Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Phẩm Phó-Chúc
THỨ MƯỜI

1.– Một ngày nọ, Tổ đòi cả hàng môn-nhơn là : Pháp-Hải, Chí-Thành, Pháp-Đạt, Thần-Hội, Trí-Thường, Trí-Thông, Chí-Triệt, Chí-Đạo, Pháp-Trân, Pháp-Như mà dạy rằng : “Bọn ngươi chẳng phải như người khác ; sau khi ta diệt-độ rồi, mỗi người đều đi làm thầy mỗi phương ; – Nay ta dạy các ngươi nói pháp chẳng lìa mất cái tông-chỉ căn-bản ; trước phải đem ba khoa pháp-môn ra dùng theo ba mươi sáu đối, lặn mọc lìa cả đôi bên. – Nói tất cả các pháp, chớ lìa tự-tánh ; thoạt có người hỏi pháp nơi ngươi, thì nói ra thảy theo đôi cặp, đều lấy đối-pháp tới lui nương nhau, rốt ráo thì hai pháp đều dứt trừ, không có chỗ nào là chỗ đi tới.

2.– “Ba khoa pháp-môn là : Ấm, Giới, Nhập.

“Ấm” là năm ấm : sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

“Nhập” là mười hai nhập : Ngoài thì sáu trần : sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp ; trong thì sáu cửa : nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.

“Giới” là mười tám giới : sáu trần, sáu cửa và sáu thực.

3.– “Tự-tánh gồm cả muôn pháp, gọi là Hàm-tàng-thức, nếu khởi tâm lo lường, tức là chuyển thức, rồi thì sanh sáu thức, ra sáu cửa, thấy sáu trần, cả mười tám giới như vậy, đều từ trong tự-tánh mà khởi dụng ra. – Nếu tự-tánh mình tà thì khởi mười tám pháp tà ; bằng tự-tánh mình chánh thì khởi mười tám pháp chánh ; chứa cái dụng “ác” tức là dụng của chúng-sanh, chứa cái dụng “thiện” tức là dụng của Phật. – Dụng do cách nào ? Do nơi tự-tánh có đối pháp.

4.– “Cảnh vô-tình ở ngoài có năm pháp đối :

Trời đối với Đất.

Mặt-nhựt đối với Mặt-nguyệt.

Sáng đối với Tối.

Âm đối với Dương.

Nước đối với Lửa.

Ấy là năm Pháp đối.

5.– “Nói về pháp-tướng có mười hai pháp đối :

Ngữ đối với Pháp.

Có đối với Không.

Có sắc với Không sắc.

Có-tướng đối với Không-tướng.

Có-lậu đối với Không lậu.

Sắc đối với Không.

Động đối với Tịnh.

Trong đối với Đục.

Phàm đối với Thánh.

Tăng đối với Tục.

Già đối với Trẻ.

Lớn đối với Nhỏ.

Ấy là mười hai pháp đối.

6.– “Trong tự-tánh làm ra có mười chín Pháp đối :

Hay đối với Dở.

Tà đối với Chánh.

Si đối với Huệ.

Ngu đối với Trí.

Loạn đối với Định.

Từ đối với Độc.

Giới đối với Chẳng-giới.

Ngay đối với Vạy.

Thiệt đối với Hư.

Hiểm đối với Bằng.

Phiền não đối với Bồ-đề.

Thường đối với Không thường.

Bi đối với Hại.

Mừng đối với Giận.

Bố-thí đối với Xan-lẩn.

Tới đối với Lui.

Sanh đối với Diệt.

Pháp-thân đối với Sắc-thân.

Hóa-thân đối với Báo-thân.

Ấy là mười chín pháp đối.”

7.– Tổ nói : “Ba mươi sáu pháp đối đó, nếu rõ dùng tức là Đạo, thì suốt hết thảy kinh-pháp lặn mọc lìa cả đôi bên, tự tánh dùng ra cùng một người nói chuyện, ngoài thì đối với tướng mà lìa tướng, trong thì đối với không mà lìa không.

8.– “Nếu toàn “trước tướng”, tức là lớn thêm tà-kiến ; bằng toàn “chấp không”, tức là lớn thêm vô-minh. – Những người “chấp không” thì hủy báng kinh Phật, mà chỉ nói rằng chẳng dùng văn-tự. – Nhưng đã nói chẳng dùng văn-tự, thì người cũng chẳng nên nói năng vì lời nói năng ấy lại là cái tướng của văn-tự. – Còn như cứ nói thẳng rằng : “Bất lập văn tự” thì hai chữ “bất lập” ấy, cũng là văn-tự, mà thấy người kia nói, lại trở chê rằng còn “trước văn-tự”.

9.– “Vậy các ngươi phải biết tự mê phần mình còn khá, lại trở hủy báng kinh Phật. – Vậy các ngươi chớ nên hủy báng kinh Phật mà mắc phải tội chướng nhiều. – Nếu trước tướng nơi bề ngoài mà mong tác pháp cầu chơn, hoặc mở rộng đạo-tràng mà nói sự tội lỗi trong cái có chi không, những người như vậy, dầu trải bao kiếp-số cũng chẳng được thấy tánh.

10.– “Chỉ nghe nói rồi y pháp tu hành, lại đừng trăm việc chẳng nghĩ mà làm ngăn-ngại tánh đạo. – Bằng nghe nói chẳng tu thì khiến người trở sanh lòng tà-niệm ; vậy cứ y pháp tu hành, chớ trụ tướng mà làm pháp thí. – Các ngươi nếu tỏ ngộ thì phải y theo đó mà nói, y theo đó mà dùng, y theo đó mà làm ; y theo đây mà động tác, tức là chẳng mất cái tông-chỉ cội gốc.

11.– “Bằng có người hỏi nghĩa cùng các ngươi, hễ hỏi “có” đem “không” đáp, hỏi “không” thì đem ”có” đáp, hỏi “phàm” thì lấy ”thánh” đáp, hỏi “thánh” thì lấy ”phàm” đáp, hai đường nương nhau, sanh nghĩa trung-đạo ; ngươi cứ một hỏi một đáp, còn hỏi khác nữa, thì thảy y theo đó mà đáp, tức là lý chẳng sai mất.

12.– “Giả như có người hỏi “sao là tối”, thì đáp rằng : Sáng là “nhơn”, Tối là “duyên”, sáng hết rồi thì tối, lấy cái sáng hiển rõ cái tối, lấy cái tối hiển rõ cái sáng, tới lui nương nhau, thành nghĩa trung-đạo ; còn hỏi khác nữa thì cũng đều đáp như vậy. – Bọn ngươi ngày sau truyền pháp, cứ y theo đó trao dạy chuyền nhau, chớ sai tông chỉ.”

13.– Sang năm Nhâm-Tý, niên hiệu Thái-Cực năm đầu, hiệu Diên-Hòa tháng bảy, Tổ dạy kẻ môn-nhơn qua chùa Quốc-Ân ở Tân-Châu, dựng một ngôi tháp, nhưng phải hối thợ làm gấp. – Qua năm sau, lúc cuối mùa hạ thì tháp làm xong, đến ngày mồng một tháng bảy, Tổ nhóm đồ-chúng lại mà nói rằng : “Đến tháng tám đây, ta muốn lìa cõi trần, bọn ngươi có chỗ nào nghi, phải cùng nhau hỏi sớm, đặng ta phá chỗ nghi-ngờ mà làm cho các ngươi khỏi điều mê-muội. – Nếu để sau ta tịch rồi, không ai dạy cho các ngươi.”

14.– Bọn Pháp-Hải nghe Tổ nói như vậy thảy đều tủi khóc, chỉ có một mình Thần-Hội thân hình chẳng động và cũng không tủi khóc.

15.– Tổ nói : “Thần-Hội tiểu-sư đáng bực “lành với chẳng lành” bình đẳng, chê khen chẳng động, buồn vui chẳng sanh ; còn bao nhiêu thì chẳng đặng, trong năm ở chùa, tu học đạo gì ? – Nay các ngươi buồn khóc là lo cho ai ? – Nếu lo cho ta chẳng biết chỗ đi, thì ta đây vẫn tự biết chỗ đi, nếu ta chẳng biết chỗ đi, thì ta tất không bảo trước cho các ngươi biết. – Bọn ngươi buồn khóc, là vì chẳng biết chỗ đi của ta, chớ như biết được chỗ đi của ta, thì chẳng nên buồn khóc ; pháp tánh vốn không sanh diệt khứ lai.

16.– “Bọn ngươi đều ngồi đây, ta nói cho các ngươi một bài kệ, gọi là kệ : “Chơn-giả động-tịnh”. – Bọn ngươi hãy tụng lấy bài kệ nầy là đồng ý với ta, y theo đó tu hành, tức là chẳng sai tông chỉ.” – Chúng tăng lễ lạy, xin thầy làm kệ.

Kệ rằng :

Hết thảy không có chơn,

Đừng nghĩ thấy cái chơn,

Nếu thấy có chơn hẳn,

Thấy ấy đều không chơn.(1)

Nếu tự mình có chơn,

Lìa giả là tâm chơn,

Tâm mình chẳng lìa giả,

Không chơn chỗ nào chơn.(2)

Hữu tình tức biết động,

Vô tình tức chẳng động,

Nếu tu hạnh chẳng động,

Đồng vô tình chẳng động.(3)

Bằng tìm chơn chẳng động,

Trong động có chẳng động,

Chẳng động là chẳng động,

Không tình không Phật chủng.(4)

Rành được tướng phân biệt,

Nghĩa thứ nhứt chẳng động,

Chỉ cái thấy như vậy,

Tức là chơn như dụng.(5)

Tỏ cùng người học đạo,

Rán sức nên dụng ý,

Đừng trong cửa Đại-thừa,

Lại chấp trí sanh tử.(6)

Lời nói nếu tương ứng,

Thì nghĩa Phật chung bản,

Nếu thiệt chẳng tương ứng,

Chấp tay khiến vui mừng.

Tông nầy gốc không cãi,

Cãi thì mất đạo ý,

Giữ pháp môn trái cãi,

Tự tánh vào sanh tử.(7)

 

bàn vân vân… – Nếu ngoài cái sở đối ấy thì Bồ-đề Niết bàn cũng không có danh, huống chi có thiệt.

Biết được như thế, thì đối với các pháp không nên có cái thấy nhận định là chơn ; nếu mình nhận định là chơn, thì cái thấy của mình chưa lìa khỏi tâm pháp sắc-pháp ; nên cái thấy ấy đều chẳng phải chơn.

17.– Thuở ấy đồ chúng nghe Tổ đọc kệ rồi, thảy đều làm lễ và thể theo ý thầy mỗi mỗi thâu nhiếp lấy tâm mà y pháp tu hành chẳng dám trái cãi. – Đồ chúng biết Tổ chẳng còn ở thế lâu, Pháp-Hải là bực thượng-tọa, lại lạy mà bạch rằng : “Sau khi Hòa-thượng vào Niết-bàn, y-pháp sẽ truyền phó cho người nào ?”*

18.– Tổ nói : “Những lời ta thuyết-pháp từ nơi chùa Đại-Phạm cho tới nay hiện chép lưu truyền thành quyển, nhan-đề là “Pháp-bảo Đàn-kinh” ; bọn ngươi phải giữ gìn lấy, để thay đổi nhau truyền thọ mà độ-chúng quần sanh, cứ y theo lời nói mà làm, ấy gọi là : pháp chánh.

19.– “Nay ta vì bọn ngươi nói pháp, chớ chẳng truyền y, là vì bọn ngươi tín-căn thuần thục, quyết định không nghi, đủ gánh nổi việc lớn ; nhưng cứ theo ý kệ “phó thọ” của Tổ trước là Đạt-Ma đại-sư, thì y nầy chẳng nên truyền xuống nữa.

Kệ rằng :

Vốn ta đến cõi nầy,

Truyền pháp cứu tình mê,

Một hoa nở năm cánh,

Kết trái nảy sum sê.(8)

20.– Tổ lại nói : “Bọn ngươi nếu muốn thành được chủng-trí, thì phải thông pháp “Nhứt tướng tam muội” và ”Nhứt hạnh tam muội” ; dầu đối với hết thảy chỗ nào cũng chẳng trụ tướng, ở trong tướng kia chẳng sanh lòng ghét thương, cũng không lòng lấy bỏ, chẳng nghĩ các việc lợi ích nên hư, rảnh-rang im-lặng, rỗng thông, lợt-lạt, ấy gọi là : “Nhứt tướng tam muội”.

21.– “Nếu hết thảy chỗ nào, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, toàn một tâm thẳng, chẳng động đạo tràng mà thành cảnh Tịnh-độ, ấy gọi là : “Nhứt hạnh tam muội”. – Người nếu đủ cả hai pháp Tam-muội ấy, cũng như đất kia có giống, ngậm chứa nuôi-nấng, thì thành thục đặng trái, nhứt tướng, nhứt hạnh lại cũng như vậy.

22.– “Nay ta nói pháp cũng như mưa thuận thời, nhuần khắp cả miền đại-địa ; còn Phật-tánh của các ngươi ví như hột giống, gặp mưa đầm thắm, thảy đều nảy sanh nếu vưng theo ý của ta thì chắc thành đặng bồ-đề, y theo hạnh của ta thì chắc chứng đặng diệu-quả, hãy nghe bài ta đây :

Cõi lòng chứa các giống,

Mưa thấm mộng chồi xanh,(9)

 

Tỏ đặng hoa tình ấy,

Bồ-đề trái tự thành.(10)

 

23.– Tổ đọc kệ rồi nói : “Pháp vẫn không hai ; tâm kia cũng vậy ; Đạo vẫn thanh-tịnh, cũng không các tướng. – Bọn ngươi dè-dặt, chớ “quán-tịnh” và chấp “không tâm”, vì tâm ấy vốn tịnh, chẳng nên lấy bỏ, đều phải rán sức, tùy duyên hẳn đi.” – Khi ấy đồ-chúng đảnh lễ rồi lui.

24.– Tháng bảy mồng tám, Tổ thoạt nhiên nói với môn nhơn rằng : “Ta muốn về Tân-Châu, bọn ngươi sửa dọn thuyền chèo cho mau.” – Đại-chúng xin cầm Tổ ở lại rất ai-thiết.

25.– Tổ nói : “Các Phật ra đời, hãy còn vào cảnh Niết-bàn, hễ có tới thì ắt có đi, lý cũng thường vậy, hình-hài của ta đây về ắt chỗ.”

26.– Chúng nói : “Thầy đi phen nầy, về sớm hay muộn ?”

27.– Tổ nói : “Lá rụng về cội, ắt không ngày trở lại.”

28.– Chúng lại hỏi : “Chánh pháp Nhãn-tạng truyền phó cho người nào ?”

29.– Tổ nói : “Kẻ hữu đạo thì đặng, kẻ vô tâm thì thông.”

30.– Bạch : “Chúng tôi chưa biết từ trên Phật Tổ ứng hiện ra đời tới nay, truyền thọ đã bao nhiêu đời, xin Thầy mở dạy.”

31.– Tổ nói : “Phật xưa ra đời, đã không số lường, không thể kể xiết. – Nay kể từ bảy đức Phật làm đầu.

“Trong kiếp Trang-Nghiêm về đời quá-khứ : Phật Tỳ-Bà-Thi, Phật Thi-Khí, Phật Tỳ-Xá-Phù.

“Trong Hiền-kiếp về đời hiện tại : Phật Câu-Lưu-Tôn, Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni, Phật Ca-Diếp, Phật Thích-Ca-Văn. – Ấy gọi là bảy đức Phật.

32.– “Thích-Ca-Văn-Phật đầu tiên, truyền cho : 1. Ma-Ha-Ca-Diếp tôn giả ; 2. A-Nan tôn giả ; 3. Thương-Na-Hòa-Tu tôn giả ; 4. Ưu-Bá-Cúc-Đa tôn giả ; 5. Đề-Đa-Ca tôn giả ; 6. Di-Giá-Ca tôn giả ; 7. Bà-Ta-Mật-Đa tôn giả ; 8. Phật Đà-Nan-Đề tôn giả ; 9. Phục Đà-Mật-Đa tôn giả ; 10. Hiếp tôn giả ; 11. Phú-Na-Dạ-Xa tôn giả ; 12. Mã-Minh đại-sĩ ; 13. Ca-Tỳ-Ma-La tôn giả ; 14. Long-Thọ đại-sĩ ; 15. Ca-Na-Đề-Bà tôn giả ; 16. La Hầu-La-Đa tôn giả ; 17. Tăng-Già-Nan-Đề tôn giả ; 18. Già-Da-Xá-Đa tôn giả ; 19. Cưu-Ma-Đa tôn giả ; 20. Xà-Da-Đa tôn giả ; 21. Bà-Tu-Bàn-Đầu tôn giả ; 22. Ma-Noa-La tôn giả ; 23. Hạt-Lặc-Na tôn giả ; 24. Sư-Tử tôn giả ; 25. Bà-Xá-Tư-Đa tôn giả ; 26. Bất-Như-Mật-Đa tôn giả ; 27. Bát-Nhã-Đa-La tôn giả ; 28. Bồ-Đề-Đạt-Ma tôn giả (Đông-độ làm sơ Tổ) ; 29. Huệ-Khả đại-sư ; 30. Tăng-Xáng đại-sư ; 31. Đạo-Tín đại-sư ; 32. Hoằng-Nhẫn đại-sư ; Đến Huệ-Năng nầy là Tổ thứ ba mươi ba.

33.– “Từ trên các Tổ đều có vưng chịu nối nhau ; còn bọn ngươi về sau, lưu truyền đời nầy đời khác, đừng để sai lầm.”

34.– Đồ-chúng lại hỏi : “Từ đây về sau có nạn chi không ?”

35.– Tổ phán rằng : “Sau khi ta tịch rồi cách năm sáu năm, sẽ có một người muốn trộm lấy đầu ta, vậy nghe lời sấm ta đây :

Trên đầu nuôi thân,(11)

 

Trong miệng cần ăn,(12)

 

Gặp nạn tên Mãn,(13)

 

Dương Liễu làm quan.(14)

 

36.– Niêu-hiệu Thiên-Thiên thứ hai, năm Quý-Sửu, tháng tám, mồng ba (qua tháng chạp trong năm ấy, vua đổi niên-hiệu lại là Khai-Nguyên), nơi chùa Quốc-Ân, vừa bãi tiệc chay, thì Tổ với các đồ-chúng bảo rằng : “Bọn ngươi y theo ngôi thứ mà ngồi, ta cùng các ngươi từ biệt.”

37.– Pháp-Hải bạch rằng : “Hòa-thượng còn lưu lại giáo Pháp gì để cho những kẻ mê đời sau, đặng thấy Phật-tánh.”

38.– Tổ nói : “Bọn ngươi chăm nghe : Những kẻ mê lưu đời sau, nếu biết chúng-sanh, tức là Phật-tánh ; bằng chẳng biết chúng-sanh thì muôn kiếp tìm không gặp Phật. – Ta nay dạy các ngươi biết tự-tâm chúng-sanh và thấy tự-tâm Phật-tánh, muốn cầu thấy Phật, phải biết chúng-sanh, chỉ vì chúng-sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng-sanh :

Tự-tánh tỏ ngộ, chúng-sanh là Phật.

Tự-tánh còn mê, Phật là chúng-sanh.

Tự-tánh bình đẳng, chúng-sanh là Phật,

Tự-tánh tà hiểm, Phật là chúng-sanh.

“Nếu các ngươi tâm còn hiểm khúc, thì tức là Phật ở trong chúng-sanh ; bằng một niệm bằng thẳng, tức là chúng-sanh thành Phật. – Tâm ta tự có Phật, Phật mình là Chơn-Phật, mình nếu không tâm Phật, chỗ nào tìm chơn Phật.

39.– “Bọn ngươi tự tâm là Phật, đừng hồ nghi chi, ngoài không có một vật gì mà gầy dựng được, đều do tâm mình sanh ra muôn pháp, cho nên trong kinh nói : “Tâm sanh thì các giống pháp sanh, tâm diệt thì các giống pháp diệt.” – Nay ta để lại một bài kệ mà từ biệt cùng bọn ngươi, kệ ấy gọi là : “Tự-tánh Chơn-Phật”. – Nếu người đời sau biết được ý nghĩa kệ ấy, thì tự thấy bổn-tâm, tự thành Phật-đạo.

Kệ rằng :

Tự-tánh chơn-như là chơn-Phật,

Tà kiến tam độc là Ma-Vương.(15)

Hễ lúc tà mê ma choán chỗ,

Mà khi chánh kiến Phật vào nhà.(16)

Trong tánh thấy tà ba độc sanh,

Tức là Ma-vương đến trụ-xá.(17)

Chánh-kiến dứt trừ ba độc kia,

Ma biến thành Phật thiệt không giả.(18)

Pháp-thân, Báo-thân, với Hóa-thân,

Ba thân gốc thiệt một thân nầy.(19)

Nếu trong tánh mình mình thấy được,

Tức là thành đạo Bồ-đề ngay.(20)

Bởi có Hóa-thân sanh tánh tịnh,

Tánh tịnh hằng ở trong Hóa-thân.

Tánh khiến Hóa-thân làm đạo chánh,

Về sau viên-mãn thiệt không ngần.(21)

Tánh dâm vốn là nhơn tánh tịnh,

Trừ dâm tức là tịnh tánh thân.

Trong tánh lìa xong cả năm dục,

Giây phút thấy tánh tức là chơn.(22)

Đời nay bằng gặp môn Đốn-giáo,

Chợt tỏ tánh mình thấy Thế-Tôn.(23)

Nếu muốn tu hành cầu làm Phật,

Chỗ nào mà nghĩ để tìm chơn.(24)

Bằng trong tâm mình thấy chơn được,

Là nhơn thành Phật chẳng còn nghi.(25)

Không thấy tánh mình tìm Phật khác,

Khởi tâm như vậy thiệt ngu si.(26)

Pháp-môn Đốn-giáo nay truyền lại,

Cứu độ người đời phải tự tu.

Khuyên những đời sau người học đạo,

Chẳng theo thấy ấy lắm mù mù.(27)

 

40.– Tổ nói bài kệ rồi bảo rằng : “Bọn ngươi ở lại, sau khi ta diệt độ, chớ nên theo tình đời, buồn khóc rơi lệ và chẳng nên chịu lễ điếu viếng của người mà cũng không được mặc đồ hiếu phục ; nếu làm vậy thì chẳng phải đệ-tử của ta và cũng chẳng phải chánh-pháp chỉ biết bổn tâm mình, thấy bổn-tánh mình, không động không tịnh, không sanh không diệt, không lui không tới, không phải không quấy, không ở không đi là được.

41.– “Ta e bọn ngươi tâm mê, chẳng rõ thấu ý ta, nên nay ta dặn lại, khiến cho các ngươi thấy tánh, sau khi ta diệt độ, cứ y theo đó tu hành, thì cũng như ngày ta còn tại thế ; bằng trái lời ta, thì dầu ta còn tại thế cũng không ích gì !” – Tổ dặn rồi lại thuyết kệ rằng :*

Trơ trơ chẳng làm lành,

Xăn xăn chẳng tạo ác,

Bặt bặt dứt thấy nghe,

Lộng lộng tâm không mắc.(28)

 

42.– Tổ đọc kệ rồi, ngồi ngay thẳng đến canh ba, thoạt nhiên nói với môn nhơn rằng : “Thôi ta đi !” – Nói rồi im-lìm thoát hóa. – Thuở ấy mùi thơm lạ đầy nhà, mống bạc chói cả đất, rừng cây biến thành sắc trắng, cầm thú kêu giọng ai-bi.

43.– Qua tháng mười một, các quan liêu ở trong ba quận : Quảng, Thiều, Tân, cùng bọn môn-nhơn kẻ tăng người tục, giành rước chơn-thân của Tổ, quan tài chưa quyết đưa về đâu, mới cùng nhau thắp hương vái rằng : “Hễ khói hương chỉ xứ nào, là chỗ về của Tổ ở nơi đó.” – Khi ấy khói hương bay thẳng về Tào-Khê.

44.– Ngày mười ba tháng mười một năm ấy, bèn dời thần-khám (linh cửu) và đồ y bát của Tổ truyền mà đưa về Tào-Khê.

45.– Qua năm sau, tháng bảy, ngày hai mươi lăm, thỉnh xác thân của Tổ xuất khám, đệ tử là Phương-Biện lấy keo thơm đem dưng, thì bọn môn nhơn nghĩ nhớ lời sấm-ký “Thủ thủ”, bèn trước lấy thiết-diệp bao vải dầu, giữ chặt chỗ cổ của Tổ, rồi đưa vào tháp, chợt thấy trong có một lằn bạch-quang xuất hiện, xông thẳng lên trời, trọn ba ngày mới tan.

46.– Quan ở Thiều-Châu làm biểu tâu vua, lại vưng sắc vua, dựng bia mà ghi lại cái đạo-hạnh của Tổ như vầy : “Tổ-sư xuân thu được bảy mươi lẻ sáu tuổi, khi hai mươi bốn tuổi được truyền y, ba mươi chín tuổi xuống tóc, thuyết pháp lợi sanh ba mươi bảy năm, những kẻ đặng tông chỉ nối giáo-pháp được bốn mươi người, còn những người ngộ đạo siêu phàm chẳng biết bao nhiêu mà kể.”

47.– Cái tín-y của Sơ-Tổ Đạt Ma truyền lại đó, là thứ bố khuất-quyến bên Tây-vức ; cái áo Ma-nạp và cái bửu-bát của vua Trung-Tôn ân tứ, cùng chơn tướng của Tổ mà ngày trước Phương-Biện đắp sẵn, với những đồ đạo-khí đều giao cho người chủ coi tháp giữ gìn, để vĩnh viễn an trấn nơi đạo-tràng Bửu-Lâm và lưu truyền quyển Bửu đàn-kinh để hiển rõ tông chỉ của Tổ mà dấy thạnh ngôi Tam-bảo, phổ lợi cho quần-sanh.

48.– Sau khi chơn-thân của Tổ vào tháp yên rồi, đến niên-hiệu Khai-Nguyên thứ mười, năm Nhâm-Tuất, tháng tám, ngày mồng ba, lúc nửa đêm, xảy nghe trong tháp như tiếng kéo dây sắt ; chúng-tăng cả kinh chỗi dậy, thấy có một người mặt đồ chế, từ trong chạy ra. Chúng-tăng bèn tìm đến coi nơi cổ của Tổ, thấy có dấu vít, mới đem đủ việc gian trộm ấy mà tố cáo đến Châu Huyện.

49.– Quan Huyện lịnh là Dương-Khảng và quan Thứ-sử là Liễu-Vô-Thiểm tiếp đặng cáo điệp, liền dã tâm tìm nã, qua ngày mồng năm, bắt được kẻ gian-trộm nơi làng Thạch-Giác, dẫn về Thiều-Châu hỏi, thì người ấy cung khai rằng : “Nó là họ Trương, tên Tịnh Mãn, người ở Huyện-Lương, Châu-Nhữ, thọ lãnh một số tiền mướn, hai mươi ngàn quan của tăng-nhơn là Kim-Đại-Bi, người đất Tân-La, ở chùa Khai-Nguyên nơi Hồng-Châu, bảo lén lấy đầu của Lục-Tổ đại-sư đem về Hải-Đông để cúng dường.”

50.– Quan Liễu-Thái-Thú nghe lời cung trạng như vậy mà chưa vội gia-hình, bèn đến Tào-Khê hỏi người thượng-túc, đệ-tử của Tổ là Linh-Thao rằng : “Thầy muốn buộc cách nào ?”

51.– Thao nói : “Bằng lấy theo phép nước mà luận tội, lý đáng tru-di ; nhưng lấy lượng từ-bi của Phật-giáo thì kẻ thù với người thân, một bực bình-đẳng, huống chi kia muốn cầu cúng dường, thì tội ấy nên tha.”

52.– Liễu-Thái-Thú càng thêm khen ngợi rằng : “Vậy mới biết là cửa Phật rộng lớn không ngằn, nhơn tha luôn.”

53.– Niên-hiệu Thượng-Nguyên năm đầu, vua Túc-Tông khiến sứ tới thỉnh y bát của Tổ đem về trong cung mà cúng dường.

54.– Đến niên-hiệu Vĩnh-Thái năm đầu, ngày mồng năm tháng năm, vua Đại-Tông chiêm-bao thấy Lục-Tổ đại-sư đến đòi y bát. – Ngày mồng bảy, vua xuống sắc cho quan Thứ-sử là Dương-Giam rằng : “Trẫm chiêm-bao thấy Huệ-Năng thiền-sư đòi y ca-sa của Tổ trước truyền lại đó đem về Tào-Khê, nay Trẫm khiến quan Trấn-quốc đại-tướng-quân là Lưu-Sùng-Cảnh đảnh đái y ấy đưa về. – Trẫm gọi là đồ quốc-bửu, vậy ngươi (Dương-Giam) khá đến lại bổn-tự, y phép yên đặt, rồi bảo trong tăng-chúng người nào vưng nối tông-chỉ của Tổ, thì phải dè dặt giữ-gìn, chớ để sai lạc.”

55.– Về sau y bát ấy, hoặc bị kẻ trộm lấy thì đều đem đi chẳng xa mà tìm lại được, đã trót ba bốn lần như vậy.

56.– Qua đời vua Hiến-Tông có ban hàm-ân cho Tổ : “Đại-Giám Thiền-sư”, còn tháp thì tặng là : “Nguyên Hòa Linh Chiếu”.

57.– Các sự tích khác nữa, thị có khắc vào trong các cái bia của quan Thượng-thơ Vương-Duy, quan Thứ-sử Liễu-Tông-Nguyên và quan Thứ-sử Lưu-Võ-Tích ở đời nhà Đường.

Kẻ giữ tháp là Linh-Thao phụng chép

(Đàn-kinh một quyển)


 


 

(1) Từ câu : “Hết thảy không có chơn”… đến câu “Thấy ấy đều không chơn” : “Hết thảy”, là nói : Cả pháp hữu vi (thế gian) và vô vi (xuất thế gian). – “Không có chơn” là nói : Những pháp ấy không có một pháp gì chơn thiệt.

 

Vì chẳng những trong từ thân tâm của chúng ta, ngoài đến vạn hữu trong vũ trụ, đều là pháp hữu vi sanh diệt, gốc do nơi nhơn duyên mà sanh ra (nhứt thiết pháp tùng nhơn duyên sanh) chớ nó không có tự tánh, nên không phải thiệt ; mà đến như Bồ-đề Niết-bàn là pháp vô vi nhưng cũng do nơi cái sở đối mà lập ra ; như đối với phiền não thì nói Bồ-đề, đối với sanh tử thì nói Niết-Bàn

 

(2) Từ câu : “Nếu tự mình có chơn”… đến câu “Không chơn chỗ nào chơn” : “Lìa giả”, là lìa những thứ ngã chấp pháp chấp ; – “tâm chơn”, là cái tâm thanh tịnh, không còn “ngã pháp” làm chướng ngại. – Bằng như tự tâm mình chưa lìa được cái giả “ngã” và ”pháp”, thì tâm mình đã không chơn rồi, còn tìm chơn rồi, còn tìm chơn ở chỗ nào nữa !

 

(3) Từ câu : “Hữu tình tức biết động”… đến câu : “Đồng vô tình chẳng động” : “Hữu tình” là những loài có tri giác vận động, tức là động vật. – “Vô tình” là những loài không tri giác vận động, tức là loài khoáng vật thực vật. – “Hạnh chẳng động”, là tu theo cái hạnh ; thân ngồi không cử động như cây khô bặt hết tư tưởng như tro lạnh, cũng tức là cái tu “khôi thân diệt trí” của phái Tiểu-thừa. Cho nên Tổ nói : Nếu tu cái hạnh như vậy, thì có khác gì loài vô tình kia.

(4) Từ câu : “Bằng tìm chơn chẳng động”… đến câu : “Không tình không Phật chủng” : lại câu trên, là nói : Cái chơn thể Niết-bàn (chẳng động) vẫn ở trong tướng sanh tử (động) không phải lìa tướng sanh tử mà có thể Niết-bàn. – Còn hai câu dưới, là nói : Những người không hiểu thấu nghĩa “tịch chiếu, chiếu tịch” của Niết-bàn mà cứ chấp cái “chẳng động là chẳng động”, thì cái chẳng ấy không khác gì loài vô tình, không có tri giác và cũng không khác gì người không Phật-chủng, chẳng phát sanh được thiện-căn vậy.

(5) Từ câu : “Rành được tướng phân biệt”… đến câu : “Tức là chơn như dụng”. Hai câu trên, là nói : Ở trong các tướng phân biệt mà không có thấy “sanh-tử là dơ, Niết-bàn là sạch, phiền-não là mê, bồ-đề là giác”, thì mới hiểu rõ cái chơn tướng “chẳng động” trong nghĩa đề thứ nhứt. – Hai câu dưới, là nói : Chỉ cái thấy bình đẳng như vậy, tức là cái diệu-dụng của chơn như pháp hiện ra vậy.

 

 

(6) Từ câu : “Tỏ cùng người học đạo”… đến câu : “Lại chấp trí sanh tử” : “Cửa Đại-thừa”, tức là môn Đốn-giáo ; môn nầy quét sạch các thứ thấy “ngã pháp” và dấy bằng các thềm bực “Thánh phàm” chỉ ngộ liền nơi tự tâm, thấy tánh thành Phật là xong việc. – “Trí sanh-tử”, tức là cái trí biện thông của thế gian, thường bị nó mà tạo thành nghiệp thiện, nghiệp ác, rồi phải chịu cái khổ quả sanh tử, nên kêu là : trí sanh tử.

Nói tóm lại, là ý Tổ muốn báo cáo với các người học đạo, nên dùng lòng, rán sức cho đạt tới cửa nẻo Đại thừa, chớ không được chấp theo trí sanh tử mà thọ hại.

(7) Từ câu : “Lời nói nếu tương ứng”… đến câu : “Tự tánh vào sanh tử”. Đây là lời Tổ di chúc lại cho môn đồ phải biết. Pháp Đốn-giáo của ngài đắc truyền ở nơi Sơ-Tổ Đạt-Ma là một pháp “ngoại giáo biệt truyền”, trừ bực thượng-sĩ ra thì những kẻ trung-căn hạ-căn, phần nhiều tuy nghe mà chẳng tin.

Cho nên đối với người nào mà lời nói có khế hợp với Đốn-giáo, thì đem nghĩa đế của Phật mà bàn luận với họ ; còn như lời nói không khế hợp, thì mình cũng chấp tay cung kính, tỏ dấu vui mừng, chớ không nên cãi lẫy. – Vì cái tông chỉ của Đốn-giáo nầy, gốc không ngã không nhơn, không phàm không thánh, muôn tướng đều bặt, một niệm chẳng sanh, thì có cái gì trái nghịch mà tranh đua kình cãi. Nếu không biết mà tranh đua kình cãi lẫn nhau, thì tức là sai mất đạo-ý và lại tự tánh của mình cũng phải tùy nghiệp lôi kéo mà chun vào đường sanh-tử là khác.

 

 

 

(8) Từ câu : “Vốn ta đến cõi nầy”… đến câu : “Kết trái nảy sum sê”. Nguyên bốn câu nầy là bài kệ phú pháp của Đạt-Ma Sơ-Tổ truyền cho ngài Huệ-Khả đại-sư (tức là Thần-Quang) hồi trước, mà nay Lục-Tổ thuật lại cho đệ-tử nghe.

“Ta”, là lời nói của Đạt-Ma Sơ-Tổ tự xưng. – “Cõi nầy”, là chỉ nước Trung-quốc (Tàu) ; – “Truyền pháp”, là truyền pháp Đốn-giáo ; – “Tình mê”, là cái tình thức phân biệt chấp có thiệt-ngã, thiệt-pháp, mà chưa giác ngộ được bản-thể thanh-tịnh của tự-tánh ; – “Một hoa nở năm cánh”, là nói : Cái nhứt thừa tâm ấn của ngài truyền sang xứ Tàu, từ ấy về sau, có được năm đời thừa thọ y bát làm Tổ.

Tóm lại : Hai câu trên là lời ngài tự thuật cái bản ý của ngài ở Tây-trúc sang Tàu ; – hai câu dưới, là lời ngài huyền-ký cái cơ-duyên đắc pháp và thể đại truyền y cho đệ-tử biết.

 

 

9) Cõi lòng chứa các giống, mưa thấm mộng chồi xanh : Phật tánh ở trong tâm người ví như hột giống ở trong đất ; Phật-tánh nhờ sức thuyết pháp ở ngoài hun vào mà phát triển được cái bản-giác sáng-suốt, cũng như hột giống nhờ sức mưa thấm đất mà nứt mộng sanh chồi vậy.

 

(10) Tỏ đặng hoa tình ấy, Bồ-đề trái tự thành : “Hoa tình”. – Chữ “tình” nầy chớ nên hiểu lầm như chữ “tình dục”, thiệt ra nghĩa chữ “tình” nói đây cũng như nghĩa : “ý-chỉ”, tức là nói : Nếu tỏ ngộ được cái ý-chỉ “niệm hoa” như Ca-Diếp Thỉ-Tổ hồi trước và Tổ Tổ tương truyền cho đến ngày nay đó, thì tự nhiên thành được quả giác, không đợi phải tu phải gì nữa.

(11) Trên đầu nuôi thân : là nói : Đầu bịt khăn tang, hoặc tang cha hay mẹ.

(12) Trong miệng cần ăn : là nói : Ăn tiền hối-lộ mà làm việc như vậy.

(13) Gặp nạn tên Mãn : là nói : Kẻ trộm ấy tên là Trương-Tịnh-Mãn.

(14) Dương-Liễu làm quan : là nói : Trong lúc xảy ra cái nạn tên Mãn ấy, thì ông Liễu-Vô-Thiểm đương làm Thứ-sử và ông Dương-Khảng đương làm Huyện lịnh. – Đây là lời huyền-ký của Tổ hồi trước, mà đến sau suy nghiệm không sai một mảy.

 

 

(15) Tự-tánh chơn-như là chơn-Phật, tà kiến tam độc là Ma-Vương : “Chơn-như”. – “Chơn” là chơn thiệt, hiển rõ cái nghĩa : không giả dối ; “như” là như thường, tiêu biểu cái nghĩa : không biến đổi ; tức là “tự-tánh thanh-tịnh tâm” của mọi người đồng có, mà tự-tánh ấy tức là Phật.

Nếu trái hẳn với cái tự-tánh chơn thiệt như thường ấy tức là Ma. – Cho nên Phật với Ma, chỉ khác nhau ở nơi chơn với vọng, chánh với tà ; ba đức (trí-đức, đoạn-đức, ân-đức) với ba độc (tham-độc, sân-độc, si-độc) mà thành có giới-hạn phân tách đó thôi.

(16) Hễ lúc tà mê ma choán chỗ, mà khi chánh-kiến Phật vào nhà : “Chỗ” với ”nhà” là dụ cái tâm ; khi tâm tà mê thì tâm ấy là tâm ma ; khi tâm chánh-kiến thì tâm ấy là tâm Phật ; cho nên nói rằng “Ma choán, Phật vào” là thế.

(17) Trong tánh thấy tà ba độc sanh, tức là Ma-vương đến trụ-xá : Bởi cái thấy tà mới sanh ra ba độc, – bởi có ba độc mới thành ra Ma vương.

(18) Chánh-kiến dứt trừ ba độc kia, Ma biến thành Phật thiệt không giả : “Chánh-kiến”, là quán chiếu bát-nhã, dùng sức quán chiếu bát-nhã mà diệt trừ ba độc hết rồi, thì tự-tánh hoàn lại thanh-tịnh, tức là nghĩa : Ma biến thành Phật.

 

“Pháp-thân Như-Lai” cũng tức là ông Phật-chơn-tánh ; ông Phật-chơn-tánh ấy không hình không sắc, không tiếng không tăm, nên không thể lấy con mắt và lỗ tai mà thấy được, nghe được ; nếu có sắc-tướng thấy được và có âm-thinh nghe được, thì ông Phật ấy không phải là ông Phật thiệt. – Cho nên kinh Hoa-Nghiêm nói : “Sắc thân chẳng phải Phật, âm thinh lại cũng thế” lại nói : “Chẳng rõ chơn tánh kia, người ấy không thấy Phật”.

Xem như thế thì biết : Phật, Tổ trước sau, chỗ thuyết pháp cũng không ngoài tự-tánh.

(19) Pháp-thân, Báo-thân, với Hóa-thân, Ba thân gốc thiệt một thân nầy : Tự-tánh thanh tịnh là Pháp-thân ; – nhơn tròn quả mãn là Báo-thân ; – tùy cơ thị hiện là Hóa-thân ; – mà ba thân ấy đồng ở trong nguồn tự-tánh thanh-tịnh mà ra, cho nên nói : “gốc thiệt một thân”.

(20) Nếu trong tánh mình mình thấy được, tức là thành đạo Bồ-đề ngay : là nói : Mình nếu thấy được tự-tánh mình, lúc nào cũng vắng lặng, cũng trong sạch, cũng hằng còn, cũng không biến đổi, tức là mình tự-tánh Pháp thân Phật, – mình nếu thấy được tự-tánh mình có sẵn công-đức vô lượng, đầy đủ luôn luôn, tức là mình thấy tự-tánh Báo-thân-Phật ; – mình nếu thấy được tự-tánh mình có cái diệu-dụng tùy duyên mà chẳng khi nào ô-nhiễm, tức là mình thấy tự-tánh Hóa-thân-Phật.

 

 

Thấy như vậy gọi là thấy tánh, tức là thành được cái nhơn Bồ-đề ; không cần phải tu nhơn hạnh gì khác.

(21) Từ câu : “Bởi có Hóa-thân sanh tánh tịnh”… đến câu : “Về sau viên-mãn thiệt không ngần”, “Hóa-thân”, là cái thân hoạn hóa, tức là chỉ cái thân “năm-uẩn giả hiệp”, chớ không phải cái thân ứng hóa độ sanh. – “Tánh-tịnh”, là tánh chơn như thanh tịnh. – “Viên-mãn”, là nói : Nhơn tròn quả mãn về sau, không cùng không tột.

 

 

Câu : “Bởi có Hóa-thân sanh tánh tịnh” đây, không phải nói cái thân hoạn hóa mà sanh được cái tánh chơn như thanh tịnh ; chính là nói : Bởi có hóa thân là giả, nên mới có nói tánh tịnh là thiệt ; nhưng cái thiệt ấy không phải lìa cái giả ra mà có, nên nói “tánh tịnh hằng ở trong Hóa-thân”.

Cũng vì có tánh chơn như thanh tịnh huân-tập ở trong, mới khiến cho hóa thân biết chán đạo tà mà làm theo đạo chánh và nhờ đạo chánh huân tập ấy mà làm nên cái công-nghiệp “nhơn tròn quả mãn” cho đến tột đời vị-lai vô cùng vô tận.

 

 

(22) Từ câu : “Tánh dâm vốn là nhơn tánh tịnh”… đến câu : “Giây phút thấy tánh tức là chơn”, “Tánh dâm”, là tánh ô-nhiễm, – “tánh tịnh” là tánh trong sạch. – Nhưng nhơ với sạch, dâm với tịnh, không phải hai gốc, nên trừ hết dâm rồi tức là thành cái thân tịnh-tánh.

 

 

Tức như : Nàng Ma-Đăng-Dà-Nữ là một người gái dâm, mà sau khi nghe ngài Văn-Thù đọc kệ vừa rồi, thì nàng chứng quả A-la-hán.

 

 

Lại hồi trước có người Tiên tên là Lộc-Đề, nhơn đi đất ướt bị trợt té nổi giận, mới dùng chú-thuật làm cho trời hạn mấy năm, quốc-dân không xiết nỗi khổ ; khi ấy vua mộ được một người gái đẹp, khiến đến tại chỗ Tiên-Lộc-Đề dụ bắt, sau khi dụ được, nàng cỡi trên cổ Tiên mà dẫn về kinh, nạp cho vua. – Nàng ấy là bà Da-Du, trên hội Pháp-Hoa bà được thọ ký sẽ làm Phật, hiệu là : Cụ-Túc Thiên-Vạn-Quang-Tướng Như-Lai.

 

Thế là hai nàng ấy, trước kia một người thì dụ ngài A-Nan, một người thì dụ ông Tiên-Lộc-Đề, ấy là “dâm tánh” ; sau lại một người thì chứng quả A-la-hán và một người thì đương thọ ký làm Phật ấy là “tịnh tánh thân”, “ấy là giây phút thấy tánh tức là chơn” vậy.

 

(23) Đời nay bằng gặp môn Đốn-giáo, chợt tỏ tánh mình thấy Thế-Tôn : “Thế-Tôn”, là thông hiệu của Phật ; là nói : Nếu gặp được Đốn giáo là pháp “Đốn truyền trực chỉ” của ngài đã dạy cho đó mà mỗi người đều tự tỏ ngộ lấy tánh mình tức là thấy Phật ; vì Phật với mình không phải khác tánh.

 

(24) Nếu muốn tu hành cầu làm Phật, chỗ nào mà nghĩ để tìm chơn : là nói : Nếu muốn ngoài tâm cầu Phật, ngoài tánh cầu chơn, thì không bao giờ được.

 

(25) Bằng trong tâm mình thấy chơn được, là nhơn thành Phật chẳng còn nghi : là nói : Nếu mình tự thấy được chơn tâm của mình, thì chơn tâm ấy tức là cái nhơn thành Phật quyết định vậy.

 

(26) Không thấy tánh mình tìm Phật khác, khởi tâm như vậy thiệt ngu si : là nói : Những người mê quên ông Phật tự tánh của mình mà đi tìm ông Phật tướng hảo ở ngoài, thì người ấy là người “mê tâm chấp Phật, xả tự xu tha”, nên gọi là ngu-si.

 

Trong kinh Kim-Cang, Phật nói : “Nếu người thấy ta ở nơi sắc-tướng, tìm ta ở nơi âm thinh, là người làm theo tà-đạo, không thể thấy được pháp thân Như-Lai.”

 

(

27) Từ câu : “Pháp-môn Đốn-giáo nay truyền lại”… đến câu : “Chẳng theo thấy ấy lắm mù mù” là nói : Pháp-môn Đốn-giáo của ngài để lại đó, là một pháp “thấy tánh thành Phật” rất mau chóng ; mà nếu người học đạo đời sau không thừa nhận theo cái thấy ấy, thì không đời nào tỏ ngộ cho được.

(28) Trơ trơ chẳng làm lành, xăn xăn chẳng tạo ác, bặt bặt dứt thấy nghe, lộng lộng tâm không mắc : Kệ nầy là Tổ hiển rõ cái chơn-tướng Niết-bàn và cũng biểu hiện cái diện mục bản-lai. – Lại cũng khai thị cho môn đồ biết rằng : Hết thảy các pháp, trước đã do nơi gốc vô-trụ mà lập ra, thì sau cũng rút về nơi gốc vô-trụ.

 

Ý kệ nói : Nguyên lai, chẳng những không tạo cái ác Quỷ-Súc mà cũng không làm cái lành Nhơn-Thiên, lại chẳng những không tạo cái ác Nhị-thừa mà cũng không làm cái lành Bồ-tát ; cho đến chẳng những dứt bặt cái thấy cái nghe Thế gian mà cũng không dứt bặt cái thấy cái nghe Phật-pháp, tâm như hư-không, chẳng còn dính-mắc một pháp gì ở trong phàm-tình thánh-cánh tất-cả.

 

Xem mục lục