Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Trong đời sống tinh thần, tôi chưa từng có một vị thầy chính thức (Guru, sư phụ hay Roshi, lão sư ), chỉ có một người mô phạm mà tôi không hoàn toàn noi theo vì không một người nhạy cảm nào thích bị bắt chước. Người mô phạm đó chính là Suzuki Daisetz - một người vừa tinh tế vừa giản dị nhất mà tôi từng biết. Tôi cảm thấy rất tương đồng với khí chất hay phong độ (­Ạ ) tinh thần và trí thức của ông, dù tôi chưa từng quen biết ông thật sự thân thiết và dù bản thân tôi là một tính cách hoàn toàn khác hẳn. Suzuki đã khơi mở Thiền cho tôi khi tôi đọc quyển Thiền luận (Essays in Zen Buddhism) của ông lúc còn là thanh niên, và từ đó tôi đã say sưa đọc hết mọi thứ ông viết. Vì mọi thứ ông nói đều bất ngờ và kết thúc mở. Ông không đi trên những lối mòn quen thuộc của tư tưởng triết học và tôn giáo. Ông nói tùy hứng, ông lạc đề, ông buông ra vài gợi ý, ông để bạn lơ lững giữa thinh không, ông làm bạn kinh ngạc vì sở học (phi thường) của ông mà vẫn cuốn hút bạn bằng sự uyên bác được vận dụng một cách tinh tế và khiêm nhường. Vì tôi đã nhận thấy trong khối lượng tác phẩm ngỗn ngang đầy thú vị đó một lối đi dẫn đến khu Vườn của những đối nghịch được hòa giải.

Ông cho thấy tại sao Thiền cực kỳ khó và vô cùng dễ, tại sao nó vừa khôn dò lại vừa hiển nhiên, tại sao cái vô hạn và vĩnh cửu cũng cụ thể như cái lỗ mũi của bạn hiện thời, tại sao đạo đức vừa thiết yếu vừa chẳng liên quan tới đời sống tâm linh, và tại sao jiriki (nỗ lực cá nhân hay tự lực) cuối cùng cũng có ý nghĩa như tariki (giải thoát thuần bằng niềm tin hay tha lực). Điều trớ trêu theo Suzuki là không bao giờ "vẫn như cũ", như thể cuối cùng bạn đã hiểu vấn đề của ông và cảm thấy vững chắc - thì lần sau ông sẽ cho thấy bạn đã hoàn toàn đánh mất nó.

Suzuki còn đứng ngoài những lề thói thường tình ở đó, không tỏ ra chút lập dị nào, ông không hề xuất hiện dưới khuôn mẫu một "tính cách Thiền" như ta thường thấy ở các nhà sư Nhật Bản. Bất cứ ai lần đầu gặp ông, mong đợi tìm thấy một ông già khả ái với đôi mắt sáng quắc, ngồi trong một gian phòng trống trải kiểu shibui và sẵn sàng thu hút bạn bằng lối ứng xử nhanh nhẹn và sôi nổi, hẳn sẽ rất ngạc nhiên. Bởi vì Suzuki, với cặp chân mày phi phàm, trông giống một Đạo gia- một kiểu Lão tử của sách vở - có thiên tài, như mọi Đạo gia xuất sắc, về cái chỉ có thể gọi là tính trào lộng siêu hình. Rất thường khi mắt ông sáng long lanh như thể ông đã nhìn thấy Trò đùa Tối hậu mà dường như, do sự thương cảm cho những ai không có, ông đã kềm chế không bật cười ha hả.

Ông sống trong ngôi nhà kiểu Tây phương ở Liêm thương quê ông giữa hàng đống sách báo. Sự bừa bãi chữ nghĩa này giăng khắp các phòng mà mỗi nơi ông dành để viết một tác phẩm khác nhau hoặc một chương khác nhau trong một tác phẩm. Như vậy ông chỉ việc đi từ phòng này sang phòng khác chứ không cần thu dọn hết các tài liệu tham khảo khi ông muốn nghiên cứu riêng một đề tài nào, nhưng không biết làm sao mà cô Okamura, thư ký đáng phục của ông (như một nữ thần apsara từ cõi Tây phương hiện xuống để chăm sóc ông lúc tuổi già), đều biết rõ mọi thứ nằm ở đâu.

Suzuki nói tiếng Anh tuyệt hảo một cách chậm rãi, cân nhắc và từ tốn, hơi pha giọng Nhật nghe rất thú vị. Trong đàm thoại, ông thường sử dụng giấy và bút để tự giải thích thêm, vẽ những biểu đồ để minh họa các tiêu điểm và dùng chữ Hán để minh định những thuật ngữ của ông. Dù là một người kiên nhẫn, ông có biệt tài dập tắt lối luận bàn mông lung hay vẻ thông thái rỡm mà không gây xúc phạm. Tôi nhớ trong một buổi diễn thuyết, có một thính giả đã hỏi ông: "Thưa Bác sĩ Suzuki, khi ngài dùng từ ‘thực tại’ ngài muốn nói thực tại tương đối trong thế giới vật lý, hay thực tại tuyệt đối của thế giới siêu việt?" Ông đã nhắm mắt lại và chìm vào một tư thái đầy ấn tượng mà một số học trò của ông thường gọi là "làm Suzuki", bởi không ai có thể biết đó là ông đang đắm chìm trong trầm tư hay một thoáng chợp mắt ngủ. Sau khoảng một phút im lặng, dù có cảm giác lâu hơn, ông mở mắt ra, rồi đáp: "Đúng."

Trong một khóa học về những nguyên lý căn bản của Phật giáo: "Sáng nay chúng ta học đến Thánh đế thứ tư Ợ gọi là Bát chánh đạo. Thứ nhất trong Bát chánh đạo là Shò-ken, nghĩa là Chánh kiến. Chánh kiến là giềng mối của Phật giáo, vì Chánh kiến là không có cái thấy riêng biệt, cái thấy cố định. Bước thứ hai của Bát chánh đạo là Ợ (đến đây ông lặng nghỉ một lúc lâu). Ồ, tôi quên mất bước thứ hai rồi. Các bạn tìm xem, nó ở trong sách ấy." Cũng phong cách đó, tôi nhớ lại lần thuyết trình của ông trước kỳ họp cuối cùng của Đại hội Tôn giáo thế giới năm 1936 tại Nữ hoàng Đại sảnh ở Luân đôn. Chủ đề của Đại hội là "Lý tưởng tinh thần tối thượng", và sau khi nhiều diễn giả đã sôi nổi trình bày luận điểm của họ, đến lượt Suzuki bước lên diễn đàn. Ông nói: "Lần đầu tiên khi tôi được yêu cầu nói về Lý tưởng tối thượng của tinh thần, quả thật tôi chưa biết nói
cái gì. Trước hết, tôi chỉ là một người tỉnh lẻ chân quê từ một góc xa xôi của thế giới bổng nhiên bị đẩy ra giữa chốn thị thành Luân đôn náo nhiệt này, tôi ngơ ngác và tâm trí không thể làm việc như cái cách nó vẫn làm ở quê nhà. Thứ hai, làm sao một người thấp bé như tôi có thể bàn về một đề tài bao la như Lý tưởng tinh thần tối thượng?  Thế là, ông đã dành hết phần còn lại của bài thuyết trình để mô tả ngôi nhà và khu vườn củaông ở Nhật Bản, đối chiếu nó với nhịp sống ở một đô thị lớn. Vậy mà đó là người đã dịch bộ Kinh Lăng già (Laíkàvatàra sùtra)! Và cử tọa đã hoan
hô ông nhiệt liệt.

Ý thức rõ tính tương đối và bất cập trong mọi quan điểm nên ông không bao giờ tranh luận. Có lần một sinh viên tìm cách khiêu khích ông bàn luận về một số tiêu điểm đối nghịch với nhà học giả Phật giáo danh tiếng Junjiro Takakusu, ông chỉ nhận xét: "Thế giới này rộng lớn lắm; có đủ chỗ cho cả Giáo sư Takakusu và tôi mà." Vậy mà, có lẽ cũng có một sự tranh luận - khi học giả Trung hoa Hồ Thích kết buộc ông là ngu dân (vì khẳng định không thể diễn đạt Thiền bằng ngôn ngữ duy lý) và thiếu ý thức về lịch sử. Nhưng ông đã đáp lại một cách nhã nhặn: "Thiền sư, nói chung, khinh thường những người quá xem trọng ngôn từ hay bán buôn ý tưởng, và về khía cạnh này thì cả tôi lẫn Hu Shih đều là tội đồ, những tay sát Phật giết tổ; cả hai đều đáng đọa địa ngục."

Tôi chưa từng thấy một đại học giả và trí thức nào khiêm cung đến vậy. Lần đầu tiên gặp Suzuki, tôi sửng sốt khi ông hỏi tôi (mới 20 tuổi) cách chuẩn bị cho một đề mục nào đó, và khi tôi có đủ xấc xược để chỉ vẽ thì ông cũng nghe theo. Tính khoa trương học thức và thói ưa thử tài hoàn toàn không có nơi ông. Cho nên một số nhà Hán học Mỹ, có nghệ thuật tinh vi bôi bác nhau bằng những chú giải cay độc, thường dễ nổi cáu về cách sử dụng ngẫu hứng tư liệu và "công cụ phê bình" của ông, xem ông như một thứ "đại chúng hóa." Họ không hiểu được rằng ông thiên tư đã yêu quý học thức và do đó chẳng cần phải biểu lộ "là học giả." Ông không màng việc sử dụng mục sách tham khảo như một mánh khóe đề cao mình.

Có lẽ ta không thể hiểu được tinh thần đích thực của Suzuki chỉ qua những tác phẩm của ông; ta phải biết con người ông. Có nhiều độc giả than phiền sách ông không-giống-Thiền chút nào - nói dông dài, lan man, tối nghĩa, và rối rắm với những thuật ngữ chuyên môn. Một Thiền sư có lần đã giải thích với tôi rằng thái độ mushin (vô tâm, một kiểu vô tự thức của Thiền) giống như một người thợ mộc Nhật Bản dựng nhà mà không có lam bản. Tôi đã hỏi: "Thế nào là người vẽ lam bản mà không dự trù một đồ án nào?" Đó chính là, theo tôi, thái độ học thức của Suzuki: ông tư duy, ông trí thức hóa, ông nghiền ngẫm bản thảo và tự điển như mọi Thiền sư phải quét sân trong tinh thần mushin. Theo cách nói của ông: "Con người là cây sậy biết suy nghĩ nhưng sự nghiệp lớn của nó chỉ hoàn thành khi nó không còn tính toán nghĩ suy. Cần phải phục hồi tính ‘ngoan đồng’ qua những năm dài luyện tập trong nghệ thuật tự-quên mình. Thành tựu điều này, con người suy nghĩ mà không nghĩ. Nó suy nghĩ như mưa rào tuôn đổ từ trời cao; nó suy nghĩ như sóng vờn trên mặt biển; nó suy nghĩ như sao sáng giữa trời đêm; nó suy nghĩ như mầm non mạnh mẽ đâm chồi trong gió xuân. Quả thật nó là mưa, là biển, là sao, là mầm."

A. W.

Xem mục lục