng phá, cập tợ duy ngộ tha. Hiện lượng dữ tỷ lượng, cập tợ duy tự ngộ. Như thị tổng nhiếp chư luận yếu nghĩa”.

     A1. CHƠN NĂNG LẬP
     Năng lập là có khả năng thành lập. Khi ta muốn đưa ra một chủ trương thông qua ngôn luận mà phương thức lập luận của ta được đúng đắn thì có thể thành lập được chủ trương của ta trước đối phương, làm cho đối phương hiểu và công nhận. Như vậy gọi là chơn năng lập, năng lập đúng, đạt hiệu quả. Một luận thức chơn năng lập cần phải có đủ các điều kiện dưới đây :
     a. Phải đủ ba phần : Tôn, nhân, dụ, theo đó tôn không mắc lỗi trong 9 lỗi; nhân không mắc lỗi trong 14 lỗi; dụ không mắc lỗi trong 10 lỗi; cọng 33 lỗi.
     b. Nhân đủ ba tướng : Nên lưu ý : Chữ năng lập nói trên đây có nghĩa là đối với năng phá, chứ không phải năng lập đối với sở lập như đã nói ở phần Cổ nhân minh Tân nhân minh trên kia. Năng lập đối với sở lập là từ một luận thức phần tôn, nhân, dụ mà chia ra : Tôn là sở lập, chỉ bên  người lập công nhận chứ bên người địch không công nhận. Còn nhân và dụ là năng lập, phải được hai bên công nhận, mới lấy đó để chứng minh thành lập tôn sở lập được.
     A2. TỢ NĂNG LẬP
     Trái với chơn năng lập ở trên là tợ năng lập. Đây là một luận thức sai lầm, không hội đủ hai điều kiện của một luận thức chơn năng lập như đã nêu trên. Cho nên, tuy có lập luận thức đủ cả ba phần: tôn, nhân, dụ, nhưng còn có phạm phải lỗi lầm trong phần tôn, phần nhân, hay phần dụ, nên dù có muốn thành lập cũng không thành lập được, đối phương không chấp nhận, lập không có hiệu quả, nên gọi là tợ năng lập.
     A3. CHƠN NĂNG PHÁ
     Năng phá là có khả năng phá ngôn luận chủ trương của đối phương. Khi đối trước một chủ trương của đối phương mà mình không công nhận, và muốn phá bỏ thì có hai cách phá: Một, lập lượng phá là lập một luận thức đúng đắn đủ cả ba phần tôn, nhân, dụ, không lỗi để phá. Hai hiển quá phá, là chỉ trích đúng vào các lỗi lầm nơi luận thức của đối phương, tự nhiên luận thức của họ bị phá vở, làm cho họ không còn đủ lý lẽ để chứng minh bênh vực chủ trương của họ nữa. Có khi vì thấy luận thức của đối phương sai lầm nhưng không lập lượng phá, mà chỉ hiển quá phá. Trong lập lượng phá đã bao gồm hiển quá phá, còn hiển quá phá là chỉ trích đúng chỗ sai lầm của họ làm phá, chứ không lập lượng, nên cách phá này nếu làm đúng thì phá được địch luận, và được gọi là chơn năng phá.
      A4. TỢ NĂNG PHÁ
     Cũng có hai cách là lập lượng pháhiển quá phá như trên. Nhưng đây vì lập luận không đúng cách, phạm nhiều sai lầm, lý nghĩa kém hơn phía địch luận. Có chỉ trích lỗi lầm trong luận thức của địch luận thì lại chỉ trích không đúng, người ta sai ở tôn lại bảo sai ở nhân, hoặc sai ở nhân lại bảo sai ở dụ, bệnh một đường chữa một nẻo, hoặc người ta không bệnh mà nói bệnh, đem thuốc chữa, người không sai mà nói sai, đem lời phá. Như vậy, cả hai cách đều không phá được địch luận, nên đây gọi là tợ năng phá. Tuy có phá mà không phá được, nên gọi là tợ.
     A5. CHƠN HIỆN LƯỢNG
     Lượng (pramana) tức là nhận thức lượng biết đối tượng. Theo nhận thức luận Ấn Độ, gọi đây là lượng. Gồm có năng lượng hay lượng giả là chủ thể lượng biết, và sở lượng là đối tượng được lượng biết, và lượng quả là kết quả sự lượng biết, tức là trí. Ta có ba cách lượng biết đối tượng đó là : hiện lượng, tỷ lượng, phi lượng. Ở đây đang nói về hiện lượng là nói về số lượng biết một cách rõ ràng, trực tiếp đối tượng không qua suy đoán, so sánh, phân biệt danh tướng, chủng loại, không gắn thêm khái niệm chủ quan. Luận Nhân minh cắt nghĩa về hiện lượng có câu: “Hiện hiện biệt chuyển”, là năm căn minh hiện năm trần, năm thức nương đó hiện hành, gọi là hiện hiện. Lại tâm và cảnh hiện tại hiển hiện rõ ràng, tâm nào duyên theo cảnh ấy, như nhãn thức chỉ duyên sắc, nhĩ thức chỉ duyên tiếng v.v…, nên gọi là hiện hiện biệt chuyển. Nhưng nếu hiện lượng đúng với cảnh thì gọi là chơn hiện lượng, còn hiện lượng sai với cảnh thì gọi là tợ hiện lượng. Hiện lượng đúng là sự lượng biết xa lìa năm trường hợp sau : 

     1.      Xa lìa ức tưởng, tức không phải suy ức quá khứ, tưởng tượng tương lai mà biết.
     2.      Xa lìa ảo giác, tức không phải cái biết như khi thuyền đi mà lại thấy bờ chạy, mây bay mà lại thấy trăng chạy …
     3.      Xa lìa thố giác, tức không phải cái biết lầm sợi dây là con rắn, đêm khuya nghe tiếng chó sủa xa xa mà cho là tiếng người cải lộn, thấy mây thành là khói …
     4.      Xa lìa loạn giác, như vì mắt nhặm mà thấy giữa hư không có hoa đốm, thấy mặt trăng thứ hai. Vì cuồng trí, say rượu mà thấy mọi vật đổi khác.
     5.      Xa lìa cái biết phân biệt, so đo danh tướng sự vật. Có bốn loại hiện lượng trí : Căn hiện lượng, tức năm căn nhận thức năm trần; ngũ câu ý thức hiện lượng, tức ý thức với năm căn cùng lúc nhận thức năm trần; tự chứng phần hiện lượng, tức sự nhận biết của thức tự chứng phần; định tâm hiện lượng, tức sự nhận biết cảnh tượng trong khi thiền định.
     Hiện lượng nói trong Nhân minh là loại hiện lượng thứ nhất. Thấy hoa liền biết hoa, thấy người liền biết người, thấy rắn không chân liền biết rắn không chân… Không cần phải chờ có sự so sánh mới biết.
     A6. TỢ HIỆN LƯỢNG
     Tuy là hiện lượng, hiện thấy rõ ràng trước mắt nhưng không đúng với thực cảnh, vì còn mắc phải trong năm tướng như đã nói ở phần hiện lượng trên : Như thuyền đi mà lại thấy bờ chạy, thấy dây thành rắn v.v… Tuy cũng là hiện thấy nhưng không đúng với thực cảnh nên gọi là tợ hiện lượng.
     A7. CHƠN TỶ LƯỢNG
     Tỷ lượng là cái biết bằng so sánh, loại suy. Do sự kiện đã được biết, được thấy mà suy biết đến những sự kiện chưa biết, chưa thấy.
     Hiện lượng chỉ mới là sự cảm nhận thấy, nghe, như thấy hoa biết là hoa, thấy người biết là người, còn tỷ lượng thì đi xa hơn, có tác dụng phân biệt so sánh của trí thức: “Hoa ấy là hoa gì ? Do đâu mà có ? Có mùi thơm không ? Có tồn tại lâu dài ? …”. Do sự so sánh cái này, cái kia rồi suy định ra một cái lý, một sự thật, một ý nghĩa, một lý giải. Ví như thấy hoa biết hoa ấy sớm nở chiều tàn, thấy người có đôi mắt sáng biết người ấy thông minh … Có năm cách tỷ lượng :
     a. Tướng tỷ lượng : Là thấy tướng này mà suy biết tướng khác, như thấy tướng khói mà suy biết có lửa; thấy tướng mây đen kéo mà suy biết sắp có mưa … Đây là bằng vào sự tướng bên ngoài của sự vật mà suy đoán.
     b. Thể tỷ lượng : Là lối suy đoán bằng vào sự thể của sự vật, từ một bộ phận mà suy biết toàn thể, như thấy cái vòi mà suy biết con voi, hoặc từ vật hiện tại mà suy biết vật quá khứ và tương lai, như thấy hiện tại mặt trời hôm qua và ngày mai cũng mọc phương Đông, lặn phương Tây, thấy ngoài vỏ cam mà suy biết cam ngọt hay chua.
     c. Nghiệp tỷ lượng: Là suy đoán bằng vào hoạt động, động tác của sự vật. Như thấy dấu chân to của động vật mà suy biết đó là dấu chân voi, thấy cây cỏ lay động mà suy biết có gió, thấy có đi mà suy biết có đến, đi mau đến mau, đi chậm đến chậm.
     d. Pháp tỷ lượng: Pháp là chỉ cho tính cách, phẩm tính của sự vật. Ta biết sự vật qua những tính cách, phẩm tính của nó. Trong những phẩm tính, tính cách có thứ tương quan nương tựa nhau. Hễ đã có phẩm tính này tức có phẩm tính khác; như nhìn vào sự vật thấy do tạo tác có ra mà suy biết nó sẽ hư hoại và biến đổi; thấy con người vô thường mà suy biết con người vô ngã. Đó gọi là pháp tỷ lượng.
     đ. Nhân quả tỷ lượng: Tức là thấy nhân mà suy biết có quả. Như thấy hạt giống lúa tốt là suy biết sẽ mọc ra cây lúa to, hoặc thấy quả mà suy biết nhân, như thấy cái bàn trơn láng, sắc sảo mà suy biết do tay thợ khéo làm, thấy người có đạo đức mà suy biết người ấy đã có nhân tu v.v…
     A8. TỢ TỶ LƯỢNG:
     Là hiểu bằng cách loại suy sai lầm. Cũng theo 5 loại tỷ lượng trên, nhưng tỷ lượng sai lầm không đúng với thực cảnh. Như thấy kim cương bị đốt cháy mà suy vàng cũng bị đốt cháy, không biết rằng kim cương bị đốt cháy vì kim cương thuộc loại có chất thán tố mà vàng thì không, nên suy đoán vàng cũng bị đốt cháy như kim cương là suy đoán sai, là tợ tỷ lượng v.v…
     Tóm lại, khi ta đưa ra sự so sánh mà nhờ đó sự hiểu biết đúng đắn phát sinh thì đó là chơn tỷ lượng, nếu do đó có sự hiểu biết ngược lại hoặc sai lầm, thì gọi là tỷ lượng.
Xem mục lục