Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

12. Phải Giữ Cái Hòm Hy Vọng

Tôi nhớ có một câu chuyện thần thoại Hy Lạp cổ đại, có thể dùng để nói về phiền não và Bồ đề:
Thần Jupité, để phạt Promêtê, vì cái tội đem lửa của Thiên đường xuống trần gian, bèn sai Thần lửa, dùng nước và đất sét nung thành một thiếu nữ xinh đẹp, đặt tên là Panđôra. Các Thần trong thần thoại Hy Lạp thường có tánh rất đố kỵ ganh ghét. Lửa là nguồn gốc của văn minh và Trí tuệ của nhân loại. Cõi trần gian mà có lửa thì sẽ biến thành Thiên đàng có khác chi. Đó là điều mà Thiên thần không thể chấp nhận được. Một bài học của câu chuyện là chúng ta chỉ cần sống tốt ở nhân gian thì cõi người sẽ không khác gì ở Thiên đàng.

Truyện thần thoại cho biết, Thần Jupité hết sức tức giận, ra lệnh xích Promêtê trên đỉnh núi Côcadơ, và đem Panđôra gả cho em trai Promêtê là Atlas để trừng phạt. Lối trừng phạt nặng đối với người đàn ông là gả cho anh ta một cô gái đẹp. Đó cũng là một bài học rất hay đối với chúng ta. Khi Panđôra đi lấy chồng, Thần Jupité cho cô ta một cái hòm báu làm của hồi môn, nhưng lại dặn dò là cô không được mở cái hòm ấy ra. Tất nhiên Panđôra có hỏi thần Jupité lý do vì sao không được mở hòm, nhưng Thần Jupité chỉ nghiêm cấm mà không trả lời. Chúng ta thấy Thần Jupité thật là quái ác, ông ta hoàn toàn hiểu rõ tâm lý con người. Những việc càng bị cấm đoán thì con người càng làm.

Sau khi về nhà chồng, Panđôra ngày nào cũng suy nghĩ không biết trong hòm chứa đựng gì. Có một ngày, thừa cơ chồng đi vắng, cô không chịu đựng nổi sự tò mò bèn mở hòm ra. Một làn khói đen tỏa ra, nhiều thứ bay ra cùng với khói: tai họa, thống khổ, và bệnh tật.

Panđôra hốt hoảng đóng nắp hòm lại nhưng mọi tai họa, thống khổ và bệnh tật đã bay ra cả nhân gian rồi. Chỉ có một thứ chưa kịp bay ra thì nắp hòm đã đóng lại. Đó là hy vọng. Chỉ có hy vọng là chưa kịp bay ra.

Mọi tai họa, thống khổ và bệnh tật từ đó bắt đầu lan rộng khắp nhân gian.

Câu chuyện xưa này rất có tác dụng thức tỉnh. Tuy chúng ta sống trong một hoàn cảnh đầy tai họa, thống khổ và bệnh tật... một hoàn cảnh do Trời tạo ra, thế nhưng, trong cái hòm của chúng ta còn có hy vọng, vì vậy mà chúng ta có thể đối phó với tai họa, thống khổ và bệnh tật.
Bồ đề và phiền não kỳ thực là giống nhau. Phiền não là ở trong hoàn cảnh của chúng ta. Bồ đề là ở trong tâm của chúng ta. Nên có thái độ rất tốt đúng đắn để đối phó với phiền não thì sẽ vượt qua được phiền não.

13. Khai Phá Sự Hoàn Mỹ Nội Tâm

Con người sinh ra có phiền não là vì trong quá khứ tìm cầu và ham muốn.

Tôi có biết một câu chuyện như sau: Ngày xưa, có một ông già, đã hơn 70 tuổi mà chưa lập gia đình. Ông đi nhiều nơi để tìm vợ. Mọi người thấy ông khó nhọc như vậy, hỏi ông ta tìm gì? Ông ta trả lời: Tôi đi tìm một phụ nữ hoàn mỹ để kết hôn. Người ta rất đồng tình với ông già, và hỏi tiếp: Ông đã đi nhiều đoạn đường như vậy mà không tìm được một phụ nữ hoàn mỹ hay sao? Ông già nói với giọng đau thương: Khi tôi còn trẻ tuổi cũng đã tìm được một phụ nữ hoàn mỹ, không người nào có thể so sánh được! Mọi người hỏi: Thế sao ông không cưới người phụ nữ đó? Ông già nói: Vì cô ta cũng đi tìm một người đàn ông hoàn mỹ.

Các vị xem, nếu hướng ra ngoài để tìm cái hoàn mỹ thì sẽ vĩnh viễn không tìm được. Nếu tìm ra được cái hoàn mỹ chăng nữa thì anh cũng bất lực, vì bản thân nội tại anh chưa hoàn mỹ thì anh có tư cách gì, phúc phận gì để hưởng được cái hoàn mỹ đó.

Vì bản thân nội tại của chúng ta chưa hoàn mỹ cho nên mọi cái chúng ta thấy đều không hoàn mỹ.
Muốn cầu đạo Bồ đề, muốn phá trừ phiền não, điều quan trọng là giữ vững được hy vọng, để khai phá sự hoàn mỹ của bản thân, khiến mình trở thành một con người hoàn mỹ. Chỉ khi nào chúng ta biến thành được con người hoàn mỹ thì chúng ta sẽ thấy thế giới cũng là hoàn mỹ. Tới đâu, ở đó cũng tốt. Tới đâu ở đó cũng là cõi nước thanh tịnh.

Giải thoát là mục đích của việc học Phật. Một con người theo con đường hoàn mỹ, cuối cùng sẽ được giải thoát. Giải thoát có hai điều kiện; hoàn mỹ cũng có hai điều kiện. Thứ nhất là nội tâm thanh tịnh. Thứ hai là ngoại cảnh thuần tịnh.

Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy chúng ta: Nếu nội tâm không thanh tịnh thì ngoại cảnh không thể thanh tịnh được. Muốn tìm một hoàn cảnh lý tưởng, hoàn mỹ để tu hành là chuyện không thể được, bởi vì bản thân nội tại của chúng ta không phải là lý tưởng, cũng không phải là hoàn mỹ. Nhận thức hoàn cảnh hiện tại là không lý tưởng và không hoàn mỹ, và trong hoàn cảnh đó vẫn giữ vững hy vọng và tu hành. Đó chính là thái độ mà người tu hành nào cũng nên có.

14. Làm Cho Thanh Tịnh Thân, Miệng, Ý

Lại dựa vào mối quan hệ cán dao và mũi dao để bàn vấn đề làm thanh tịnh thân, miệng, ý.

Điều quan trọng nhất của học Phật là làm cho thanh tịnh thân, miệng, ý để đạt tới sự thanh tịnh của nội tâm. Thanh tịnh thân là hành vi thanh tịnh nơi thân. Thanh tịnh miệng là lời nói thanh tịnh. Thanh tịnh ý là ý thức, ý niệm đều thanh tịnh. Với thân, miệng, ý thanh tịnh thì con người mới được thanh tịnh. Để thân, miệng, ý được thanh tịnh thì chỉ có một cách là giữ cho ý niệm được thanh tịnh. Bởi vì hành vi và lời nói đều xuất phát từ ý niệm. Có ý niệm rồi mới có hành vi và lời nói thanh tịnh. Ý niệm là cái quan trọng nhất.

Người học Phật phải biết rằng, khống chế được ý niệm là điều quan trọng nhất, chứ không cần tìm động cơ và ý thức của hành vi và lời nói. Hành vi và lời nói giống như mũi dao. Nếu không nắm vững được cán dao ý niệm, thì sẽ rất dễ phạm sai lầm trong hành vi và lời nói. Vì vậy phải nắm thật vững cán dao ý niệm, phải khống chế được ý niệm của mình. Trong Phật giáo căn bản, có một phương pháp rất tốt và rất đơn giản để nắm vững ý niệm. Đó là pháp 10 niệm. Người nào muốn tiến theo con đường đạo Bồ đề, thì phải canh cánh trong lòng đừng quên 10 niệm này.

- Thứ nhất là niệm Phật: Phải ngưỡng mộ, tìm cầu, tin tưởng những thành tựu của đức Phật, và nuôi hy vọng mình cũng sẽ thành Phật.

- Thứ hai là niệm Pháp: Thường xuyên nhớ nghĩ Phật pháp do Phật Thích Ca giảng dạy, hy vọng Phật pháp đem lại lợi ích cho thân tâm mình.

- Thứ ba là niệm Tăng: Thường xuyên nhớ nghĩ rằng, ở đời này đã từng có những bậc tu hành vĩ đại và noi gương theo họ.

- Thứ tư là niệm Giới: Nghĩ nhớ tới Giới luật. Hành vi và lời nói của mình không được vi phạm giới luật.

- Thứ năm là niệm Thí: Thí là bố thí. Bố thí là xả bỏ. Thường nghĩ nhớ rằng phải xả bỏ những cái của mình, xả bỏ đến mức độ không còn xả bỏ được nữa, thì sẽ đạt tới cảnh giới “không tánh.”
- Thứ sáu là niệm Thiên: Niệm Thiên là nghĩ nhớ tới các cõi trời thù thắng. Trong Phật giáo căn bản, đức Phật giảng về các cõi trời thù thắng, khuyên chúng ta nghĩ nhớ tới các cõi Trời, sống theo năm giới, 10 thiện, thì có thể tái sanh lên các cõi trời, vì đời sống ở nhân gian rất thống khổ.
- Thứ bảy là niệm nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi là rất quan trọng không phải là cái gì xấu. Ngồi Thiền lâu thấy mệt, ngủ một giấc thì có quan hệ gì? Ngủ một giấc dậy lại ngồi Thiền nữa. Nhưng nghỉ ngơi còn có một nghĩa khác, tức là nghĩ cách làm cho phiền não dừng nghỉ, yên nghỉ. Phiền não yên nghỉ tức là Bồ đề.

- Thứ tám là niệm An Ban: Niệm An Ban là niệm hơi thở, thường niệm hơi thở ra vào. Theo Phật giáo có ba lớp hô hấp: Lớp 1 là suyễn. Leo núi, mệt quá thở khò khè gọi là suyễn. Đêm ngủ ngáy ồn cũng gọi là suyễn. Đó là cảnh giới thấp nhất. Lớp hai là khí. Người bình thường đều thở ra vào theo lớp hai tức lớp khí. Lớp ba là tức, thở ra vào nhè nhẹ, như có như không. Thở như con rùa, thở rất ổn định. Lối thở này làm cho con rùa sống rất thọ. Tôi có người bạn tên là Ngộ Huyền Tam, đi du lịch ở Ba Tây (Brazil), mua được con rùa rất lớn, bỏ vào hòm, gởi theo đường hàng không về Đài Loan. Vì ông ta còn thăm một số nước khác, sau đó mới về nước. Ba tháng sau về nước, mở nắp hòm ra vẫn thấy con rùa còn sống, và ngẩng đầu cười với người chủ mới của mình. Hiện nay, con rùa vẫn được nuôi ở nhà ông Tam.

Ngài Kha Lộ Nhân Ba Thiết từng giảng rằng, một người chỉ chú trọng hô hấp mà không lo mở mang Trí tuệ, thì khi tái sanh anh ta có thể thành con rùa, hay một loại động vật ngủ suốt mùa đông, như con rắn, con báo v.v... Chúng ta niệm hơi thở ra vào, nên vào lúc đi đường, đi tản bộ, khi đi ngủ, khi ngồi Thiền, chúng ta đều phải chú ý tới hơi thở ra vào cho thật ổn định.

- Thứ chín là niệm thân: Nghĩ tới thân này là vô thường, không thể là vĩnh hằng, tồn tại mãi được, có ngày phải chết, rời bỏ thế gian này. Không phải chỉ riêng thân mình như vậy mà thân các chúng sanh cũng đều như vậy. Nếu biết niệm thân là vô thường, thì sẽ siêng năng, tinh tấn. Nếu không thì suy nghĩ: Hôm nay, khoan đã chưa tu hành vội gì tu hành quá khổ. Ngày mai rồi lại ngày mai, lần lựa mãi, cho đến lúc không còn ngày mai nữa. Khi ấy hối tiếc cũng không kịp.

- Thứ mười là: Thường nghĩ nhớ rằng mình rồi đây sẽ chết, người nào cũng phải chết, thấy cái chết trước mặt, thì mới mở mang Trí tuệ được.

Nhớ nghĩ mười niệm như vậy sẽ không đánh mất bản thân mình. Tu hành đến chỗ không có niệm là chuyện hết sức khó khăn. Nhưng tu phép 10 niệm thì không khó khăn. Hãy nên bắt đầu bằng phép tu 10 niệm.

Xem mục lục