Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

16. Quý Trọng Giờ Phút Trước Mắt

Rất nhiều người tu hành không thể nào thể nghiệm được, cũng không cách nào thực hành được lối sống “Sống trong giờ phút này.” Nguyên nhân là họ luôn luôn vướng mắc vào quá khứ hoặc tương lai, khiến cho cuộc sống của họ bị hỗn loạn.

Quá khứ hay tương lai đều không thể nắm bắt được. Giờ phút hiện tại mới thật trọng yếu, giờ phút này qua đi không biết là có giờ phút tiếp theo hay không. Theo quan niệm vô thường mà xét thì giờ phút này qua đi, rất có thể là không có giờ phút tiếp nữa. Chúng ta phải có một sự thể nghiệm sâu sắc thân thiết đối với lẽ vô thường thì mới có thể sống trong giờ phút này được.
Đại sư Nguyên Hiểu nói rằng: “Dù có gắng sức mấy, cũng không ngăn được một đóa hoa tàn tạ.” Lời nói ấy, giúp chúng ta thể nghiệm lẽ vô thường một cách sâu sắc hơn.

Sinh mạng chúng ta giống như hoa hồng. Mặc dù cố gắng hết sức, cũng không ngăn được sinh mạng tàn tạ. Rất dễ thể nghiệm sự tàn tạ của sinh mạng. Mấy năm gần đây, tôi cảm thấy rõ, thân thể không được như trước.

Ngày còn trẻ, tôi có thể thức liên tục 7 ngày 7 đêm không ngủ. Bây giờ, ba ngày đêm không ngủ chắc là chết mất, thân người ta không ngừng tàn tạ. Mỗi ngày, xem lại mình thấy già hơn hôm qua một chút, không biết mình còn sống được bao lâu nữa, thậm chí không biết có sống được ở giờ phút sau hay không. Vì không biết, cho nên phải trân trọng giờ phút hiện tại, phải sống trong giờ phút hiện tại.

Sống trong giờ phút hiện tại là như thế nào?

Phương pháp của Thiền Tông là một tâm một cảnh.

Rất nhiều người, trong khóa lễ cũng niệm Phật, đi đường cũng niệm Phật, ăn cơm cũng niệm Phật, thậm chí đi nhà xí cũng niệm Phật. Tôi muốn hỏi họ: Niệm Phật như vậy thì ăn cơm còn có thấy ngon không? Uống trà còn thấy có mùi vị gì không?

Người còn biết được mùi vị thì cảnh giới của họ cao siêu lắm rồi. Nhưng người bình thường thì không được. Bởi vì làm như vậy là một tâm mà có nhiều cảnh.

Vừa ăn cơm vừa niệm Phật, niệm tới mức “ăn không còn biết mùi vị thì đó là một tâm một cảnh rồi.” Nhưng đáng tiếc là người bình thường, vừa ăn cơm vừa niệm Phật, thì niệm Phật cũng không tốt mà ăn cơm cũng không ngon.

Đó là một tâm sanh ra nhiều cảnh; hay là một cảnh mà có hai tâm. Lên khóa lễ tại Phật đường, một mặt thì vái vái, một mặt thì lo nồi cơm khê. Đó là một cảnh giới mà có hai tâm, nếu một tâm mà có hai cảnh giới, hay một cảnh giới mà hai tâm thì vĩnh viễn không cách nào sống hết mình trong giờ phút hiện tại được. Khi ăn cơm không phải là không có thể niệm Phật, nhưng chỉ khi hòa mình được vào giờ phút đó của sinh mạng thì mới có thể hòa mình được vào giờ phút niệm Phật. Nếu ăn cơm mà không thưởng thức được mùi vị của cơm ăn thì làm thế nào thưởng thức được đạo vị của cõi Tịnh độ? Tịnh độ là rất vĩ đại rất là kỳ diệu, ăn cơm còn không thưởng thức được mùi vị, thì làm sao mà thưởng thức được mùi vị của Tịnh độ?

Nếu anh trước đây không biết âm nhạc, làm sao đến Tịnh độ, anh hiểu được âm nhạc của Tịnh độ?
Nếu anh không biết cái hoa ở thế giới này, thì đến cõi Tịnh độ mưa hoa đầy trời, làm sao anh thưởng thức được những đóa hoa bay trên cõi Trời Tịnh độ?

Nếu anh không thể nghiệm được sâu sắc tính thanh tịnh của cuộc sống, thì làm sao anh biết được có vãng sanh Tịnh độ hay không? Làm sao biết mình đang ở cõi Tịnh độ?

Suy nghĩ như vậy, đầu tôi như vãi mồ hôi ra.

Sự thể nghiệm giờ này, phút này, giây phút này rất là trọng yếu.

Từ đời nhà Tống đến nay, có nhiều vị Đại đức đề xướng việc người tu Tịnh độ nên kiêm tu Thiền, người tu Thiền nên kiêm tu Tịnh độ tức là kiêm cả tu Thiền và Tịnh, như vậy sẽ không đi sai lệch quỹ đạo, không chán bỏ thế giới này. Thiền Tông hết sức coi trọng cuộc sống hiện tại, theo quan điểm Thiền Tông thì căn bản “Không có thời điểm tương lai.”

Mỗi giây phút đều hết sức trọng yếu. Liên hợp các thời điểm lại thì đó là thời điểm tương lai, và mỗi thời điểm hiện tại tức là sự tích lũy của các thời điểm quá khứ. Nắm được ý nghĩa của giây phút hiện tại, thì mọi thời điểm quá khứ đều biến thành có ý nghĩa. Muốn cho “tương lai” có ý nghĩa thì cũng phải nắm bắt ý nghĩa của giây phút hiện tại.

Trong giây phút tôi vừa nói xong một câu ở đây thì giây phút đó đã trôi qua rồi.

Giây phút ngắn ngủi như tay xâu kim, chân tơ kẽ tóc, như ngọn gió thoảng... tất cả đều trôi qua. Các anh không thấy điều đó chăng? Nếu anh mà thấy được điều ấy thì tôi có thể khẳng định, mỗi lần anh ngồi niệm Phật, mỗi câu niệm Phật của anh sẽ được rất rõ ràng, rất trang nghiêm, không khác gì ở cõi Tịnh độ vậy.

Hãy sống thực trong giây phút này của cuộc sống!

Dù anh bao nhiêu tuổi, 5 tuổi hay 80 tuổi, hãy trân trọng giây phút này của cuộc sống? Bởi vì giây phút này mà trôi qua thì cũng không có gì đáng được nói nữa.

Có một lần, trong một quán cà phê, tôi gặp lại một cô bạn người yêu cũ trước đây đã từng bỏ tôi. Tôi cũng đã từng ôm mối hận đối với cô ta, nhiều năm trôi qua và bây giờ bất chợt gặp lại. Tôi nói: “Hãy cùng uống một tách cà phê đi” vừa uống cà phê, vừa nói chuyện tình xưa, cô ta nói: “Ngày trước khi tôi muốn từ bỏ anh mà anh nói một câu: Xin em đừng bỏ anh, thì tôi sẽ ở lại ngay.”

Tôi nói: “Vì sao, trước kia cô không nói. Bây giờ nói thì có ích gì nữa?” Câu chuyện này đã trải qua 20 năm rồi! Lúc bấy giờ, không nói, không làm. Thời gian qua rồi không còn gì để nói nữa.

Cuộc sống là như vậy. Anh thích một người này, muốn kết duyên, nhưng lúc bấy giờ, anh không biết tranh thủ để cho thời gian trôi qua, thế là anh sai lầm cả đời.

Có ngày tôi gặp lại một người bạn gái cũ. Cô ta nói: “Không ngờ hiện nay, anh sống tốt quá, nếu biết trước thì em đã lấy anh rồi.” Tôi nói: “Nếu ngày xưa cô lấy tôi thì chưa chắc hiện nay tôi được sống tốt như vậy.”

Đúng vậy, mỗi giây phút có sự chân thực của giây phút ấy, mỗi giây phút có thực tướng của giây phút ấy, mỗi giây phút đều có mặt “không” và “có” của giây phút ấy. Mỗi giây phút đều có đầy đủ không lẫn có. Giây phút này có đầy đủ cả thiện và ác, giây phút này có đầy đủ tất cả. Vì vậy mà Đại sư Hoằng Nhất, khi tịch có lưu lại bốn chữ: “Bi Hân Giao Tập.” Nghĩa là buồn vui giao xen, nếu anh thấy được giây phút rất chân thực này, thì anh sẽ thấy được sự giao xen của vui buồn trong mỗi giây phút

Điều đáng tiếc là rất nhiều người học Phật lại học đến nỗi thành ra đau khổ, bị ràng buộc, không tự tại, nguyên nhân là ở chỗ không biết sống trong giây phút hiện tại, không sống trong hiện tại, không nhìn được dưới chân mình. Vì rằng, không nhìn được dưới chân mình, cho nên chỉ sống trong quá khứ hay trong vị lai.

17. So Sánh Với Giây Phút Trước Đây

Nhớ lại thức ăn đầy đủ của ngày hôm qua không có giúp gì cho cơn đói ngày hôm nay. Hôm nay ăn rất no, cũng không giúp gì được cho cơn đói ngày hôm sau. Giờ phút nào cũng có tình trạng của giờ phút đó. Tình trạng của các giờ phút khác nhau đều không giống nhau.

Có thể nghiệm như vậy mới không chấp trước vào giờ phút trước cũng như giờ phút sau. Mà muốn không có chấp trước vào giờ phút trước cũng như giờ phút sau, thì đừng có chiếm hữu gì, mong cầu gì.

Chúng ta học Phật cũng đừng có hy vọng được gì, ngoài hy vọng không ngừng khai phát con người chân chính của chúng ta mà thôi.

Thường có người đến so sánh “công phu” với tôi, nói là tôi rất có danh tiếng, tôi phải là người tu hành rất tốt. Hỏi tôi: Xin hỏi ông tu hành được bao nhiêu quả?

Và nói tiếp một cách rất nghiêm túc rằng ông đã tu hành chứng được tam quả.

Tôi trả lời là tôi tu hành chưa chứng được quả nào hết. Chỉ được mỗi ngày ăn quả dưa, ngon và bổ, có vị đạo. Đó là cái mà đạo Phật gọi là vô sở đắc. Nếu trong lòng cứ nghĩ tu được “bao nhiêu quả”, thì đời sống sẽ là một gánh nặng, có chỗ không thông.

Xin đừng có nghĩ anh tu được “bao nhiêu quả”, mà hãy nghĩ tới giờ phút này của anh, so với giờ phút trước có được Trí tuệ hơn, nhận thức của anh về “không tánh”được tốt hơn, giờ phút này so với giờ phút trước, anh sống Từ bi hơn, sống hoàn thiện hơn.

Và cứ như vậy tiến lên, thì sẽ có ngày đạt tới cảnh giới Từ bi, Trí tuệ toàn diện và tự tại.

Đừng có nên một mặt tu hành, một mặt cứ nghĩ là mình đã đạt tới trình độ nào rồi? Nếu ngày nào cũng nghĩ tới vấn đề đó, thì lấy thì giờ đâu mà tu hành?

Hãy sống tốt đẹp từng giờ phút, hãy sống tốt đẹp từng ngày, hãy sống một cuộc sống tốt đẹp. Nếu trong khi anh niệm Phật, lễ Phật mà con anh khóc, gọi mẹ, thì xin anh hãy tạm thời nghỉ niệm Phật và đến với con anh, vì giờ phút này, con anh đang cần tới anh, còn giờ phút này, Phật không nhất định là cần tới anh, Phật không cần gì hết. Phật và Bồ tát là không có sở đắc gì hết, không cần gì.

Có câu chuyện hài hước kể một người đi qua sa mạc, đi giữa đường vừa mệt, vừa đói khát. Anh ta cầu nguyện Bồ tát đến cứu. Trên đường anh gặp một cây đèn Thần, cầm lên xoa xoa. Quả nhiên một người khổng lồ hiện ra, nói: “Tôi là đầy tớ của ông đây, xin ông có gì dạy bảo?”

Anh nói: “Tôi đang rất khát đây, hãy đem cho tôi một bát nước.” Người khổng lồ trả lời: “Tôi ở đây không có nước.”

Anh nói: “Hãy đem cho tôi một bộ quần áo, vì tôi rất rét.” Người khổng lồ trả lời: “Ở đây tôi không có quần áo.”

Anh nói: “Hãy cho tôi một bát cơm.”

Trả lời: “Ở đây, không có cơm”

Anh nói: “Hãy đem cho tôi một quả dưa.”

Trả lời: “Ở đây không có quả dưa.”

Cuối cùng, anh ta hỏi: “Vậy thì nhà ngươi có thể cho ta cái gì nào?”

Trả lời: “Tôi có thể cho ông Phật pháp.”

Nghe nói, người lữ hành ngã bất tỉnh trên sa mạc.

Phật pháp là gì? Khi người khác khát, hãy cho họ uống nước. Đó là Phật pháp. Khi người khác đói, anh cho người ta ăn cơm. Đó là Phật pháp. Cho mãi mãi mà không yêu cầu gì, đó là Phật pháp chân thực nhất.

18. Cuộc Sống Tốt Đẹp Nhất Là ở Đời Này, Thế Gian Này

Phật pháp không tách rời cuộc sống, cũng không tách rời cuộc sống hiện tại, thế gian hiện nay.
Trong những lời giáo hóa ban đầu của Phật Thích Ca, có bốn câu rất quan trọng, gọi là bốn gia hạnh: Sanh mạng vô thường, thân người khó được, nhân quả là chân lý, luân hồi là khổ.
Điều đáng ghi nhớ hàng đầu là vô thường.

Đời sống con người là vô thường, cho nên phải trân trọng giờ phút này.

Thứ hai là hãy nhớ: Thân người là khó được.

Đời này, thế gian này là cuộc sống tốt đẹp nhất.

Thân này, không được độ trong cuộc sống này, thì còn chờ cuộc sống nào khác?

Suy nghĩ như vầy chúng ta sẽ khẳng định giá trị của thân này của chúng ta, khẳng định cuộc sống của chúng ta tại thế gian này, khẳng định cuộc sống hiện nay và thế gian hiện nay của chúng ta.

Nếu chúng ta biết trân trọng thân người, cuộc sống của con người, thì chúng ta sẽ biết trân trọng cõi Tịnh độ, trân trọng mỗi một chúng sanh.

Nếu ngay đời này, thế gian này mà không biết trân trọng, thì tất cả Phật pháp sẽ biến thành hư vọng, sẽ không có chỗ nào đặt vững chân nữa.

Ngày nào cũng kiểm nghiệm, thân, lời nói và ý nghĩ. Tháng nào cũng kiểm nghiệm thân, lời nói và ý nghĩ như vậy. Cả năm cũng kiểm nghiệm thân, lời nói và ý nghĩ như vậy.

Trong cuộc sống này, thế gian này không ngừng kiểm nghiệm thân, lời nói và ý nghĩ như vậy. Đời này qua đời khác, cũng đều kiểm nghiệm thân, lời nói và ý nghĩ như vậy, thì đó là sự tu hành căn bổn nhất, trân trọng nhất.

Xem mục lục