Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Lama Tsongkhapa có lần đã viết(1) :

Để du hành đến Phật tánh viên mãn

Có hai thừa của Đại thừa :

Bát Nhã ba la mật và Kim Cương thừa sâu xa.

Trong hai cái, cái sau vượt trội lớn lao hơn cái trước ;

Cũng giống như mặt trời và mặt trăng.

Có nhiều người biết được điều này

Và làm ra vẻ ôm mang truyền thống của những bậc thánh

Tuy nhiên họ chẳng tìm cầu sự hiểu biết về Kim Cương thừa sâu xa.

Nếu họ thông thái, thì ai là kẻ dại khờ hơn ?

Gặp được di sản hiếm có và vô song này

Và lại không biết gì về nó :

Thật là lạ lùng làm sao !

Cuốn Một hướng dẫn vào Tantra Phật giáo của Dalai Lama thứ Mười Ba có nhận xét như sau về tu hành Mật thừa :

Kim Cương thừa là để thực hành trong sự ẩn mật và không được phát lộ cho người tâm linh chưa trưởng thành. Thế nên, nó được gọi là con đường bí mật.

Đó là một phương pháp đặc biệt để bảo vệ tâm thức khỏi các bản năng vi tế của ba sự biểu hiện, trong đó người ta thiền định trong hình thức của giai đoạn thành tựu.

Thế có nghĩa là trong Kim Cương thừa người ta nhận thức mình và tất cả các người khác đều chia xẻ bốn phẩm tính thanh tịnh của một vị Phật đã thành tựu hoàn toàn : thân, khẩu, ý và hành động đến hoàn hảo. Bởi thế, nó cũng được gọi là Thừa ‘quả’.

Trên con đường này, người ta áp dụng những yoga trong đó phương tiện và trí huệ đều bất nhị để thành tựu những kết quả siêu việt của thần chú bí mật. Như thế, nó cũng được biết như là ‘con đường của mật chú’.

Đó là bản chất của Kim Cương thừa mật truyền, nó đem lại giác ngộ nhanh chóng và dễ dàng.

Sự cần thiết phải bổ túc vào thiền định Giáo thừa bằng các kỹ thuật Mật thừa được Dalai Lama thứ Ba nhấn mạnh trong phần kết luận của luận Lam Rim Tinh chất của vàng ròng :

Đây là các thực hành cả kinh giáo và tantra cùng chia xẻ. Một khi bạn đã đạt được những kinh nghiệm vững chắc trong đó, bạn sẽ vứt bỏ mối ngại ngùng và đi vào con đường thần chú bí mật, Kim Cương thừa vĩ đại. Cửa vào con đường bí mật này là một sự nhập môn phù hợp do một vị thầy tantra có đủ tư cách trao truyền để làm chín muồi dòng tâm thức. Trong buổi lễ nhập môn, người ta thệ nguyện tiến hành các pháp môn và không làm các hành động trái với sự thành tựu tantric, và các điều ấy phải được tôn trọng. Nếu bạn được nhập môn vào cái gì trong ba tantra bậc thấp – kriya, charya hay yoga – bạn sẽ thực hành các hệ thống ‘yoga với hình tướng’ và ‘yoga không hình tướng’ của chúng. Nếu bạn được nhập môn vào phần tantra tối thượng – maha anuttara yoga tantra – trước tiên bạn phải thành thạo các thực hành của giai đoạn phát triển và rồi các thực hành của giai đoạn thành tựu.

Hầu hết các chú giải Tây Tạng về các giai đoạn của tu hành tantric đồng ý rằng không có sự khác biệt nào giữa Giáo thừa công truyền và Kim Cương thừa bí truyền về Phật tánh là mục đích đạt đến, về thái độ Bồ tát được dùng như yếu tố động lực căn bản, hay về bản chất của sự thấy tánh Không, thực tại rốt ráo kinh nghiệm được. Trong các mặt này, các từ cao, thấp không được áp dụng.

Tuy nhiên, Kim Cương thừa được xem là giáo huấn tối cao được đức Phật trao truyền.

Cuốn Một hướng dẫn vào Tantra Phật giáo của Dalai Lama thứ Mười Ba kê ra bốn điều Kim Cương thừa hơn Giáo thừa :

a) Cách thức để phát khởi kinh nghiệm về tánh Không của nó được thực hiện bởi các phương tiện vô song khiến cho trí huệ về sự biệt lập của tâm tương tự được xuất hiện qua sự làm việc với các năng lực thô và tế của thân thể và làm cho chúng chảy vào, an trụ và tan ra ở trong kinh nghiệm trung ương. Như thế phương pháp Kim Cương thừa để trau dồi cái thấy tánh Không là không phải giả tạo.

b) Nó còn có một nguồn tích trữ lớn các phương pháp, như sự thiền định về hình tướng chất thể (causal form), nó tương hợp với bản chất của sắc thân (rupa kaya) cần đạt đến.

c) Con đường của nó được thành tựu nhanh chóng mà không khó khăn. Trong Thừa của các ba la mật, phải nhiều đời cố gắng mãnh liệt để đạt đến trạng thái giác ngộ, trong khi trên đường Kim Cương thừa, giác ngộ viên mãn dễ dàng thành tựu trong một đời này.

d) Cuối cùng, nó đặc biệt hợp thời cho những người có khả năng bén nhạy, họ có thể tiến bộ nhanh trên đường tu hành.

Như thế, ở đây bốn tính cách lớn của thực hành tantra được kể ra : nó chứa đựng những kỹ thuật cao cấp để làm phát sanh sự quán thấy tánh Không ; nó có những phương pháp quý giá, như là làm việc với một thân thể sắc chất của một vị Phật được sự sản xuất cao cấp sinh ra ; nó sản sinh sự thành tựu nhanh chóng ; và nó được tu hành bởi những người có khả năng cao cấp.

Trong bốn cái trên, điều quan trọng nhất nhìn từ quan điểm thực hành thiền định chắc chắn là tính cách thứ nhất, vì nó là những yoga đặc biệt để lọc sạch các năng lực thân thể chúng nâng đỡ cho tâm thức, điều này làm nên tốc độ nhanh chóng của Kim Cương thừa. Chính là qua sự thanh lọc các năng lực trong thân thể, thiền giả có thể làm sanh khởi một tâm thức vi tế hơn. Rồi tâm thức này được sử dụng để thiền định về tánh Không.

Cũng nên chỉ ra rằng sự giải thích của Dalai Lama thứ Mười Ba về bốn loại tantra chủ yếu là dành cho yoga tantra tối thượng. Bốn tính cách này được giải thích khác nhau trong mỗi một thứ của bốn loại tantra. Thành ngữ ‘sự biệt lập của tâm tương tự’ được ngài đề cập là riêng biệt của văn chương yoga tantra tối thượng.

Trong ý nghĩa triết học và tôn giáo, tính cách thứ hai trong bốn tính cách trên có lẽ là cái quan trọng nhất : ý niệm về sự tạo ra một sắc thân rupakaya tương tự, hay là sắc thân của một vị Phật, chủ yếu qua năng lực thiền định.

Tôi không muốn đi sâu vào các phức tạp của giáo lý Đại thừa về các thân (kaya), hay các thân của một vị Phật. Ý niệm căn bản trong Giáo thừa là khi giác ngộ, sự tích tập năng lực công đức của chúng ta biến đổi thành Sắc thân (rupakaya), tức là hình tướng của một vị Phật, và sự tích tập trí huệ biến đổi thành Pháp thân (dharmakaya), tức là thân chân lý của một vị Phật. Cái sau là một thân trí huệ chủ yếu lợi lạc cho chính mình ; cái trước là khía cạnh dùng để biểu lộ khắp vũ trụ phù hợp với nhu cầu của chúng sanh.

Ở đây sự tích tập trí huệ để chỉ cái năng lực sanh ra do thiền định về trí huệ tánh Không. Sự tích tập công đức để chỉ năng lực đặc biệt sanh ra bởi mọi thực hành tâm linh khác, như là giữ giới, không đi vào mười bất thiện đạo (giết, trộm cướp, nói lời ác…) và ngược lại, trau dồi mười thiện đạo (cứu mạng, rộng lượng, nói lời từ ái…) ; thiền định về luật nhân quả, từ và bi, tâm hồn Bồ tát vân vân. Mọi nỗ lực tâm linh và thiền định, ngoại trừ phạm vi thực hành trí huệ, đều nằm trong sự tích tập công đức.

Kim Cương thừa có những phương pháp để làm rộng và thúc đẩy cả hai tiến trình tích tập ; nhưng các kỹ thuật của nó để tạo ra một thân thể sắc chất hầu như là độc nhất.(2)

Dalai Lama hiện tại đã thân mật bàn đến chủ đề này trong Trau dồi một thiền định hàng ngày. Khi được hỏi một câu liên quan đến những lợi lạc của thiền định tantric, ngài trả lời :

Lý do chính chúng ta muốn thành tựu Phật tánh là để giúp đỡ chúng sanh. Tính cách hiện thực của Phật để giúp đỡ và phụng sự tất cả chúng sanh là sắc thân, không phải là pháp thân. Thế nên khi các Bồ tát trau dồi nguyện vọng chân thực thành tựu giác ngộ, họ tập trung chủ yếu vào sự thành tựu sắc thân.

Để hoàn thành sắc thân thành tựu đó, người ta phải tích tập những nguyên nhân và điều kiện cần thiết theo luật nhân quả, luật này bao trùm tất cả hiện tượng vô thường, gồm cả trạng thái Phật tánh. Người ta phải thu góp một nguyên nhân thể chất cho cái sắc thân này, mà sự thực hành trí huệ không thể tạo thành được. Sự thành tựu sắc thân cũng giống như dấu ấn thành tựu của công đức được tích tập.

Dầu theo kinh giáo, các tu hành bố thí, trì giới… cũng có thể là những nguyên nhân cho sắc thân, nhưng chúng không thể là nguyên nhân thể chất cho nó. Yếu tố như một nguyên nhân thể chất, toàn vẹn giúp cho sắc thân là một yếu tố được thực hành trong tantra, là năng lực đặc biệt, các khí.

Mặt khác, trí huệ thấu hiểu tánh Không là một nguyên nhân thể chất cho sự thành tựu Pháp thân.

Bởi vì có hai loại thân thành tựu, nên cũng có hai nguyên nhân khác biệt. Nếu các năng lực vi tế của thân thể không được sanh khởi cùng với trí huệ, thì không thể có sự hòa hợp của phương tiện và trí huệ.

Thế nên người ta phải phát triển một loại tâm, dầu chỉ là một thực thể, cũng có phần của phương tiện và phần của trí huệ cho sự thực hiện sắc thân và sự thực hiện pháp thân tức chân tâm, viên mãn trong thực thể của một tâm.

Như Dalai Lama thứ Ba đã nói ở trước, Kim Cương thừa chia làm bốn phần tương ứng với bốn cấp bậc tantra : kriya, charya, yoga và yoga tantra tối thượng. Ba cái đầu được xem là ‘tantra cấp thấp’, và tu hành theo hai giai đoạn : yoga với hình tướng ; và yoga siêu vượt hình tướng. Yoga tantra tối thượng cũng được thực hành trong hai giai đoạn, chúng được gọi là giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu.

Như chúng ta sẽ thấy về sau, trong cả hai hệ thống tantra cấp thấp và cấp cao nhất, giai đoạn thứ nhất trong hai giai đoạn phần nhiều quan hệ với sự cầu gọi chính mình như vị hóa thần của mạn đà la, sự trì tụng thần chú và sự cử hành một vài lễ nghi (phần nhiều có tính pháp thuật). Giai đoạn thứ hai, gọi là ‘yoga siêu vượt hình tướng’ và ‘giai đoạn thành tựu’, ít dùng hình thức biểu tượng vũ trụ, mà nhắm vào các yếu tố bên trong hơn.

Bốn phạm trù tantra ở trên được Dalai Lama thứ Mười Ba diễn tả trong Một hướng dẫn vào Tantra Phật giáo :

Tính chất của Kim Cương thừa là bốn thứ, sự phân chia đặt ra theo bốn cấp bực của các tantra. Sự xếp thành bốn loại này tượng trưng cho bốn cấp bực đi vào sự tiếp thông thân thiết với người Nữ Trí Huệ huyền bí như là các phương tiện tựu thành con đường giác ngộ (nghĩa là liếc nhìn nhau, cười và sờ chạm, hôn và ôm chặt, và đi vào sự kết hợp tình dục).

Bốn loại tantra gọi là kriya, charya, yoga và yoga tantra tối thượng. Trong cái đầu, nhấn mạnh vào các lễ nghi bên ngoài, như tắm rửa và tẩy sạch thân thể. Tantra thứ hai có sự cân bằng giữa hành vi bên ngoài và yoga bên trong. Trong cái thứ ba, các yoga bên trong chiếm ưu thế hơn các hành vi bên ngoài. Cuối cùng, trong tantra thứ tư, sự nhấn mạnh luôn luôn là vào các yoga bên trong.

Sự khác nhau chủ yếu giữa ba loại tantra cấp thấp và yoga tantra tối thượng được Dalai Lama hiện tại chỉ ra trong Về sự nhập môn Kalachakra như sau :

Trong ba tantra cấp thấp, người ta làm sanh khởi một tâm thức thô hỗn hợp cả hai phương tiện và trí huệ, và rồi thiền định về tánh Không.

Những kỹ thuật yoga để đem các mức độ mãnh mẽ, vi tế của tâm thức vào tham gia thiền định sinh khởi từ sự không phân chia của phương tiện và trí huệ chỉ được tìm thấy trong các bản văn của yoga tantra tối thượng.(3)

Xem mục lục