Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

BÀI THỨ BA
NÓI LƯỢC CÁC TÂM SỞ
(CÓ NĂM ĐOẠN)

I. ĐỊNH RÕ TÊN VÀ NGHĨA CÁC TÂM SỞ

  Tám Thức đều co ùoai lực rất tự  tại và tự chủ, cũng như ông vua, không có phục tùng một ai cả; cho nên gọi là Tâm vương. Oâng vua tuy có thể ban ra các hiệu lệnh, nhưng phải có các quan, để thi hành các hiệu lệnh ấy, thì mới trị an được. Tâm vương cũng thế, phải có những Tâm sở lệ thuộc về Tâm vương, vâng mạng lệnh của Tâm vương làm tất cả việc, nên gọi là Tâm sở (sở hữu của Tâm vương). Tâm sở với Tâm vương rất hòa hợp nhau và đều không rời “Thức”. Cho nên gọi: “Duy thức” tức là bao trùm cả Tâm vương và Tâm sở.

II. SỰ LIÊN QUAN VÀ HỆ THUỘC GIỮA TÂM VƯƠNG VÀ TÂM SỞ

  Tâm vương tuy có quyền làm chủ và giữ gìn, mà không thể tự mình tạo nghiệp được nên phải có các Tâm sở. Nhưng làm chủ nếu không chơn chính, cũng như trên vua hôn quân thì ở dưới quần thần là các Tâm sở, cố nhiên phải làm loạn. Chính như người đời vì Tâm mình không tự  chủ, nên bị tham, sân, si nổi lên, tạo ra các nghiệp trộm cướp, sát hạiv.v… không thể kềm chế được.

  Nếu Tâm sở không vâng mạng lịnh của Tâm vương, trái lại còn làm phản loạn thì Tâm vương phải bị nguy hiểm. Như người đời nói: “Vì tham tài lợi, nên trí khôn mờ”. Nghĩa là nói: Do Tâm sở “tham” tạo nghiệp, làm cho trí khôn của Tâm vương phải bị mờ. Hay có chỗ gọi: “Tâm bị sai khiến” tức là chỉ cho Tâm sở tạo nghiệp, sai khiến Tâm vương vậy.

  Thế nên phải biết: Tâm sở cùng Tâm vương rất quan hệ mật thiết. Tuy có thượng hạ phân định giai cấp như thế, nhưng đôi khi Tâm sở cướp quyền, thì Tâm vương phải bị nguy hiễm. Cũng như vị Quốc vương bị Quyền thần chấp chính thì không khỏi cái họa mất nước. Một bằng chứng: những người vì quá tham tài hiếu sắc, nên tâm trí của họphải bị cuồng  loạn.

  Đức Khổng Tử cũng nói: “Biết được việc nhơn, mà lòng nhơn không giữ  được, tuy được việc phải, rồi cũng mất đó”. Đức Khổng Tử nói như thế, là chỉ cho Tâm vương tuy biết được việc nhơn nghĩa, nhưng không có “thiện Tâm sở” để giúp đỡ giữ gìn thì quyết không thể bảo trì được việc lành.

III. ĐỊA VỊ VÀ SỐ LƯỢNG CỦA CÁC TÂM SỞ

  Các “Tâm sở” vì địa vị có thân và sơ, nên chia làm sáu loại, và vì trách nhiệm không đồng nhau, nên phân ra đến 51 món.

     Sáu loại Tâm sở

   1. Biến hành- 5 món
   2. Biệt cảnh-5 món
   3. Thiện-11 món
   4. Căn bản phiền não- 6 món
   5. Tùy phiền não-20 món
   6. Bất định- 4 món

  Có những Tâm sở rất thân mật với Tâm vương, không luận nơi nào hay giờ phút nào, đều không rời Tâm vương; cũng như ngày trước  chức  “Thừa tướng” thân cận với vua, hay ngày nay các  Bộ trưởng rất mật thiết với Thủ tướng, tức là 5 món Tâm sở Biến hành. Chữ “Biến hành” nghĩa là: đi khắp, giáp tất cả. Có 4:

   1. Khắp giáp tất cả thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai).
   2. Khắp giáp tất cả Thức (tám thức)
   3. Khắp giáp tất cả giới (tam giới)
   4. Khắp giáp tất cả địa vị (từ phàm đến Thánh)

IV. NĂM MÓN “BIẾN HÀNH”

  Năm món “Biến hành” là: 1. Xúc, 2. Tác ý, 3. Thọ, 4. Tưởng, 5. Tư. Năm món Tâm sở này, bất luận Tâm vương nào khởi lên, nó đều chung khởi cả. Như Nhãn thức Tâm vương khi mới xem hoa; lúc đầu tiên tiếp xúc với cảnh hoa, thế là đã có “Xúc Tâm sở”

Chung cùng rồi. Kế đó có một cái để nhắc nhở Nhãn thức xem hoa, đó là “Tác ý Tâm sở” chung khởi. Rồi cảm thọ cảnh này khổ hay vui tức là “Thọ Tâm sở”. Tiếp đó lại tưởng tượng cái hình tướng của hoa và đặt để những danh từ để kêu gọi: Đây là vật gì? Hoa hay không phải hoa?  Đó là “Tưởng Tâm sở” tương ưng. Rốt sau nghĩ tính toán; hoặc dùng hay bỏ, đó là “Tư Tâm sở” chung khởi.

V. NĂM MÓN “BIỆT CẢNH”

  Trong năm món Biến hành, hai Tâm sở, “Tưởng và Tư” tuy đã có cái nền tảng để tạo nghiệp, nhưng chưa thấy rõ rệt sự thực hành; cho nên sau năm món Biến hành lại có năm món Tâm sở  “Biệt cảnh”. Chữ  “Biệt cảnh” nghĩa là: mỗi món đều duyên mỗi cảnh giới và tạo nghiệp  riêng khác. Năm  món “Biệt cảnh” là: 1- Dục, 2- Thắng giải, 3- Niệm, 4- Định, 5- Huệ.

  Dục  là: Muốn. Muốn những cái gì mình đang mong mỏi, như thấy quyển sách muốn đọc v.v…

  Thắng giải là: Biết rõ. Như khi đọc sách hiểu rõ các nghĩa lý.

  Niệm là: Nhớ. Như hôm qua đọc sách, ngày nay nhớ lại.

  Định là: Chuyên chú. Như khi đọc sách, chuyên chú không nghĩ nhớ một việc gì khác.

  Huệ là: Trí huệ. Khi đọc sách nhờ tâm yên định, nên phát sanh ra Trí huệ.

  Về thứ lớp sanh khởi của năm món “Tâm sở” này có liên quan như thế; có thề lấy một việc đọc sách đã thấy rõ. Nhưng nhiệm vụ đều khác, vì mỗi môn duyên mỗi cảnh; cũng như người đời phân công làm việc, mỗi người đều có mỗi trách nhiệm khác nhau.

  Căn cứ theo đây mà suy xét, thì Tâm vương hoàn toàn không thể tạo nghiệp được. Cũng như vị Đế vương ở trong chín lớp thành nghiêm nhặt, không làm việc gì được, chỉ ra các sắc lệnh mà thôi. Nhờ năm món “Biến hành” Tâm sở giúp với Tâm vương mới thành cơ sở tạo nghiệp.  Cũng như quan “Thứa tướng” vâng mạng lệnh của Vua, gởi chiếu chỉ xuống các bộ. Rồi do “năm món Biệt cảnh Tâm sở”, mỗi món đều lãnh mỗi nhiệm vụ; cũng như các Bộ lại lãnh sứ manïg rồi tùy thời thi hành.

  Năm món Tâm sở “Biến hành” chỉ có nhiệm vụ: 1- Trên, thừa lệnh của Tâm vương; 2- Ban bố xuống cho các cấp dưới. Cho nên nó cùng với tám thức Tâm vương đồng tánh vô ký. Nghĩa là không nhứt định thiện hay ác.

  Còn Tâm sở “Biệt cảnh”, vì mỗi món giữ một trách nhiệm cho nên có đủ ba tánh là Thiện, Ác và Vô ký. Ngoài ra còn mười một món Tâm sở “Thiện”, chỉ chuyên môn làm việc lành, cũng như các vị Trung thần. Lại có sáu món “Căn bản phiền não” và 20 món “Tùy phiền não”, chuyên tạo các nghiệp ác, cũng như các Quan lại tham ô. Lại có những Tâm sở không nhứt định thiện hay ác, tức là bốn món “Bất định”: Hối, Miên, Tầm, Tư. Cũng như một  chức Quan có vị lưng chừng để ăn lương, không có chủ trương gì nhất định, ai bảo thế nào cũng cho là phải.

Tên của 51 món Tâm sở:

   1. Biến hành Tâm sở, có 5: 1- Xúc, 2- Tác ý, 3- Thọ, 4- Tưởng, 5-Tư  (Dụ như chức “Thừa Tướng”).
   2. Biệt cảnh Tâm sở, có 5: 1- Dục, 2- Thắng giải, 3- Niệm, 4- Định, 5- Huệ (Dụ như các Bộ lại).
   3. Thiện Tâm sở, có 11: 1- Tín, 2- Tàm, 3- Quý, 4- Vô tham, 5- Vô sân, 6- Vô si, 7- Tinh tấn, 8- Khinh an, 9- Bất phóng dật, 10- Hành xả, 11- Bất hại (Dụ  như các vị Công Thần).
   4. Căn bản phiền não, có 6: 1- Tham, 2- Sân, 3- Si, 4- Mạn, 5- Nghi, 6- Ác kiến (Dụ như các vị Gian Thần).
   5. Tùy phiền não Tâm sở, có 20: 1- Phẫn, 2- Hận, 3- Phú, 4- Não, 5- Tật, 6- Xan, 7- Cuống, 8- Siểm, 9- Hại, 10- Kiêu, 11- Vô tàm, 12- Vô quý, 13- Trạo cự, 14- Hôn trầm, 15- Bất tín, 16- Giải đãi, 17- Phóng dật, 18- Thất niệm, 19- Tán loạn, 20- Bất chánh tri (Dụ như các quan lại tham ô).
   6. Bất định Tâm sở, có 4: 1- Hối, 2- Miên, 3- Tầm, 4- Tư (Dụ như các vị Quan làm việc lưng chừng để ăn lương).

  Hai loại Tâm sở, Biến hành và Biệt cảnh tôi đã nói sơ lược rồi; còn Thiện Tâm sở, Căn bản phiền não, Tùy phiền não Tâm sở, Bất định Tâm sở, bốn loại Tâm sở này, xin độc giả nên biết sơ lược danh từ và nghĩa, đợi đến quyển sau tôi sẽ nói rõ hành tướng và công dụng của nó.

Xem mục lục