Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Ngô thị Vương Hầu chi vị như quá khích trần; thị kim ngọc chi bảo như ngõa lịch; thị hoàn tố chi phục như tệ bạch; thị đại thiên giới như nhất ha tử; thị A-nậu trì thủy như đồ túc du."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Ta xem ngôi vị Vương, Hầu như bụi qua kẽ hở; xem vàng ngọc quý báu như ngói gạch vỡ; xem y phục bằng tơ lụa như vải thô; xem đại thiên thế giới như một hạt ha; xem nước hồ A-nậu như dầu thoa chân.

 

Lược giảng:

Chương thứ bốn mươi hai, chương cuối cùng, nói rõ rằng Đức Phật bình đẳng quán sát tất cả các pháp và phá tan mọi chấp trước của chúng sanh. Một trăm năm ở cõi nhân gian chúng ta chỉ là một ngày và một đêm ở cõi trời Đao-Lợi; một đại kiếp ở thế giới Ta-Bà này cũng chỉ bằng một ngày và một đêm ở thế giới Cực-Lạc mà thôi. Cho nên, tất cả đều là hư huyễn, không thật.

Đức Phật dạy: "Ta xem ngôi vị Vương, Hầu như bụi qua kẽ hở." "Vương" là Quốc-vương," tức là vua của một nước. "Hầu", hay "chư hầu", là vua của nước nhỏ (nước chư hầu). So với Hoàng-đế thì ngôi vị Chư-hầu có kém thua một chức - Hoàng-đế thì cũng như Tổng-thống, và chư hầu thì như Tỉnh-trưởng vậy. Nói chung, đó đều là những địa vị rất cao sang, quyền quý. Thế nhưng, Đức Phật xem các địa vị Quốc-vương và Chư-hầu này đều như bụi bặm trong lỗ hổng vậy - chúng chẳng có giá trị gì cả, và cũng chẳng có gì đáng để chấp trước, bất quá chỉ là những hạt bụi trong khe hở mà thôi!

"Xem vàng, ngọc quý báu như ngói gạch vỡ." Đức Phật nhìn những thứ vàng, bạc, ngọc thạch cũng như nhìn gạch ngói vỡ. Đối với Ngài, các thứ châu báu chẳng qua chỉ là các mảnh vỡ của thứ ngói lợp nhà!

"Xem y phục bằng tơ lụa như vải thô." Những y phục may bằng tơ lụa là thứ y phục đẹp đẽ nhất, song Đức Phật chỉ coi như mảnh vải thô rách nát, chẳng có gì đáng để chấp trước!

"Xem đại thiên thế giới như một hạt ha." Đức Phật coi cả tam thiên đại thiên thế giới chỉ lớn bằng một hạt ha mà thôi! (Hạt ha là hạt của trái ha-lê-lặc và rất nhỏ chỉ cỡ trái trám hay trái cà-na).

"Xem nước hồ A-nậu như dầu thoa chân." Nước trong hồ A-nậu (Anavatapa) vốn rất nhiều, Song Đức Phật thấy nó chỉ bằng lượng dầu ít ỏi đủ để thoa chân chứ không phải là nhiều lắm.

Những đạo lý này được nêu ra nhằm khuyên chúng ta từ bỏ sự chấp trước. Quý vị đừng nên cái gì cũng cho là quan trọng, rồi sanh lòng chấp trước một cách quá đáng. Hễ chấp trước, chẳng thể buông bỏ, thì sẽ không thể nào thành tựu được Đạo-quả!

 

Kinh Văn:

Hán Văn: "Thị phương tiện môn như hóa bảo tụ; thị Vô-thượng Thừa như mộng kim bạch; thị Phật Đạo như nhãn tiền hoa; thị Thiền Định như Tu-di trụ; thị Niết-bàn như trú tịch ngụ; thị đảo chánh như lục long vũ; thị bình đẳng như Nhất-chân địa; thị hưng hóa như tứ thời mộc."

Dịch Nghĩa: "Xem môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện; xem Vô-thượng Thừa như giấc mộng vàng lụa; xem Phật Đạo như hoa trước mắt; xem Thiền Định như trụ Tu-di; xem Niết-bàn như ngày đêm đều thức; xem sự đảo và chánh như sáu con rồng múa lượng; xem sự bình đẳng như Nhất-chân địa; xem sự hưng hóa như cây cối bốn mùa."

 

Lược giảng:

"Xem môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện." Tất cả các vật dụng trên cõi đời đều được làm bằng thất bảo. Thất bảo là bảy nguyên liệu quý giá; vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.

Ở thế giới Cực-Lạc, mặt đất đều bằng vàng ròng. Khi Bồ-tát Di-Lặc thành Phật, mặt đất của chúng ta sẽ biến thành lưu ly. Hiện tại thì mặt đất của chúng ta là bằng đất, đá, nên rất thô cứng. Đối với vạn sự vạn vật, nếu quý vị thấy chúng là tốt thì chúng sẽ tốt, và nếu quý vị nghĩ chúng là xấu thì chúng cũng sẽ tùy theo tâm của quý vị mà biến đổi. Tất cả mọi thứ đều "duy tâm sở hiện" - đều từ trong chân tâm của chính quý vị biến hiện ra; vì thế, quý vị đừng để cho mình bị mê-hoặc bởi sự giả dối, hư vọng.

Những gì là giả dối, hư vọng? Tất cả hình tướng bên ngoài (ngoại tướng) đều là hư vọng, duy chỉ có bản tánh của chính quý vị là chân thật mà thôi! Vì thế, đừng nên "chấp vọng mê chân" - đừng bám víu vào cái giả tạm mà quên mất cái chân thật!

Môn phương tiện tức là Pháp-môn Tam-Thừa do chư Phật đặt ra, bao gồm các pháp phương tiện của Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát. Nếu chúng sanh tu hành theo các pháp môn này thì sẽ chứng được quả-vị, được thành Phật. Đức Phật "vi Thực thí Quyền" - vì Thực-pháp mà ban bố Quyền-giáo, dùng giáo pháp tạm thời làm phương tiện để dẫn đến giáo pháp chân thật, rốt ráo. Cho nên, Ngài xem pháp môn phương tiện chẳng khác gì một đống châu báu đuợc biến hóa ra.

"Xem pháp Vô-thượng Thừa như giấc mộng vàng lụa." Vô-thượng Thừa vốn là chân thật, và cũng là thứ đạo lý sẵn có trong tự tánh của chúng sanh. Bởi chỉ có ở trong chứ không ở ngoài tâm chúng sanh, cho nên nói:

"Viên mãn Bồ-đề, quy vô sở đắc."

Một khi Bồ-đề đã viên mãn, sự giác ngộ đã trọn vẹn, thì cái gì cũng không còn nữa. Do đó, Đức Phật coi Vô-thượng Thừa chẳng khác gì vàng bạc, lụa là trong giấc chiêm bao. Những vàng bạc trong mộng thì đều là giả, là hư huyễn cả.

"Xem Phật Đạo như hoa trước mắt." Tất cả những gì được nói đến trong Phật Đạo đều là vì hạng phàm phu. Nếu không có phàm phu thì Phật Đạo trở nên vô dụng; vì thế mà gọi là "Vô-vi." Pháp Vô-vi thì "Vô-khởi diệt" - không có sự sanh khởi mà cũng chẳng có sự tịch diệt - và cũng chẳng thật, như hoa đốm trong hư không. Do đó, Đức Phật xem Phật Đạo chẳng khác nào "không hoa", hoa đốm giữa không trung vậy.

"Xem Thiền Định như trụ Tu-di." Núi Tu-di vươn cao trên mặt biển cả và không sóng gió nào có thể lay chuyển được nó. Người tu Thiền Định cần có được thứ định lực "bất động" như núi Tu-di vậy. Thật ra thì núi Tu-di không phải là một thứ pháp chân thật để có thể chứng đắc; nó chẳng qua chỉ là một thí dụ để so sánh mà thôi. Khi thật sự chứng được quả vị, quý vị sẽ thấy mọi thứ đều là không!

Đức Phật nói rằng: "Ta xem môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện." Đối với Đức Phật thì pháp môn phương tiện "vi Thực thí Quyền, khai Quyền hiển Thực" giống như một hỗn hợp gồm những châu báu được biến hóa ra.

"Xem pháp Vô-thượng Thừa như giấc mộng vàng lụa." Đức Phật xem pháp Đại-thừa vô thượng giống như giấc mơ mà thấy vàng, bạc, châu báu.

"Xem Phật Đạo như hoa trước mắt." Đức Phật quán tưởng Phật Đạo cũng như hoa đóm trước mắt, không có cái gì là thật cả.

"Xem Thiền Định như trụ Tu-di." Đức Phật xem Thiền Định như núi Tu-di đứng sừng sững giữa biển, không hề lay động, chao đảo.

"Xem Niết-bàn như ngày đêm đều thức." Đức Phật xem pháp môn Niết-bàn giống như cả ban ngày lẫn ban đêm đều thức, tỉnh táo, không hề ngủ vậy.

"Xem sự đảo và chánh như sáu con rồng múa lượn." Đối với Đức Phật, sự điên đảo và chánh đáng chẳng khác gì sáu con rồng múa lượn một cách hỗn loạn. Khi quý vị điên đảo, Lục-căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) liền chạy theo các cảnh giới của Lục-trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Bấy giờ, sáu căn giống như sáu con rồng đang múa may uốn lượn vậy.

"Xem sự bình đẳng như Nhất-chân địa." Đức Phật coi pháp môn bình đẳng giống như Nhất-chân địa - nền tảng của sự chân thật.

"Xem sự hưng hóa như cây cối bốn mùa." Đức Phật xem sự hưng hóa Phật Pháp, hoằng dương Phật Pháp, giống như cây cối trong bốn mùa vậy. Vào mùa xuân thì cây cối đâm chồi. Sang mùa hạ thì cây phát triển, lớn lên; qua mùa thu thì lá rụng; và tới mùa đông thì cây trơ cành trụi lá. Do đó, sự hưng thịnh của Phật Pháp cũng có chu kỳ, thời điểm của nó.

Đức Phật giảng như thể để dạy mọi người không nên chấp trước vào cái gì cả. Phàm hễ có sở chấp thì không thể nào đạt được cảnh giới "nhân không, pháp không". Hạng phàm phu chẳng cho rằng người và pháp đều không - với cái nhìn của họ thì có người, có pháp.

Muốn chứng đắc quả vị của hàng thánh nhân, quý vị cần phải thấy được người và pháp đều là không. Không thấy có người, không thấy có pháp, thì sự chấp trước vào người không còn và sự chấp trước vào pháp cũng chẳng hiện hữu. Khi cả hai thứ chấp trước ấy không còn tồn tại tức là quý vị đã phá được mọi sở chấp, hiểu được đạo lý về tánh không của tất cả mọi thứ. Vậy, người là không và pháp cũng là không. Nếu quý vị chẳng thấy được người là không thì chẳng thể chứng đắc thánh-quả, và chẳng thấy được pháp là không thì chẳng thể đạt được trí huệ của hàng thánh-nhân!

Đức Phật giảng chương này nhằm dạy chúng ta từ bỏ mọi vọng tưởng, chấp trước. Nếu quý vị buông bỏ được hết thì sẽ đạt được sự tự tại chân chánh. Đạt được sự tự tại chân chánh tức là đạt được sự tự do chân chánh. Có được sự tự do chân chánh rồi, quý vị muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Đến, đi tự do; tới, lui tùy ý. Tự do hành động, tự do trong tất cả mọi sự việc, hoàn toàn không bị bó buộc. Đây là sự tự do chân chánh chứ không phải là thứ tự do giả tạo !

 Trọn Bộ 42 chương. Hết

Xem mục lục