Tin Tức (680)


MANDALA, KIẾN TRÚC ĐẶC TRƯNG CHÙA TÂY TẠNG BÌNH DƯƠNG

1,104

A- KỸ THUẬT XÂY DỰNG HIỆN ĐẠI VÀ MỸ THUẬT PHẬT GIÁO ĐƯỢC ỨNG DỤNG KẾT HỢP HÀI HÒA TẠO NÊN MỘT KHÔNG GIAN TÂM LINH THANH TỊNH

Năm 1937 sau khi trở về từ Tây Tạng, Hòa Thượng Nhẫn Tế đã khởi công xây dựng chùa theo sự chỉ dẫn của các vị Tổ Sư Tây Tạng, và lấy tên chùa là Tây Tạng để kỷ niệm chuyến hành hương về Ấn Độ và Tây Tạng. Năm 1992, Hòa Thượng Tịch Chiếu, Tổ Sư đời thứ 2, đã cho xây dựng lại chùa. Chùa được kiến trúc theo mô hình Manda-la - Một Đạo tràng thanh tịnh - là nơi lễ bái và tu học cho chư Tăng ni Phật tử.

Nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của chư Tăng ni Phật tử tại địa phương và khắp nơi, qui hoạch xây dựng chùa được thiết kế vừa hiện đại vừa cổ điển. Ngoài khu vực chánh điện dành cho sự lễ bái, quần thể kiến trúc còn có một tòa nhà hiện đại 7 tầng, với 2 tầng ngầm để đậu xe, gần 100 nhà vệ sinh công cộng, giảng đường, thiền đường, thư viện, học viện, và Tăng ni xá để phục vụ cho nhu cầu lễ bái, nghiên cứu và hành trì Đạo Phật. Với công năng đó, hai khối nhà chính đã được kiến trúc theo hình thể như một chiếc Linh và Chày Kim Cang, tượng trưng cho trí tuệ và lòng từ bi của Chư Phật. Ở khía cạnh mỹ thuật, chùa Tây Tạng là nét chấm phá trong một không gian vừa hiện đại vừa cổ kính. Sự kết hợp hài hòa giữa mảng xanh cổ thụ và các khối xây dựng, tạo nên sự cân bằng Âm Dương, chùa như là một bức tranh thủy mặc với nhiều góc nhìn thú vị. Dường như ở góc độ nào, chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp huyền bí cổ kính của chùa. Đây đó từng đàn chim câu bay lượn, từng đàn cá bơi lội trong hồ. Hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi bao bọc xung quanh chùa, tạo cho khách viếng thăm cảm giác an bình rộng lớn.

B- MANDALA – Ý NGHĨA TƯỢNG TRƯNG CHO KIẾN TRÚC CHÙA TÂY TẠNG

1- MANDALA BÊN NGOÀI

Kiến trúc bên ngoài của chùa Tây Tạng được mô phỏng theo đồ hình của tiểu vũ trụ. Ngôi tháp chánh điện như ngọn núi Tu Di.Trên đỉnh tháp có đền thờ Ngũ Trí Như Lai. Tường bao quanh chánh điện là chân núi, là nơi cư trú của Tứ Đại Thiên Vương (xung quanh chánh điện là điện thờ của bốn vị Thiên Vương). Bao quanh chùa còn có các kiến trúc phụ tượng trưng cho bốn châu thiên hạ. Theo Phật giáo, ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) do tâm, các pháp do thức. Sáu cõi luân hồi được hình thành bởi từng ý niệm thiện hay ác. Sự đau khổ trầm luân hay sung sướng hạnh phúc là do bởi sự chấp Ngã và chấp Pháp. Bởi vì thấy có Ngã, nên thấy mình khác với người. Người và ta khác nhau nên phải hơn thua, tranh đấu cho cái của mình. Cũng như thế giới bên ngoài, thế giới bên trong mỗi người cũng vậy. Bởi vì chấp vào thân tâm mình là thật, các Pháp là thật, nên các tánh Tham, Sân, Si, Ngã mạn, Ganh tị cứ nổi lên không ngừng. Đồng thời các đại như Đất, Nước, Gió, Lửa tự hủy diệt lẫn nhau. Khi người làm việc thiện thì Thân Tâm an lạc, tứ đại an hòa. Khi người gây ác nghiệp thì Thân Tâm náo loạn, tứ đại bất an.

Chính vì vậy, khi hành trì Đạo Phật, thay vì cố gắng thay đổi Thế giới bên ngoài, hành giả hướng vào bên trong, thanh tịnh hóa Thân Tâm của mình. Vì vậy thông qua các biểu tượng thanh tịnh của Man-dala ở bên ngoài như chùa, đạo tràng tăng chúng hòa hợp, đàn tràng Mandala của các Bổn Tôn… sự chuyển hóa được thực hiện nhờ vào quá trình thâm nhập vào Mandala,cảnh giới Tịnh độ bên ngoài, kết cục lại là hành trình đi vào bên trong tâm thức để thanh tịnh hóa thân tâm. “Tâm bình thế giới bình”, Tâm thanh tịnh thì Thế giới thanh tịnh, cõi Tịnh độ ở ngay nơi sự uế trược của cõi Ta bà.

2-MANDALA BÊN TRONG

Mandala là biểu tượng của cảnh giới tịnh độ của chư Phật. Đồ hình Mandala

thường có ba lớp, biểu tượng cho ba thân Phật: Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân.

2A- BA THÂN PHẬT

PHÁP THÂN PHẬT là thân thanh tịnh, bổn nhiên, toàn khắp hư không pháp giới. Pháp thân Phật là bổn tâm vô sanh không do tạo tác mà thành.Tâm này bình đẳng ở Phật và chúng sanh, nơi Phật cũng không thêm, ở chúng sanh cũng không hề mất. Trong kiến trúc chùa Tây Tạng, Pháp thân Phật được biểu tượng bởi đỉnh tháp, cũng là tượng trưng cho Đức Phật Bổn Sơ.

BÁO THÂN PHẬT là Thân hoan hỉ, tượng trưng cho lòng từ bi, xuất phát từ Bổn Tâm thanh tịnh, là nguồn năng lượng vô tận để phát ra phương tiện thiện xảo giáo hóa chúng sanh. Biểu tượng của Báo Thân trong kiến trúc chùa Tây Tạng thường được trang trí màu sắc cùng với điện thờ của Ngũ Trí Như Lai bao gồm Tỳ Lô Giá Na Phật (trắng), A Súc Bệ Phật (xanh lam), A Di Đà Phật (đỏ), Bảo Sanh Phật (vàng), Bất Không Thành Tựu Phật (xanh dương).

HÓA THÂN PHẬT là thân xuất phát từ lòng từ bi vô lượng của Báo Thân, ứng hiện vô số Thân phù hợp với căn cơ, phước đức của chúng sanh để giáo hóa chỉ dạy cho ra khỏi luân hồi và thành Phật Đạo. Biểu tượng của Hóa Thân là các khối xây dựng xung quanh chánh điện. Công năng hoạt động của các tòa nhà xung quanh biểu hiện cho sự dấn thân, thâm nhập Pháp giới để làm lợi ích chúng sanh mà không hề tách rời khỏi Pháp Thân thanh tịnh, nơi phát sinh nguồn năng lực vô tận.

Tuy phân biệt làm ba, nhưng thật ra chỉ là MỘT. Ba Thân không hề tách rời nhau, mỗi Thân có vai trò khác nhau, Pháp Thân là Thể, Báo Thân và Hóa Thân là Dụng nhưng không lìa ngoài bản chất thanh tịnh, bổn nhiên và toàn khắp.

Vai trò của người học Đạo trước hết là nhận ra được Ba Thân Phật ở nơi vị Thầy Bổn Sư của mình, sau là nhận ra được Ba Thân Phật chính nơi Bổn Tâm vô sanh của mình.

2B- THAI TẠNG GIỚI VÀ KIM CANG GlỚl - BIỂU TƯỢNG CỦA HAI KHỐI KIẾN TRÚC CHÙA TÂY TẠNG

Dựa trên nguyên lý của Ba Thân Phật và Ngũ Trí Như Lai, hai khối kiến trúc chính trong khuôn viên chùa được xây dựng theo mô hình của chiếc Linh và Chày Kim Cang. Đây là biểu tượng của Thai Tạng Giới và Kim Cang Giới Mandala, trí tuệ và phương tiện của chư Phật.

2B-1 - MANDALA THAI TẠNG GIỚI

Biểu tượng của Thai Tạng Giới là ngôi chánh điện, có hình thể như chiếc linh đang úp xuống. Ngoài ra nó còn có hình dáng như một hoa sen biểu hiện trí tuệ thanh tịnh của chư Phật, có công đức dung chứa, thu nhiếp và sanh ra tất cả pháp. Y như người mẹ mang thai, y như hạt sen được bao bọc trong hoa sen, Thai Tạng Giới Mandala là cảnh giới chỉ ra Phật tánh có sẵn trong mỗi chúng sanh.

Trong Thai Tạng Giới Mandala, Đức Phật Tỳ Lô Giá Na được an vị ở trung tâm trên đỉnh tháp. Bao quanh là bốn vị Phật A Súc Bệ, A Di Đà, Bảo Sanh và Bất Không Thành Tựu, được sắp xếp theo thứ tự Đông, Tây, Nam, Bắc. Bên trong chánh điện là Mandala của Đức Phật Thích Ca và 16 vị đại đệ tử A La Hán. Chánh điện được bài trí theo kiểu một Mandala ba chiều. Nơi trung tâm tháp được để trống và sơn trắng tượng trưng cho Pháp Thân Phật. Hình và tượng Phật trên chánh điện, tượng trưng cho Báo Thân Phật. Bao quanh chánh điện là hình của 16 vị La Hán và đền thờ các Bồ Tát cùng Hộ Pháp, Long Thiên biểu tượng cho Hóa Thân của Phật.

Cũng vậy, khi vào lễ đường, nơi đây chúng ta lại có cơ hội được đi vào một Mandala phụ, đó là Mandala của Đức Phật Thích Ca và 35 vị Phật quá khứ. Nơi đây là Mandala để chư Tăng Ni và Phật tử thực hiện Đạo tràng sám hối mỗi nửa tháng vào ngày 14 và 30 âm lịch nên còn gọi là Mandala Sám hối. Đây cũng là Mandala 3 chiều. Từ dưới nhìn lên chúng ta dễ dàng nhận ra Mandala có 3 lớp tượng trưng cho 3 Thân Phật và ở trung tâm có 5 màu đặc trưng của Ngũ Trí Như Lai. Nghi thức sám hối được thực hiện theo Kinh Nhật tụng, trong đó danh hiệu của 35 vị

Phật cùng Đức Thích Ca Mâu Ni là Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Kim Cang Bất Hoại Phật... Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật. Mục đích của việc lễ lạy sám hối là thanh tịnh hóa thân khẩu ý. Đây là phương pháp thực hành rất phổ biến ở tất cả các thừa của Phật giáo.

Sau khi lễ sám hối, chư Tăng Ni Phật tử được đi nhiễu vòng quanh chùa để lên Mandala của Đức Phật Chuyển Pháp Luân.

Nơi đây chúng ta cũng được lễ lạy và nhiễu quanh tháp. Ngôi tháp được nhiễu quanh, được an vị ở trung tâm, là biểu tượng của vũ trụ gồm núi Tu Di và bốn châu thiên hạ. Hành động nhiễu quanh tháp tượng trưng cho sự cúng dường Phật, thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân. Ý nghĩa của pháp sự cúng dường này là lòng thiết tha dâng hết cả vũ trụ bên ngoài, lẫn bên trong ( thân, khẩu, ý ) cho Tam Bảo và Bổn Sư để thành tựu Phật đạo.

Nơi đây, sự cúng dường Phật còn được thực hiện bởi ngôi tháp chuông có mái hướng ra bốn phía, cùng với đại hồng chung bên trong. Tiếng chuông vang khắp bốn phương mỗi sáng sớm lúc 3 giờ sáng và 6 giờ chiều, như là âm thanh Sư tử Hống, là sự thức tỉnh mạnh mẽ cho mỗi chúng sanh còn si mê chìm đắm trong cõi luân hồi. Tiếng chuông ngân vang cùng với lời cầu nguyện lan tỏa khắp Pháp giới.

Nguyện thử chung thanh siêu Pháp giới,

Thiết vi u ám tất giai vãn,

Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,

Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác

... Vãn chung thinh, phiền não khinh,

Trí tuệ trưởng, Bồ đề sình,

Lỵ địa ngục, thoát hỏa khanh,

Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.

Đi vào Thai Tạng Giới, được tiếp xúc với các Mandala bên trong, đó là một hành trình tâm linh mở đầu của mỗi người Phật tử để đi đến giải thoát. Đầu tiên là sự phát nguyện tu tập và tích lũy công đức bằng sự lễ lạy sám hối, cúng dường chư Phật, trì tụng kinh chú, xưng tán Như Lai. Công đức được tích lũy như nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng tâm nguyện thiện lành. Bồ Đề Tâm được phát ra và trưởng dưỡng nhờ công đức qui y Tam Bảo thâm sâu. Sự thanh tịnh các nghiệp chướng của thân khẩu ý giúp cho hành giả nhận ra chư Phật không đâu xa, mà là ngay nơi mỗi hành động của Thầy Bổn Sư. Phật Tâm có sẵn trong mỗi chúng sanh từ vô thủy, vì mê mờ chạy theo những hư vọng của ngũ dục mà phải trầm luân. Nay như con tìm lại được Cha Mẹ, không còn phải lưu lạc để xin ăn vì biết rằng mình vốn giàu có thực sự. Khi đó mới chợt hiểu ra rằng Phật A Di Đà chính là Diệu Quan Sát Trí, sự chuyển hóa của tâm tham dục, Phật A Súc Bệ chính là Đại Viên Cảnh Trí, sự chuyển hóa của tâm sân hận, Phật Bảo Sanh chính là Bình Đẳng Tánh Trí, sự chuyển hóa của tâm ngã mạn, Phật Bất Không Thành Tựu là Thành Sở Tác Trí, sự chuyển hóa của tâm ganh tị, Phật Tỳ Lô Giá Na là Hư Không Thể Tánh Trí, sự chuyển hóa của tâm si mê thành trí tuệ như hư không bao trùm khắp Pháp giới.

Tức là chúng ta thôi không còn tự ti mặc cảm vì nghiệp chướng sâu dầy. Ở đây chư Phật chỉ dạy cho chúng ta mỗi người đều có khả năng thành Phật vì Phật tánh có sẵn. Chỉ cần chúng ta dừng lại, thôi chạy rong theo những súc tình hư vọng, thì cái năng lượng bị lạm dụng cho mục đích ích kỷ, được chuyển sang năng lượng tích cực của lòng từ bi rộng lớn phổ khắp Pháp giới. Ba Thân Phật chính là sự thanh tịnh thân khẩu ý của chúng ta. Tâm thanh tịnh rộng rãi, nuôi dưỡng lòng từ bi hoan hỉ, tình thương rộng lớn, giúp cho chúng ta có nhiều phương tiện thiện xảo làm lợi ích cho chúng sanh.

KHU NHÀ MỚI TƯỢNG TRƯNG CHO MANDALA KIM CANG GIỚI

Tóm lại, hành trình đi vào Thai Tạng Giới là sự phát khởi Bồ Đề Tâm, hành Bồ Tát đạo. Là sự trở về với Chân Như Phật Tánh, trở về với Bổn Tâm thanh tịnh, vô sanh, không do tạo tác. Ví như người nông dân gieo hạt giống, hành giả thực hành Đạo cũng gieo hạt giống Bồ đề. Mỗi hành động của thân khẩu ý được hướng cho sự thanh tịnh khắp Pháp giới. Như lời dạy của Đức Bổn Sư Thích Ca: «Tất cả là MỘT». Đó chính là hạt giống Bồ đề đã nảy mầm. Đó chính là thể Tánh không sai biệt của các Pháp. Các pháp tướng khác nhau sai biệt muôn màu, nhưng đều cùng MỘT thể Tánh. Y như nước và tánh ướt, nước các loại tuy khác, nhưng đều cùng MỘT tánh ướt.

2B-2- MANDALA KIM CANG GIỚI

Tòa nhà hình khối chữ nhật 5 tầng có dáng như chiếc chày Kim Cang 5 cạnh đặt nằm ngang. Nó được cấu trúc như một Mandala Kim Cang Giới. Mỗi tầng lầu tượng trưng cho một Mandala của mỗi vị Phật trong Ngũ Trí Như Lai.

Tầng thượng là Mandala của Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai và thị giả là Phổ Hiền Bồ Tát. Bánh xe Pháp luân và sắc trắng là biểu tượng của Phật, cũng tượng trưng bộ Phật, gia đình của những chúng sanh nặng nghiệp si mê. Đức Tỳ Lô tượng trưng cho sự chuyển hóa của Thức uẩn, Không đại, và sự Vô minh thành Hư Không Thể Tánh Trí.

Tầng một là Mandala của Đức A Di Đà Như Lai, thị giả của Phật là Quan Thế Âm Bồ Tát. Hoa sen đỏ là biểu tượng của Đức Phật, và cũng là biểu tượng của bộ Liên Hoa, là gia đình Phật của những chúng sanh nặng nghiệp tham dục. A Di Đà Phật tượng trưng cho sự chuyển hóa Tưởng uẩn, Hỏa đại, và tánh tham dục thành Diệu Quan Sát Trí.

Tầng hai là Mandala của Đức Bảo Sanh Như Lai với thị giả chính là Địa Tạng Bồ Tát. Như Ý châu và sắc vàng là biểu tượng của Đức Phật, và cũng là biểu tượng của bộ Bảo Châu, là gia đình Phật của những chúng sanh có nhiều nghiệp ngã mạn. Đức Bảo Sanh Phật tượng trưng cho sự chuyển hóa của Thọ uẩn, Địa đại và tánh ngã mạn thành Bình Đẳng Tánh Trí.

Tầng ba là Mandala của Đức Bất Không Thành Tựu Như Lai, với thị giả là Bảo Thủ Bồ Tát. Chày Kim Cang đôi (hoặc kiếm) và sắc xanh dương là biểu tượng của Đức Phật, và cũng là biểu tượng của bộ Hành động (nghiệp bộ), là gia đình Phật của những chúng sanh nặng tánh ganh tị, đố kỵ. Phật Bất Không Thành Tựu tượng trưng cho sự chuyển hóa Hành uẩn, Không đại, tánh ganh tị tật đố thành Thành Sở Tác Trí.

Tầng bốn là Mandala của Đức A Súc Bệ Phật, với thị giả là Đại Thế Chí Bồ Tát. Chày Kim Cang và sắc xanh lam là biểu tượng của Đức Phật và cũng là biểu tượng của bộ Kim Cang, là gia đình Phật của những chúng sanh có nhiều sân hận. Đức A Súc Bệ Phật tượng trưng cho sự chuyển hóa Sắc uẩn, Thủy đại, tánh sân hận thành Đại Viên Cảnh Trí.

THÂM NHẬP KIM CANG GIỚI MANDALA

Hành trình tâm linh của chúng ta chưa chấm dứt khi còn chưa đi vào Mandala Kim Cang Giới. Ví như một đứa trẻ mới trưởng thành, sự cứng cáp và kinh nghiệm sống cần được trui rèn. Bồ Đề Tâm nguyện của chúng ta vừa phát khởi, cần được tiếp tục trưởng dưỡng để vượt qua những chướng ngại vi tế của Thân và Tâm.

Nếu như ở Thai Tạng Giới Mandala, hành giả nhận ra được sự không khácbiệt giữa các Pháp. Đức tính khiêm hạ rộng lượng được biểu hiện qua các hoạt động sống. Trong khi đó, đi vào Kim Cang Giới Mandala, quá trình thâm nhập pháp giới làm lợi ích chúng sanh giúp cho Bồ Đề Tâm kiên cố hơn. Hành giả càng tự tin hơn ở bổn tâm thanh tịnh vốn sẵn có từ vô thủy, không phải tạo tác tìm cầu mà được. Tánh không lay động như Kim Cang được phát triển đồng thời với lòng tự tin và lòng thiết tha tin tưởng ở Tam Bảo.

Bước vào Kim Cang Giới, như lời của Đức Bổn Sư Thích Ca dạy rằng : «Tất cả là Một, Một là tất cả». Đó là hành trình «xứng tánh tác Phật sự, phổ huân chư chúng sanh, giai phát Bồ Đề Tâm, viễn ly chư vọng nghiệp, viên thành vô thượng Đạo». Đó là sự thâm nhập Pháp giới, lấy Bồ Tát Hạnh để giáo hóa chúng sanh, lấy Tâm Kim Cang bất động mà làm chỗ dựa. Đó là sự ứng hiện phương tiện thiện xảo phù hợp với căn tánh của chúng sanh để làm lợi ích cho họ.

Ở Thai Tạng Giới, quá trình tích lũy công đức bằng sự lợi ích cho chúng sanh, cùng với sự phát khởi Bồ Đề Tâm của hành giả, có thể được ví như đang đi vào chiều rộng, ở Kim Cang Giới, nhờ vào phương tiện thiện xảo, hành giả có thể được ví như đang đi vào chiều sâu.Tuy vậy, sự sâu và rộng không thể nào tồn tại một cách độc lập. Chính chiều sâu cũng là chiều rộng và ngược lại. Hạt giống và quả Bồ đề không phải hai mà cũng không phải một. Cả hai được nuôi dưỡng bởi công đức không giới hạn. Cũng vậy, trí tuệ và phương tiện tuy hai nhưng thật là Một. Sự rộng khắp Pháp giới không có giới hạn cũng chính là sự rỗng không thanh tịnh sáng tỏ không do tạo tác.

Ví như gương soi trong sáng, hiện rõ ảnh của mọi vật chiếu soi mà không lệch lạc hình ảnh cũng như không mất sự chiếu soi. Gương trong sạch thì sự chiếu soi càng rõ ràng. Công năng chiếu soi, sáng tỏ phân biệt rõ ràng của gương được phát huy mạnh mẽ khi gương được lau chùi sạch sẽ khỏi những bụi dơ. Sự trong sáng và công dụng chiếu soi của gương cũng ví như đặc tính thanh tịnh sáng tỏ và toàn khắp của Trí tuệ và Phương tiện thiện xảo, tuy hai nhưng chỉ là Một. Đại Bảo tháp trên tầng 5 là trung tâm của Kim Cang Giới. Trung tâm tháp là điện thờ Đức Tỳ Lô Giá Na cùng với Mandala của chủng tự OM. Tầng 2 là điện thờ bốn vị Như Lai cùng với Mandala của chủng tự AH. Tầng trệt của tháp là điện thờ bốn Đại Bồ Tát cùng với Mandala của chủng tự HUM.

Ba Mandala Om Ah Hum là tượng trưng cho thân khẩu ý của Phật, tương ưng với Ba thân của Phật. Đây chính là biểu tượng của sự không tách rời của Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Chư Phật.

Cũng vậy, khi chúng ta lên đến Đại tháp, hành động chiêm ngưỡng, cúng dường Bảo tháp là tượng trưng cho hành trình tu tập của mỗi chúng ta từ lúc khởi đầu cho đến khi thành Phật. Suốt quá trình, Đức Phật chỉ ra cho chúng ta rõ ràng về con đường tu tập. Phương pháp thực hành thì vô số, nhưng tất cả đều quy tựu bởi sự hợp nhất của ba chủng tự OM, AH, HUM.

Như lời dạy của Đức Garchen Rinpoche: «OM là tượng trưng cho thân Kim Cương, là sự kết hợp giữa hình tướng và tánh Không. AH là tượng trưng cho khẩu Kim Cương, là sự kết hợp giữa âm thanh và tánh Không. HUM tượng trưng cho ý Kim Cương, là sự kết hợp giữa Giác tánh quang minh và Tánh Không. Khi không có sự bám luyến vào hình tướng qua sự phóng tâm thì đây là sự kết hợp giữa hình tướng và tánh Không. Hình tướng tiếp tục khởi hiện và được nhìn thấy, tuy nhiên không có sự bám luyến vào thực tại của hình tướng. Khi nơi tâm không có sự bám luyến vào âm thanh qua sự phóng tâm thì đây là sự kết hợp giữa âm thanh và tánh Không. Âm thanh tiếp tục được nghe thấy, tuy nhiên không có sự bám luyến vào thực tại của âm thanh. Nếu tâm thức không bám luyến vào cả hình tướng lẫn âm thanh thì tâm ấy sẽ an trú tự nhiên trong sự kết hợp giữa Giác Tánh quang minh và Tánh Không, và như thế sẽ không bám luyến vào các ý niệm sinh khởi. Tam Mật được dung nhiếp trong ý Kim Cương».

Tới đây chúng ta mới thấy rằng, Mandala chính là trạng thái của Tâm không sợ hãi và toàn khắp. Vì không sợ hãi, nên không có nghi ngờ, vì không nghi ngờ, nên có thể hợp nhất được hai trạng thái cực đoan. Cái khác nhau trong thế giới này, cũng như trong thân tâm của mỗi người có thể được hợp lại mà không thấy mâu thuẫn. Sự hành trì Đạo Phật lúc này không chỉ riêng ở một pháp môn hay lãnh vực nào. Ngược lại, hành giả có thể thực hành ở mọi nơi, mọi lúc. Tất cả sinh hoạt hàng ngày đều có thể được chuyển thành phương pháp hành trì. Các trạng thái cực đoan vi tế được chuyển thành những Mandala thanh tịnh. Từ sự thanh tịnh, bổn nhiên, toàn khắp của mỗi Mandala mà các tính khác biệt chấp ngã lúc trước nay có thể gặp nhau, hòa trộn lẫn nhau.

Sự hợp nhất của hai đại Mandala là biểu tượng cho kết quả của sự hành trì miên mật, tha thiết không còn thấy mình và người, chính sự hợp nhất đó phát sinh ra trí tuệ giải thoát được biểu tượng bởi ngọn lửa ở trên đỉnh của Bảo Tháp.

KẾT LUẬN

Kiến trúc chùa Tây Tạng Bình Dương mặc dù phân chia ra hai Mandala chính, nhưng thực chất chỉ là MỘT. Như hai cánh của chim, hai Mandala tượng trưng cho Trí tuệ và Từ bi của Chư Phật không bao giờ tách rời. Đó cũng là tánh bất nhị của hai sự thật tương đối và tuyệt đối, giữa Thể và Dụng, giữa Định và Huệ, giữa Tánh Không và Đại lạc. Đó cũng là sự bất khả phân giữa Pháp Thân và ứng Hóa thân của Phật, cũng như sự không tách rời của ba chủng tự OM AH HUM.

Mandala là lối kiến trúc đặc trưng của Chùa Tây Tạng Bình Dương. Mô hình chùa được xây dựng theo cách hướng tâm, mỗi cấu trúc cơ bản đều có 3 lớp tượng trưng 3 thân Phật, và 5 màu biểu tượng của Ngũ Trí Như Lai. Nhìn tổng thể, chùa như là môt đại Mandala của Phật Tỳ Lô Giá Na, bên trong là vô số Mandala. Mỗi Mandala đều có cùng biểu hiện của Ba Thân và Ngũ Trí. Tất cả đều mang ý nghĩa của cõi Phật thanh tịnh. Trong một cõi Phật có vô số cõi Phật. Vô số cõi Phật đều hóa hiện từ một cõi Phật.

Phương cách quy hoạch của chùa là điển hình của sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và cổ điển. Lối xây dựng đơn giản nhưng đồng nhất. Các yếu tố tâm linh mang ý nghĩa sâu xa được khéo léo ứng dụng và mô tả qua các mô hình xây dựng và cách trang trí.

Điều đó làm cho người Phật tử vào chùa như được đi vào cõi tịnh độ của Chư Phật. Hành trình đi vào Mandala bên ngoài sâu bao nhiêu thì sự thâm nhập vào Mandala bên trong sâu bấy nhiêu. Sự gắn bó thiết tha với Tam Bảo bên ngoài luôn đồng thời với tâm thiết tha với Tam Bảo bên trong. Như vậy, mối liên hệ giữa đệ tử và Bổn Sư càng ngày càng sâu sắc. Lòng thiết tha cúng dường thân khẩu ý cho Bổn Sư, cũng chính là lúc người học đạo nhận ra được hóa hiện của Chư Phật là Bổn Sư của mình.

Từ đó Tịnh độ thật sự là ở ngay nơi Bổn Tâm thanh tịnh sẵn có của mỗi người, Ba thân Phật chính là sự thanh tịnh của thân khẩu ý của chúng ta. Ngũ Trí Như Lai là lòng từ bi, năng lượng vô tận tạo ra phương tiện thiện xảo, đem lại sự an vui lợi ích cho mọi loài xung quanh.

Chùa Tây Tạng Bình Dương, được chúng đệ tử đời thứ 3 xây dựng thành tựu là nhờ vào ơn dạy dỗ của Hòa Thượng Bổn Sư Thượng Tịch Hạ Chiếu cùng với sự hộ trì của chư Phật Bồ Tát, chư Tôn Hộ Pháp và Lịch Đại Tổ Sư.

Hai tòa kiến trúc dù được gọi là 2 Đại Mandala, tên của nó được dựa trên ý nghĩa của danh xưng của Tổ Sư khai sơn chùa, Thubten Osell (Pháp danh được Quốc vương Nhiếp Chính Tây Tạng Retting Rin - poche ban).

Thubten là Tánh Kim Cang bất động chuyển, Osell là sự chiếu sáng của Trí Huệ. Osell là Thai Tạng Mandala, Thubten là Kim Cang Giới Mandala. Tánh Kim Cang bất động chuyển cũng chính là sự chiếu sáng vô tận của mặt trời trí huệ và ngược lại.

Mặc dù được xây dựng trải qua nhiều năm, với biết bao sự thành tâm hộ trì của chư vị, chùa được xây dựng thành tựu không ngoài mục đích là nơi hành trì Phật Đạo cho tất cả mọi người. Là nơi chúng ta tìm thấy sự an lạc trong cuộc sống đầy âu lo này, là nơi chúng ta tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống và giá trị thật sự bản thân của chúng ta. Là nơi mà khi đến đó, chúng ta thấy được ngôi chùa thật sự ở trong mỗi con người. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có dạy: «Đại bảo tháp Giác Ngộ của Bồ đề đạo tràng là nơi mà mỗi chúng ta sẽ nhận được sự gia hộ khi đi hành hương, nhưng bảo tháp thật sự là ở trong Tâm của mỗi người».

Đó chính thật là ý nghĩa của Mandala và cũng là kiến trúc Chùa Tây Tạng Bình Dương.

Thích Thiện Ẩn

Nguồn Chùa Tây Tạng Bình DươngSaveave

Save

Save

Save

1,104

KHÔNG CẦN PHẢI BÁC BỎ, VÌ TẤT CẢ ĐỀU LÀ PHÁP TÁNH - PADMASAMBHAVA

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm then chốt nào giải thích những đối tượng được kinh nghiệm không cần phải bác bỏ như thế nào?Đạo sư trả lời: Ở đây ta

1,220
Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tròn 76 tuổi hôm Thứ Tư 6-7-2011 *

MỘT THẾ GIỚI TỪ BIĐức Đạt Lai Lạt Ma vừa tròn 76 tuổi hôm Thứ Tư 6-7-2011 *, một ngày cũng là khởi đầu cho một loạt buổi thuyết giảng, truyền pháp và

20,846
CÁI BIẾT ĐƠN THUẦN

_Thưa thầy cho con hỏi, con đọc được sách của ngài Padmasambhava có nói cái biết đơn thuần là Pháp thân. Như vậy cái biết đơn thuần chính là nền tảng, con

595
Nổi giận

Bạn có thể thấy gia đình bạn như một vị đạo sư tâm linh vĩ đại. Đây là những gì Đức Phật đã nói: người mà bạn gọi là kẻ thù, người

11,541
Thánh điện Potala - "Kỳ quan mới" của Thế giới

Lâu đài Potala - "Kỳ quan mới" của Thế giới  Quần thể Thánh điện Potala ở Lhasa, thủ phủ của cao nguyên Tây Tạng, được tạp chí USA Today và chương trình

18,471
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,237
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,675
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,577
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,347
Chùa Việt
Sách Đọc