Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Quán thiên địa, niệm phi thường; quán thế giới, niệm phi thường; quán linh giác, tức Bồ-đề; như thị tri thức, đắc Đạo tật hỷ."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Quán trời đất, nghĩ là chẳng phải thường; quán thế giới, nghĩ là chẳng phải thường; quán linh-giác tức là Bồ-đề; hiểu được như thế thời đắc Đạo rất chóng vậy."

 

Lược giảng:

Trong chương thứ mười chín này, Đức Phật dạy chúng ta nên quán tưởng đạo lý "nhất thiết duy tâm tạo (tất cả đều do tâm)," đồng thời cần phải gạt bỏ mọi sự giả dối, chỉ giữ gìn chân thật. Trời thì ở trên bao trùm lấy chúng ta, đất thì ở dưới nâng đỡ chúng ta. Đối với kẻ phàm phu thì trời và đất đều "thường trụ, bất hoại." Thật ra, trời và đất cũng có sự "thay cũ đổi mới," chứ không phải là hằng thường, bất biến.

Đức Phật dạy: "Quán trời đất, nghĩ là chẳng phải thường." Quán sát trời và đất, quý vị sẽ thấy rằng trong trời đất có khi lạnh, khi nóng - lạnh đến, nóng đi - và có sự tuần hoàn của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trên mặt đất thì có núi, có sông; và cả núi lẫn sông cũng đều hỗ tương biến thiên, dời đổi, chứ không phải là cố định. Những hiện tượng ấy nói lên pháp sanh diệt, chứ không phải pháp bất sanh diệt trong tâm. Do đó, Đức Phật dạy chúng ta hãy nên nghĩ tới sự vô thường của trời và đất.

"Quán thế giới, nghĩ là chẳng phải thường." "Thế" có nghĩa là "thiên lưu," tức là biến thiên, đổi dời. "Giới" có nghĩa là "phương vị," tức là phương hướng và vị trí. Thế và giới - thời gian và nơi chốn - cũng có sanh có diệt, và cũng không phải là thường trụ, bất hoại. Cho nên, Đức Phật dạy chúng ta hãy nghĩ đến sự vô thường của thế giới.

"Quán linh-giác là Bồ-đề." Quý vị hãy quán tưởng cái linh tánh giác ngộ, sáng láng - linh minh giác tánh - của chính mình là tánh Bồ-đề.

"Hiểu được như thế thời đắc Đạo rất chóng vậy." Nếu quý vị có thể nghiên cứu như thế, nhận thức được như thế, biết rõ được như thế, thì sẽ đắc Đạo rất nhanh. Vì quý vị hiểu được đạo lý này nên quý vị sẽ đắc đạo. Nếu không lãnh hội được đạo lý này thì chẳng thể nào đắc Đạo được!

Xem mục lục