Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

1. Đừng Để Cho Phật Giáo Biến Thành Hình Thức

Gần đây, tôi có đi thăm Thái Lan, để quan sát sự khác biệt giữa Phật giáo Tiểu thừa mà nhân dân Thái Lan tín ngưỡng và Phật giáo Đại thừa.

Pháp luật Thái Lan quy định mọi người đàn ông đều phải xuất gia, cũng như ở Đài Loan quy định người đàn ông nào cũng phải phục vụ trong quân đội. Đàn ông Thái không xuất gia cũng như đàn ông ở Đài Loan chưa phục vụ trong quân ngũ, và sẽ bị xã hội coi khinh. Chỉ có điều khác với Đài Loan là, đàn ông Thái có thể phân chia thời gian để hoàn thành nghĩa vụ xuất gia của mình: Thí dụ, một năm xuất gia một tháng, sau sáu năm thì hoàn thành nghĩa vụ xuất gia.
Việc nhà nước quy định xuất gia, tạo thành hậu quả nghiêm trọng, là thái độ của nhân dân đối với Phật giáo bị phân hóa thành hai cực: Đối với người hoan hỷ xuất gia thì đó là con đường tiến tới giác ngộ (Bồ đề). Nhưng đối với những người không muốn xuất gia, thì sinh ra một phản cảm đối với Phật giáo. Đó là vấn đề mà tôi trực tiếp quan sát được.

Còn có một hiện tượng khác nữa, là ở Thái Lan cũng như ở các nước khác theo Phật giáo Tiểu thừa, nhân dân chỉ tin Phật và đệ tử Phật, về căn bản họ không tin Bồ tát.

Vì không tin Bồ tát cho nên cho rằng, Cư sĩ không thể tu hành và nữ Cư sĩ còn bị coi khinh nữa. Địa vị nữ Cư sĩ trong xã hội Thái Lan rất thấp kém. Nếu chúng ta cử bà Pháp sư Chứng Nghiệm ở Đài Loan qua Thái Lan thuyết pháp, thì nhân dân Thái sẽ không biết đến bà, mặc dù ở Đài Loan bà Chứng Nghiệm được mọi người tôn trọng là vĩ đại, tuyệt vời. Bởi vì, nhân dân Thái không tin là phụ nữ có thể thành đạo. Trong quan niệm của người Thái Lan, không có người đàn bà tu hành. Đàn ông mà không xuất gia cũng không thể tu hành. Nếu so sánh thì nam Cư sĩ cũng như nữ Cư sĩ ở Đài Loan thực là rất hạnh phúc.

Ngoài ra, một điều nữa làm tôi cảm xúc sâu sắc là sự tôn kính của nhân dân Thái đối với Phật giáo và người xuất gia. Ở Đài Loan không được như thế. Trước cửa các chùa lớn ở Thái Lan, đều có cắm biển ghi kiến trúc đó là chùa. Mọi người đều biết tôn trọng chùa. Các loại xe qua lại đều giảm tốc độ. Một cảnh tượng lý thú là có những chiếc xe hơi đang chạy với tốc độ cao, đến ngang chùa đều hãm chậm lại, vì không dám xâm phạm phong cảnh yên tĩnh của chùa.

Thị trưởng Băng Cốc sở dĩ đắc cử là vì có quan hệ tới Phật giáo. Khi ông còn nhỏ và xuất gia ở chùa, ông đã tỏ ra là người tu hành nghiêm túc và xuất sắc. Nhờ tiếng tăm đó nên sau này ứng cử thị trưởng, ông được đa số nhân dân bầu. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng lớn của Phật giáo ở xứ Thái. Một người đối với đạo Phật càng tín ngưỡng thuần thành bao nhiêu thì nhân dân càng tín nhiệm người ấy bấy nhiêu.

Tuy rằng, ở xứ Thái, mọi người đều tín ngưỡng Phật giáo, nhưng trên sự thực, lại có rất ít người hiểu Phật giáo. Cũng tức là nói, trên phương diện: Tín, giải, hành, chứng, đại đa số dân chúng đều dừng ở giai đoạn tín mà thôi. Đến nỗi, Phật giáo ở Thái Lan, cuối cùng biến thành một thứ Phật giáo hình thức. Đó thực là đáng tiếc! Điều này làm tôi cảm nhận rằng, các Tổ sư Trung Hoa ngày xưa của chúng ta thật vô cùng Từ bi, dạy dỗ chúng ta phải đi con đường trung đạo, không được một chiều, không được cực đoan.

Kinh nghiệm Thái Lan cho tôi một nhận thức quan trọng: Nếu Tôn giáo bị biến thành một quy định có tính cưỡng bức trong sinh hoạt, thì sẽ có thể khiến cuộc sống có một biến chất lớn. Tôi cho rằng, nếu Tôn giáo không hòa nhập vào sinh hoạt, mà là một thứ quy định thì nó sẽ là một tai họa đối với sinh hoạt.

Đó là tình hình xảy ra ở xứ Thái Lan và các nước khác tin theo Phật giáo Tiểu thừa: xã hội phân thành hai cực. Một bộ phận nhân dân tin tưởng thuần thành ở đạo Phật, và có bản tính hết sức ôn hòa, lương thiện. Một bộ phận khác thì không có việ c gì không dám làm. Một người bạn Thái nói với tôi rằng, nước Thái có một số đặc sản như thế này: một là chùa chiền, hai là Tăng sĩ, ba là gái mãi dâm, bốn là người yêu quái. Cứ thử tưởng tượng xem: Tăng sĩ đầy đường nhưng gái mãi dâm cũng đầy đường. Đó là một xã hội cắt làm đôi rõ rệt. Cũng có người nói với tôi ở Thái Lan, có thể tìm một người giết thuê, chỉ cần 1000 đồng bạc Thái là xong ngay. (Một đồng bạc Thái giá trị tương đương với 1 đồng Đài Loan) Bỏ ra 1000 đồng là có thể giết một mạng người! Mà ớ Thái Lan, một người cầm 1000 đồng đi giết thuê có thể là một tín đồ Phật giáo, đã từng là Tăng sĩ. Nghe ra phát sợ và không có đạo vị chút nào? Chỉ có đau lòng mà thôi.

Vì vậy tôi thể hội một cách sâu sắc rằng, muốn cho đạo Phật trở thành một bộ phận của cuộc sống thì phải trên cơ sở một tâm trạng hài hòa, vui vẻ, tình nguyện. Nếu bắt buộc người nào cũng phải làm Tăng sĩ thì tất nhiên sẽ có một số người không thích làm Tăng sĩ. Cũng như ở Đài Loan, có quy định người đàn ông nào đến tuổi cũng phải làm binh dịch, phục vụ trong quân ngũ. Do đó, mà tất nhiên sẽ có những người không thích phục vụ trong quân ngũ.

Tin đạo Phật, phải chú ý hai điểm: Một là đả phá bệnh hình thức trong Phật giáo. Hai là không được biến đạo Phật thành nguyên nhân làm chúng ta đau khổ, làm chúng ta bị ràng buộc.

2. Đừng Để Phật Giáo Thành Ràng Buộc Đối Với Cuộc Sống

Rất nhiều Phật tử trước khi học Phật, sống rất sung sướng. Nhưng sau khi học Phật rồi, thì người xung quanh cảm thấy họ sống rất đau khổ. Họ cũng tự cảm thấy mình sống rất đau khổ, vì rằng có nhiều ràng buộc, có nhiều giới luật.

Có người hỏi tôi nên giải quyết thế nào? Tôi khuyên anh ta, trước hết, nên ngưng học Phật một thời gian. Bởi vì học Phật đã tạo thành một áp lực và thống khổ đối với cuộc sống, nên nếu cứ tiếp tục, không chịu hóa giải thì một ngày kia sẽ tích lũy thành một phản ứng cực lớn. Người đó sẽ giống như Phật tử Thái Lan, có thể do phản ứng mà trở thành một người rất xấu, một người yêu quái.

Phật pháp của chúng ta không được biến thành hình thức. Cái gì có phẩm chất rất tốt cũng không phải là hình thức chủ nghĩa. Học Phật pháp là để mở mang phẩm chất nội tại của chúng ta, chứ không phải để ràng buộc cuộc sống, tạo thành thống khổ và áp lực đối với cuộc sống. Phật pháp là sức mạnh giúp chúng ta được tự do tự tại. Nếu người học Phật mà ngày càng không được tự do, ngày càng không được tự tại thì trong việc học Phật, có vấn đề cần được xem xét lại.

3. Học Phật Là Để Mong Cầu Cải Cách Và Sáng Tạo Tâm Linh

Khi tôi diễn giảng ở Thái Lan, có rất đông người đến nghe. Họ nghe xong, cảm thấy điều rất bất ngờ, là sao có một Phật pháp khác biệt thế? Trong số người nghe, có ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Thái. Sau khi nghe tôi diễn giảng, liền cho phiên dịch bài giảng của tôi bằng tiếng Thái. Bài giảng thứ nhất có tiê u đề “Bài kệ báu của Bồ tát” được dịch và phổ bỉến bằng tiếng Thái, với hy vọng đem lại quan điểm mới cho Phật giáo Thái. Phật pháp mà tôi giảng không thể là mãi mãi không thay đổi, vì trên hiện thực, Phật pháp là một cuộc cách mạng tâm linh, một sự sáng tạo tâm linh.

Chữ Phật 佛 rất có ý nghĩa. Bên trái là chữ nhân 亻là người. Bên phải là chữ phất 弗 nghĩa là không phải, Phật không phải là người. Vì Phật là do cải cách con người mà thành. Điều quan trọng nhất đối với Phật, đối với Bồ tát theo Đại thừa là gì? Là Từ bi. Chữ từ 慈 là tâm như vậy. Tâm vốn có như vậy. Còn bi 悲 là phi tâm, không phải là tâm 非 心, tức không phải là tâm người.
Cũng tức là nói, một người muốn tạo ra lòng Từ bi chân chánh thì phải bắt đầu từ phi tâm, tức là bắt đầu từ cải cách và sáng tạo tâm.

Tôi đã từng xem vở kịch về một con người. Cha anh ta chết trong hầm mỏ. Con anh ta cũng chết trong hầm mỏ. Về sau cháu anh ta cũng chết trong hầm mỏ. Vở bi kịch diễn đi diễn lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó không phải là số phận mà là do người trong gia đình ấy không biết cải cách và sáng tạo. Nếu sau khi cha chết mà con cháu rời bỏ hầm mỏ đi nơi khác thì mạng vận của họ ắt đã thay đổi. Đó cũng là một sự cải cách và sáng tạo của tâm.

Có người yêu đương gặp thất bại, yêu đương nữa lại thất bại, cứ một lần yêu là một lần thất bại, và mỗi một lần như vậy là cả người đầy “thương tích.” Có một cô gái biên thư cho tôi, kể cô ta liên tục bị ba thanh niên từ bỏ. Lần thứ nhất, bị từ bỏ cô nghĩ: “Đây là nghiệp chướng của mình.” Lần thứ hai, bị từ bỏ, cô nghĩ: “Đây có thể không phải là nghiệp, tôi phải báo thù.” Đến lần thứ ba bị từ bỏ, cô nghĩ: “Tôi phải giết chết anh ta mới được.”

Cách suy nghĩ của cô ta càng ngày càng hung bạo. Tôi hỏi cô ta: “Sao cô không suy nghĩ thế này: Vì sao mình bị họ từ bỏ?” Đó là một ý nghĩ sáng tạo, một cách suy nghĩ mới đối với sinh mạng và cuộc sống.

Trong cuộc sống có rất nhiều mô hình hành vi ảnh hưởng đến chúng ta. Thí dụ cô gái đã biên thư cho tôi. Cô ta thất bại trong tình yêu, vì sao lại oán giận? Vì sao phải báo thù? Vì sao phải giết đối phương? Tôi suy nghĩ về vấn đề này và cho rằng, phản ứng đó không phải là do tình cảm chân thực của cô ta, mà là do bắt chước các mô hình ứng xử trong kịch truyền hình, trong các vụ thất tình, có sự kiện đánh bạt tai hay đổ nước vào đối phương. Tình tiết đó thường xuất hiện trên quảng cáo, kịch truyền hình, trong tiểu thuyết, thành một loạt mô hình ứng xử. Gặp sự việc như vậy thì phải phản ứng một cách cứng nhắc như vậy, tuy rằng sự phản ứng đó không phải là phản ứng chân thực của mình.

Nếu nói chuyện luyến ái thì trong 100 người thất tình, không phải người nào cũng sanh lòng oán giận, có thể là có 50 người không oán hận. Vì sao, anh lại oán hận? Chính là vì từ nhỏ, anh đã được giáo dục và huân tập theo mô hình ứng xử oán hận như vậy.

Xem mục lục