Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

LXXIII. PHẨM TUẦN TỰ

01

 

 

 

Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu người trụ nơi tưởng có hoặc không thuận nhẫn, cũng không tu đạo, đắc quả nhờ hiện quán, thì người trụ tưởng không làm sao có thuận nhẫn hoặc Tịnh quán địa, như vậy cho đến hoặc Như Lai địa, hoặc tu Thánh đạo. Nhờ tu Thánh đạo mới đoạn trừ các phiền não, người bị phiền não này ngăn che còn không thể chứng đắc địa vị tương ưng với Thanh văn, Độc giác, huống là nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát; nếu không thể nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát thì làm sao có thể chứng đắc trí nhất thiết trí; nếu không thể chứng đắc trí nhất thiết trí thì làm sao có thể đoạn trừ vĩnh viễn sự tương tục của tất cả tập khí phiền não.

Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều vô sở hữu, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, các pháp như vậy hoàn toàn không sanh thì làm sao có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Người trụ nơi tưởng không thì không thuận nhẫn cho đến cũng không đoạn trừ vĩnh viễn sự tương tục của tất cả tập khí phiền não. Nếu tất cả pháp đều không sở hữu, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, các pháp này hoàn toàn không sanh thì làm sao có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát có tưởng có, và có tưởng không không? Có tưởng sắc và thọ, tưởng, hành, thức không? Như vậy, cho đến có tưởng trí nhất thiết trí không? Có tưởng đoạn trừ vĩnh viễn sự tương tục của tất cả tập khí phiền não không? Có tưởng sắc và tưởng dứt sắc không? Có tưởng thọ, tưởng, hành, thức và tưởng dứt thọ, tưởng, hành, thức không? Có tưởng nhãn xứ cho đến ý xứ và tưởng dứt nhãn xứ cho đến ý xứ không? Có tưởng sắc xứ cho đến pháp xứ và tưởng dứt sắc xứ cho đến pháp xứ không? Có tưởng nhãn giới cho đến ý giới và tưởng dứt nhãn giới cho đến ý giới không? Có tưởng sắc giới cho đến pháp giới và tưởng dứt sắc giới cho đến pháp giới không? Có tưởng nhãn thức giới cho đến ý thức giới và tưởng dứt nhãn thức giới cho đến ý thức giới không? Có tưởng nhãn xúc cho đến ý xúc và tưởng dứt nhãn xúc cho đến ý xúc không? Có tưởng về các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra và tưởng dứt các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến dứt các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra không? Có tưởng địa giới cho đến thức giới và tưởng dứt địa giới cho đến thức giới không? Có tưởng nhân duyên cho đến tăng thượng duyên và tưởng dứt nhân duyên cho đến tăng thượng duyên không? Có tưởng tham, sân, si và tưởng dứt tham, sân, si không? Có tưởng vô minh cho đến lão tử, buồn, rầu, khỗ não và tưởng dứt vô minh cho đến lão tử buồn, rầu, khỗ não không? Có tưởng Thánh đế khổ và tưởng dứt Thánh đế khổ không? Có tưởng Thánh đế tập và tưởng dứt Thánh đế tập không? Có tưởng Thánh đế diệt và tưởng dứt Thánh đế diệt không? Có tưởng Thánh đế đạo và tưởng dứt Thánh đế đạo không? Như vậy, cho đến có tưởng trí nhất thiết trí và tưởng dứt trí nhất thiết trí không? Có tưởng dứt trừ tất cả tập khí phiền não nối tiếp và tưởng việc dứt trừ sự vĩnh viễn tương tục của tất cả tập khí phiền não không?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với tất cả pháp, các Đại Bồ-tát không tưởng có, cũng không tưởng không. Người nào không tưởng có, cũng không tưởng không thì nên biết đó là Bồ-tát thuận nhẫn, cũng là tu đạo, cũng là đắc quả, cũng là hiện quán.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát lấy vô tánh làm thánh đạo, lấy vô tánh làm hiện quán, thấu rõ tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh. Do nhân duyên này, nên biết tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh của mình.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Nếu tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh thì vì sao đối với tất cả các pháp lấy vô tánh làm tánh, các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện chứng Đẳng Giác rồi được gọi là Phật, chuyển tất cả pháp và các cảnh giới một cách tự tại.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Hết thảy pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh. Xưa kia, lúc tu học đạo Bồ-tát, Ta tùy thuận tu hành pháp bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, do đó Ta lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỷ lạc, nhập vào sơ tịnh lự và an trụ hoàn toàn trong đó. Như vậy, cho đến dứt vui, dứt khổ, vui buồn trước đây lặng mất, không khổ, không vui, xả niệm thanh tịnh, nhập vào tầng thiền thứ tư và an trụ hoàn toàn ở đó. Vào lúc ấy, đối với các tịnh lự và các chi tịnh lự, tuy hoàn toàn nắm giữ tướng của nó, nhưng Ta không chấp trước vào chúng, không đắm trước vị ngọt của tịnh lự và các chi tịnh lự, hoàn toàn không nắm bắt đối với các tịnh lự và các chi của tịnh lự. Lúc ấy, đối với hành tướng bốn tịnh lự, Ta thanh tịnh, không có chút phân biệt. Đối với các tịnh lự và các chi của tịnh lự tuy Ta đã hoàn toàn thuần thục nhưng không nhận quả báo của nó, chỉ dựa vào tịnh lự để làm phát sanh thần cảnh, thiên nhĩ, tha tâm, túc trụ, thiên nhãn, trí thông. Tuy hoàn toàn nắm giữ tướng của năm thần thông này, nhưng ta không chấp trước, cũng không ưa thích vị ngọt của nó, đối với các cảnh thần thông, ta hoàn toàn không nắm bắt, cũng không phân biệt mà chỉ trụ như hư không. Lúc ấy, ta quán tất cả pháp đều bình đẳng. Bình đẳng lấy vô tánh làm tánh. Nhờ tương ưng với Bát-nhã trong một chốc lát, Ta chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nghĩa là biết như thật đây là Thánh đế khổ, Thánh đế tập, Thánh đế diệt, Thánh đế đạo và tất cả đều đồng một tướng là vô tướng. Vô tướng này cũng là vô sở hữu. Nhờ vậy, Ta thành tựu mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng và vô số công đức vi diệu không thể nghĩ bàn. Ta dùng trí vi diệu của Phật để an lập hữu tình vào ba nhóm khác nhau là nhóm Chánh tánh định, nhóm Tà tánh định và nhóm Bất định. Sau khi đã an lập họ thành ba nhóm khác nhau như vậy, tùy theo căn cơ của họ mà Ta tìm cách giáo hóa, giúp họ đạt được lợi ích an lạc thù thắng.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Ở trong tánh vô tánh của tất cả pháp Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác lại phát sanh bốn tịnh lự, năm thần thông, chứng đắc đại Bồ-đề, đầy đủ các công đức, an lập lợi lạc ba nhóm hữu tình như thế nào?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Nếu các pháp dục ác bất thiện mà có chút ít tự tánh, hoặc lại lấy tự tánh của vật khác làm tự tánh thì khi xưa lúc tu hành Bồ-tát đạo, Ta đã không cần thấu rõ tất cả pháp dục ác bất thiện, đều lấy vô tánh làm tự tánh, đã lìa dục ác, nhập vào tầng thiền đầu tiên cho đến nhập vào tầng thiền thứ tư và hoàn toàn an trụ trong đó. Do các pháp dục ác bất thiện hoàn toàn không tự tánh, cũng không có tha tánh, chỉ lấy vô tánh làm tự tánh nên xưa kia lúc tu Bồ-tát đạo, Ta phải thấu rõ pháp dục ác bất thiện, đều lấy vô tánh làm tự tánh. Sau khi lìa dục ác v.v… Ta nhập vào sơ thiền cho đến nhập vào tầng thiền thứ tư.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu năm thần thông có một chút ít tự tánh, hoặc lấy tha tánh làm tự tánh thì khi xưa lúc tu hành Bồ-tát đạo, Ta không cần phải thấu rõ tất cả thần thông, đều lấy vô tánh làm tự tánh, đã phát sanh các loại thần thông tự tại, diệu dụng, vô ngại đối với các cảnh giới. Do thần thông hoàn toàn không tự tánh cũng không tha tánh, chỉ lấy vô tánh làm tự tánh nên khi xưa, lúc tu hành Bồ-tát đạo, Ta thấu rõ thần thông đều lấy vô tánh làm tự tánh, đã phát sanh các loại thần thông tự tại, diệu dụng, vô ngại đối với các cảnh giới.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có chút ít tự tánh hoặc lấy tha tánh làm tự tánh thì khi xưa lúc tu hành Bồ-tát đạo, Ta không cần phải thấu rõ quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Phật và các công đức đều lấy vô tánh làm tự tánh, đã chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đầy đủ các công đức. Do quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề và các công đức hoàn toàn không tự tánh cũng không tha tánh, chỉ lấy vô tánh làm tự tánh nên khi xưa, lúc tu hành Bồ-tát đạo, Ta thấu rõ quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đều lấy vô tánh làm tự tánh, đã chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đầy đủ các công đức.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các hữu tình có chút ít tự tánh, hoặc lấy tha tánh làm tự tánh thì Ta đã thành Phật không còn thấu rõ tất cả hữu tình đều lấy vô tánh làm tự tánh, đã an lập hữu tình thành ba nhóm khác nhau, tùy theo căn cơ của họ, Ta đã tìm cách giáo hóa, giúp họ đạt được an lạc, lợi ích thù thắng. Do các hữu tình hoàn toàn không có tự tánh cũng không có tha tánh, chỉ lấy vô tánh làm tự tánh. Sau khi thành Phật, Ta thấu rõ các hữu tình đều lấy vô tánh làm tự tánh, đã an lập hữu tình thành ba nhóm khác nhau, tùy theo căn cơ của họ mà tìm cách giáo hóa, giúp họ đạt được an lạc, lợi ích thù thắng.

                                

 

Xem mục lục