Tin Tức (680)


TRI ÂN - Tánh Hải (Ghi)

968

(Thông thường chúng ta tri ân một vị thầy là mang ơn người đã dạy dỗ mình, nhất là vị thầy đó là người khai thị cho mình, tuy nhiên, thầy dạy chúng ta tri ân theo cung cách khác, tri ân là sống với tánh giác “không hở sót”, và thực hành việc này không những một đời mà nhiều đời, tri ân là nối kết giữa quá khứ, hiện tại và vị lai, đó mới là tri ân, tri ân đó mới tích cực, còn mang ơn, nhớ ơn, nó chỉ diễn ra thoáng qua nhân ngày sinh của thầy rồi mọi thứ cũng xếp vào quá khứ)

_Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hôm nay là ngày mùng chín tháng ba, duyên lành chúng con hội tụ về ngôi tam bảo, mừng thứ nhất là có đức Phật Di Lặc hiện diện trong ngôi tam bảo, thứ hai là nhà hậu Tổ đang trên tiến độ hoàn thành, và ngày hôm nay là ngày sinh nhật của thầy, chúng con mừng thầy ở tuổi bảy mươi mốt.
Vì công việc bề bộn thầy không cho phép tổ chức sinh nhật, chúng con cũng đến đây thăm thầy nhận dịp ngày sinh của thầy, chúng con tưởng nhớ và tri ân thầy vô hạn.
Một lẳng hoa một cái bánh nhỏ, để tỏ lòng chúng con tri ân thầy, chúng con cầu mong chư Phật gia hộ cho thầy sức khỏe dồi dào, để thầy dìu dắt chúng con trên con đường tu học, mỗi người đều tìm về bản thể của mình, mong thầy được tăng long phước thọ, mong thầy vui lòng đón nhận tấm lòng của chúng con hướng về thầy, nam mô Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.

_Hồi nãy Châu nói là mình tri ân, mình có được tượng đức đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật, tri ân là mình có được nhà hậu Tổ tốt để mình tu hành. Thầy nghĩ, vấn đề tri ân quan trọng nhất là mình không thể tri ân được cái gì hết, ngoài sự đền đáp của mình lại, là sự tu hành của mình. Việc tu hành càng ngày nó càng sâu sắc thêm thì đó chính là tri ân chớ còn mình biết tri ân cái gì, phải hông? Mình tri ân đức Di Lặc bằng cách tu hành làm sao họa may khi nào mà ngài sanh ra đời mình có mặt là một ông nào trong đó, một Tu Đà Hoàn, A la Hán, hay một vị Bồ Tát nào trong đó. Còn cái nhà hậu Tổ này cũng vậy, công sức của rất nhiều người, nhưng cái quan trọng nhất, làm ra để làm gì, làm ra để cho chúng có được cái nơi tốt để tu hành, thành ra vấn đề tri ân, là mình tu hành làm sao, cho ngày nó càng tốt ra.
Theo thầy nghĩ, tri ân là vậy, giống như thầy tri ân các vị ở trên thầy, thầy tri ân là thầy ráng mà tu thôi, chớ tri ân cái gì?
Vấn đề tri ân theo thầy nghĩ là làm sao mỗi năm mình tốt ra, đó là tri ân, còn bây giờ có chúc thầy phước thọ gì gì đó, thì nó cũng là những lời nói vậy thôi chớ nó không có thật. Tri ân là bằng cái thật của mình là nổ lực tu hành của mình, đó mới là tri ân, tri ân là mỗi ngày càng nhiều thêm nữa, nghĩa là mình nổ lực tu hành nhiều thêm nữa, nổ lực không những cho riêng mình mà làm cho người khác tu hành nữa, thì cái tri ân này sẽ không bao giờ hết. Mình tri ân làm sao nổ lực tu hành cho tới ngày gặp đức Di Lặc thôi.
Thành ra những cái bày ra: chùa có thêm tượng, có thêm chỗ nằm chỗ ở vậy đó là để cho mình tu học. Nếu mình tu học không ngon lành thì mình không tốt lắm, bởi vì như vậy là mình chưa có tri ân, người ta đổ mồ hôi ra để cho mình tu học, mình tu học không được, mà mình cứ dậm chân tại chỗ là không được, theo thầy nghĩ tri ân là càng ngày cái nguyện mình nó càng mạnh mẽ thêm, chuyện tu hành của mình nó càng ngày càng có kết quả thêm và cái gọi là mở rộng ra giúp cho những người khác, cho họ biết được Phật pháp cho họ khá lên, tri ân là vậy đó, đó là tri ân không cùng, và mình phải thấy là mỗi ngày mình tri ân liên tục chớ không phải một năm tri ân một lần, mà mỗi ngày mình phải tri ân, tri ân liên tục.
Thầy nói vậy, vị Bồ Tát đệ tứ địa trong kinh nói rõ là vị đó mới biết ơn và biết báo ơn, như thầy hay nói, bây giờ thầy tri ân Hòa Thượng Tây Tạng, thầy tri ân cái gì bây giờ? Hồi ngài còn tại thế thì mình cũng chẳng có làm cái gì được cho ngài, có mua sâm gì đó cho ngài cũng vậy thôi, nhiều khi ngài uống nhiều cũng không tốt nữa, thành ra tri ân chỉ có cách là mình tu, bây giờ ngài đã đi rồi, mình phải tiếp nối con đường của ngài để mình tri ân, theo thầy nghĩ tri ân Hòa Thượng Tây Tạng một kiếp này không đủ đâu, phải nhiều kiếp mới đủ, và ngay cả không những ngài mà những vị gián tiếp khác.
Ví dụ như mình đọc kinh Duy Ma Cật mình thấy thích lắm, mình phải tri ân ngài Duy Ma Cật, mà tri ân ngài biết ngài bây giờ ở đâu? Cõi Bất Động Phật hay là cõi nào mình đâu có biết, thì bây giờ mình tri ân ngài bằng cách mình đem những lời của ngài dạy cho mình, làm sao loan truyền ra cho mọi người nghe, ai có duyên thì được nghe, mình biết tri ân là vậy, chớ tri ân cái gì? Bao nhiêu vật chất này tri ân cũng không đủ, thầy thấy thí dụ như ngài Duy Ma Cật, mặc dầu thầy chưa gặp ngài, và không biết ngài ở đâu, nhưng mà đọc vô mình thấy ích lợi, mình thấy hân hoan như anh Châu nói là pháp vị, thì bây giờ mình tri ân ngài bằng cách mình phải in ra, mình phát hành ra, mình tìm cách nói cho mọi người nghe. Thành ra những vị Tây Tạng họ nói vậy đó, có những điều tôi nói mấy ông không hiểu được, nhưng nó cứ nằm trong dòng tâm thức của mấy ông cho tới ngày nào nó mọc mầm, chớ còn bây giờ nó chỉ là hạt giống thôi. Nó không thành một cái rừng thì ít ra nó cũng thành một cái vườn chớ.
Thầy nói, mình tu hành Phật giáo, đạo Bồ Tát là mình phải làm hết sức mình, mình không đủ sức để rải ra một cánh rừng, nhưng rải một chập nó cũng thành cái vườn.
Như thầy thấy cái ông mà đời thường thôi, như ông Buffet cái ông mà giàu có nhờ thị trường chứng khoán đó, ông nói một câu rất là đạo, khi nào mình ngồi dưới một gốc cây, hưởng bóng mát của gốc cây đó thì mình biết ở đây lâu lắm rồi đã có người trồng nó. Đó là tri ân.

Thành ra cái tri ân là hành động nối tiếp từ quá khứ tới hiện tại và đi tới tương lai, chớ không phải tri ân là tri ân một cú ngày này là xong đâu. Tri ân thứ thiệt của một vị tu hạnh Bồ Tát là sự tiếp nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai, điều đó không bao giờ hết, mà mình càng làm thì mình càng hưởng cái lợi lạc cho mình chớ đâu phải cho ai đâu.
Đừng có nghĩ ông thầy ông xúi mình làm, đổ mồ hôi ra, mình làm rồi ông được, không có đâu, ông chỉ là cái nhân duyên để cho ông nói vậy thôi, và mình làm mình được. Thành ra, cái hạnh Bồ Tát nó đầy dẫy trong đời sống này, đừng có tưởng mình chờ tới lúc nào mới làm được đâu. Tri ân làm sao gắn liền được với quá khứ, bởi vậy đức Đạt Lai Lạt Ma ngài mười mấy lần tái sanh, ngài gắn liền với quá khứ, đời đầu tiên của ngài, chưa kể hồi đó là ngài đã gặp đức Phật, đó là trước nữa kìa, cho tới bây giờ, ngài giảng nói là cho tương lai.
Thành ra cái tri ân là vậy, nội cái tri ân kèm theo đó là Bồ đề tâm của mình từ quá khứ tới hiện tại nối tới tương lai, Bồ đề tâm mình nó càng ngày càng mạnh ra.
Kinh Duy Ma Cật nói rõ, vui là vui không dứt, thầy chỉ nói lý thuyết vậy thôi, chớ thầy nối chưa nổi đâu, nhưng mà ông nào nối nổi, thì ông đó là cái lạc của một vị Bồ tát, ông nào nối hoàn toàn thì đó là một vị Phật, như ngài Di Lặc.
Tri ân là một sự thực hành liên tục, nếu như mình đọc mười hạnh của Phổ Hiền Bồ tát ngài hay nói là: “không hở sót”, nghĩa là mình phải tri ân từ quá khứ nối kết với hiện tại, nối kết với tương lai mà không hở sót. Ngày nào mình cũng không hở sót như vậy thì mình sẽ thành một vị Bồ tát thôi. Gia tài của mình thì mình hưởng còn mình không hưởng thì ráng chịu chớ ông thầy ông đâu có giúp mình được gì đâu.
Mình có tin nổi một người Phật tử, tri ân là phải nối kết được Phật pháp của quá khứ, nối kết với bây giờ hiện tại mình sống đây nè, cho mình và cho người khác, không những là vậy mà mình nối kết với tương lai, như vậy mới gọi là tri ân.
Tri ân là phải biết nối kết với quá khứ, ít ra phải biết đức Phật Thích Ca từ quá khứ tới hiện tại đây và nối kết với đức Phật Di Lặc trong tương lai. Thành ra mình tri ân nổi như vậy mình cũng thành ngài đại Bồ tát Phổ Hiền rồi. Niệm niệm không hở sót.

_Thưa thầy, có lần thầy nói, thầy làm tất cả những việc ở đây là để báo ân với thầy của thầy thôi. Con nhớ hoài câu nói này, và thầy cũng nói không biết bao giờ mới tri ân hết. Với con, lời dạy của thấy là nối kết với quá khứ, hiện tại, và tương lai, con thấy lời dạy của thầy rất là cụ thể đối với cuộc sống này.
Nhiều khi con tự hỏi, thầy làm vì động cơ gì mà thầy làm rất nhiều việc như vậy, vì hôm nay con đọc bài nói về Bồ Đề tâm, nhưng Bồ Đề tâm của mình nó có phát thì nó cũng chập chờn. Nó rất nhỏ, nó như đom đóm vậy, và đôi lúc nó phải khởi động lại.
Xét lại mình không biết bao giờ mình mới có thể thực hiện được tri ân và báo ân như thầy sống và đã thực hiện. Con xin ghi nhận lời dạy của thầy.

_Tóm lại, tri ân là mình luôn luôn bằng cái sức nhỏ của mình thôi, không nhiều gì lắm đâu, nhưng mà làm sao mình nối kết được, tiếp tục được cái mạng mạch của Phật giáo. Đó là tri ân. Trong đời mình thấy bao nhiêu chùa rồi, mình thấy bao nhiêu tượng Phật, mình lạy cũng bao nhiêu trăm ngàn lạy Phật, nhưng mà mình phải có cái tri ân là mình phải nối tiếp được cái mạng mạch đó, nối tiếp được cái trí huệ đó, mặc dầu ít thôi, không phải đầy đủ đâu, nhưng mà mình ráng làm, mình làm là mình hưởng chớ không phải ai hưởng hết, và nối được với từ bi, nối kết được với mạng mạch của Phật giáo nối kết được, đó là tri ân.
Hồi nãy Trọng nói thầy tri ân sư ông, nhưng mà thầy còn tri ân ngay cả ngài Duy Ma Cật nữa, chớ không chỉ một mình sư Tổ thôi, thầy tri ân tất cả những vị nào thầy kính trọng, như thầy đã nói rồi, không biết ngài Duy Ma Cật bây giờ ngài ở đâu, ngài làm sao, không biết ngài có ở cõi Bất Động Phật như kinh nói không thầy không biết, nhưng mà thầy thấy là trong kinh Duy Ma cho thầy sức sống cho thầy hứng khởi, bởi vậy thầy càng tri ân nhiều chừng nào thầy càng lời bấy nhiêu.
Không phải thầy chỉ một mình ngài Duy Ma Cật đâu, thầy thích cuốn kinh Hoa Nghiêm, trong đó có rất nhiều các vị Bồ tát, kể cả Long Thiên hộ pháp ở trong đó, nhiều lắm. Thành ra nội cái tri ân thôi là cái tâm mình nó mở rộng, cho nên thầy nói tri ân đến cái độ mà mình nối kết được với quá khứ, nối kết được với hiện tại, nối kết được với tương lai. Thì cái tâm mình nó rộng cỡ Bồ tát Phổ Hiền, mười cái hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền không bao giờ hở sót.
Mình không phải tri ân ông thầy của mình thôi đâu, mình tri ân tất cả Phật giáo, kể cả những vị lặn lội qua sa mạc như ngài Huyền Trang đi lấy kinh về cho mình có mình đọc. Tri ân hết, có ai nói hôm nay là ngày giỗ tổ Hùng Vương đó, thì mình tri ân Tổ Hùng Vương luôn không có Tổ Hùng Vương thì không có Việt Nam này. Thành ra mình tri ân hết, mình càng tri ân bao nhiêu thì cuộc đời mình càng rộng rãi bao la phong phú bấy nhiêu. Giàu có thì cũng dễ chớ không có gì khó hết, còn mình cứ co lại thấy có tôi thôi, ngoài ra không thấy cái gì khác hết thì cuộc đời mình nó eo hẹp lắm.

Mình là con rồng cháu tiên, phải hông? Lạc Long Quân với Âu Cơ, con rồng cháu tiên thầy nghĩ không biết có đúng hay không, rồng là loài mà như ngài Long Thọ là loài rồng đó, truyền thuyết là ngài xuống Long cung để lấy kinh Đại thừa, như kinh Hoa Nghiêm chẳng hạn, thành ra loài rồng là loài hộ pháp rất là thiêng liêng, như Long Thọ là một cây đại thụ của Đại thừa, còn Tiên là ngày xưa người ta nói là Tiên, còn bây giờ nói theo Ấn Độ và Tây Tạng người ta gọi là Dakini, là những vị nữ, dịch ra là: Không hành giả, là những vị đi trong tánh Không, thành ra Rồng Tiên đặt ra nó mang tính chất trí huệ và từ bi nhiều lắm.
Ngoài Bắc có vịnh Hạ Long, là rồng xuống, và để ý địa danh mình Long rất nhiều, như Long Khánh, Long Hải, rồi Long Đất cũng có, sông cũng đặt là Cửu Long, mình có tri ân nổi những vị này hay không, bởi vì máu mình chắc cũng có nhưng sợ mình tri ân không nổi.
Loài rồng là kinh khủng lắm, cỡ như ngài Long Thọ là kinh khủng lắm, Phật giáo chỉ có một thôi, bây giờ Tây nó coi ngài Long Thọ là triết gia lớn nhất của thế giới.

_Xin thầy dạy thêm tri ân từ quá khứ đến hiện tại và từ hiện tại đến tương lai, xin thầy dạy cái cốt lõi của mạng mạch đó.
_Cái mạng mạch không dứt đó chính là Phật tánh, mà mình tu làm sao qua những pháp môn, nói theo những vị Tây Tạng pháp môn chỉ là cái tạm thời thôi, nhưng mà pháp môn đó mình phải đào làm sao cho tới mạng mạch, nghĩa là cái dòng suối nó chảy liên tục, đối với Tây Tạng Tan Tra là dòng tương tục của thanh tịnh, thì mình phải đào làm sao độ thâm nhập của mình càng sâu thì việc làm của mình càng nhiều. Giống như Trọng nói tại sao làm việc nhiều, nhiều là vì nó thâm nhập sâu cho nên nó có đủ trí huệ, có đủ sức, có đủ nguyện lực, có đủ kham nhẫn, có đủ bố thí trong đó thì họ mới làm mạnh được. Còn mình thâm nhập trong đó nó yếu nó gặp một cái trở ngại gì đó là mình bỏ cuộc liền.
Hòa Thượng Tây Tạng ông dạy rất đơn giản, “Mấy ông đi xe đạp, có đạp đinh thì nghĩ một chút rồi vá lại mà đi thôi”. Không bỏ cuộc.
Ông nào ra đời cũng gặp cái nghiệp riêng của mình, cộng nghiệp của cả một dân tộc, cộng nghiệp thì thế nào nó cũng có lúc lủng đinh chớ, lủng đinh thì vá lại mà đi thôi.

Tánh Hải
Kính ghi

968

Lễ Tưởng niệm lần thứ 28 HT. Thích Trí Thủ Viên tịch

Sáng nay 22-3, Lễ tưởng 28 năm ngày Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ viên tịch đã diễn ra trang nghiêm tại Văn phòng 2 TƯGH.Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, Ban Trị sự Phật

18,039
NHẪN

Anh Chánh anh yêu cầu là mình bàn về chủ đề nhẫn. Mà anh có nói trước là đức Thích Ca nhẫn ngồi dưới cội bồ đề bốn mươi chín ngày đêm.Nhẫn

670
LẦM LẪN CỦA Ý THỨC

_Thưa thầy, ở cái vị ngã, cái tôi; nếu mà mình không có cái đó thì mình được nhiều thứ như thầy nói. Mình được cái thầy gọi là nền tảng, nhưng

613
Sức sống và sự phát triển tốt đẹp của xã hội

Sức sống và sự phát triển tốt đẹp của xã hộiKhông ai không muốn xây dựng xã hội mình đang sống thành một xã hội ổn định, có sức sống, phát triển

17,623
Chùa Long Hưng

Chùa Long Hưng Tên thường gọi: Tổ Đỉa. Địa chỉ: xã Tân Định, huyện Bến Cát, Bình Dương. ĐT: 0650 560523. Chùa toạ lạc ở xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh

1,361
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,237
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,675
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,577
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,347
Chùa Việt
Sách Đọc