Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

8. Đặt Con Dao Báu ở Trong Tâm Mình

Những nỗi thống khổ của nhân sinh không khác nhau gì lắm đối với mọi người. Điều quan trọng đối với người tu hành, dù tu theo pháp môn nào, là xây dựng cho mình một phẩm chất tốt. Có một câu nói có thể minh họa:

“Trong thân có dao báu nhưng không giết người.” Trong người có dao báu, nhưng vẫn đi trên đường một cách bình thường, không giết ai cả.

Trong các tiểu thuyết võ hiệp và phim võ hiệp, có một loại người, chỉ cần gặp họ là biết họ có võ. Huyệt thái dương của họ lồi cao, các bắp thịt của họ đều nổi, lưng đeo kiếm. Gặp họ trên đường ai cũng nói: “Ái chà! Người này thật đáng sợ! Họ có thể giết người đấy! Võ công của họ rất cao cường." Thế nhưng, trong tiểu thuyết và phim võ hiệp,.. loại người đó thông thường không phải là loại người có võ công cao nhất. Có võ công cao hơn loại người thường như Trịnh Thiếu Thu vậy. Áo quần rất sạch sẽ, đi đứng thì chậm rãi, ngâm thơ, xướng vịnh, tay phe phẩy quạt, đó là loại người có võ công cao nhất, bởi vì chất võ công của họ ẩn sâu bên trong, không lộ ra ngoài.

“Trong thân có dao báu mà không giết người.” Ý nghĩa câu này là: Một người mới bắt đầu tu hành, nên thường xuyên giữ gìn con dao báu trong tâm mình, để xử sự với thế giới này... không nên đi đâu cũng cao rao rằng mình là Phật tử đang tu hành đây, trên cổ đeo cái biển Phật tử rất là nghiêm túc.

Một người quá nghiêm túc cũng khó độ chúng sanh. Chúng sanh cũng khó nhờ mình mà được khai ngộ.

Tôi thấy rằng, muốn theo con đường Bồ tát, thì phải có các đặc chất, như trầm mặc, phóng khoáng, cởi mở. Những đặc chất ấy chúng ta thấy rõ ở Phật và các vị Bồ tát.

9. Đừng Có Cách Biệt Với Chúng Sanh

Kinh A Hàm chép rất nhiều hành trạng của Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá trình tu hành của Ngài, cho ta thấy Phật Thích Ca Mâu Ni cũng biết cười to, cũng biết chảy nước mắt, cũng có khi bực tức. Giữa đường gặp trẻ con, Ngài cũng biết quỳ xuống nói chuyện với chúng. Phật Thích Ca là con người dễ gần gũi. Chúng ta cảm thấy Phật có một nhân cách phi thường, nhưng không có cách biệt với thế gian này.

Có một lần tôi đến Bản Kiều thăm một nhà điêu khắc, ông chuyên môn điêu khắc tượng Phật. Tại nhà ông, có bày một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Đấy là tượng Phật Thích Ca tu khổ hạnh ở Tuyết Sơn, toàn thân Phật gầy gò từng đốt xương nổi lên rõ mồn một; các huyết quản cũng thấy rất rõ dưới da. Bức tượng này làm người xem rất cảm động; Phật Thích Ca đã từng tu khổ hạnh như vậy.

Nhưng các tượng Phật khác, bày trong nhà ông thì lại trông dáng người đầy đặn, béo tốt, phương phi, tướng báu trang nghiêm. Tôi hỏi ông: Tại sao ông lại bày tượng Phật Thích Ca gầy gò như củi khô ngay tại sảnh đường như vậy? Ông giải thích một hồi lâu. Lời giải thích của ông đến nay vẫn làm tôi cảm động. Ông nói: “Hiện nay chúng ta căn cứ vào nhận thức của chúng ta đối với Phật mà tạc tượng Phật đều béo tốt mặc y phục rất đẹp khiến cho người bình thường nhận thức rằng Phật và Bồ tát đều ăn tốt, mặc đẹp, béo phây phây. Còn tôi, khi tạc một tượng Phật, tôi hy vọng không quên tinh thần của Phật Thích Ca tu khổ hạnh ở núi Tuyết Sơn, vì vậy mà mỗi lần tôi tạc tượng Phật, tôi đều đến xem tượng Phật Thích Ca gầy gò tu khổ hạnh ở Tuyết Sơn, đặt ở sảnh đường. Tôi mong rằng, bên cạnh tượng Phật Thích Ca đầy đặn béo tốt, cũng có tượng Phật Thích Ca gầy gò như con mắt sắc sảo, phản ánh tinh thần bi thương của Ngài đối với thế giới.”

Phật không có một tướng nhất định. Phật có thể có rất nhiều tướng. Ngài có thể ôn hòa, rất gần gũi, rất dễ mến. Người học Phật cũng không nên quá mức nghiêm túc, nên ứng xử ở đời với thái độ phóng khoáng, cởi mở, vì rằng, tuy chúng ta học Phật, nhưng chúng ta không tách rời chúng sanh. Chúng ta cũng là một phần tử trong chúng sanh. Không nên vì chúng ta tu hành mà trở thành một người đặc biệt, không nên để cho người khác thấy chúng ta đi trên đường bèn nói: “A! Đây là một Phật tử.”

Hãy phóng khoáng một chút, để cho người khác thấy mình cũng không khác gì họ. Như vậy, gọi là không cách biệt với chúng sanh, hòa nhập vào chúng sanh.

Trước đây, khi tôi còn ở nông thôn, tôi thường bị người ta nhận lầm là công nhân hay nông dân. Tôi đi mua rau, người bán rau thấy tôi mặc quần áo rất bình thường, đi đôi ủng chống mưa giống hệt như nông dân. Một bó rau 12 đồng, tính rẻ cho tôi hai đồng. Người bán rau không thấy tôi là người đặc biệt, mà thật sự, tôi cũng không có gì là đặc biệt. Có lần tôi đi mua trái cây. Chủ nhân vào nhà lấy tiền lẻ để đổi. Tôi đứng chờ bên quầy hàng, có ba, bốn thanh niên, nắm tay tôi bảo: “Này Thích Ca, một cân bao nhiêu tiền?” Tôi nói: “Thích Ca của tôi thì không bán, còn Thích Ca của ông kia thì 24 đồng một cân.”

Thích Ca của tôi không bán, nhưng trong tâm tôi có Thích Ca, tuy rằng tôi không tỏ cho ai biết. Người khác thấy tôi không có gì khác họ, như vậy mới gọi là đạo Bồ đề, hòa nhập vào chúng sanh, đó là thái độ tốt nhằm tạo duyên lành với chúng sanh.

Tôi thường nói “dưới chân đèn sáp là chỗ tối nhất.” Cứ thắp một ngọn đèn lên thì sẽ thấy, chân đèn là nơi tối nhất. Cũng như vậy, người đem lại ánh sáng cho người khác, thì thường thường một mình bị đả kích đến khổ!

Việc Phật Thích Ca Mâu Ni vào núi hay xuống núi đều là bài học cho chúng ta. Một người có thể ẩn ở núi sâu để tu hành, tự mình cầu Tam muội, cầu giải thoát, cầu chánh giác. Nhưng, một người chỉ cầu như vậy mà cho là đủ rồi thì thực là đáng tiếc vậy. Phật Thích Ca, sau khi tu khổ hạnh, mình gầy như củi khô, rồi mới xuống núi, truyền bá đạo pháp. Điều này chứng tỏ, ẩn vào núi không phải là mục tiêu cuối cùng của sự tu hành.

Một người có suy nghĩ rằng phải ở trong núi sâu mới có thể tu hành được. Phật giáo Đại thừa cho rằng người đó đã “bị say vì rượu Tam muội.” Đó là vì cầu Tam muội mà quên mất chúng sanh. Cũng như uống rượu Tam muội mà bị say vậy. Người uống rượu Tam muội mà bị say, thì sẽ không cách gì thông cảm với chúng sanh được. Làm thế nào để không bị say rượu Tam muội? Có ba phương pháp:

Phương pháp thứ nhất là không chấp trước Tam muội. Tam muội tức là chánh giác, chánh định, chánh thọ, chánh tinh tấn.

Phương pháp thứ hai là chia một phần rượu Tam muội cho người khác uống. Tự mình thưởng thức được rất nhiều cảnh giới tốt đẹp trong Tam muội, nhưng không muốn uống riêng một mình rượu Tam muội mà chia xẻ một phần cho người khác uống.

Phương pháp thứ ba là bày vẽ cho mọi người chế tạo rượu Tam muội, giúp cho mọi người sanh khởi Tam muội ở tâm, đó mới là mục tiêu của tu hành Phật pháp.

Thực ra không có gì đáng tranh luận giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Người có tâm địa rộng lớn, thì trong Phật giáo Tiểu thừa vẫn tìm thấy tinh thần Đại thừa. Một người có tâm địa nhỏ hẹp thì tuy học kinh Đại thừa, nhưng cũng không khác gì học kinh điển Tiểu thừa.

10. Nhân Sanh Là Tương Đối

Một cái nhìn khác đối với cán dao và mũi dao là Phiền não tức Bồ đề. Về vấn đề này, tôi đã nói rất nhiều lần rồi. Ở đây, lại nói nữa, với một hình thức diễn đạt mới.

Phiền não và Bồ đề có thể được xem xét từ góc độ tương đối.

Vì sao có phiền não? Đó là do mọi người đều có chấp trước tình ái. Có người chấp trước tiền của. Có người chấp trước danh lợi. Có người chấp trước quyền lực chức tước. Họ cho rằng đó là những điều quan trọng nhất ở đời. Nếu họ không được thỏa mãn về những điều ấy thì họ sinh ra phiền não. Mọi phiền não đều do sự không thỏa mãn đem lại.

Nếu thấy được những điều ấy chỉ có giá trị tương đối thì gánh nặng phiền não có thể giảm nhẹ

Đúng như vậy, nhân sanh là tương đối. Phật pháp cũng nói, trên thế giới này không có cái gì là tuyệt đối.

Đối với một người rất đói mà cho họ ăn thì họ ăn rất ngon. Nhưng nếu bắt họ ăn một ngày 8 bữa thì họ sẽ cảm thấy ngay ăn là chuyện đáng sợ! Mùa đông, nằm ngủ trong chăn bông cảm thấy rất thoải mái, sáng không muốn dậy nữa, chỉ muốn ngủ tiếp. Nhưng nếu ra lệnh anh không được dậy nữa, bắt ngủ mãi thì lại thấy ngủ nhiều là không tốt. Thức dậy ra khỏi giường là tốt hơn.

Vui, mà sống vui mãi cũng không được khổ, vĩnh viễn chịu khổ, cũng chịu không nổi. Giữa cái vui và cái khổ, khoảng cách thực là ngắn vậy.

11. Điều Hòa Dây Đàn Sinh Mạng Cho Khéo

Trung đạo là dùng một thái độ cởi mở, phóng khoáng để sinh hoạt, học Phật, cũng giống như điều tiết giây đàn vậy.

Trong kinh “42 chương” có ghi, Phật Thích Ca có nói với một đệ tử: Phải điều tiết giây đàn ở mức vừa phải, không được căng quá, nếu căng quá thì sẽ đứt giây. Nếu chùng quá thì tiếng đàn sẽ không tốt.

Trung đạo là điều tiết giây đàn sinh mạng thế nào cho vừa phải, để có thể đánh lên một bản nhạc hay, giây đàn không bị đứt. Nếu một người tu hành mà để tinh thần quá căng thẳng, mới đàn đã đứt giây thì nhất định có vấn đề. Trái lại, nếu tu hành mà phóng túng, buông thả, đến nỗi không biết tu hành là thế nào, thì cũng lại có vấn đề.

Suốt ngày không nên giữ bộ mặt đăm chiêu căng thẳng. Tình hình phiền não khác nhau tùy theo người. Mặt càng đăm chiêu, phiền não càng nhiều, chứ không giảm bớt. Nếu có thái độ bình thản, thoải mái đối với phiền não thì phiền não sẽ giảm bớt.

Xem mục lục