Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 22

Quyển Thứ 535
Hội thứ ba Phẩm Thí Thảy thứ 29-4

Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm

Thiện Hiện phải biết: Các Bồ tát Ma ha tát này thường nên tu hành bố thí Ba la mật đa như thế. Do bố thí Ba la mật đa đây, từ sơ phát tâm cho đến rốt ráo chẳng đọa ác thú, nghèo hèn, biên quê. Vì muốn lợi vui các hữu tình nên phần nhiều sanh đạo người, làm vua Chuyển Luân giàu sang tự tại, nhiều điều lợi ích. Sở dĩ vì sao? Vì theo giống oai thế cảm quả như vậy. Nghĩa là Bồ tát kia làm vua Chuyển Luân, thấy kẻ xin đến bèn khởi nghĩ này: Ta vì việc chi trôi lăn sanh tử làm vua Chuyển Luân? Đâu ta chẳng vì lợi vui hữu tình trụ trong sanh tử hưởng quả báo tốt đây chẳng vì việc chi khác?” Khởi nghĩ này rồi, bảo kẻ xin rằng: “Tùy ngươi cần dùng các thứ của cải, ta đều thí cho. Khi ngươi lấy của như lấy của mình chớ nghĩ của ai. Sở dĩ vì sao? Ta vì các ngươi nên được yên vui mà thọ thân đây, chứa nhóm của cải, nên của cải đây là các ngươi sở hữu, tùy ngươi tự lấy, hoặc tự thọ dụng, hoặc chuyển thí người, chớ sanh nghi nan”.

Bồ tát Ma ha tát này khi thương xót hữu tình như thế, vô duyên đại bi mau được viên mãn. Nhờ đại bi đây mau viên mãn, nên dù hằng lợi vui vô lượng hữu tình mà đối hữu tình đều vô sở đắc, cũng lại chẳng đắc thắng quả cảm được, năng như thật biết chỉ do lời nói thế tục thi thiết nhiều thứ việc lợi vui các hữu tình. Lại như thật biết việc đã thi thiết đều như tiếng vang ảnh tượng, tuy hiện tựa có mà không chân thật. Do đấy đối pháp đều không chỗ lấy.

Thiện Hiện phải biết: Các Bồ tát Ma ha tát thường nên tu hành bố thí Ba la mật đa như thế, là đối hữu tình không điều đoái luyến. Cho đến năng thí xương thịt tự thân, huống chẳng năng thí xả các của cải bên ngoài, nghĩa là các của cải nhiếp thọ hữu tình khiến mau giải thoát sanh lão bệnh tử.

Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Những của cải nào nhiếp thọ hữu tình khiến mau giải thoát sanh lão bệnh tử?

Phật bảo: Thiện Hiện! Là tu bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa sở hữu của cải. Hoặc trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không sở hữu của cải. Hoặc trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới sở hữu của cải. Hoặc trụ khổ tập diệt đạo thánh đế sở hữu của cải.

Hoặc tu bốn niệm trụ cho đến tám thánh đạo chi sở hữu của cải. Hoặc tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định sở hữu của cải. Hoặc tu không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn sở hữu của cải. Hoặc tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ sở hữu của cải.

Hoặc tu Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa sở hữu của cải. Hoặc tu Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa sở hữu của cải. Hoặc tu tất cả đà la ni môn, tam ma địa môn sở hữu của cải. Hoặc tu năm nhãn, sáu thần thông sở hữu của cải. Hoặc tu Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng sở hữu của cải. Hoặc tu đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả sở hữu của cải. Hoặc tu ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi tùy hảo sở hữu của cải. Hoặc tu pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả sở hữu của cải.

Hoặc tu nhất thiết trí, đạo tướng trí, nhất thiết tướng trí sở hữu của cải. Hoặc được quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ đề sở hữu của cải. Hoặc hành hạnh Bồ tát Ma ha tát sở hữu của cải. Hoặc chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề sở hữu của cải.

Thiện Hiện phải biết: Các của cải thiện pháp như thế thảy nhiếp thọ hữu tình, khiến mau giải thoát sanh lão bệnh tử. Các Bồ tát Ma ha tát thường đem các thứ của cải như thế phương tiện khéo léo khiếp thọ hữu tình, khiến mau giải thoát sanh lão bệnh tử các khổ.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa, tự hành bố thí Ba la mật đa. Khuyên các hữu tình hành bố thí rồi, nếu thấy hữu tình hủy phá tịnh giới rất sanh thương xót mà bảo đó rằng: Các ngươi đều nên thọ trì tịnh giới, ta sẽ thí ngươi các thứ của cải khiến ngươi đêm dài không điều thiếu thốn. Bởi các ngươi thiếu dụng cụ sanh sống hủy phá tịnh giới gây các ác nghiệp, ta sẽ tùy ngươi bị thiếu của vật gì đều cấp thí cho khiến không bị thiếu. Các ngươi an trụ tịnh giới luật nghi lần hồi sẽ năng làm tan ngằn mé khổ, sanh tử được vui Niết bàn.

Thiện Hiện phải biết: Bồ tát Ma ha tát này an trụ bố thí Ba la mật đa tự thọ trì tịnh giới, cũng khuyên người thọ trì tịnh giới, hằng chính xưng nêu pháp thọ trì tịnh giới, vui mừng khen ngợi kẻ thọ trì tịnh giới.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát tu hành bố thí Ba la mật đa khuyên các hữu tình an trụ tịnh giới thoát khổ sanh tử được vui Niết bàn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa thấy các hữu tình giận dữ lẫn nhau rất sanh thương xót mà bảo đó rằng: Duyên nào các ngươi giận dữ lẫn nhau? Các ngươi nếu bị có điều thiếu thốn, lấn quanh nhau mà gây các ác nghiệp, nên đòi nơi ta chớ sanh nghi nan, tùy ngươi cần dùng đều sẽ thí cho. Các ngươi chẳng nên giận dữ lẫn nhau mà nên tu an nhẫn chung khởi từ tâm.

Thiện Hiện phải biết: Bồ tát Ma ha tát này an trụ bố thí Ba la mật đa khuyên các hữu tình tu an nhẫn rồi, muốn cho vững chắc lại bảo nữa rằng: “Nhân duyên giận dữ trọn không định thật, đều từ hư vọng phân biệt khởi ra, vì tất cả pháp bản tánh không vậy. Duyên nào các ngươi với pháp không thật, quấy sanh giận dữ hủy tổn lẫn nhau? Các ngươi chớ nhân hư vọng phân biệt giận dữ lẫn nhau, gây các ác nghiệp phải đọa địa ngục, bàng sanh, quỷ giới và các chỗ ác, chịu các khổ nặng nề, khổ ấy đau độc cứng cỏi bén nhọn cắt hại thân tâm rất cực khó chịu. Các ngươi chớ chấp việc chẳng thật có, quấy giận dữ nhau gây các tội nghiệp. Bởi tội nghiệp đây với thân người hèn kém hãy khó khá được, huống sanh thiện thú, hoặc sanh trong người gặp Phật nghe pháp, thâm tâm tín thọ như nói tu hành.

Các ngươi phải biết thân người khó được, Phật ra đời khó gặp, sanh tin lại khó, nghe pháp thọ hành lại càng khó hơn. Các ngươi ngày nay đã đủ các việc ấy, chớ bởi giận dữ mà mất thời tốt. Nếu mất thời này thì khó cứu lại. Vậy nên, các ngươi đối các hữu tình chớ sanh giận dữ phải tu an nhẫn”.

Thiện Hiện phải biết: Bồ tát Ma ha tát này an trụ bố thí Ba la mật đa tự hành an nhẫn, cũng khuyên người hành an nhẫn, hằng chính xưng nêu pháp hành an nhẫn, vui mừng khen ngợi kẻ hành an nhẫn.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa khuyến các hữu tình tu hành an nhẫn. Các loại hữu tình, do nhờ đây lần hồi lần lữa nương Tam thừa mà được ra khỏi.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa thấy các hữu tình lười nhác thân tâm, rất sanh thương xót mà bảo đó rằng: Duyên nào các ngươi chẳng siêng tinh tiến tu các thiện pháp mà sanh lười biếng? Kia trả lời rằng: Chúng tôi thiếu thốn của cải, đối các pháp lành chẳng siêng tu được. Bồ tát bảo rằng: Ta năng thí ngươi của cải bị thiếu cho ngươi đầy đủ, ngươi nên siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, bát nhã.

Khi các hữu tình được Bồ tát này đã cho của cải không điều thiếu thốn, bèn năng phát khởi thân tâm tinh tiến tu các pháp lành mau được viên mãn. Khi nhờ pháp lành được viên mãn nên lần hồi dẫn sanh các pháp vô lậu. Nhờ pháp vô lậu mới được quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, hoặc có được Độc giác Bồ đề, hoặc vào Chánh tánh ly sanh, lần hồi tu học các bậc Bồ tát, sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện phải biết: Bồ tát Ma ha tát này an trụ bố thí Ba la mật đa tự hành tinh tiến, cũng khuyên người hành tinh tiến, hằng chính xưng nêu pháp hành tinh tiến. Vui mừng khen ngợi kẻ hành tinh tiến.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa khiến các hữu tình xa lìa lười biếng, siêng tu các thiện, mau được ra khỏi.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa thấy các hữu tình thân tâm tán loạn, rất sanh thương xót mà bảo đó rằng: Duyên nào các ngươi chẳng tu tĩnh lự, tán loạn mất nhớ, lộn quanh sanh tử? Kia trả lời rằng: Chúng tôi thiếu thốn của cải nên đối tĩnh lự chẳng tu tập được. Bồ tát bảo rằng: Ta năng thí các ngươi của cải bị thiếu, điều khiến đầy đủ. Các ngươi từ nay chẳng nên còn khởi hư vọng phân biệt, vin bám các thứ tìm tòi trong ngoài, rối loạn tự tâm.

Khi các hữu tình được Bồ tát này đã cho của cải không bị thiếu thốn, bèn năng đè dứt hư vọng phân biệt tìm tòi dục ác, vào sơ tĩnh lự; lần hồi lại vào các tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư. Nương các tĩnh lự lại năng dẫn phát được từ bi hỷ xả bốn thứ phạm trụ. Tĩnh lự, vô lượng làm chỗ nương dựa, lại năng lần vào bốn định vô sắc. Tĩnh lự, vô lượng, vô sắc điều tâm cho mềm mại rồi, tu bốn niệm trụ lần hồi cho đến tám thánh đạo chi. Do đây lại năng dẫn các pháp không, vô tướng, vô nguyện thảy đều khiến đầy đủ, tùy kia sở ưng được quả Tam thừa.

Thiện Hiện phải biết: Bồ tát Ma ha tát này an trụ bố thí Ba la mật đa tự tu tĩnh lự, cũng khuyên người tu tĩnh lự, hằng chính xưng nêu pháp tu tĩnh lự, vui mừng khen ngợi kẻ hành tĩnh lự.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa khuyên các hữu tình xa lìa tán loạn, tu các tĩnh lự được nhiêu ích lớn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa thấy các hữu tình ngu si điên đảo rất sanh thương xót mà bảo đó rằng: Duyên nào các ngươi chẳng tu Bát nhã, ngu si điên đảo lộn quanh sanh tử? Kia trả lời rằng: Chúng tôi thiếu thốn của cải nên đối Bát nhã chẳng tu tập được.

Bồ tát bảo rằng: Ta năng cấp thí các ngươi những của cải bị thiếu cho đến đầy đủ. Ngươi nên nhận lấy. Trước hết tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự được viên mãn rồi, nên quán sát kỹ thật tướng các pháp, tu hành Bát nhã Ba la mật đa. Nghĩa là bấy giờ nên quán sát kỹ vì có chút pháp mà khá được chăng; là ngã, hữu tình, nói rộng cho đến tri giả, kiến giả vì khá được chăng?

Sắc cho đến thức. Nhãn xứ cho đến ý xứ. Sắc xứ cho đến pháp xứ. Nhãn giới cho đến ý giới. Sắc giới cho đến pháp giới. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Nhãn xúc cho đến ý xúc. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ. Địa giới cho đến thức giới. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. các pháp theo duyên sanh ra. Vô minh cho đến lão tử. Cõi Dục cõi Sắc cõi Vô sắc. Bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Nội không cho đến vô tánh tự tánh không. Chơn như cho đến bất tư nghì giới. Khổ tập diệt đạo thánh đế. Bốn niệm trụ cho đến tám thánh đạo chi. Bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn. Tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Đà la ni môn, tam ma địa môn. Năm nhãn, sáu thần thông. Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi tùy hảo. Pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả. Nhất thiết trí, đạo tướng trí, nhất thiết tướng trí. Quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ đề. Tất cả hạnh Bồ tát Ma ha tát, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Mỗi mỗi pháp xét kỹ vì khá được chăng?”

Các hữu tình kia đã được của cải khỏi bị thiếu hụt, y lời Bồ tát dạy, trước hết tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự được viên mãn rồi, lại quán sát kỹ thật tướng các pháp tu hành Bát nhã Ba la mật đa.

Khi quán sát kỹ như trước đã nói, thật tánh các pháp quả đều bất khả đắc. Vì bất khả đắc nên không sở chấp trước. Vì chẳng chấp trước nên chẳng thấy chút pháp có sanh có diệt, có nhiễm có tịnh. Khi kia đối các pháp không sở đắc, đối tất cả xứ chẳng sanh phân biệt, nghĩa là chẳng phân biệt đây là địa ngục, bàng sanh, quỷ giới hoặc a tố lạc, hoặc người hoặc trời, cũng chẳng phân biệt trì giới phá giới, cũng chẳng phân biệt dị sanh Thánh giả, cũng chẳng phân biệt đây là Dự lưu cho đến đây là Bồ tát, chư Phật, cũng chẳng phân biệt hữu vi vô vi. Kia do không phân biệt như thế nên tùy sở ưng lần hồi chứng được Thánh quả Tam thừa.

Thiện Hiện phải biết: Bồ tát Ma ha tát này an trụ bố thí Ba la mật đa tự tu bát nhã, cũng khuyên người tu bát nhã, hằng chính xưng nêu pháp tu bát nhã, vui mừng khen ngợi kẻ hành bát nhã.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa, khuyên các hữu tình siêng tu bát nhã khiến được an vui thù thắng rốt ráo.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa tự hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, cũng khuyên người hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa rồi, lại thấy hữu tình lăn quanh các thú chịu khổ sanh tử chưa được giải thoát. Vì muốn khiến giải thoát khổ sanh tử, nên trước dùng các thứ của cải nhiêu ích, sau đem các pháp vô lậu xuất thế phương tiện khéo léo mà nhiếp thọ đó.

Các hữu tình kia đã được của cải không bị thiếu hụt, thân tâm mạnh mẽ, năng trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. Năng trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới. Năng trụ khổ tập diệt đạo thánh đế.

Năng tu bốn niệm trụ cho đến tám thánh đạo chi. Năng tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Năng tu không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn. Năng tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Năng tu Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Năng tu Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Năng tu đà la ni môn, tam ma địa môn. Năng tu năm nhãn, sáu thần thông. Năng tu Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Năng tu đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Năng tu pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả. Năng tu nhất thiết trí, đạo tướng trí, nhất thiết tướng trí. Năng tu vô lượng vô biên các Phật pháp khác. Các hữu tình kia do được pháp vô lậu nhiếp thọ nên giải thoát sanh tử được vui Niết bàn.

Thiện Hiện phải biết: Bồ tát Ma ha tát này an trụ bố thí Ba la mật đa tự hành các thứ thắng pháp vô lậu, cũng khuyên người hành các thứ thắng pháp vô lậu, hằng chính xưng nêu pháp hành các thứ thắng pháp vô lậu, vui mừng khen ngợi kẻ hành các thứ thắng pháp vô lậu.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa đem pháp vô lậu nhiếp thọ hữu tình khiến thoát khổ sanh tử được vui Niết bàn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa thấy các hữu tình không nương không dựa, chịu các khổ não, thiếu thốn của cải, rất sanh thương xót mà an ủi rằng: “Ta năng vì ngươi làm chỗ nương dựa, khiến ngươi giải thoát việc bị chịu khổ. Các ngươi cần dùng áo mặc, uống ăn và các của cải, đều tùy ý đòi, ta sẽ tùy các ngươi đòi gì đều cấp thí, khiến các ngươi đêm dài lợi ích an vui. Khi các ngươi nhận vật ta đã thí như lấy của mình, chớ sanh tưởng của người. Sở dĩ vì sao? Vì ta ở đêm dài nhóm chứa của vật chỉ vì các ngươi được nhiêu ích vậy. Các ngươi nay đây đem tâm vô nan đối của vật này tùy ý nhận lấy. Lấy rồi, trước nên tùy mình thọ dụng, tu các nghiệp lành, sau đem vật đây thí các hữu tình cũng khiến tu lành. Nghĩa là khiến tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Cũng khiến an trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. Cũng khiến an trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới. Cũng khiến an trụ khổ tập diệt đạo thánh đế.

Cũng khiến tu hành ba mươi bảy thứ phần pháp Bồ đề. Cũng khiến tu hành bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Cũng khiến tu hành ba môn giải thoát. Cũng khiến tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Cũng khiến tu hành Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Cũng khiến tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Cũng khiến tu hành đà la ni môn, tam ma địa môn. Cũng khiến tu hành năm nhãn, sáu thần thông. Cũng khiến tu hành Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Cũng khiến tu hành đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Cũng khiến tu hành pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả. Cũng khiến tu hành nhất thiết trí, đạo tướng trí, nhất thiết tướng trí. Cũng khiến tu hành vô lượng vô biên các Phật pháp khác.

Thiện Hiện phải biết: Các Bồ tát Ma ha tát này dạy dẫn các hữu tình như thế rồi, tùy kia sở ưng lại khiến tu tập các pháp vô lậu trụ quả Dự lưu, hoặc trụ quả Nhất lai, hoặc trụ quả Bất hoàn, hoặc trụ A la hán, hoặc trụ Độc giác Bồ đề, hoặc trụ Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ bố thí Ba la mật đa phương tiện khéo léo thành thục hữu tình khiến kia giải thoát sanh tử ác thú, như sở ưng chứng được Niết bàn Tam thừa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bồ tát Ma ha tát làm sao tu hành tịnh giới Ba la mật đa và các đạo Đại Bồ đề Bồ tát, phương tiện khéo léo thành thục hữu tình?

Phật bảo: Thiện Hiện! Có Bồ tát Ma ha tát khi tu hành tịnh giới Ba la mật đa, phương tiện khéo léo thấy các hữu tình thiếu thốn của cải, phiền não hừng thịnh chẳng tu thiện được, thương xót bảo rằng: “Nếu các ngươi vì thiếu thốn của cải, chẳng tu thiện được, ta sẽ cấp thí ngươi các thứ của cải, các ngươi chớ sanh phiền não ác nghiệp, nên chính tu học bố thí thảy thiện.

Bồ tát Ma ha tát này an trụ tịnh giới Ba la mật đa như ưng nhiếp thọ các loại hữu tình: Kẻ có tham lam khiến tu bố thí, đối thân mạng của không điều luyến tiếc. Kẻ có phá giới khiến tu tịnh giới, năng chính thọ hành mười thiện nghiệp đạo, trụ giới luật nghi chẳng phá chẳng thủng, không uế không tạp, cũng không bị bắt lấy. Kẻ có giận dữ khiến tu an nhẫn, bị hủy nhục gia hại tâm không biến đổi. Kẻ có lười biếng khiến tu tinh tiến, tu các pháp lành như chữa cháy đầu. Kẻ có tán loạn khiến tu tĩnh lự tâm hằng vắng định, lìa các tán động. Kẻ có ngu si khiến tu diệu huệ. Kẻ chấp lấy pháp khiến quán pháp không đối các công đức. Kẻ có thiếu thốn khiến siêng tinh tiến tu các công đức.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát an trụ tịnh giới Ba la mật đa, thành thục hữu tình phương tiện khéo léo hoặc khiến giải thoát các khổ ác thú, hoặc khiến chứng được Niết bàn Tam thừa.

Thiện Hiện phải biết: Các Bồ tát Ma ha tát tu hành bốn Ba la mật đa kia và các đạo Bồ đề Bồ tát, mỗi mỗi đều năng phương tiện khéo léo, dùng tất cả thiện pháp thành thục hữu tình hoặc khiến giải thoát các khổ ác thú, hoặc khiến chứng được Niết bàn Tam thừa, mỗi mỗi như bố thí đều trước nói rộng.

 

Hội thứ ba Phẩm Phật Quốc thứ 30-1

(Phẩm này trang nhà tạm lấy dữ liệu từ ấn bản 2003)

Bấy giờ, Thiện Hiện suy nghĩ: Thế nào gọi là đạo của Đại Bồ-tát, các Đại Bồ-tát an trụ trong đạo ấy, mặc áo giáp công đức làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình mau chứng được trí nhất thiết trí.

Phật biết tâm niệm ấy, bảo Thiện Hiện:

- Thiện Hiện nên biết! Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng và vô lượng vô biên các Phật pháp khác đều là đạo của Đại Bồ-tát. Lại nữa, này Thiện Hiện! Nói chung tất cả pháp đều là đạo của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Ý ông thế nào? Không có chút pháp nhỏ nào mà các Đại Bồ-tát đều không học. Các Đại Bồ-tát nào không học các pháp ấy thì có thể chứng được trí nhất thiết trí không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không chứng được.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Nhất định không có chút pháp nhỏ nào mà các Đại Bồ-tát đều không học cả. Đại Bồ-tát nào không học các pháp ấy thì nhất định không thể chứng được trí nhất thiết trí.

Vì sao? Vì nếu Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp không thể biết hết thì không thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác được.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp tự tánh đều Không thì chứng Đại Bồ-tát làm sao học tất cả pháp? Làm sao Thế Tôn đối với pháp không hý luận mà phát sanh hý luận? Nghĩa là có phàp này, pháp kia, do đây, vì đây. Pháp này là thế gian, pháp này là xuất thế gian; pháp này là hữu lậu, pháp này là vô lậu; pháp này là hữu vi, pháp này là vô vi; đây là pháp phàm phu, đây là pháp Dự lưu. Nói rộng cho đến đây là pháp Bồ-tát, đây là pháp chư Phật.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Các pháp sở hữu tự tánh đều Không. Nếu tất cả pháp tự tánh chẳng Không thì các Đại Bồ-tát làm sao chứng đắc trí nhất thiết trí, vì tất cả pháp tự tánh đều Không. Vì vậy, Đại Bồ-tát nhất định chứng đắc trí nhất thiết trí. Cũng như ông đã nói: Nếu tất cả pháp tự tánh đều Không thì chúng Đại Bồ-tát làm sao học tất cả pháp, nói rộng cho đến đây là pháp Bồ-tát, pháp chư Phật.

Thiện Hiện nên biết! Các hữu tình nào biết tất cả pháp tự tánh đều không thì các Đại Bồ-tát không cần học tất cả pháp, cũng không cần chứng trí nhất thiết trí và vì các hữu tình mà giảng thuyết, khai thị làm gì. Bởi vì các hữu tình không biết các pháp tự tánh đều Không, nên Đại Bồ-tát nhất định phải học tất cả pháp và phải chứng được trí nhất thiết trí, vì các hữu tình mà giảng thuyết khai thị.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát khi mới tu học, đối với Bồ-tát đạo nên quán sát kỹ các pháp tự tánh đều bất khả đắc, chỉ có hư dối phân biệt tạo ra. Chúng ta quán sát các pháp tự tánh đều hoàn toàn không, không nên ở trong ấy sanh chấp thủ. Nghĩa là không nên chấp thủ sắc, cũng không nên chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến không nên chấp thủ tất cả hạnh Đại Bồ-tát, cũng không nên chấp thủ quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật.

Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh đều Không, tánh Không chẳng nên chấp trước. Trong Không của tánh Không còn bất khả đắc, huống là tánh Không làm sao chấp trước cái Không được.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát khi quán sát tất cả pháp như vậy, đối với các pháp tánh, tuy không chấp trước nhưng đối với các pháp thường siêng năng tu học, chưa từng nhàm chán.

Đại Bồ-tát này an trụ trong đây, tu học quán sát tâm hành của các hữu tình sai khác. Nghĩa là quán sát tâm hành của các hữu tình này ở chỗ nào, đã quán sát rồi, như thật biết rõ tâm của chúng chỉ hành nơi hư vọng, phân biệt, chấp trước.

Bấy giờ, Bồ-tát suy nghĩ: Tâm hành này đã hành chỗ hư vọng, phân biệt, chấp trước. Ta độ chúng giải thoát, nhất định không khó. Đại Bồ-tát này nghĩ rồi an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo dạy bảo giáo giới các hữu tình: “Nay các ngươi nên xa lìa chỗ hư vọng, phân biệt, chấp trước, đạt đến chánh pháp, tu các hạnh lành.

Lại nói: “Nay các ngươi nên hành bố thí, sẽ được tài sản đầy đủ, nhưng đừng ỷ lại, sanh tâm kiêu mạn, buông lung. Vì sao? Vì trong đây đều không chắc thật. Nay các ngươi nên hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa sẽ được các thứ công đức đầy đủ, nhưng đừng ỷ lại, sanh tâm kiêu mạn, buông lung.

Vì sao? Vì trong đây đều không chắc thật. Nói rộng cho đến ngày nay các ngươi nên hành quả Dự lưu cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề và vô lượng vô biên các Phật pháp khác, nhưng đừng ỷ lại, sanh tâm kiêu mạn, buông lung. Vì sao? Vì trong đây đều không chắc thật.”

Đại Bồ-tát này khi an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo dạy bảo giáo giới các hữu tình hành Bồ-tát đạo, tâm không còn chấp trước. Vì sao? Vì tất cả pháp tánh không nên chấp trước, hoặc mình chấp, hoặc đối tượng để chấp đều vô tự tánh. Vì tất cả pháp tự tánh đều Không.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bồ-tát đạo, đối với tất cả pháp đều không chỗ trụ. Đem không chỗ trụ mà làm phương tiện, tuy hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhưng ở nơi ấy đều không chỗ trụ. Nói rộng cho đến tuy hành hạnh Đại Bồ-tát, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật và vô lượng vô biên các Phật pháp khác, nhưng ở nơi ấy đều không chỗ trụ.

Vì sao? Vì tự tánh như thế, người hành, tướng được hành, tất cả đều Không, nên ở trong ấy đều không chỗ trụ.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát tuy có thể chứng đắc quả Dự lưu, nói rộng cho đến Độc giác Bồ-đề, nhưng đối với nơi ấy không muốn chứng trụ. Vì sao? Vì có hai lý do, hai lý do đó là: Một là quả kia đều không tự tánh, người trụ, chỗ trụ đều bất khả đắc; hai là đối với chỗ trụ không sanh vui mừng, không cho là đủ.

Vì vậy, ở trong ấy không muốn chứng trụ. Nghĩa là chúng Đại Bồ-tát thường suy nghĩ: Ta nhất định phải chứng đắc quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề, không thể không được, nhưng ở trong ấy không nên chứng trụ. Vì sao? Vì ta từ lúc mới phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đến nay, trong thời gian ấy không có lúc nào sanh ý tưởng khác, chỉ một lòng cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng ta nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không thể nửa chừng an trụ trong các quả.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát này từ lúc mới phát tâm cho đến khi nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát không có ý tưởng nào khác, chỉ cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát này từ khi nhập sơ địa cho đến thập địa không ý tưởng nào khác, chỉ cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát này chuyên tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không có lúc nào sanh tâm tán loạn. Nếu có sanh khởi ác nghiệp nơi thân, khẩu, ý đều cùng tương ưng với tâm Bồ-đề.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát này trụ tâm Bồ-đề, phát sanh Bồ-đề đạo, không bị các việc khác làm rối loạn nơi tâm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp hoàn toàn không sanh thì làm sao chúng Đại Bồ-tát phát sanh Bồ-đề đạo?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả pháp đều không sanh, ở đây tại sao còn hỏi về sự không tạo tác và sự không hướng đến, nên biết tất cả pháp đều không sanh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phải chư Phật xuất hiện ra đời, hoặc không xuất hiện ra đời thì pháp tánh, pháp giới các pháp vẫn thường trụ không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Nhưng các hữu tình không hiểu rõ được pháp tánh các pháp là thường trụ, nên luân hồi sanh tử, chịu các khổ não. Các Đại Bồ-tát vì làm lợi ích cho hữu tình nên phát sanh Bồ-đề đạo. Nhờ Bồ-đề đạo làm cho hữu tình giải thoát hoàn toàn các khổ sanh tử, chứng được Niết-bàn thanh tịnh an vui.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát nhờ dùng đạo phát sanh để được Bồ-đề phải không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Không phải.

- Bạch Thế Tôn! Nhờ dùng đạo không phát sanh để được Bồ-đề phải không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Không phải.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nhờ dùng đạo sanh không sanh để được Bồ-đề?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Không phải.

- Bạch Thế Tôn! Nhờ dùng đạo chẳng phải sanh chẳng phải không sanh để được Bồ-đề phải không?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Không phải.

Cụ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì Đại Bồ-tát làm thế nào để chứng được Bồ-đề?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Bồ-đề không do đạo hay chẳng phải đạo mà đắc. Vì sao? Vì Bồ-đề tức là đạo, đạo tức là Bồ-đề. Vì vậy, không do đạo hay chẳng phải đạo mà đắc.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-đề tức là đạo, đạo tức là Bồ-đề thì Đại Bồ-tát đã đạt được Bồ-đề đạo, không thể không đạt được. Nếu vậy, lý do nào Thế Tôn lại vì các Bồ-tát nói mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp và vô lượng vô biên các Phật pháp khác, làm cho họ tu chứng?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào? Ông có nói là Phật đạt Bồ-đề không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không có. Vì sao? Vì Phật tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức là Phật, nên không nói là Phật đạt Bồ-đề.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Nhưng ông đã hỏi: Đại Bồ-tát đã đạt được Bồ-đề đạo, không thể không đạt được.

Thiện Hiện nên biết! Các đại Bồ-đề tu đạo Bồ-đề chưa được viên mãn, làm sao nói đạt được Bồ-đề?

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát nào đã viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng và vô lượng vô biên các Phật pháp khác. Từ đây không gián đoạn, dùng định Kim cang dụ trong một sát-na tương ưng với Bát-nhã, đoạn trừ vĩnh viễn tất cả sự tương tục tập khí của hai tướng thô trọng là phiền não chướng và sở tri chướng, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cho đến Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, đối với tất cả pháp được đại tự tại.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nghiêm tịnh cõi Phật là như thế nào?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi rốt ráo, thường tự thanh tịnh ba nghiệp thô trọng thân, ngữ, ý; cũng làm cho người khác thanh tịnh ba nghiệp thô trọng thân, ngữ, ý mới có thể nghiêm tịnh cõi Phật đang ở.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát thường tự thanh tịnh ba nghiệp thô trọng thân, ngữ, ý là như thế nào?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu sát hại sanh mạng, lấy của không cho, làm việc tà hạnh, ba việc bất thiện này gọi là thân nghiệp thô trọng của Bồ-tát. Hoặc nói lời dối trá, lời chia rẻ, lời thô tục, lời tạp uế, bốn điều bất thiện này gọi là ngữ nghiệp thô trọng của Bồ-tát. Hoặc tham dục, sân giận, tà kiến, ba điều bất thiện này gọi là ý nghiệp thô trọng của Bồ-tát.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào còn xan tham, phá giới, sân giận, giải đãi, tán loạn, ác tuệ, cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào mà giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn đều không được thanh tịnh cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào xa lìa bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo. Nói rộng cho đến xa lìa tất cả hạnh Đại Bồ-tát, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào tham đắm quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề cũng gọi là thô trọng.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào tưởng sắc uẩn cho đến thức uẩn cũng gọi là thô trọng. Nói rộng cho đến tưởng tất cả hạnh đại Bồ-đề và tưởng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng gọi là thô trọng. Tưởng phàm phu, tưởng Thanh văn, tưởng Độc giác, tưởng Bồ-tát, tưởng Như Lai cũng gọi là thô trọng. Tưởng địa ngục, tưởng bàng sanh, tưởng ngạ quỉ, tưởng người, tưởng trời, tưởng nam, tưởng nữ cũng gọi là thô trọng. Tưởng cõi Dục, tưởng cõi Sắc, tưởng cõi Vô sắc cũng gọi là thô trọng. Tưởng thiện, tưởng phi thiện, tưởng hữu lậu, tưởng vô lậu, tưởng thế gian, tưởng xuất thế gian, tưởng hữu vi, vô vi cũng gọi là thô trọng.

Thiện Hiện nên biết! Như vậy, vô lượng, vô biên các sự chấp trước của các pháp và các hữu tình hư vọng, phân biệt cùng chỗ phát sanh, các nghiệp thân, ngữ, ý và những loại hữu tình không có thể tánh kham chịu đều gọi là thô trọng. Các Đại Bồ-tát đối với thô trọng này đều nên xa lìa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa sự thô trọng đã nói ở trên, tự mình hành bố thí Ba-la-mật-đa, cũng khuyên người khác hành bố thí Ba-la-mật-đa. Nên các hữu tình cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần vật dụng cho vật dụng, tùy nơi, tùy lúc, tùy vật dùng đều bố thí cho họ. Như tự mình đã hành các pháp bố thí, khuyên người khác cũng hành như vậy. Bố thí như thế rồi, đem căn lành này bình đẳng cho các hữu tình đều cùng hồi hướng nghiêm tịnh cõi Phật đang ở, làm cho mau được viên mãn, lợi ích an vui cho hữu tình. Đại Bồ-tát này tự mình hành tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng khuyên người khác thực hành tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Làm việc này rồi, đem căn lành này bình đẳng cho các hữu tình đều cùng hồi hướng nghiêm tịnh cõi Phật đang ở, làm cho mau được viên mãn, lợi ích an vui cho hữu tình.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào dùng sức thần thông, hoằng nguyện chứa đầy bảy báu thượng diệu khắp tam thiên đại thiên thế giới, cúng dường Phật, Pháp, Tăng và tháp của Phật. Cúng rồi, vui mừng phát thệ nguyện rộng: “Tôi đem căn lành như thế này bình đẳng cho các hữu tình đều cùng hồi hướng nghiêm tịnh cõi Phật đang ở, làm cho thế giới tôi cũng được trang nghiêm bằng bảy báu, tất cả hữu tình tùy ý thọ dụng các thứ ngọc báu mà không tham đắm.”

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào dùng sức thần thông, thệ nguyện trổi vô lượng âm nhạc vi diệu trong cõi trời, người cúng dường Tam bảo và tháp Phật; cúng dường rồi vui mừng phát thệ nguyện rộng lớn: “Tôi đem căn lành như thế này bình đẳng cho các hữu tình đều cùng hồi hướng nghiêm tịnh cõi Phật đang ở, làm cho quốc độ của tôi thường được trổi các thứ âm nhạc vi diệu như thế. Hữu tình khác được nghe, thân tâm vui vẻ nhưng không tham đắm.”

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào dùng sức thần thông, thệ nguyện chứa đầy các thứ phẩm vật, hương hoa tươi đẹp ở cõi trời người khắp tam thiên đại thiên thế giới cúng dường Tam bảo và tháp Phật. Cúng dường rồi vui mừng pháp nguyện rộng lớn: “Tôi đem căn lành như thế này bình đẳng cho các hữu tình đều cùng hồi hướng nghiêm tịnh cõi Phật đang ở và cũng làm cho cõi tôi thường có các thứ hương hoa tươi đẹp như thế, làm cho hữu tình khác thọ dụng, thâm tâm vui mừng nhưng không tham đắm.”

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào dùng sức thần thông, thệ nguyện sắm sửa trăm vị thức ăn nước uống thượng hạng cúng dường chư Phật, Độc giác, Thanh văn và chúng Đại Bồ-tát. Cúng dường rồi vui mừng phát nguyện rộng lớn: “Tôi đem căn lành như thế này bình đẳng cho các hữu tình đều cùng hồi hướng nghiêm tịnh cõi Phật đang ở. Khi tôi được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề sẽ độ các loài hữu tình trong nước tôi cũng đều được trăm vị thức ăn nước uống như vậy, thân tâm vui mừng nhưng không tham đắm.”

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào dùng sức thần thông, thệ nguyện sắm sửa các thứ hương bột thơm đẹp, y phục mềm dịu ở cõi trời, cõi người dâng cúng chư Phật, Độc giác, Thanh văn và chúng Đại Bồ-tát, hoặc thí pháp và tháp Phật. Cúng dường rồi vui mừng phát nguyện rộng lớn: “Tôi đem căn lành như thế này bình đẳng cho các hữu tình đều cùng hồi hướng nghiêm tịnh cõi Phật đang ở. Khi tôi được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề sẽ độ các loài hữu tình trong nước tôi thường được y phục, hương bột như thế tùy ý thọ dụng nhưng không tham đắm.”

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào dùng sức thần thông, thệ nguyện sắm sửa các món trang nghiêm, tùy ý sanh ra năm thứ dục lạc vi diệu trong cảnh giới trời, người dâng cúng dường chư Phật và tháp Phật, Độc giác, Thanh văn và chúng Đại Bồ-tát và các hữu tình. Cúng rồi vui mừng phát nguyện rộng lớn: “Tôi đem căn lành như thế này bình đẳng cho các hữu tình đều cùng hồi hướng nghiêm tịnh cõi Phật đang ở. Khi tôi được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề sẽ độ các loài hữu tình trong nước tôi tùy tâm ưa thích các cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc thượng diệu, vừa nghĩ liền có hiện đến, vui mừng thọ dụng nhưng không tham đắm.”

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dõng mãnh, chánh cần phát hoằng thệ nguyện, tự mình trụ pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không; cũng khuyên người khác trụ vào nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Nói rộng cho đến tự mình tu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng khuyên người khác tu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Làm việc này rồi, phát thệ nguyện: “Khi tôi chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề sẽ độ các loài hữu tình trong nước tôi thường không xa lìa các thứ công đức như thế.”

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nhờ hành hạnh nguyện này nên có thể nghiêm tịnh cõi Phật đang ở.

Thiện Hiện nên biết! Chúng Đại Bồ-tát này tùy theo thời gian hành Bồ-đề đạo được bao nhiêu, thì được viên mãn phát sanh hạnh nguyện tinh tấn tu học bấy nhiêu. Nhờ nhân duyên này nên tự mình được thành tựu tất cả thiện pháp, cũng có thể làm cho người khác tuần tự thành tựu tất cả thiện pháp. Tự mình có thể tu được tướng hảo thù thắng để trang nghiêm thân, cũng giúp cho người khác được tuần tự tu tướng hảo thù thắng để trang nghiêm thân. Vì nhờ phước đức rộng lớn giúp đỡ hộ trì.

Thiện Hiện nên biết! Hạnh nguyện tu hành của chúng Đại Bồ-tát này được viên mãn rồi, đều làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật chỗ mình đang ở. Khi Bồ-tát chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, các loài hữu tình đã được giáo hóa cũng được sanh vào cõi ấy, cùng hưởng pháp lạc Đại thừa và sanh vào cõi tịnh độ.

Xem mục lục