Tin Tức (680)


TỤNG KINH

896

_Thầy hỏi hồi chiều mình tụng kinh đó mình thấy sao, tụng kinh để làm gì?
Kinh là lời của Phật, hay lời của một vị Đại Bồ Tát nào đó, mình tụng kinh, thì cái tâm mình nó tương ưng với cái đó, tương ưng với cái tâm của vị đó, chớ không phải nghĩa nghiết gì hết. Thành ra mình tụng kinh, mình tương ưng, tức là mình nhập vô cái định của vị Bồ Tát đó, cái định của Pháp thân đó. Mình tụng kinh, cái dòng sông của mình nó rót vô cái biển của vị đó, tâm của vị đó, tâm của chư Phật, chớ không cần hiểu nghĩa gì hết, nó rót vô.
Trong kinh có những cái nguyện mình làm đâu có nổi. Ví dụ: cho đầu mắt tay chân, mà cho bao nhiêu kiếp, bao nhiêu kiếp. Mình làm không nổi nhưng mà lúc đó, mình tụng cái đó, thì cái tâm mình nó tương ưng như vậy. Chớ còn mình đâu phải là như vậy đâu, nhưng mà mình tương ưng như vậy, có nghĩa là mình tương ưng với kinh, mình tương ưng với lời của Phật, tương ưng với cả cái tâm của Phật nữa. Đó là tâm Phật, mình không có được cái tâm đó, nhưng mà mình tụng kinh, mình tương ưng được thì mình thấy mình cũng có thể làm được như vậy, chớ không phải không đâu.
Khi cái tâm nó thông nhau. Tụng kinh là vậy đó, tụng kinh là thiền định, thay vì mình ngồi mình thiền định cái gì đó. Thiền định là gì? Là sự hợp nhất của tâm mình và tâm của bậc giác ngộ, phải hông? Thì tụng kinh cũng vậy đó.

Nguyện, ngay khi mình nguyện đó, mình thấy cái nguyện này mình làm không được, nhưng mà mình đọc cái nguyện đó, tâm mình nó tương ưng với cái nguyện của mấy vị đó. Do đó, nếu mình ngon lành, mình tương ưng ngang bằng người đó, vậy thôi.
Cũng như mình ngồi thiền là để tương ưng với cái tâm giác ngộ đó, mình thiền được tới đâu, thì nó tương ưng được tới đó thôi.
Thành ra tụng kinh là vậy, cũng không cần hiểu gì hết, cái sự thật của mấy vị mình đọc đọc, mình tương ưng với mấy vị đó, chớ mình nguyện, bây giờ mình đọc một lời nguyện, mình sợ tự mình làm không nổi, phải hông? Nguyện gì nguyện dễ sợ vậy? Thành ra mình làm không nổi mà khi đọc đó mới gọi là: “Cảm ứng đạo giao nan tư nghì” là vậy đó, lúc đó nó có một cái sự cảm ứng, đạo giao, nghĩa là cái tâm mình và cái tâm của bậc giác ngộ nó giao thông với nhau, đạo giao nan tư nghì là rất khó nghĩ bàn, chớ mình không thể làm nó được, nhưng mà khi đọc nó, thì cái tâm mình đã gần như vậy đó.
Mình đọc lời nguyện của mình nó chảy vào trong cái biển đại nguyện của tất cả đại Bồ Tát, trong kinh hay dùng chữ: biển đại nguyện đó. Nó chảy vô. Thành ra tụng kinh không phải là chuyện tụng cho hay gì hết, nên nhớ tụng kinh là một cái thiền định để mình tương ưng với những cái gì trong đó nói. Nguyện của những vị đó, sao mình đọc? Nên nhớ, những cái nguyện đó nó vẫn tiềm tàng trong con người mình đây, chớ không phải nó không có đâu, nó vẫn tiềm tàng trong đó, mà bởi cái thân này nó nhát gan lắm, nó không dám nguyện, nhưng mà mình đọc cái đó, nó bắt đầu nó công phá, nó rót vào trong cái biển đại nguyện.

Thành ra, đừng có tưởng tụng kinh là chuyện để tụng thôi đâu, nó quý giá lắm nếu như mình biết sử dụng. Pháp là vậy, pháp ăn thua là mình biết sử dụng tới đâu thôi, chớ còn cái pháp nào cũng quý hết.
Khi mình tụng kinh là cái tâm mình nó chảy vô, nó bắt đầu tương ưng. Cái dòng sông nhỏ của mình, nó chảy vô trong cái biển đại nguyện, biển đại trí. Cũng như bây giờ ngồi mà nói bình đẳng bình đẳng mình không hiểu, nhưng mà khi mình tụng, mình sẽ thấy cái bình đẳng đó rõ ràng, bởi vì đối với chư Phật thì tất cả đều bình đẳng.
Kinh là nó lặp đi lặp lại, nó không dư thừa đâu, nó lặp đi lặp lại cho mình tương ưng. Thành ra nó y như thần chú, cứ lập đi lặp lại. Cái gì gì đó, mình thấy nó nhiều cái, thiệt ra mình tóm lại năm câu là đủ rồi, nhưng nó cứ lặp đi lặp lại. Hết cho đầu rồi tới tay, rồi nguyện chúng sanh có tất cả nhà cửa, rồi có tất cả xe cộ đủ thứ, rồi hồi hướng. Làm gì có chuyện đó, nhưng mà mình tụng, cái tâm mình lần lần tương ưng, lần lần nó rộng ra, nội cái nguyện cho tất cả chúng sanh là mình thấy cái tâm mình khó làm rồi.
Nếu như mà mình làm được, mình nguyện cho vài người là mình thấy đã mệt rồi, mình dám nguyện cho tất cả chúng sanh, tâm mình là tâm Phật rồi, phải hông? Chỉ có Phật mới cho tất cả chúng sanh được, chớ mình sao cho tất cả chúng sanh được? Thành ra mình phải thấy vậy đó, tụng kinh nó là một pháp môn rất là kinh khủng chớ không phải giởn chơi đâu.
Bởi vì thầy hay nói vậy đó, kinh là lời của Phật mà được đọc lại lời của Phật không phải là chuyện dễ, phải hông? Thành ra mình làm cái gì mà nghiêm túc, thì cái gì nó cũng là thiền định hết, cái gì nó cũng rót vô cái tâm của Phật hết. Cũng như mình niệm Phật chẳng hạn, mình niệm Phật thì mình rót cái tâm chúng sanh của mình vô cái tâm Phật đó, bởi vì chữ nam mô có nghĩa là hợp nhất lại mà! Mình rót vô trong đó.

_Như vậy tụng kinh như thế nào thầy?
_Thì do cái tâm mình đó, tâm mình tha thiết. Tâm mình! Cái đó do tâm mình thôi, phải hông? Cái tâm mình nó tha thiết, nó mong muốn, nó gì đó, thì nó tương ưng thôi. Thì cái tâm mình lần lần tu hành nó thanh tịnh ra, nó trong sạch ra, nó sáng ra thì nó dễ tương ưng hơn nữa. Cứ để ý coi, mình tiến bộ tới đâu, thầy thấy cái chuyện này nó rõ ràng lắm, mình tiến bộ tới một lúc nào đó mình thấy cái chuyện này nó tương ưng rõ ràng lắm, rồi mình mới hiểu được những cái chuyện nhỏ nhặt như nói tụng kinh, trước giờ mình đâu có hiểu tụng kinh như thế nào đâu?
Chưa hiểu tụng kinh là cái gì hết á, nó không phải hiểu nghĩa đâu! Nó làm cho cái tâm mình nó mở rộng ra, rộng ra đến cái độ mà nó tương ưng với tâm của chư Phật. Nội cái chuyện chỉ có Phật mới dám nguyện cho tất cả chúng sanh thôi, chớ mình là sao nguyện? Nguyện trong một đất nước của mình thôi mà mình thấy tá hỏa rồi huống gì tất cả chúng sanh? Tất cả chúng sanh, nhiều cái địa cầu này và cả chư thiên nữa mình thấy ớn lắm. Nghe tới tất cả chúng sanh là mình xỉu liền hà, phải hông?
Nhưng mà nó là những lời của Phật thì mình làm cái đó, từ cái yếu đuối như mình đây, rồi mình có can đảm lần lần, bởi vì cái chuyện tụng tụng, lần lần mình có can đảm mình làm được. Bởi vì lúc đó cái tâm mình nó mở rộng ra để nó tương ưng với tâm của chư Phật, là cái tâm mình nó có đầy đủ can đảm.
_Con thì con đọc kinh thấy mình đọc mình cũng không có hiểu gì hết, sau từ từ lên thì con thấy có gì đó nó thay đổi.
_Thì kinh nó cũng giống như chú vậy đó, anh đọc chú là anh tương ưng với chú, thí dụ anh đọc chú Đại Bi, thì anh phải tương ưng với tâm đại bi của ngài Quan Thế Âm, chẳng qua là mình chưa đủ sức tới đó thôi, chớ nó phải tương ưng, mặc dầu cái tương ưng của mình nó chưa phải tương ưng hoàn toàn nổi đâu, nhưng mà tương ưng một phần nào đó mình cũng quá trời quá đất rồi. Tương ưng một phần là thành Bồ tát rồi.

_Thưa thầy, con nghe thầy giảng, con người mình hay bị sai sử của cái thức thứ Bảy, con ngồi thiền và con cũng suy nghĩ về cái đó, bởi vậy, cái đó mình không thấy được nó sai sử mình tất cả, cho nên khi ngồi mình cũng thấy được cái đó. Những thành kiến của mình nó diễn ra, nó có những cái ảo tưởng, không biết khi tụng kinh, như vậy mình cứ tụng nó có đi sâu vào để tịnh hóa những cái đó không?
_Thì tụng kinh, cái chánh kiến nó phá cái tà kiến của mình đi, phải hông? Cái này là cái tri kiến, cái thấy biết của Phật, phá đi cái thấy biết do cái tôi sai sử của mình đi, thành ra tụng chừng nào nó phá chừng đó, nó phá chớ đâu phải giởn chơi? Càng tụng nó càng phá ra, thầy nói y như cái máy khoan vậy đó, khoan một lần tụng nó rớt lần ít ít thôi, rồi khoan một chập cả cái núi nó cũng lòi ra, đủ chỗ cho mình thoát ra.
_Bây giờ mình tụng kinh mình niệm Phật mình trì chú, những cái đó mình tương ưng với những cái đó mỗi ngày nó rộng hơn thì nó sẽ phá những tên giặc cỏ (những tư tưởng khởi lên trong tâm) như trưa thầy giảng hả thầy?
_Thì nó phá hết, nếu như khi tụng kinh mình chú tâm, mình có một cái sự tin tưởng, có một cái sự khao khát tìm cầu chân lý đồ này nọ thì dưới mỗi câu kinh, nói như kinh Pháp Hoa là toàn thân Như Lai, trong kinh Pháp Hoa có cái chữ độc đáo, toàn thân Như Lai trong đó, mỗi câu kinh nó có toàn thân Như Lai trong đó. Bởi vì mình phải thấy vầy nè: kinh, lời nói nó hiện ra trên ngôn ngữ, cái đó là Hóa thân của toàn thân Như Lai là Pháp thân, đức Phật là Pháp thân, nói ra kinh điển những cái này là Hóa thân của ngài, chớ không phải là chuyện chữ nghĩa thôi đâu.
Cũng giống như thần chú, là hóa thân của một vị nào đó, nhờ cái Hóa thân đó mình mới thấy được cái toàn thân Như Lai là cái Pháp thân của vị đó. Cũng như chữ Nam Mô A Di Đà Phật chẳng hạn, A Di Đà Phật cũng là hóa thân của vị đó thôi, chớ nó hóa thân cho nên nó tương đối, xin lỗi chớ bây giờ ông nào ông viết chữ A Di Đà Phật, mình đem bật quẹt mình đốt cái là tiêu liền. Thành ra cái đó Hóa thân, nó tạm thời nó hóa ra vậy thôi chớ nó không phải là vĩnh viễn như vậy, nhưng mà nhờ cái hóa thân đó mà mình biết toàn thân Như Lai là Phật A Di Đà đích thực.

_Như thầy dạy, chú có năng lực để phá những cái lộn xộn của tâm, những chủng tử bất thiện trong A lại da của mình, theo con nghĩ chú sẽ cao hơn kinh vì kinh tác động vô Mạt Na thức thứ Bảy, còn chú tác động vô đến thức thứ Tám.
_Thiệt ra đây là ý kiến của thầy thôi, thầy cũng không biết đúng hay sai, theo thầy thì kinh nó cũng giống như chú vậy đó, chú nó lọt qua Alạida thức được bởi vì nó không qua cái ý thức của mình, nó không cần hiểu gì hết, bởi vì nếu mình hiểu thì nó sẽ đọng lại chỗ ý thức, còn nếu ai mà tụng kinh mà không hiểu gì hết thì nó sẽ lọt vô trong kia.
Bởi vì chính cái hiểu của mình nó rớt tới tầng ý thức là cùng. Rồi tới tầng ý thức thì nó nằm trong cái tầng kia. Rồi thêm cái tầng cái tôi của mình: ngã ái, ngã mạng, ngã si, ngã kiến đồ gì đó nó chụp lấy. Là: tao hiểu, là tao hơn thằng Trọng, thì nó sanh ra, nó nằm trong đó thôi. Bây giờ đây cái chú chẳng có hiểu gì hết thì nó lọt vào trong kia, chẳng có ngăn cản.
Còn nếu ông nào tụng kinh đừng có cái tâm là tôi tụng kinh Hoa Nghiêm, còn ngoài kia anh tụng kinh thứ tầm thường đồ vậy, thì ngay tầng thứ Bảy là cái tôi mình nó chận lại rồi, rồi mình nói là phải tụng kinh để hiểu thêm thì nó chặn ngay cái ý thức để cho nó hiểu, chớ còn không có ý thức phân biệt, nó đâu có hiểu. Nếu như mình tụng y như tụng chú vậy, nó lọt vô trong kia. Cộng với sự thiết tha của mình là nó lọt tới bên kia luôn.
Vấn đề là ăn thua mình sử dụng thôi, theo thầy không cái nào hơn cái nào hết, ăn thua mình sử dụng hà.
Bây giờ thầy nói rõ thêm nữa là: chính bài Bát Nhã Tâm Kinh nó kêu là thần chú đó: thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú. Đó, cả cái bài đó là kêu chú chớ không phải cái câu yết đế không đâu!
Rồi ngài Huyền Trang, ngài đi qua sa mạc, ngài gần chết, ngài cứ tụng bài đó thôi chớ đâu phải ngài tụng riêng cái thần chú đó đâu. Đó, thị cố bát nhã ba la mật đa, đó là bát nhã ba la mật, thị đại thần chú, đó là thần chú. Bát nhã ba la mật là thần chú, chớ không chỉ câu dưới đó chú đâu, phải hông?

_Bạch thầy, trước đây con tụng kinh nhiều khi ý nghĩa của kinh làm cho mình nghĩ chưa tới, trong lúc tụng kinh có những đoạn chú nhanh quá con không đọc theo kịp, nhiều lúc mình cũng khó chịu. Hôm qua thầy dạy như vậy, mình tụng để có cái tâm tương ưng với cái tâm đó thôi, nhiều lúc mình không đọc kịp nhưng mà nó tương ưng, tương ưng. Sáng nay con tụng kinh con cảm thấy vui hơn trước đây nhiều, đọc kịp hay không kịp không quan trọng, mà chỉ tương ưng với tâm thôi, con thấy nó hoan hỷ nhẹ nhàng phấn chấn hơn trước đây, chỉ cần lời dạy của thầy tương ưng, mình hòa vào dòng chảy của chúng để tụng và tâm mình càng tương ưng, càng cao và càng miên mật hơn, con thấy rất là hiệu nghiệm.
_Như trong kinh Hoa Nghiêm nói biển đại nguyện, của chư Phật mình đọc mấy cái nguyện đó mình hãi hùng quá, nhưng mà mình cứ tụng đi, thì y như dòng sông của mình nó chảy vô cái biển đại nguyện đó, lần lần mình thấy cái đó tự nhiên thôi, cái tâm Phật là vậy, hồi hướng, thứ gì nó cũng hồi hướng, khắp hết mà trọn hết á, mình nghe thấy mình cũng khủng khiếp lắm chớ, nhưng mà mình tụng thì lần lần mình tương ưng với cái tâm đó. Bởi vì cái tâm đó nó y như mặt trời vậy đó, cái gì mà nó không hồi hướng? Mặt trời là nó hồi hướng hết, thứ gì nó cũng cho được hết, mà mình lần đầu mình nghe mình thấy cũng hơi kinh sợ, thì mình tụng cái bài kinh hôm qua, đó là cái bài bình đẳng hồi hướng gì đó, mình tụng cái đó, thì cái tâm mình lần lần nó tương ưng với cái sự bình đẳng hồi hướng của chư Đại Bồ Tát, chư Phật, và cái đó chính là cái tâm Phật đó.
Mà nó cũng giống như ngồi thiền vậy đó, mình ngồi một mình mình thì nó không ép-phê, tụng một mình mình nhiều khi không ép-phê lắm nhưng mà tụng trong một tập thể như vậy là cái sức định của tập thể đó mạnh, thành ra cái sự tương ưng nó dễ dàng lắm, bình thường mình đọc mình thấy cũng dội lắm nhưng mà khi đó, nó cứ trôi đi y như sông nó cứ trôi thẳng vô biển luôn.

_Hồi hôm khi ngồi thiền con có nghĩ tới chuyện đó, thầy giảng giác trưa đó, con quan tâm tới chuyện tụng đó, hồi sáng này con tụng tới câu: “Nguyện đem tất cả thân tâm này”, nghe đem thân tâm này phụng sự, mình muốn hết hồn, nhưng khi nghe thầy dạy tụng để tương ưng, khi mình tụng như vậy là mình đưa cái đó vào trong kinh có phải không thầy?
_Thì như hồi hôm qua, thấy nói đó là cảm ứng đạo giao nan tư nghì là vậy đó, mình tụng để tạo ra cái cảm ứng đạo giao giữa cái tâm mình và tâm chư Phật vậy thôi, còn nếu như một cái tâm bình thường mà mình nghe: “Nguyện đem tất cả thân tâm này, phụng sự cõi nước nhiều như bụi”, thì mình nghe mình hết hồn rồi, nhưng mà trong khi tụng kinh thì cả cái định cái huệ của mình lên cao hết, và chính lúc đó, mới tiếp xúc với cái đạo giao được.
Nó có một sự giao thông trong đó, giữa tâm mình và tâm chư Phật, thành ra tụng kinh là vậy đó, cũng không cần hiểu nghĩa gì lắm đâu, và chính trong cái sự tương giao đó, trong cái sự đạo giao đó mình làm quen, với mình cái nghĩa kinh nó mới bật lên. Chớ nó không nằm trong ý thức nữa, lúc đó coi như mình định rồi, nhập định rồi. Mới nhảy vô, nguyện thử diệu hương vân là cái tâm mình nó định rồi, nó chuẩn bị nó định rồi, thì hai bên nó tiếp xúc với nhau nó dễ dàng, rồi bây giờ hỏi hiểu cái gì thì cũng không biết hiểu cái gì, nhưng mà có tiếp xúc, vậy là đủ rồi.
_Như vậy cái con đường vượt qua ý thức để đi thẳng vô bản tánh, con đường đó là ô-kê nhất hả thưa thầy? Chớ còn nếu mình hiểu là nó lôi thôi ngay khúc đó liền.
_Nó hiểu là nó trệ ngay cái mức độ ý thức là thức thứ Sáu thôi, còn mình muốn tìm hiểu nữa thì nó cũng nằm trong cái thức thứ Bảy là: tôi tụng, tôi hiểu, tôi biết đồ này nọ. Còn đây là mình trôi tuột vô trong đó luôn, không cần hiểu gì hết nhưng mà chính trong đó mới là: Giới, tụng kinh là một cái giới chớ gì nữa, thì nó sanh định, mà từ định nó sinh huệ. Tự nhiên mình đọc một câu đó mình hiểu hà, chớ còn bây giờ hỏi hiểu sao thì không hiểu làm sao hết, bởi vậy mình hay tụng là cảm ứng đạo giao nan tư nghì là vậy. Trong đó nó có một sự giao thông, giao thiệp nào giữa tâm mình với tâm của những bậc giác ngộ qua lời kinh đó.
Thành ra hồi đó Châu hay nói tu là bòn mót, bòn mót là vậy đó. Anh làm một chút thì nó rót cho anh một chút, mình không mong gì mưa của chư Phật mà thấm hết cho mình một cú nổi đâu, nhưng mà mình cứ mót lần lần.
Người xưa nói đi trong đêm lần lần thì sương nó cũng thấm ướt. Nó thấm từ từ vậy đó!

Tánh Hải Kính ghi

896

CHÂN NHƯ DUYÊN KHỞI

Phác họa “Chân Như duyên khởi” Chân Như duyên khởi là một “học thuyết” có mặt trong hầu hết các tông phái Đại thừa như Không tông (Trung Quán, Trung Đạo), Duy

18,573
THỰC HÀNH ĐÚNG PHẬT PHÁP - PADMASAMBHAVA GURU

Padmakara, đạo sư của Uddiyana, ngụ ở Samye sau khi được vua mời qua Tây tạng. Ngài ban nhiều lời dạy cho vua,các lãnh chúa, và các thiện nam tín nữ nơi

1,165
TRI KIẾN LẬP TRI TỨC VÔ MINH BỔN (Xưa nay là thấy biết Phật, mình xén ra một góc rồi cho là thấy biết của mình)

Đơn giản là mình phải tin là có một cái thấy biết căn bản, nó có sẵn đó rồi, và khi mình ở trong cái thấy biết đó mà mình coi lại

554
NGƯỜI CHUYÊN NGHIỆP - SHIRATORI HARUHIKO

Shiratori Haruhiko ông sinh ra tại thành phố Aomori, học khoa Triết học, Tôn giáo và Văn học tại Trường Đại học Tự do Berlin, Đức. Trong cuốn sách này, ông đã

880
NỀN TẢNG CON ĐƯỜNG VÀ QUẢ

Bữa nay mình học đề tài là: nền tảng, con đường, và quả, là cách phân chia của Ấn Độ. Bên Trung Hoa phân chia là: cảnh, hạnh, quả.Cái nền tảng là

561
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,233
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,670
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,570
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,341
Chùa Việt
Sách Đọc